Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cộng với sự phổ biến của các thiết bị di động kết nối internet đã tạo thuận lợi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Sự tiện lợi, an toàn, nhanh chóng... chính là "những điểm cộng" để nhiều người dân ngày càng hướng đến và lựa chọn cho mình hình thức thanh toán này.
Hướng dẫn người dân cài đặt các dịch vụ tiện ích thông qua internet để phục vụ cuộc sống.
Chị Đinh Thị Vân Anh, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết, hiện nay gần như chị không sử dụng tiền mặt để thanh toán các chi phí dịch vụ từ ăn uống, mua sắm đến chi tiêu các nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Bởi tất cả các dịch vụ này đều có đa dạng các hình thức thanh toán, trong đó phương thức thanh toán thông qua quẹt thẻ và chuyển khoản nhanh trên điện thoại thông minh được thực hiện rất thuận tiện và dễ dàng.
Đã từ khá lâu, anh Trần Văn Chiến, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) không còn phải đến điểm thu tiền điện để nộp tiền cho nhân viên Điện lực thành phố. Theo anh Chiến, trước đây, hàng tháng anh luôn phải đến điểm thu và nộp tiền mặt, nhiều khi còn phải chờ đợi lâu vì có khá nhiều người dân cùng đến nộp tiền điện. Sau đó, anh đăng ký dịch vụ trừ tiền theo đăng ký trên tài khoản của mình tại ngân hàng. Hàng tháng, ngành điện sẽ thông báo số tiền điện phải nộp từ trước đó cho khách hàng biết, sau đó đến ngày anh đã đăng ký nộp là tài khoản tự trừ đi số tiền điện đã dùng và thông báo lại cho khách hàng. Cách làm này rất thuận tiện và chủ động cho cả ngành điện cũng như khách hàng.
Được biết, thực hiện chuyển đổi số, ngành Điện lực đã đa dạng hóa các phương thức thanh toán tiền điện hàng tháng cho khách hàng. Hiện nay, ngoài việc vẫn bố trí nhân viên thu tiền mặt tại các điểm thu, ngành Điện còn tạo thuận lợi cho người dân bằng cách phối hợp với các ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện qua app, mã QR-COD... đảm bảo thanh toán được mọi lúc, mọi nơi và an toàn cho cả ngành Điện và khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Hiện nay, nhiều dịch vụ phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống đã được đa số người dân chọn sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Một số dịch vụ cũng đã được người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lựa chọn sử dụng bởi sự tiện ích. Trong đó phải kể đến các dịch vụ trong thanh toán tiền điện thắp sáng, điện thoại, dịch vụ internet, tiền nước, tiền học phí...
Chia sẻ về sự tiện ích khi thanh toán không dùng tiền mặt, chị Đinh Thị Mai Hiên, thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) cho biết: Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có nối mạng là có thể làm được mọi việc. Các dịch vụ của ngân hàng hiện nay rất thuận lợi và nhanh chóng, thậm chí không mất phí. Chỉ cần thông qua dịch vụ của ngân hàng là có thể đặt vé máy bay đi công tác, du lịch hoặc chuyển tiền đều không mất phí. Hiện các cây ATM còn có thể gửi tiền mặt vào tài khoản, việc chuyển tiền với số lượng lớn cũng không cần qua ngân hàng thực hiện giao dịch trực tiếp....
Để tiếp tục thúc đẩy, tạo sự chuyển biến tích cực cho việc thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 187 ngày 23/11/2021 về triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đặt ra là: Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm. Triển khai Chương trình thúc đẩy dịch vụ Mobile-Money, tập trung ưu tiên ở các vùng, miền có tỷ lệ phổ cập dịch vụ ngân hàng còn ở mức thấp.
Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp bưu chính cần ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng bưu chính rộng khắp trong toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu bùng nổ của phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, tham gia tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng các kỹ năng số. Trước mắt là hướng dẫn, triển khai chương trình hỗ trợ cơ sở y tế, trường học thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số quản trị hoạt động của đơn vị.
Các doanh nghiệp công nghệ số phối hợp với đầu mối các sở, ngành, các trường đại học, cao đẳng xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng chuyên ngành công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin mạng theo hướng kết hợp giữa lý thuyết - thực tế; sẵn sàng triển khai các chương trình "Đào tạo từ làm việc thực tế", đón sinh viên cao đẳng, đại học vào thực tập và tiếp xúc sớm với môi trường doanh nghiệp.
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 bởi nó mang lại nhiều tiện ích rõ rệt cả cho người dân và nền kinh tế. Khi thanh toán không dùng tiền mặt trước hết giảm được rất nhiều chi phí cho ngành tài chính. Cùng với đó còn giúp chống lại việc thất thu thuế cho Nhà nước từ những giao dịch chui hoặc không minh bạch. Đối với người dân, đó là sự tiện lợi khi mua sắm như: tiết kiệm thời gian, công sức của bên trả tiền và bên thu tiền, giảm bớt thời gian đợi chờ tới lượt thanh toán…
Hiện nay, việc sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến đang trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và dần từng bước phát triển, lan rộng ở khu vực nông thôn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Người dân có thể sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, mã QR... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng. Chỉ cần ngồi ở nhà, mỗi người vẫn dễ dàng mua được hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, học phí, viện phí, thực hiện các thủ tục hành chính... bằng các bước chọn dịch vụ trên điện thoại di động hoặc nhấp chuột máy tính.