Những nỗ lực và thành tựu không thể đảo ngược của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người (Bài 3)

Thứ Năm, 12/12/2024

Các thế lực thù địch, phản động khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với mục tiêu chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã không từ bất cứ mưu mô, thủ đoạn nào nhằm kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị - xã hội, phá hoại cuộc sống bình yên, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Song tất cả mưu toan đó, dù thâm hiểm và tinh vi đến đâu, cuối cùng vẫn thất bại bởi không thể phủ nhận những hiện thực rõ như ban ngày về thành tựu nhân quyền ở Việt Nam.

 

Các đối tượng trong và ngoài nước cùng bóp méo xuyên tạc hòng biến các đối tượng vi phạm pháp luật thành “tù nhân lương tâm” để chống phá Việt Nam

 

Đích đến của chiêu bài núp bóng nhân quyền

Vấn đề dân chủ, nhân quyền nhiều năm qua là một trong những mục tiêu trọng tâm mà các thế lực thù địch, phản động, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng, khai thác để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Các đối tượng luôn tìm mọi lý do, cơ hội có thể lợi dụng để bóp méo, xuyên tạc thành những luận điệu hòng bôi đen vấn đề dân chủ, nhân quyền ở nước ta.

Một chiêu bài cũ rích, song lại được nhiều tổ chức, cá nhân luôn mang ra rêu rao tuyên truyền cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền” hay “người bất đồng chính kiến” nhằm vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Với sự kích động, cổ súy của các tổ chức, cá nhân ở bên ngoài, một số đối tượng trong nước được gọi tên và tung hô trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, diễn đàn như là “người hùng” vì đã “xả thân” đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nhưng trên thực tế lại là các đối tượng thường xuyên kích động nhân dân chống đối chính quyền soạn thảo, phát tán nhiều tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước, bôi xấu chế độ hoặc vi phạm pháp luật nhà nước.

Cùng với đó, một số cá nhân ở trong nước vì bất mãn cá nhân, cơ hội chính trị hay vì mục đích riêng thường xuyên “đăng đàn” trả lời phỏng vấn báo đài, nước ngoài xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Thậm chí có đối tượng còn tập hợp lực lượng là các phần tử, tổ chức trong nước và ngoài nước, hướng dẫn kỹ năng hoạt động chống phá chính quyền.

Nội công thì có ngoại kích, một số tổ chức, cơ quan truyền thông, cá nhân ở bên ngoài dùng các nền tảng xuyên biên giới để bóp méo, xuyên tạc rồi tung hô những đối tượng cùng các hành vi vi phạm pháp luật trong nước. Có thể thấy ngay là những “khuôn mặt đen” quen thuộc trong “dàn hợp xướng” bôi đen, phủ nhận thành tựu dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam như cái gọi là các báo cáo nhân quyền hàng năm; một số tổ chức xưng là bảo vệ nhân quyền như Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW, có trụ sở tại Mỹ), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức Freedom House (FH, có trụ sở tại Washington D.C, Mỹ)… và đặc biệt là các tổ chức khủng bố, phản động như Việt Tân, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR - một trong những tổ chức phản động người Việt lưu vong tại California, Mỹ).

Dưới lăng kính và sự nhào nặn của phương tiện truyền thông thiếu thiện chí như đài Phát thanh châu Á (RFA) tiếng Việt, đài BBC tiếng Việt cũng như trên các nền tảng xuyên biên giới, các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, bị điều tra, truy tố, xét xử và kết án theo đúng quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước Việt Nam bỗng chốc được cho đeo tấm mặt nạ, khoác lên người tấm áo xưng tụng là những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và khi bị bắt giữ, xét xử, thụ án lại trở thành “tù nhân lương tâm”.

Với sự kích động, cổ súy, tán dương cho những hành vi xem thường luật pháp, gây rối trật tự xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá chế độ, các thế lực bên ngoài đã câu kéo, móc nối các phần tử xấu trong nước để kích động, xuyên tạc, thổi phồng các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật; “chính trị hoá” các vấn đề xã hội, các vụ án hình sự, qua đó xuyên tạc, áp đặt cho đó là vi phạm nhân quyền, vi phạm dân chủ, đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực… suy diễn lái vụ việc sang những vấn đề chính trị, cho rằng nguyên nhân là do bản chất của chế độ, do “Đảng độc quyền lãnh đạo”... Mục đích của việc “đổi trắng thay đen” là nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự; hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam; kích động chia rẽ làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước phục vụ cho chiến lược “diễn biến hòa bình” và đích cuối cùng là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh

Trong tiến trình xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đều quản lý, vận hành xã hội bằng công cụ pháp luật với tinh thần thượng tôn pháp luật. Những đối tượng vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của luật pháp. Ở Việt Nam hoàn toàn không có “tù nhân lương tâm”, chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật và bị các cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Vì thế, việc kích động hay ra sức bảo vệ các đối tượng gọi là “tù nhân lương tâm” chỉ là sự cổ súy cho những kẻ vi phạm pháp luật bị kết án nhưng không chấp hành hình phạt, đội lốt dân chủ, lợi dụng dân chủ để chống phá đất nước, chuyển hóa chế độ xã hội tại Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam được xây dựng phù hợp quy định của pháp luật quốc tế và yêu cầu thực tiễn nhằm bảo đảm cho sự phát triển tự do của nhân dân, góp phần xây dựng và duy trì xã hội trật tự, ổn định, ngăn chặn các tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền con người. Trong đó, tôn trọng và bảo đảm nhân quyền là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác... Những hành vi tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, kích động vi phạm pháp luật, chống phá Nhà nước; âm mưu tổ chức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật nhằm giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn ổn định chính trị - xã hội.

Hiến Pháp - đạo luật gốc của Nhà nước Việt Nam - hiến định rõ ràng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 14 ghi: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Điều 15 hiến định: “1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Có thể khẳng định hiến định, quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tương đồng với luật pháp quốc tế phổ quát trên thế giới. Trong đó, khoản 2, Điều 29 “Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948” nêu rõ: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.

Thượng tôn pháp luật cùng với một hệ thống pháp luật hoàn thiện thống nhất giúp bộ máy nhà nước vận hành trơn tru, thúc đẩy đất nước phát triển, bảo vệ, bảo đảm các quyền cơ bản được hiến định của công dân. Do đó, thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật là điều tất yếu với mọi cá nhân, tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam. Đó cũng chính là để bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức.

Bất kỳ ai, tổ chức nào nếu vi phạm pháp luật đều phải bị điều tra, truy tố, xét xử và kết án nghiêm minh theo pháp luật. Nói cách khác, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà chỉ có các bị can, bị cáo, tội phạm vi phạm pháp luật hình sự bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam - điều hiển nhiên được cộng đồng quốc tế thừa nhận, tôn trọng.

Liên kết website