Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học

Chủ Nhật, 08/10/2023

Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, khi thực hiện các khoản thu, chi trong các nhà trường. Qua đó tạo sự minh bạch, công khai, tiến tới số hóa trường học, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành.

Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học

Lãnh đạo trường Tiểu học Trần Phú xem xét, ký duyệt các hoạt động giáo dục trên các phần mềm của ngành.

Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Tam Điệp) năm học 2023-2024 có trên 1.500 học sinh ở 36 lớp. Những năm học trước, mỗi khi thu các khoản phí và dịch vụ phục vụ dạy và học, như học buổi 2; ăn bán trú; vệ sinh trường, lớp; các quỹ được phép thu theo quy định tại trường học, hoặc các hoạt động phối hợp tổ chức ngoại khóa... phần lớn được triển khai và thu bằng tiền mặt, do đó mất khá nhiều thời gian của giáo viên chủ nhiệm trong việc thu nộp, kiểm đếm số tiền đưa, nhận, nhiều khi còn xảy ra tình trạng nhầm lẫn, thừa thiếu, gây khó khăn, vất vả cho người thu và người nộp.

Cô giáo Đỗ Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Tam Điệp) cho biết: Để triển khai thực hiện việc thanh toán các khoản thu trong nhà trường không dùng tiền mặt, ngay từ đầu năm học, thông qua các cuộc họp giữa nhà trường với Ban đại diện phụ huynh học sinh, thông qua cô giáo chủ nhiệm trong các cuộc họp với phụ huynh học sinh cũng như trao đổi trên các nhóm của lớp, của trường, Nhà trường đã triển khai cụ thể, chi tiết chủ trương của ngành Giáo dục đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích các phụ huynh thực hiện hình thức nộp các khoản thu qua tài khoản.

Với việc tích cực tuyên truyền, nhận thấy sự tiện lợi của hình thức không dùng tiền mặt, năm học 2023-2024, tại Trường Tiểu học Trần Phú, đã có trên 70% phụ huynh học sinh thực hiện quy định này. Nhà trường cũng vẫn thực hiện song song hình thức thu bằng tiền mặt đối với những phụ huynh chưa đăng ký sử dụng thẻ ngân hàng hoặc không sử dụng các dịch vụ chuyển tiền theo hình thức online. 

Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện việc thanh toán các khoản thu không dùng tiền mặt, cho thấy hiệu quả rất thiết thực với cả phụ huynh, giáo viên và nhà trường, nhận được sự ủng hộ cao và thực hiện nghiêm túc của phụ huynh học sinh, góp phần công khai, minh bạch các khoản thu, cũng như đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của ngành Giáo dục...

Thay đổi thói quen nộp học phí và các khoản đóng góp từ trực tiếp sang sử dụng công nghệ số là xu hướng tất yếu của xã hội và nhận được sự đồng thuận của hầu hết phụ huynh học sinh. Chị Trần Thị Mỹ Hà, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Trước khi nộp các khoản thu, chúng tôi được họp phụ huynh thông báo rõ ràng các khoản chi phí cần phải nộp. Sau đó, các khoản thu cũng được giáo viên chủ nhiệm gửi trên nhóm lớp, tổng số tiền của từng học sinh, để các phụ huynh nộp và đối chiếu với các khoản mà mình phải nộp cho con... Ở lớp con tôi, đã có 48/50 người thực hiện nộp qua tài khoản và chỉ trong 1 -2 ngày là hoàn thiện cho giáo viên chủ nhiệm.

Theo nhiều giáo viên chủ nhiệm, việc thanh toán qua tài khoản không dùng tiền mặt đã tạo thuận lợi rất lớn cho mỗi giáo viên. Trước đây, khi nhận tiền mặt, giáo viên phải ghi chép tên, số tiền, rồi về nhà đối chiếu lại với từng em, để khớp số tiền phải thu, nhiều khi phải cầm số tiền lớn cũng không an toàn. 

Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại rất nhiều lợi ích, như: giúp tiết kiệm thời gian, không cần làm thủ công về công tác đối soát, kiểm tra tiền học phí, tiền đóng góp của học sinh... Tất cả đều được thực hiện tự động, giúp giảm rủi ro phát sinh trong các giao dịch tiền mặt như thừa thiếu, nhầm lẫn, tiền giả, rách hỏng...

Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học

Hiện nay, các giáo viên đều sử dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và học tập. (Trong ảnh: Giáo viên trường THCS Quang Trung (thành phố Tam Điệp) sử dụng máy tính để soạn bài, cập nhật các khoản thu không dùng tiền mặt cho học sinh).

 

Tuy nhiên, thực tế việc thanh toán không dùng tiền mặt là câu chuyện phải phù hợp với phụ huynh và điều kiện thực tế tại các địa phương. Do đó, tại nhiều nhà trường, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các nhà trường vẫn tiến hành song song việc thu tiền trực tiếp và trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh và học sinh. 

Hơn nữa, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn do thói quen sử dụng công nghệ của phụ huynh. Đồng thời, việc triển khai thực hiện các giải pháp số hóa phải thông qua nhiều phần mềm, nhiều ứng dụng trực tuyến... dẫn đến rườm rà, khó hiểu, khó nhớ đối với phụ huynh học sinh, đòi hỏi có quá trình và từng bước thực hiện.

Để thúc đẩy quá trình không dùng tiền mặt trong trường học, bước vào năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Ninh Bình đã tích cực triển khai các biện phát nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Như tổ chức lớp tập huấn sử dụng phần mềm các khoản thu, kết nối thanh toán không dùng tiền mặt cho kế toán trong các đơn vị trực thuộc Sở; ban hành các văn bản về việc tiếp tục đẩy mạnh thanh toán học phí và các khoản dịch vụ giáo dục theo phương thức không dùng tiền mặt. 

Trong  đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để triển khai thanh toán học phí và các khoản dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại đơn vị mình. Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố hướng dẫn các nhà trường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thống kê giáo dục năm học, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. 

Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường... Nội dung gắn với nhu cầu thực tiễn, phù hợp về kỹ năng tổ chức, quản lý các hoạt động dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; triển khai có hiệu quả các phần mềm quản trị trong cơ sở giáo dục...

Để hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học đạt được hiệu quả cao nhất, các cơ sở giáo dục cần lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp phù hợp, đa dạng hóa các kênh thanh toán để phụ huynh có nhiều lựa chọn, thuận tiện trong việc đóng các khoản phí; tăng cường quản lý, làm chủ dữ liệu, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin riêng tư cho phụ huynh học sinh.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu thế chung hiện nay, nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian. Phụ huynh có thể thanh toán ở mọi lúc, mọi nơi mà không cần trực tiếp tới trường. Bộ phận kế toán cũng làm việc khoa học hơn khi áp dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, trong việc kê khai rõ ràng các khoản thu, chi trong nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm cũng có nhiều thời gian tập trung cho giảng dạy... 

Hiện các trường học, cơ sở giáo dục đang tiếp tục lựa chọn, ứng dụng các giải pháp, nền tảng số phù hợp, hiệu quả, như thông qua phần mềm quản lý trực tuyến, bằng phương thức chuyển khoản, quét mã QR..., phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy và học, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục... Qua đó góp phần công khai, minh bạch tài chính, đồng thời đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của ngành Giáo dục.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Liên kết website