Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

Thứ Năm, 14/03/2024
Thừa nhận và đảm bảo quyền con người là một chỉ báo đánh giá sự phát triển văn minh, tiến bộ của mỗi xã hội, là cơ sở để Nhà nước ghi nhận và đảm bảo quyền cho người dân. Trên quan điểm đó, Việt Nam đã phê chuẩn và tham gia Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) và là thành viên tích cực thực hiện theo đúng các nội dung của Công ước này.

Ngày 19/12/2023, ngành Ngoại giao tổ chức Hội nghị lần thứ 32. Tới dự và phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thuỷ chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay”.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 32 Ngành Ngoại giao Việt Nam (ngày 19/12/2023) - ảnh: PV

 

Nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là sự ghi nhận kết quả đạt được sau một quá trình bước ra hội nhập với sân chơi thế giới của Việt Nam. Về mặt đối ngoại, với tư cách là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã cố gắng hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của nước thành viên. Hiện nay, Liên hợp quốc có 24 công ước quốc tế liên quan đến quyền con người, trong đó có 9 công ước được coi là quan trọng và cơ bản nhất.

Việt Nam đã tham gia phê chuẩn và cam kết thực hiện 7/9 công ước có liên quan đến quyền con người, gồm: Công ước về quyền dân sự và chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, Công ước về quyền của người khuyết tật, Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Trong Chương trình bình luận “Việt Nam bảo vệ quyền con người” (Thứ bảy ngày 10/12/2022, trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam), PGS,TS Nguyễn Thị Thanh Hải - Phó Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận xét, nếu so sánh cuối những năm 1980, thời kỳ bắt đầu công cuộc Đổi mới với hiện nay thì có thể thấy rất rõ sự phát triển trong cách tiếp cận, quan điểm của Việt Nam về quyền con người.

Nếu những năm đầu Đổi mới, quyền con người là vấn đề “nhạy cảm”, thậm chí là cấm kỵ thì hiện nay đã được thừa nhận rộng rãi trong quan điểm, trong hệ thống văn bản của Đảng, Nhà nước ta, là nội dung giảng dạy trong trường học. Từ chỗ quyền con người được tiếp cận thụ động, thậm chí mang tính chất đối phó với những phê phán, chỉ trích từ bên ngoài thì nay đã được coi là mục tiêu cốt lõi của quá trình phát triển của Việt Nam.

PGS,TS Nguyễn Thị Thanh Hải còn cho rằng, sự thừa nhận và đảm bảo quyền con người là một chỉ báo đánh giá sự phát triển văn minh, tiến bộ của mỗi xã hội, là cơ sở để Nhà nước ghi nhận và đảm bảo quyền cho người dân.

Trên quan điểm như vậy, trong các công ước quốc tế Việt Nam đã phê chuẩn và tham gia có một công ước quan trọng, trực tiếp liên quan đến quan hệ giữa các dân tộc, đó là Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Ra đời từ năm 1965, Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số.

Việt Nam tham gia Công ước CERD từ năm 1982 và từ đó đến nay, luôn là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã và đang thực hiện nghiêm túc các nội dung của Công ước CERD; đồng thời thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm thể hiện sự tôn trọng, bảo đảm, thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, tham gia Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Việt Nam có cơ hội giúp bạn bè quốc tế có cái nhìn đúng đắn, những đánh giá, nhận định khách quan về chủ trương, đường lối công tác dân tộc và những thành tựu đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc, đồng thời đón nhận những tri thức quốc tế để xem xét vận dụng vào quá trình hoạch định chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Song, tham gia Công ước cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ phù hợp với cơ chế Công ước như: Nội luật hoá các quy định, nguyên tắc về quyền của người dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, truyền thống lịch sử, văn hoá; đảm bảo tiến bộ thực sự về nhân quyền cho mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt chủng tộc, dân tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, chính kiến, nguồn gốc xuất thân…; định kỳ thực hiện Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước; thực hiện các khuyến nghị, trả lời kháng thư về quyền con người; triển khai các hoạt động giáo dục, thông tin về quyền con người và một số thủ tục khác theo yêu cầu của Uỷ ban Công ước CERD.

 

Việt Nam tham gia Công ước CERD từ năm 1982 và từ đó đến nay, luôn là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã và đang thực hiện nghiêm túc các nội dung của Công ước CERD 

 

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, vấn đề đảm bảo quyền con người của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam luôn không tách rời các hoạt động giám sát của các cơ quan của Liên hợp quốc, của các cơ quan điều ước quốc tế về quyền con người.

Tham gia Công ước CERD, Việt Nam chấp nhận sự giám sát quốc tế về quyền của người dân tộc thiểu số thông qua các hình thức: Xem xét báo cáo quốc gia theo cơ chế đánh giá định kỳ; Thực hiện các thủ tục đặc biệt nhằm điều tra, đánh giá các vấn đề, tình huống về quyền con người cụ thể; Đưa ra các bình luận, khuyến nghị đối với Việt Nam liên quan trực tiếp đến các quyền của người dân tộc thiểu số…

Ngoài cơ chế giám sát của các cơ quan của Liên hợp quốc, của các cơ quan điều ước quốc tế về quyền con người, ở cấp độ song phương, Việt Nam hiện có cơ chế Đối thoại nhân quyền chính thức với 5 đối tác là: Mỹ, EU, Thuỵ Sĩ, Na Uy và Australia. Việt Nam cũng có nhiều kênh trao đổi không chính thức về các vấn đề quyền con người, tham gia nhiều diễn đàn liên quan đến các khía cạnh khác nhau của quyền con người.

Ở đây, cũng cần nói thêm rằng trong lĩnh vực nhân quyền “vẫn đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa lực lượng tiến bộ nhằm phát huy những giá trị cốt lõi thuộc về con người với các thế lực lợi dụng nhân quyền để thực hiện ý đồ chính trị[1]”.

Nhìn chung, trong các hoạt động hợp tác song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương về quyền con người, Việt Nam luôn tích cực, chủ động và có những đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên tinh thần đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền nói chung, quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là khi một số lực lượng chính trị, xã hội quốc tế sử dụng nhân quyền như một công cụ để thực hiện các cuộc “cách mạng màu” nhằm lật đổ các chế độ xã hội mà họ coi là “không phù hợp” với quan điểm của họ, với các giá trị nhân quyền phổ biến thì cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này đã mang những nội dung và tính chất mới đối với nhiều quốc gia - dân tộc nhằm bảo vệ nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên Liên hợp quốc.

Đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ các quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người, bảo vệ các thành quả về quyền con người mà nhân dân Việt Nam nói chung, cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng đã đạt được trong hơn 9 thập niên qua; đồng thời kiên quyết chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu cáo của một số thế lực thù địch nhằm lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động, chia rẽ, tạo sự bất ổn về chính trị, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, làm suy giảm lòng tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước…

Thực hiện Công ước CERD, Chính phủ Việt Nam đã giao Uỷ ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo quốc gia và tổ chức bảo vệ tại Ủy ban Công ước CERD, hướng tới mục tiêu đóng góp vào việc ngăn chặn và chống lại sự phân biệt chủng tộc.

Việt Nam đã 4 lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Tại khóa họp lần thứ 111 (ngày 29, 30/11/2023), Việt Nam trình bày báo cáo quốc gia định kỳ từ lần thứ 5 theo hướng dẫn của Ủy ban Công ước CERD.

Báo cáo tập trung thể hiện kết quả Việt Nam thực thi Công ước CERD từ năm 2013 - 2019, cụ thể là các nội dung: Hệ thống pháp luật Việt Nam và các thiết chế bảo đảm, thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam; Định nghĩa phân biệt chủng tộc và đánh giá sự phù hợp của định nghĩa phân biệt chủng tộc trong các điều luật của Việt Nam; Vai trò quan trọng của công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trong việc xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Kết quả thực hiện các cam kết cấm và xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam; Các biện pháp đảm bảo cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam không phải chịu bất cứ hành động phân biệt chủng tộc nào.

Ngoài việc bảo vệ báo cáo quốc gia trước Uỷ ban Công ước CERD, Việt Nam còn tham gia tích cực các phiên đối thoại với các Ủy ban Công ước CERD và nghiêm túc xem xét các khuyến nghị, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai tăng cường thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.

-------------------------------

[1] Xem TS. Võ Công Khôi, Nhận diện các chiêu bài can thiệp khoác áo nhân quyền, Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4 (32) - 2023, tr.3

Liên kết website