Nhận diện, đấu tranh hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Thứ Sáu, 08/11/2024
Triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ của internet - mạng xã hội và những khó khăn, thách thức của đất nước, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội phản động ráo riết, đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Do vậy, việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Ngày càng tinh vi, thâm độc, xảo quyệt

Có thể thấy, nội dung, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, thâm độc, xảo quyệt.

Theo đó, nhằm kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong và tạo dựng “ngọn cờ” xây dựng quy tụ lực lượng, các thế lực phản động, thù địch luôn tìm mọi mưu mô móc nối, xâm nhập vào nội bộ của ta, tìm cách phân hóa tổ chức, lôi kéo, mua chuộc các phần tử thoái hóa biến chất, bất mãn, cơ hội chính trị.

Để tăng thêm hiệu ứng của các thông tin sai trái, chúng chú trọng tập hợp, trích dẫn các ý kiến trái chiều, đi ngược chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước với những “nhãn mác tự phong” như “nhân sĩ, trí thức yêu nước”, “tâm huyết, trách nhiệm vì nhân dân”... Đây là chiêu bài chống phá từ bên trong kết hợp với bên ngoài nhằm từng bước làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

 

Các thế lực thù địch và phần tử cơ hội phản động lợi dụng sự bùng nổ của internet - mạng xã hội ráo riết, đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Nguồn: ITN

 

Chúng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội, nhất là vào những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước để phát tán thông tin xuyên tạc, chống phá bằng nhiều chiêu thức mới với phương châm “hư hư, thực thực”, “mưa dầm thấm lâu”, “nói nhiều rồi sẽ tin”... núp dưới những chiêu bài “góp ý”, “kiến nghị, đề nghị”, “thư ngỏ”…

Trên thực tế, từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, các thế lực thù địch đã tập trung chỉ đạo, tài trợ; tăng cường hệ thống thông tin tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam. Có gần 40 đài phát thanh, truyền hình có chương trình tiếng Việt, gần 500 tờ báo, tạp chí, bản tin bằng tiếng Việt xuất bản ở nước ngoài, chĩa mũi nhọn chống phá cách mạng Việt Nam. Mạng xã hội là con dao 2 lưỡi, tiềm ẩn nhiều vấn đề bất cập và hiểm hoạ khó lường khi bị các thế lực thù địch lợi dụng. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần tỉnh táo để không bị lôi kéo, biến mình thành con rối của kẻ xấu, tiếp tay cho những mưu đồ thấp hèn của kẻ thù.

Chúng trắng trợn bịa đặt, vu cáo Đảng, Nhà nước và các cơ quan pháp luật “vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền”; kích động gây dư luận xấu, tạo mâu thuẫn xã hội; gửi thư kiến nghị đến các tổ chức nhân quyền thế giới yêu cầu can thiệp vào tình hình nội bộ Việt Nam.Triệt để tán dương, cổ vũ các hành động, hành vi trái pháp luật của những phần tử chống đối. Tạo dựng các video clip, phóng sự có giao diện giống của Đài Truyền hình Việt Nam và một số báo, đài địa phương để “dẫn dụ” tâm lý tò mò của nhiều người... nếu độc giả không xem kỹ sẽ dễ bị nhầm lẫn, tiếp tay tuyên truyền cho các đối tượng xấu.

Dưới sự hậu thuẫn của một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, các thế lực thù địch lập ra các hội, nhóm, tổ chức tự xưng, xây dựng kế hoạch, đầu tư kinh phí cho tổ chức, bộ máy, trang thiết bị và hệ thống chân rết hòng kêu gọi, phát động những “phong trào” chống phá toàn diện, mọi lúc, mọi nơi khi có điều kiện.

Chúng đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức “xã hội dân sự” và “phản biện xã hội”, liên thông, kết nối với các “hội”, “đoàn”, “nhóm” nhằm thúc đẩy “đấu tranh bất bạo động” theo xu hướng cách mạng màu... (Dưới danh nghĩa “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “yêu nước” với những cái tên rất kêu mang tinh thần “dân tộc” như “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Nhóm công dân tự do”, “Nhóm tuổi trẻ yêu nước”. Chúng còn thúc đẩy sự ra đời các khuynh hướng dân chủ cực đoan, “xã hội dân sự”, hình thành tổ chức chính trị bất hợp pháp.

Bằng những hình thức tinh vi, chúng triệt để lồng ghép những quan điểm sai chống phá thông qua tổ chức các “hội thảo khoa học”, diễn đàn, sinh hoạt hội, nhóm; dùng các “mồi nhử” kinh tế; giả danh cán bộ để lừa dối, tán phát các luận điệu sai trái, phản động.

Quyết liệt chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng

Các thế lực thù địch và phần tử cơ hội phản động ráo riết, tập trung, quyết liệt chống phá trên mặt trận chính trị, tư tưởng; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo đó, nếu chưa xóa bỏ được chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì cũng tạo nên sự mơ hồ, hoài nghi, tạo điều kiện cho các trào lưu tư tưởng phi vô sản, xấu độc thâm nhập, ăn sâu vào đời sống xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên; tác động tiêu cực đến sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

Một là, xuyên tạc, bác bỏ lý luận hình thái kinh tế - xã hội mác xít nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin.

Phát tán, đăng tải khuếch trương, cổ súy các học thuyết chính trị tư sản: Thuyết thế giới phẳng, thuyết hội tụ, thuyết ba làn sóng văn minh… nhằm phủ nhận lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyệt đối hóa yếu tố khoa học, kỹ thuật, coi đó là yếu tố quyết định sự vận động, phát triển của xã hội loài người. Theo chúng, loài người trải qua nền “văn minh nông nghiệp” tới “văn minh công nghiệp” và cuối cùng là “văn minh hậu công nghiệp”. Quan điểm này về thực chất là phủ nhận vai trò đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp, cho tới nay xã hội loài người đã trải qua 4 hình thái kinh tế - xã hội và đang quá độ tiến vào hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa theo đúng quy luật vốn có của nó.

Chúng còn cho rằng, ở những nước phong kiến, tiền tư bản như ở Việt Nam thì không thể bỏ qua chủ nghĩa tư bản để tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Giá như Việt Nam không theo con đường Xã hội chủ nghĩa, mà đi theo con đường Tư bản chủ nghĩa thì đất nước không phải lâm vào mấy chục năm chiến tranh, kinh tế sẽ phát triển hơn, nên họ “khuyên nhủ” Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa cũng chưa muộn.

Hai là, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân: Xuyên tạc và lập luận rằng giai cấp công nhân chỉ là những người có học vấn thấp, những lãnh tụ của giai cấp công nhân cũng thường có trình độ văn hóa không cao. Nếu giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, xây dựng một xã hội mới thì tại sao ở những nước tư bản phát triển có lực lượng công nhân rất đông, chất lượng cao lại không thực hiện vai trò sứ mệnh lịch sử của mình? Đồng thời, đề cao vai trò của đội ngũ trí thức trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ phát triển, cho rằng đội ngũ này mới có khả năng lãnh đạo cách mạng theo con đường tư bản chủ nghĩa…

Thực chất của quan điểm này là sự biện hộ cho địa vị thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản nhằm khẳng định sự tồn tại “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản trên cơ sở phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Ba là, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Các thế lực thù địch hiểu rõ việc tiến công một cách trực diện vào tư tưởng Hồ Chí Minh rất khó, vì vậy chúng đã đi đường vòng. Đây là một chiêu trò rất nguy hiểm, thực chất của quan điểm trên không chỉ là sự phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn xuyên tạc, bóp méo, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tính chất nguy hiểm của các quan điểm này còn thể hiện ở chỗ: gieo rắc sự hoài nghi, dao động về nền tảng tư tưởng của chúng ta; tạo nên “khoảng trống” về tư tưởng và ý thức hệ để chúng dễ bề truyền bá các quan điểm, tư tưởng phi vô sản vào đời sống tinh thần xã hội ta; tạo ra sự “diễn biến bên trong”, nhất là diễn biến về tư tưởng, từ đó dẫn đến “tự diễn biến” về những mặt khác trong xã hội.

Bốn là, các luận điệu sai trái, thù địch cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn lãnh đạo cách mạng là mất dân chủ, không tạo động lực để phát triển đất nước, cần thực hiện “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”.

Tính phức tạp, độc hại, nguy hiểm của quan điểm này là nó được khoác cái vỏ “vì dân chủ”, mị dân, dễ gây nên sự mơ hồ, ngộ nhận, lẫn lộn về nhận thức, dao động về tư tưởng; nếu không thực hiện được ý đồ xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng thì cũng gây nên sự chia rẽ trong xã hội; sự hoài nghi, thiếu niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Với cách lập luận về vấn đề trên, một mặt nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; mặt khác “lái” nền dân chủ nước ta sang nền dân chủ kiểu tư sản. Họ còn luận chứng rằng, Việt Nam thực hiện đa đảng thì sẽ dân chủ hơn, đất nước sẽ phát triển và đời sống Nhân dân được tốt đẹp hơn.

Trên thực tế, đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn và phát triển không ngừng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là sau 35 năm đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trên thế giới, có hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng. Điều đó cho thấy rằng, chế độ chính trị do một đảng cầm quyền không chỉ là đặc điểm ở các nước XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo và không phải các nước theo chế độ một đảng không bảo đảm dân chủ, đất nước không phát triển.

Có những nước rất nhiều đảng: Armenia có khoảng 40 đảng, Hà Lan có 25 đảng, Na Uy có 23 đảng... nhưng rõ ràng chúng ta không thể kết luận Armenia dân chủ hơn Hà Lan hay Na Uy.

Bài học đau xót và thấm thía về thực thi dân chủ sai nguyên tắc ở Liên Xô trong thời gian cải tổ. Những đơn thuốc “công khai hoá”, “dân chủ hoá”, “đa nguyên chính trị” đưa ra nhằm cải tổ chủ nghĩa xã hội, lại tạo “thời cơ”, điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch ráo riết hơn, quyết liệt hơn trong mưu đồ chống phá và dẫn đến làm tan rã, đổ vỡ chế độ Xô Viết.

Năm là, xuyên tạc mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và việc phát huy dân chủ trong công tác xây dựng Đảng.

Sáu là, cổ xúy cho luận điểm “quân đội phi giai cấp”, “quân đội nhà nghề” nhằm thúc đẩy “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng mạo danh cán bộ quân đội có uy tín, nhất là một số tướng lĩnh đã nghỉ hưu và người nổi tiếng đứng đơn thư tố cáo, bịa đặt, thỉnh nguyện theo kiểu “cáo mượn oai hùm”. Tiến hành khá nhiều vụ “giả danh sĩ quan cao cấp”, những người “có quyền lực” trong các cơ quan, đơn vị Quân đội để lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của những người dân nhẹ dạ, cả tin…

Lợi dụng suy thoái của một bộ phận cán bộ

Đặc biệt, lợi dụng sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ các cấp bị xử lý theo Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước. Chúng quy chụp bản chất chung của cán bộ, đảng viên là tham nhũng, tha hóa, biến chất, “bán nước, hại dân”, hòng tạo dựng nhận thức sai lệch, hoài nghi, dao động, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từ đó, gieo rắc ngờ vực, chia rẽ nội bộ, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với uy tín, vai trò lãnh đạo Đảng và sự quản lý của Nhà nước; ca tụng, khuếch đại chủ nghĩa tư bản mà chúng cho là “thiên đường của tự do, dân chủ, nhân quyền”.

Các thế lực thù địch cho rằng tình trạng tham nhũng ở Việt Nam là một “quốc nạn không có thuốc chữa”. Họ cho rằng tình trạng đó bắt nguồn từ nguyên nhân tất yếu là chế độ một đảng duy nhất ở Việt Nam, hay tham nhũng là “căn bệnh nan y, kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền”...

Từ một số vụ, việc tham nhũng trong thời gian gần đây, nhất là những vụ liên quan đến một số lãnh đạo cấp cao, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã quy chụp, cường điệu hóa, suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản Việt Nam với một số đảng viên, cán bộ tham nhũng, thoái hóa, biến chất. Họ rêu rao rằng “Đảng không còn là Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, Đảng không còn mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc”.

Chúng cố tình xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua chỉ là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng phe phái”... Đây là những luận điệu hết sức thâm độc hòng gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng.

 

Cán bộ Công An tỉnh Kon Tum thực hiện tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đồng bào Dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nguồn: Công an Kon Tum

 

Theo thống kê, trong giai đoạn Đảng ta chuẩn bị tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ XIII, có khoảng 36% các thông tin sai trái, thù địch liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta.

Có thể thấy, tham nhũng là một hiện tượng xã hội tiêu cực, tồn tại ở mọi quốc gia do quyền lực nhà nước bị tha hóa, bị lợi dụng. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là một hiện tượng phổ biến, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó “phần lớn tham nhũng xảy ra ở các quốc gia có chế độ đa đảng, “tam quyền phân lập”. Ở một số nước châu Á, tình trạng tham nhũng còn xảy ra ở cả những nguyên thủ quốc gia như Hàn Quốc, Ma-lay-xi-a... Do đó, không thể cố tình xuyên tạc, bóp méo rằng tham nhũng chỉ xảy ra ở những nước có chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo như Việt Nam.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ ta. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”.

Kế thừa tư tưởng và thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Người, trong những năm gần đây, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội, tinh thần chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt hơn, thực chất hơn với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, vừa có tác dụng cảnh báo, răn đe; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, tuy nhiên, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Chúng ta càng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”. Hơn nữa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng là cách để mỗi cán bộ, đảng viên thêm vững tin vào Đảng, vào chế độ - một đảng sinh ra không phải để làm quan phát tài, một chế độ luôn lấy sự phồn vinh của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Đấu tranh, phản bác hiệu quả

Để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trước hết, cần không ngừng giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thường xuyên giáo dục, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục tiêu, quan điểm và các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chủ động đấu tranh phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và các nguyên tắc xây dựng Đảng...

 

Gắn kết chặt chẽ yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên, sinh viên . Ảnh: Tư liệu

 

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ.

Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền đồng bộ về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cung cấp kịp thời những thông tin nhằm nhận diện đúng các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới, qua đó tăng cường sức đề kháng, nâng cao cảnh giác và tinh thần chủ động trong đấu tranh...

 

Cán bộ chiến sĩ công an Nhân dân tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Tư liệu

 

Ba là, tăng cường nghiên cứu, dự báo, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những phần tử cơ hội, phản động chống Đảng, Nhà nước.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc “đấu tranh không ngừng nghỉ”. Trong giai đoạn hiện nay, với việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và chiếm lĩnh không gian mạng xã hội, các thế lực thù địch vẫn dai dẳng, tiếp tục gia tăng ảnh hưởng chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Chính vì vậy, cần nhận diện đầy đủ và toàn diện các nội dung quan điểm đó để chủ động đấu tranh phản bác. Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới hình thức, phương pháp và kĩ năng đấu tranh để làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp này là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có trách nhiệm của đảng viên, những người đứng đầu và đội ngũ lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức.

Liên kết website