Với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén về khoa học công nghệ và sự nhiệt huyết, tuổi trẻ Ninh Bình đã và đang là lực lượng đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS), góp phần quan trọng thay đổi tư duy và nhận thức của người dân về CĐS. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có buổi trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn.
Đồng chí Đỗ Việt Anh, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các đại biểu thực hiện thao tác quét mã QR để kiểm tra các thông tin được số hóa tại Di tích lịch sử và danh thắng núi Non Nước. Ảnh: Kiều Ân
Phóng viên: Những năm qua, tuổi trẻ Ninh Bình đã có những hoạt động nào nhằm phát huy tính tiền phong trong công tác CĐS, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đức Hiệp: Với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên", đoàn viên, thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt, tích cực, tiên phong trong mọi hoạt động, trên tất cả các lĩnh vực. Đối với công tác CĐS, các cấp bộ Đoàn xác định, tuổi trẻ phải là lực lượng tiên phong trong tổ chức thực hiện, bởi tuổi trẻ có lợi thế về sức khỏe, sự nhanh nhạy, khả năng tiếp cận và thích nghi nhanh với công nghệ, các xu hướng mới, hiện đại. Mặt khác, một bộ phận tuổi trẻ được đào tạo trong các chuyên ngành về công nghệ thông tin, công nghệ sản xuất tiên tiến... Đây là những yếu tố quan trọng để tuổi trẻ bắt nhịp nhanh với xu thế CĐS và trở thành đội ngũ tuyên truyền viên đắc lực giúp người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội tham gia vào quá trình CĐS.
Phát huy những lợi thế của tuổi trẻ, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về CĐS, những năm gần đây, các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Nổi bật nhất là việc thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện công nghệ số, cùng phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng để "đi từng ngõ, gõ từng nhà" hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện dịch vụ công trực tuyến...
Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng PC-COVID-19 cũng như tạo mã QR để tiện lợi khi khai báo y tế. Phối hợp với ngành Y tế trong việc nhập liệu của người được lấy mẫu xét nghiệm và lưu vào hệ thống để hỗ trợ ngành chức năng nắm bắt nhanh thông tin, hỗ trợ hoạt động truy vết và xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cũng trong thời điểm này, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn ứng dụng công nghệ số vào họp trực tuyến, sinh hoạt chi đoàn, quản lý đoàn viên bằng phần mềm. Bằng hình thức này, Tỉnh đoàn đã kịp thời chỉ đạo, quản lý các cơ sở đoàn và lực lượng tình nguyện viên thực hiện nhiệm vụ một cách thuận lợi hơn. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức đoàn trong toàn tỉnh.
Từ giữa năm 2022 đến nay, khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các cấp bộ Đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đẩy mạnh tuyên truyền về xu hướng CĐS, trong đó tập trung vào thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp chặt chẽ với các quỹ tín dụng, ngân hàng hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh đến đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân, hộ kinh doanh... nhằm từng bước hình thành thói quen thanh toán các khoản chi phí qua công nghệ số.
Cùng với đó là việc triển khai có hiệu quả và nhân rộng các mô hình Thư viện số, Điểm wifi công cộng tại các nhà văn hóa thôn, xóm trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện mô hình số hóa các địa chỉ đỏ trong tuyên truyền quảng bá các di tích lịch sử văn hóa và du lịch đem đến hiệu quả kinh tế là tiết kiệm được kinh phí trong việc tuyên truyền, quảng bá du lịch tại các điểm di tích; hiệu quả về mặt xã hội đó là đem đến cho người dân, khách du lịch nhiều hơn những thông tin về điểm du lịch và những trải nghiệm mới, cách tiếp cận mới về quảng bá du lịch trong xu thế thời đại công nghệ mới. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số vào các mô hình kinh tế khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên...
Có thể thấy một ví dụ nổi bật nhất về công tác CĐS đã và đang được các cấp bộ Đoàn tích cực thực hiện chính là sự kiện Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp nhiệm kỳ 2022-2027. Tại Đại hội cấp tỉnh đã sử dụng công cụ FaceID để điểm danh đại biểu; quét mã QR để nhận link văn kiện Đại hội; trưng bày sản phẩm của thanh niên trên không gian ảo... Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đoàn trong tỉnh, tuổi trẻ Ninh Bình đã và đang nỗ lực tối đa sức trẻ để ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn cuộc sống.
Công trình Wifi công cộng và Thư viện số tại xóm 4, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn. Ảnh: Minh Hải
Phóng viên: Tháng 3 - Tháng Thanh niên năm nay có chủ đề là: Tuổi trẻ Ninh Bình tiên phong chuyển đổi số. Xin đồng chí cho biết một số kết quả của Tháng Thanh niên tính đến thời điểm này?
Đồng chí Nguyễn Đức Hiệp: Bên cạnh duy trì và thực hiện có hiệu quả các hoạt động tình nguyện thường niên như góp sức xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội... trong Tháng Thanh niên năm nay, tuổi trẻ Ninh Bình đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người dân về CĐS. Sau 3 tuần triển khai, tuổi trẻ toàn tỉnh đã thực hiện gần 900 công trình, phần việc với tổng giá trị làm lợi gần 3 tỷ đồng.
Trong đó Đoàn, Hội đã tổ chức gần 100 hoạt động CĐS với gần 50.000 người dân được tiếp cận, thụ hưởng các hoạt động. Cụ thể, Tỉnh đoàn tổ chức hội nghị tập huấn chuyển đổi số cộng đồng gồm 8 điểm cầu (1 điểm cầu cấp tỉnh và 7 điểm cầu cấp huyện) cho hơn 1.100 cán bộ đoàn các cấp phục vụ chuyển đổi số cộng đồng. Từ đó hình thành các Đội thanh niên xung kích công nghệ số cộng đồng với gần 3.000 lượt tình nguyện viên trực tiếp hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng.
Ra mắt các công trình thanh niên "Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử-văn hóa" tại các địa điểm: núi Dục Thúy và đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, thành phố Ninh Bình; tại địa bàn xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan; tại di tích lịch sử quốc gia Đền Nguyễn Công Trứ, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn. Triển khai 9 công trình thanh niên lắp đặt wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn, xóm và 3 công trình Thư viện số.
Phóng viên: Có thể thấy, tuổi trẻ tỉnh nhà đã và đang triển khai rất nhiều công trình, phần việc về CĐS. Vậy trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn nhận thấy những thuận lợi và khó khăn nào?
Đồng chí Nguyễn Đức Hiệp: Bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn cũng nhận được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn. Các cấp bộ Đoàn cũng chủ động, tích cực triển khai các hoạt động, chương trình thiết thực, hiệu quả do Tỉnh đoàn phát động. Cùng với đó là sự chủ động, nhiệt huyết tham gia của các bạn đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Lực lượng đoàn viên, thanh niên ở một số địa phương còn rất ít, chủ yếu là các em học sinh, lực lượng thanh niên chủ yếu đi làm ăn xa nên hiệu quả hoạt động Đoàn nói chung, hoạt động CĐS nói riêng còn hạn chế. Một bộ phận đoàn viên, thanh niên chưa chủ động, tích cực trong hoạt động CĐS, do tư duy ngại việc mới, việc khó. Bên cạnh đó là số ít đoàn viên, thanh niên chưa đủ năng lực số, dẫn đến việc hỗ trợ người dân về CĐS kém hiệu quả.
Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục tuyên truyền, tập huấn; tăng cường phối hợp các đơn vị viễn thông để đoàn viên, thanh niên được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số để nâng cao năng lực số cho cán bộ Đoàn các cấp.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!