Sáng 21/7, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình tổ chức Chương trình tập huấn “Chuyển đổi số Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025.
Các đại biểu dự Chương trình tập huấnĐồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tới dự.
Phát biểu tại Chương trình tập huấn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn khẳng định: đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chỉ số PCI luôn được tỉnh Ninh Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, là giải pháp quan trọng để xây dựng, củng cố lòng tin của doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thu hút nguồn lực phát triển địa phương. Với quan điểm như vậy, thời gian qua, Ninh Bình luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, ban hành và tích cực triển khai nhiều chính sách quan trọng tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó góp phần quan trọng để Ninh Bình luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong top cao của cả nước và khu vực Đồng bằng sông Hồng, đồng thời có thể tự cân đối được ngân sách có điều tiết về trung ương.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại Chương trình tập huấnĐồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết: tại Ninh Bình, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự phát triển bứt phá, nhất là với các đơn vị mạnh dạn đổi mới sáng tạo, tăng cường sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc áp dụng nền tảng, công nghệ số tại các doanh nghiệp vẫn còn rời rạc do thiếu các giải pháp thiết thực, chưa có chiến lược thực hiện chuyển đổi số rõ ràng ngay từ đầu. Điều đó khiến chuyển đổi số doanh nghiệp chưa mang lại thành công như mong đợi. Vì vậy, Chương trình “Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư” tại Ninh Bình là rất cần thiết và có ý nghĩa để tỉnh có thêm các tham vấn của các chuyên gia, các diễn giả trong quá trình cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của tỉnh về phát triển kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đồng chí cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp theo đúng lộ trình, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; trao đổi thông tin, tiếp thu, lĩnh hội ý kiến của các Diễn giả, Chuyên gia và đại biểu tham dự Chương trình để tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương trong tháng 7/2023, thuộc khuôn khổ Dự án Trung tâm Chuyển đổi số Việt Nam do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức hỗ trợ, Chương trình tập huấn có mục tiêu nâng cao năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp, đưa ra các chỉ dẫn tham khảo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất công nghiệp, từ đó khuyến nghị lộ trình phù hợp với mục tiêu sản xuất, kinh doanh và nguồn lực hiện có của doanh nghiệp. Thông qua đào tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa Ninh Bình được tiếp nhận các thông tin của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên đề mang tới những kiến thức, kinh nghiệm thực tế và các giải pháp phát triển công nghiệp và nông nghiệp thời đại số; chuyển đổi số nhà máy thông minh; chuyển đổi số song song với chuyển đổi số xanh hướng tới hiệu quả kinh doanh và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp được tiếp cận các giải pháp công nghệ số, giao lưu, trao đổi với các chuyên gia, diễn giả về công nghệ để được tư vấn, trải nghiệm và lựa chọn phương pháp, lộ trình, cũng như các giải pháp công nghệ số phù hợp nhằm nâng cao năng lực quản lý, tối ưu hoá sản xuất, mở rộng thị trường và tạo ra nhiều giá trị mới của doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương./.
Phương Nhung (THNB)