Làm giàu bằng mô hình nuôi cá trắm thương phẩm của chàng trai Thanh niên Công giáo
Đó là mô hình của anh Phùng Văn Công, sinh năm 18.6.1987 tại thôn Phượng Lâm, xã Văn Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đem lại cho nguồn thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ năm 2020, khi biết đến chủ trương khuyến khích, vận động thanh niên chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình trang trại, chăn nuôi tổng hợp, nuôi trồng thủy sản do Huyện đoàn Nho Quan triển khai, anh Phùng Văn Công đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn đấu thầu hơn 4ha ruộng trũng để xây dựng mô hình kinh tế mới, kết hợp giữa nuôi cá truyền thống và nuôi tôm càng xanh. Mạo hiểm làm giàu để ổn định kinh tế gia đình, anh Công mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ Thanh niên phát triển kinh tế để kè ao, mua con giống.
Những năm đầu mới bắt tay vào làm, do thiếu vốn và không nắm được nhu cầu của thị trường cũng như kỹ thuật chăn nuôi nên anh Công gặp không ít khó khăn. Để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi, anh thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tích cực tham gia, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Ninh Bình do Huyện đoàn Nho Quan tổ chức cho đi thăm học tập.
Ngoài thức ăn được xem là quan trọng thì vấn đề ao hồ cũng cần được quan tâm hàng đầu, nếu môi trường nuôi không bảo đảm sạch sẽ thì dễ gây bệnh cho cá, để áp dụng thành công mô hình này, cần tuân thủ đúng quy trình xử lý môi trường ao nuôi. Trước hết, khâu tẩy dọn ao phải làm thật tốt. Chuẩn bị ao theo các bước: Tát cạn, vét bớt bùn, rắc vôi, phơi ao, bón lót cho ao phân chuồng hoai mục và phân xanh rồi mới cho nước vào.
Nước cấp vào ao cần được lọc qua đăng hoặc qua lưới để loại trừ các loài cá dữ hay cá tạp lọt vào ao. Để giữ cho nguồn nước của ao không bị ô nhiễm phải thường xuyên vớt các phần thức ăn dư thừa hằng ngày để giữ sạch cho nước. Khi có biểu hiện không tốt về môi trường cần kịp thời xử lý bằng vôi bột hoặc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học được phép của ngành NN và PTNT.
Nhờ phương pháp nuôi khoa học và cẩn thận, mô hình anh Công dần phát triển vượt trội và trở thành một trong những điển hình tiêu biểu trên địa bàn xã, huyện Nho Quan. Do mỗi năm lại tái đầu tư mở rộng nên đến nay, diện tích mô hình nhà anh Công đã lên tới hơn 4 mẫu, được chia làm nhiều khu để nuôi cá và tôm càng xanh.
Ước tính, cân nặng trung bình của cá trắm ốc đạt từ 3 đến 15kg/con với giá dao động từ 150 đến 250 nghìn đồng/kg; cá trắm cỏ và trắm đen dao động từ 3 đến 5kg/con cũng đạt mức giá ổn định từ 50 đến 150 nghìn đồng/kg. Với quy mô nuôi khá lớn, năm nào trang trại cũng xuất gần 3 tấn cá ra thị trường, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình.
“Mô hình nuôi cá trắm thương phẩm và tôm càng xanh của gia đình anh Công là một trong những mô hình được nhiều Thanh niên đến thăm quan và học tập. Nhờ biết tận dụng diện tích, nuôi khoa học mà chất lượng cá tăng cao đem lại hiểu quả kinh tế lớn. Là một trong những mô hình đang khuyến khích cho thanh niên để tăng thu nhập, làm giầu chính đáng tại địa phương, ổn định cuộc sống”.
Ngọc Khang