Mặc dù các lực lượng chức năng đã có những cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, nhưng thời gian gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên địa bàn thành phố Ninh Bình có diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Điều đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ của các cấp, ngành, lực lượng chức năng, nhất là các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng ngừa, tố giác, ngăn chặn loại tội phạm này.
Công an phường Bích Đào tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng ngừa, đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Khó đấu tranh, truy vết
Vừa qua, cán bộ Phòng giao dịch Agribank Ninh Phúc, tại phố Phúc Thịnh, phường Bích Đào phối hợp với lực lượng Công an kịp thời ngăn chặn thành công vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng.
Theo đó, trong quá trình giao dịch, chị Nguyễn Thị H (cán bộ của ngân hàng Agribank) phát hiện một nam khách hàng đến ngân hàng gửi tiền mà không hề biết người nhận tiền. Giao dịch chuyển tiền chỉ qua trao đổi trên điện thoại và mạng internet với người không quen biết.
Thấy khách hàng hoang mang, lo sợ và nghi vấn đây là giao dịch bất thường, có dấu hiệu lừa đảo, chị H đã khóa lệnh, đồng thời báo Công an phường. Tại cơ quan công an, nam khách hàng cho biết là người dân trên địa bàn xã Ninh Phúc. Trước đó đã nhận được cuộc điện thoại giả danh công an và thông báo anh có liên quan đến một đường dây cá độ bóng đá lớn, yêu cầu cung cấp thông tin, chuyển tiền để đảm bảo trong quá trình điều tra không bị bắt tạm giam.
Do thiếu hiểu biết và hoang mang lo sợ, nam khách hàng đã rút 3 sổ tiết kiệm với số tiền 314 triệu đồng để chuyển cho đối tượng lừa đảo. Sau khi lực lượng Công an phối hợp tuyên truyền, giải thích và vận động, nam khách hàng đã hiểu và không chuyển tiền. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, xác minh, truy vết vụ việc gặp khó khăn do đối tượng lừa đảo sử dụng sim rác và tài khoản ảo để liên lạc.
Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng rất khó đấu tranh, làm rõ, truy vết. Đáng chú ý, loại tội phạm này đang có biến tướng phức tạp, chiều hướng gia tăng cả số vụ, tính chất, mức độ. Từ năm 2022 đến nay Công an thành phố đã tiếp nhận nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo trên mạng với các thủ đoạn: Vay tiền qua app, giả danh Công an, cộng tác viên Shopee, hack facebook, giả danh nhân viên ngân hàng hỏi mã OTP để sửa thông tin, chào mời tham gia sàn chứng khoán, giả danh cô đồng, bán sim rác qua mạng viễn thông… Lượng tiền các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt ước trên 12 tỷ đồng.
Công tác đấu tranh gặp khó khăn một phần bởi khi tố giác loại tội phạm này, người tố giác khó cung cấp chứng cứ, hình ảnh, ghi âm, video... chứa thông tin, hành vi phạm tội của đối tượng. Một số bị hại có tâm lý ngại trình bày những nội dung liên quan đến việc mất cảnh giác và thiếu hiểu biết của mình.
Thêm nữa, quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng thường sử dụng số điện thoại không chính chủ, sim rác để gọi điện, nhắn tin hoặc đăng ký tài khoản mạng xã hội được tạo lập, quản lý ở nước ngoài. Ngoài ra, đối tượng sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng cung cấp cho người bị hại chuyển tiền vào sau đó chuyển đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để chiếm đoạt…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo dự báo của ngành chức năng, trong thời gian tới, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản của người bị hại với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Vì vậy, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người dân được tiếp cận với nhiều hình thức tuyên truyền quy định của pháp luật về phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Công an thành phố đã tập trung phân tích làm rõ nguyên nhân số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính đó là tâm lý lo sợ của người dân khi bị đe dọa; các đối tượng đã lợi dùng vào lòng tham của người dân, đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn; người dân thiếu hiểu biết về các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Để ngăn ngừa tốt nhất các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện nay, Công an thành phố xác định cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cũng như sự cảnh giác của người dân.
Cùng với chấn chỉnh công tác phân loại, xác minh, giải quyết vụ việc hành chính và tin báo, tố giác tội phạm đảm bảo về trình tự, thủ tục, quy trình, trong đợt này, Công an thành phố đang phối hợp với các cấp, ngành tổ chức đợt cao điểm về công tác tuyên truyền và đây sẽ là nhiệm vụ được lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian tới.
Trong đó, công tác tuyên truyền phải kết hợp nhiều hình thức để người dân dễ tiếp cận với tần suất thường xuyên để đảm bảo hiệu quả như: tuyên truyền trên không gian mạng (trang fanpage, youtube và các nhóm zalo); tuyên truyền trực tiếp tại hội nghị, các buổi sinh hoạt; tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền thông qua các hình thức cổ động (panô, áp phích, băng rôn, phướn, khẩu hiệu...); tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tổ tự quản và triển khai mô hình "Móc khóa an ninh".
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; những phương thức, thủ đoạn, đặc điểm nhận biết và cách phòng tránh với loại tội phạm này; tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân; kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng của lực lượng chức năng.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an thành phố Ninh Bình, để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an thành phố khuyến cáo người dân nêu cao ý thức cảnh giác và thực hiện tốt khẩu hiệu "4 không, 2 phải", trong đó "4 không" là: Không sợ (không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ mặt gửi có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân); Không tham (khi có người lạ gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo được trúng thưởng hoặc nhận được khoản tiền lớn không rõ nguồn gốc thì không được tin lời các đối tượng); Không kết bạn với người lạ (khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, nhất là không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng); Không làm (khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo). "2 phải" là: Phải thường xuyên cảnh giác; Phải tố giác ngay với cơ quan pháp luật khi có nghi ngờ.
Bài, ảnh: Hồng Giang