Số hóa di sản - việc làm ý nghĩa để bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Thứ Năm, 20/04/2023

Công tác số hóa di sản ở Ninh Bình đã và đang được các cơ quan, đơn vị, các Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa quan tâm thực hiện. Trong đó, yêu cầu đặt ra là để việc số hóa di sản thật sự có ý nghĩa, ngoài việc lưu giữ để bảo tồn, thì vấn đề quan trọng là phải phát huy giá trị di sản. Trong đó, việc xây dựng hệ thống tương tác trên thiết bị thông minh, ứng dụng QR Code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, trải nghiệm đa phương tiện... phục vụ khách tham quan trải nghiệm, khám phá về di tích một cách tiện lợi nhất trên điện thoại thông minh.

Số hóa di sản - việc làm ý nghĩa để bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư triển khai việc số hóa các hiện vật.

Tại Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, việc số hóa đang được tích cực triển khai nhằm kịp thời thích ứng trong bối cảnh mới. Hiện nay, Trung tâm đang lưu giữ khoảng 50 bản sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Những hiện vật quý này được bảo quản cẩn trọng trong kho lưu trữ và ít khi được trưng bày cho du khách tham quan. Tuy nhiên, với việc số hóa, trong thời gian tới, du khách hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng các di sản này một cách chi tiết, cụ thể qua các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh. 

Anh Đinh Văn Tiến, du khách thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trước đây, khi đến Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, ngoài tham quan trực tiếp các di tích, cảnh đẹp tại đây, chúng tôi cũng đã được xem trình chiếu phối cảnh 3D với nhiều hình ảnh, thông tin giới thiệu về khu di tích ngay tại khu vực Nhà trưng bày của Trung tâm. Còn sắp tới, không cần di chuyển về Ninh Bình, chúng tôi vẫn có thể tìm hiểu và xem được các thông tin về di tích trên điện thoại, rất tiện lợi và phù hợp cho những người thích tìm hiểu và quan tâm đến văn hóa, du lịch... 

Ông Giang Bạch Đằng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết: Trung tâm hiện đang bảo quản, lưu giữ khoảng một nghìn hiện vật, trong đó có 5 bảo vật quốc gia quý giá gồm: Cột kinh Phật chùa Nhất trụ; Long sàng trước Bái đường Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Long sàng trước nghi môn ngoại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Bộ Phủ Việt Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Bộ Phủ Việt Đền thờ Vua Lê Đại Hành. 

Thời gian qua, bên cạnh việc sử dụng hệ thống trình chiếu phối cảnh 3D tại khu vực Nhà trưng bày "Di sản văn hóa thời Đinh-Tiền Lê", Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư đã phối hợp các các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc số hóa các hiện vật. Các hiện vật sẽ được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và thực hiện việc xây dựng phần mềm để quảng bá trên các cổng thông tin du lịch thông minh. Khi hiện vật được số hóa sẽ phát huy giá trị di sản hơn nữa trong cộng đồng, đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. 

Để thể hiện tính tiên phong, đổi mới, sáng tạo của tuổi trẻ trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh, mới đây Tỉnh đoàn đã xây dựng và ra mắt mô hình "Số hóa các địa chỉ đỏ" trong tuyên truyền, quảng bá du lịch tại một số điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã Trường Yên (huyện Hoa Lư). Hoạt động này được thực hiện mang ý nghĩa thiết thực, góp phần phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương. 

Số hóa di sản việc nên làm

Tỉnh đoàn Ninh Bình ra mắt mô hình "Số hóa các địa chỉ đỏ" tại xã Trường Yên. 

 

Đồng chí Nguyễn Đức Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Theo kế hoạch, mô hình "Số hóa các địa chỉ đỏ" thực hiện trước hết tại các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt và cấp tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về điểm đến cho du khách và nhân dân địa phương. Tỉnh đoàn tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng tuyến bài thuyết minh giới thiệu các điểm di tích; thu âm file nội dung thuyết minh; rồi chuyển thành dữ liệu số và tích hợp trong mã QR bằng 2 thứ tiếng Việt và tiếng Anh. 

Du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR Code là có thể dễ dàng tìm hiểu, cập nhật được những thông tin về điểm di tích. Ưu điểm chính của việc cấp mã QR tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh là khả năng linh hoạt, tiện dụng, phù hợp với xu thế thời đại. Trước mắt là khánh thành 4 điểm quét mã QR tại Chùa Nhất trụ, Đình làng Yên Thành, Đền công chúa Phất Kim, Chùa Kim Ngân. Đây là những di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, nằm trên địa bàn 7 khu dân cư xã Trường Yên. 

Đến nay, Tỉnh đoàn đã xây dựng được 10 điểm quét mã QR tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động và Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. Việc triển khai mô hình "Số hóa các địa chỉ đỏ" nhằm quảng bá các di tích lịch sử văn hóa, giới thiệu về các đặc sản nổi tiếng địa phương, làng nghề truyền thống, thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước; đồng thời tiết kiệm kinh phí trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng nét đẹp, văn hóa của vùng đất Ninh Bình. 

Tỉnh Ninh Bình hiện có 388 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 5 bảo vật quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, quảng bá du lịch đang là xu thế của thời đại, cần tiếp tục triển khai, nhân rộng. Sự đổi mới này sẽ tạo thêm động lực kích cầu du lịch, đồng thời bảo tồn văn hóa, gìn giữ các giá trị truyền thống cách mạng của quê hương, góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa địa phương cho thế hệ trẻ. 

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác số hóa di sản văn hóa cũng cần triển khai trên nền tảng công nghệ thống nhất, tránh rơi vào tình trạng mạnh ai nấy làm, khi kết nối sẽ không liên thông được bởi không tương thích. Việc xây dựng kho dữ liệu số dùng chung cũng cần được thực hiện bài bản, thống nhất, khoa học. Các đơn vị đã số hóa dữ liệu, có cơ sở dữ liệu riêng cần sớm thực hiện việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan. 

Liên kết website