Thành phố Ninh Bình: Đề án 06 góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện

Thứ Bảy, 18/11/2023

Sau hơn 1 năm triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.

Thành phố Ninh Bình: Đề án 06 góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện

Đăng ký, kích hoạt ứng dụng VneID cho công dân tại Công an xã Ninh Tiến.

Để đảm bảo 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn thành phố cài đặt, đăng ký, kích hoạt ứng dụng VneID gồm 2 mức (mức 1 là thực hiện trực tiếp trên thiết bị cá nhân; mức 2 là đến trụ sở tiếp dân của Công an xã, phường, thị trấn; nơi tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD của Công an huyện, thành phố để thực hiện), thời gian qua, Tổ công tác triển khai Đề án 06 thành phố Ninh Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền về định danh điện tử, hướng dẫn công dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng ứng dụng VNeID; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của ứng dụng VNeID đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, hình thành công dân số, tạo sự đồng thuận tham gia, sử dụng ứng dụng VNeID phổ biến trong các giao dịch hàng ngày. 

Cùng với đó, huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 các cấp, đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, người am hiểu về ứng dụng công nghệ thông tin. 

Phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân trong việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn công dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng bộ, thống nhất từ cấp thành phố, cấp xã đến từng tổ dân phố, thôn, xóm. Hình thức tuyên truyền và hướng dẫn công dân thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn dân cư, từng đối tượng.

Thượng tá Thịnh Đức Tùng, Phó Trưởng Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Sau hơn 1 năm triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí và thời gian cho nhân dân; đồng thời góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các dịch vụ công triển khai đã tạo thuận lợi cho công dân khi tham gia thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt các dịch vụ công mức độ 4 đã tạo được niềm tin và hưởng ứng từ nhân dân. 

Đối với việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, đến nay, thành phố Ninh Bình đã tái cấu trúc, thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với 15/15 dịch vụ thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó có nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết thực được người dân đón nhận như đăng ký xe, các thủ tục về cư trú...

Về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích, hiện Công an thành phố Ninh Bình đã cấp 100% thẻ căn cước công dân cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, tổ chức thu nhận và kích hoạt thành công trên 78 nghìn tài khoản định danh điện tử cho công dân. Triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Đề án; khai thác tiện ích của thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử thông qua quét mã QR, tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. 

Thành phố Ninh Bình Đề án 06 góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện

Cán bộ Công an phường Nam Thành hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID.

 

Cũng theo đồng chí Phó Trưởng Công an thành phố Ninh Bình, xác định Đề án 06 là "linh hồn" của chuyển đổi số, do đó, Công an thành phố với vai trò là cơ quan thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã rà soát, nhận diện các vướng mắc, điểm nghẽn để có giải pháp một cách cụ thể, phù hợp, như: Tham mưu cho UBND thành phố giao chỉ tiêu thực hiện cho từng phòng, ban, đơn vị, UBND phường, xã và việc thực hiện chỉ tiêu phải thực sự đồng bộ. 

Nghiêm túc quán triệt thực hiện các Chỉ thị của cấp trên về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023 và những năm tiếp theo. 

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, thay đổi thói quen cho mọi người từ trực tiếp sang trực tuyến, góp phần quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết, tính cấp thiết và lợi ích mang lại từ kết quả thực hiện Đề án 06. Duy trì dữ liệu dân cư bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống" (thông tin đưa vào cơ sở dữ liệu phải đầy đủ, chính xác, được bổ sung, cập nhật thường xuyên). Khuyến khích người dân sử dụng các tiện ích của thẻ căn cước công dân, sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công trực tuyến.

Thực hiện tốt, đúng lộ trình việc số hóa hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính, phục vụ tốt công tác cải cách hành chính, tái sử dụng các bản lưu trữ giấy tờ, đảm bảo công dân chỉ phải xuất trình giấy tờ 1 lần với các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính của nhà nước... Tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng và số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ kết nối, chia sẻ, tái sử dụng.

Liên kết website