Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển kể từ khi Ban Bí thư ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW, “Về tổ chức đảng ngoài nước” vào ngày 31-3-1961, công tác đảng ngoài nước đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa(1).
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Anh, ngày 4-5-2023 _Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt”(2), theo đó tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”(3) còn đảng viên là nhân tố cơ bản nhất, năng động nhất của tổ chức đảng. Vì thế, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) đã xác định “đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng”(4), “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”(5). Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, tiếp tục nhấn mạnh “cấp ủy cơ sở phải làm tốt công tác quản lý đảng viên”, “tăng cường công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước và đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập, lao động”. Đây là biểu hiện sinh động về sự quan tâm của Trung ương đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ ở trong nước, mà cả ở ngoài nước.
Những dấu ấn nổi bật sau hơn ba năm hợp nhất
Triển khai Quyết định số 209-QĐ/TW, ngày 26-11-2019, của Bộ Chính trị, về hợp nhất Đảng bộ ngoài nước với Đảng bộ Bộ Ngoại giao, trong hơn ba năm qua, Đảng ủy Bộ Ngoại giao đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảng ngoài nước phục vụ triển khai đường lối đối ngoại, trong đó công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ở nước ngoài tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, hệ thống tổ chức đảng ngoài nước được giữ vững, không ngừng hoàn chỉnh và phát triển, đội ngũ đảng viên ở nước ngoài tiếp tục góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ nhất, công tác tham mưu cho Trung ương Đảng về công tác đảng ngoài nước tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Qua các thời kỳ, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác đảng ngoài nước, tiêu biểu như Nghị quyết số 38-NQ/TW, ngày 16-5-1981, “Về tổ chức đảng ngoài nước”; Chỉ thị số 51-CT/TW, ngày 13-4-2005, “Về tăng cường công tác đảng ngoài nước trong tình hình mới”; Thông báo số 89-TB/TW, ngày 23-4-2012, “Về tổ chức đảng ngoài nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế”. Trên cơ sở những văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng và để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong bối cảnh mới, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Đảng ủy Bộ Ngoại giao trình Ban Bí thư ban hành Quy định số 43-QĐ/TW, ngày 26-11-2021, “Về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài trực thuộc Đảng ủy Bộ Ngoại giao” thay thế Quy định số 271-QĐ/TW, ngày 27-12-2014, “Về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài trực thuộc Đảng ủy ngoài nước” và Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 28-10-2022, “Về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài” thay thế Quy định số 228-QĐ/TW, ngày 7-2-2014, “Về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài”. Năm 2023, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao phối hợp với Đảng ủy Bộ Ngoại giao triển khai Đề án trình Ban Bí thư ban hành Quy định về công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên ở nước ngoài. Công tác nghiên cứu tham mưu với những kết quả cụ thể đã và đang góp phần hoàn thiện hệ thống các văn bản về công tác đảng ngoài nước, bảo đảm xây dựng hệ thống tổ chức đảng ngoài nước vững mạnh, thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định của Đảng.
Thứ hai, công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng được triển khai thực chất, hiệu quả. Đảng ủy Bộ Ngoại giao đã ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình đảng bộ, chi bộ trực thuộc nhằm tăng cường, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng; xây dựng hệ thống quy chế, hướng dẫn, biểu mẫu để chuẩn hóa quy trình công tác cấp ủy, công tác đảng viên, chuyển sinh hoạt đảng, phát triển đảng viên, phân công công tác, quản lý hồ sơ đảng viên, đánh giá, xếp loại, khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên, tạo thuận lợi cho các tổ chức đảng ngoài nước thực hiện thống nhất nhiệm vụ. Các cấp ủy thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng, chấn chỉnh, củng cố từng loại hình tổ chức cơ sở đảng; chủ động sắp xếp mô hình tổ chức bảo đảm gọn, nhẹ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn cấp ủy, ủy ban kiểm tra đảng ủy được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đồng chí đại sứ, bí thư, cấp ủy đảng, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác đảng ngoài nước được coi trọng. Qua đó, hệ thống tổ chức đảng ở ngoài nước được củng cố và phát triển cùng với sự phát triển của hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Thời gian qua, Trung ương Đảng tiếp tục quan tâm tháo gỡ những vấn đề đặt ra trong triển khai công tác đảng ở ngoài nước. Ngày 27-12-2022, Ban Bí thư đã ban hành hướng dẫn về thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên. Đây là vấn đề đã được các tổ chức đảng ngoài nước kiến nghị qua nhiều nhiệm kỳ nhằm tạo thuận lợi và phù hợp với điều kiện hoạt động của các tổ chức đảng ngoài nước. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Đảng, tháng 4-2023, Đảng ủy Bộ Ngoại giao đã ban hành Hướng dẫn thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên, qua đó tạo thuận lợi cho các tổ chức đảng ngoài nước trong triển khai nhiệm vụ.
Thứ ba, việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở nước ngoài được quan tâm, chú trọng. Công tác xây dựng và quản lý đảng viên ở ngoài nước được xác định là nhiệm vụ trọng tâm với phương châm không để đảng viên nào khi ra nước ngoài không được tổ chức bố trí sinh hoạt đảng, quản lý và giao nhiệm vụ. Đảng ủy Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cấp ủy trong nước tăng cường giáo dục, trang bị kiến thức cho đảng viên trước khi ra nước ngoài; thực hiện thủ tục chuyển sinh hoạt đảng ra ngoài nước; quản lý đảng viên đi đôi với quản lý nội dung, chất lượng đảng viên. Hầu hết đảng viên ra nước ngoài được bố trí sinh hoạt đảng trong các chi bộ, một số ít được bố trí sinh hoạt lẻ. Cấp ủy giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên để phát huy vai trò nòng cốt tại cơ sở, gương mẫu chấp hành các quy định, quy chế, kỷ luật làm việc, học tập, lao động; chống các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật của nước sở tại và giữ quan hệ với nhân dân nước sở tại và bạn bè quốc tế. Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn, kết nạp đảng viên được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy trình, tiêu chuẩn. Các cấp ủy tập trung phát triển đảng viên là trí thức trẻ, lưu học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc, tích cực tham gia các phong trào đoàn, hội, cộng đồng. Trung bình hằng năm kết nạp trên 400 quần chúng ưu tú vào Đảng. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 (tháng 12-2021), Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã thông qua Nghị quyết số 02/NQ-ĐUB, “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên”, trong đó xác định nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở ngoài nước là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, góp phần xây dựng ngành ngoại giao tiên phong, toàn diện, hiện đại. Theo kế hoạch, trong năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Ngoại giao sẽ ban hành Nghị quyết nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Bộ Ngoại giao, qua đó tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng trong toàn Đảng bộ.
Nhìn chung, đến nay, hệ thống tổ chức đảng ở ngoài nước phát huy tốt vai trò, phù hợp với điều kiện ở ngoài nước, giữ vững vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng và tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, tôn trọng luật pháp và phong tục, tập quán nước sở tại, tham gia xây dựng và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan đại diện, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong tại các cơ quan đại diện, đơn vị, trường học, trung tâm thương mại của người Việt Nam và các khu vực cư trú, góp phần xây dựng hình ảnh người Việt Nam ở nước sở tại, trong các phong trào vận động, tập hợp quần chúng, cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và phong trào hướng về quê hương, đất nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai gặp mặt các đại sứ trước khi lên đường công tác nhiệm kỳ, ngày 24-2-2023 _Nguồn: xaydungdang.org.vn
Những vấn đề đặt ra đối với công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở ngoài nước hiện nay
Cùng với quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, công tác xây dựng tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở ngoài nước đứng trước những vấn đề mới, đòi hỏi phải xử lý thỏa đáng.
Một là, số lượng đảng viên, người Việt Nam ra nước ngoài ngày càng đông và đa dạng, với nhiều mục đích khác nhau, như công tác, học tập, lao động, đầu tư, kinh doanh, kết hôn, định cư, thăm thân, du lịch, chữa bệnh... Cán bộ, đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập, lao động góp phần làm cầu nối thúc đẩy và làm sâu sắc mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu như năm 1961, số lượng cán bộ, đảng viên của Việt Nam đi công tác, học tập mới ở 21 quốc gia thì đến nay, số lượng cán bộ, đảng viên của Việt Nam đi công tác, học tập ở nước ngoài đã trải rộng trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, cán bộ, đảng viên Việt Nam ra nước ngoài không chỉ phát triển mạnh mẽ về quy mô và phạm vi lan tỏa, mà tỷ lệ biến động hằng năm lớn (gần 30%), trong khi hình thức ra nước ngoài đã thay đổi theo hướng chủ yếu đi đơn lẻ, không tổ chức thành đoàn, đội chặt chẽ như trước.
Hai là, vấn đề đảng viên có thêm quốc tịch nước ngoài. Một số đảng viên trẻ sau khi kết thúc học tập, làm việc, lao động ở nước ngoài xin ở lại hoặc kết hôn với người nước ngoài và định cư lâu dài ở nước ngoài. Một số lượng thế hệ thứ hai, thứ ba trong cộng đồng có quốc tịch nước ngoài có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng. Một số đảng viên nhiều tuổi mang hai quốc tịch, có vai trò, vị trí trong cộng đồng, là nòng cốt trong công tác vận động, tập hợp quần chúng vẫn tha thiết gắn bó với Đảng, quê hương, đất nước, mong muốn được tiếp tục giữ danh hiệu đảng viên để tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Ba là, một số vấn đề nảy sinh trong công tác đảng ngoài nước, như mô hình tổ chức đảng ở những đảng bộ lớn, địa bàn quan trọng, đông đảng viên, phạm vi rộng, đặt ra yêu cầu giao quyền cấp trên cơ sở; việc theo dõi, quản lý, đánh giá chất lượng và nắm bắt diễn biến tư tưởng khối đảng viên ngoài cơ quan đại diện, đảng viên sinh hoạt lẻ... cần tiếp tục được nghiên cứu, tham mưu có hướng dẫn, quy định cụ thể để vừa bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ chính trị nội bộ, vừa tạo thuận lợi cho tổ chức đảng và đảng viên hoạt động phù hợp với điều kiện ở ngoài nước và xu thế hội nhập quốc tế.
Bốn là, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - U-crai-na đã bộc lộ rõ hơn những trở ngại, đặt ra yêu cầu mới phải triển khai linh hoạt và chủ động thích ứng hơn nữa với tình hình biến chuyển hết sức nhanh chóng của thế giới. Quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cả những cơ hội, thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác xây dựng Đảng ở trong nước nói chung và công tác xây dựng tổ chức đảng và đảng viên ở nước ngoài nói riêng. Những điều này tác động mạnh mẽ và đặt ra những yêu cầu mới không chỉ đối với các tổ chức đảng, mà còn đối với đội ngũ cán bộ làm công tác đảng của Bộ Ngoại giao, nhất là đội ngũ cấp ủy viên cơ sở và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ngoài.
Đảng ủy tại Nhật Bản họp mở rộng _Nguồn: baoquocte.vn
Một số giải pháp xây dựng, củng cố tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở ngoài nước trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, kể cả trên lĩnh vực tư tưởng, ý thức hệ, xung đột cục bộ, nguy cơ an ninh dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức với tính chất phức tạp, gay gắt hơn trước. Các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh mạng... tiếp tục gia tăng. Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn và khát vọng nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát huy tinh thần ngoại giao phụng sự đất nước, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động với quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại và chuyên nghiệp, quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng. Với mục tiêu để công tác đảng ngoài nước tiếp tục góp phần quan trọng thúc đẩy đường lối đối ngoại, xây dựng, củng cố tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở nước ngoài là nhiệm vụ hàng đầu, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài, vừa đặc thù, đồng thời coi trọng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các cấp ủy địa phương có đảng viên, quần chúng đang công tác, lao động, học tập ở nước ngoài, trong thời gian tới, Đảng ủy Bộ Ngoại giao sẽ tập trung vào một số giải pháp chính sau:
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan liên quan hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn những cơ chế đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, đảng viên ở ngoài nước. Đổi mới phương thức lãnh đạo, hoàn thiện và chuẩn hóa lề lối, quy trình công tác, quy trình quản lý tổ chức đảng và đảng viên. Kiện toàn, sắp xếp hệ thống tổ chức đảng ngoài nước bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở và phù hợp với xu thế phát triển và tiến trình hội nhập quốc tế. Tập trung nghiên cứu mô hình tổ chức đảng đối với những đảng bộ có nhiệm vụ chính trị quan trọng, quy mô lớn, số lượng đảng viên đông, nhiều tổ chức đảng trực thuộc, hoạt động trên phạm vi rộng.
Thứ hai, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở nước ngoài, tạo sự chuyển biến về chất lượng hoạt động của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng, làm cho tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, bảo đảm giữ vững vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng ở ngoài nước trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc xây dựng Đảng, quy định của Điều lệ Đảng, nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, cách thức quản lý đảng viên phù hợp điều kiện hoạt động ở ngoài nước. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở, tập trung củng cố những đơn vị trọng điểm, những cơ sở đảng yếu, kém. Nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng bộ, chi bộ, sinh hoạt cấp ủy theo hướng đơn giản về hình thức, sâu sắc, thiết thực về nội dung, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, tính đặc thù. Nghiên cứu vận dụng hình thức sinh hoạt trực tuyến phù hợp, bảo đảm theo quy định và hướng dẫn của Trung ương. Nâng cao chất lượng công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại, khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm bảo đảm khách quan, toàn diện, thực chất trên cơ sở thực hiện đánh giá đa chiều, chặt chẽ, công khai gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của cá nhân, tập thể.
Thứ ba, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng và công tác đối ngoại. Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết của Trung ương, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho đảng viên bằng các biện pháp, cách thức phù hợp với địa bàn qua đó, tạo thêm đồng thuận, nhất trí, giữ vững bản lĩnh, niềm tin của cán bộ, đảng viên và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước. Chủ động định hướng tư tưởng cho quần chúng, cộng đồng trước những luận điệu tuyên truyền sai lệch của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật nội bộ của Đảng. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với triển khai Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Đối với cán bộ, đảng viên hoạt động ở nước ngoài, xa Tổ quốc, hoạt động độc lập, càng cần phải nhận thức đúng, kiên định lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng “tự miễn dịch”, “tự đề kháng” cao, tránh để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, tác động.
Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Các cấp ủy ngoài nước xác định phát triển đảng viên là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, củng cố tổ chức đảng ngoài nước. Tiến hành rà soát, đối khớp danh sách đảng viên giữa các tổ chức đảng ở ngoài nước với các cơ quan, địa phương trong nước. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý đảng viên trong cùng hệ thống Đảng, từng bước số hóa bảo đảm thuận tiện cho việc chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên và quản lý hồ sơ đảng viên.
Thứ năm, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Các tổ chức đảng và đảng viên ngành ngoại giao đóng vai trò nòng cốt, là hạt nhân lãnh đạo bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đối ngoại của các cấp ủy và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong môi trường hoạt động đa dạng và phức tạp, thì ý thức “tự kiểm tra”, “tự giám sát”, “tự tu dưỡng”, “tự soi”, “tự sửa” của các cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng. Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, uy tín, hội đủ tố chất “vừa hồng, vừa chuyên”, thể hiện được bản lĩnh, đạo đức, cốt cách ngoại giao Hồ Chí Minh như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Một nhà ngoại giao, một nhà hoạt động đối ngoại giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia - dân tộc, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động. Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là Đất nước, là Nhân dân, phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo, mưu lược”(5).
Chăm lo xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng; chú ý lựa chọn những đảng viên có tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng đoàn kết, tập hợp quần chúng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng để lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Thực hiện thống nhất mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là người đứng đầu cơ quan đại diện tạo điều kiện gắn kết công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đối ngoại.
Thứ sáu, phải nhận thức đúng công tác xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở ngoài nước là một bộ phận hữu cơ, gắn bó với hệ thống tổ chức và công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng. Tại Hội nghị tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng công tác đảng ngoài nước diễn ra vào ngày 16-12-2021 trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và quản lý đảng viên ở ngoài nước không chỉ là trách nhiệm của Đảng bộ Bộ Ngoại giao và các cấp ủy, tổ chức đảng ở ngoài nước, mà còn là trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các cấp ủy địa phương có đảng viên đang công tác, lao động, học tập ở nước ngoài”(6). Do đó, cần tăng cường và phát huy hơn nữa sự phối hợp, tham gia hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở ngoài nước thời gian tới.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cấp ủy, cán bộ, đảng viên ở ngoài nước, công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở ngoài nước chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác xây dựng Đảng và công tác đối ngoại góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì khát vọng, mục tiêu, tầm nhìn phát triển và nâng cao vị thế đất nước, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
PHẠM QUANG HIỆU
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nhật Bản
----------------------------
(1) Xem: Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 113
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 288
(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 180, 111
(5) Xem: Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Báo điện tử Chính phủ, ngày 14-12-2012, https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi-ngoai-toan-quoc-102305526.htm
(6) Kiều Liên - Hải Minh: “Nâng cao sức tự đề kháng của cán bộ đối ngoại hoạt động ngoài nước”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 16-12-2021, https://baochinhphu.vn/nang-cao-suc-tu-de-khang-cua-can-bo-doi-ngoai-hoat-dong-ngoai-nuoc-102305638.htm
Theo TCCS