Đại hội XIII của Đảng xác định đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương.
Chủ trương đúng đắn trên của Đảng khi triển khai vào thực tiễn lại xuất hiện mối nguy đáng báo động là tình trạng “dưới đẩy lên, trên đùn xuống” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của một số cơ quan và một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Vì sao xuất hiện thực trạng trên; giải pháp nào để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện phân cấp, phân quyền…? Những nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong loạt bài viết “Phân cấp - phân quyền: Vì sao vẫn dưới đẩy lên, trên đùn xuống?”.
Bài 1: Năng lực cán bộ còn yếu kém
Cái gốc của thực trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng là trình độ, năng lực của cán bộ còn yếu kém dẫn đến sợ làm sai, sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật. Nắm nội dung công việc lơ mơ; lười nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, văn bản liên quan; thiếu sâu sát thực tiễn; quan liêu, làm việc rập khuôn, máy móc; tư tưởng ỷ lại chỉ trực đợi trên chỉ đạo xuống, dưới tham mưu lên... là điểm huyệt cốt tử tạo ra lực cản khiến chủ trương phân cấp, phân quyền khó đi vào thực tiễn.
"Thủ phạm" chính của sự ì ạch, kìm hãm phát triển
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, đồng chí Nguyễn Đình Quyền, khi ấy là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thẳng thắn nêu: “Đi chấm thi chuyên viên cao cấp trong 5 năm qua, tôi thấy rất đáng lo ngại về trình độ của cán bộ, dường như không nâng lên mà còn có dấu hiệu đi xuống. Chúng tôi chấm phúc tra nhiều bài và thấy, có một số cán bộ đáng lẽ không nên cho đi thi, bởi bài viết của họ nguệch ngoạc được mấy chữ, không hiểu về nội dung. Khi bị chấm dưới điểm trung bình thì họ đề nghị phúc tra, thật là thiếu sự tự trọng... Tôi nghĩ rất đáng báo động về năng lực cán bộ”.
Trao đổi với báo chí, đồng chí Nguyễn Đình Quyền bày tỏ hết sức trăn trở khi hỏi thi vấn đáp, có những cán bộ cấp cao không nắm rõ, thậm chí là “rất lơ mơ” về nội dung công tác quản lý nhà nước.
Vấn đề được lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra tại phiên họp kể trên, là dẫn chứng cho những hạn chế, yếu kém cả về năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Cho đến nay, điều này vẫn là vấn đề đáng báo động khi tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ diễn ra ở không ít cấp, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị, mà một trong những nguyên nhân hàng đầu là do trình độ, năng lực yếu của một bộ phận cán bộ.
Cái gốc của thực trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng là trình độ, năng lực của cán bộ còn yếu kém dẫn đến sợ làm sai, sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật. Tranh minh họa: tuyen giao.vn
Thực tế thời gian qua, không ít cán bộ khi thực thi nhiệm vụ, xử lý, giải quyết công việc ngay từ cấp cơ sở đã không đáp ứng được yêu cầu. Bởi trình độ chuyên môn của họ còn nhiều hạn chế, cộng với việc thiếu hiểu biết, nắm không chắc về các quy định, hướng dẫn, chế độ, chính sách... dẫn tới việc nhận định, đánh giá tình hình chưa chính xác, không đưa ra được biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, gây ách tắc công việc, thậm chí mất cơ hội của không ít người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Sự yếu kém về năng lực tạo ra tác phong làm việc thiếu khoa học, thiếu trách nhiệm trong phối hợp công tác, làm qua loa, đại khái...
Chưa khi nào cụm từ “né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm” được nhắc nhiều như thời gian vừa qua bởi tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở các ngành, các địa phương. Trong năm 2022, Ban tiếp công dân Trung ương tiếp thường xuyên hơn 3.200 lượt, với hơn 10.000 lượt công dân đến trình bày hơn 2.500 vụ việc trong đó có gần 350 lượt đoàn đông người. Năm 2023, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp thường xuyên gần 3.800 lượt với gần 10.100 lượt công dân đến trình bày 3.640 vụ việc, có hơn 300 lượt đoàn đông người.
Theo lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương, nhiều vụ việc tố cáo, khiếu nại hoàn toàn thuộc thẩm quyền giải quyết ngay ở cấp huyện, nhưng lãnh đạo địa phương chưa cầu thị, chưa quan tâm tập trung giải quyết từ sớm, khiến cho bức xúc nảy sinh, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp. Có những nơi mà người dân chưa bao giờ được gặp lãnh đạo địa phương để trình bày chính kiến và có những vụ việc kéo dài nhiều năm, khiếu kiện đông người, phức tạp tại huyện, thị xã thuộc tỉnh nhưng chưa được người đứng đầu tham gia tiếp dân để giải quyết.
Thực trạng trên khiến dư luận dấy lên nghi ngại: Sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám làm thì rõ rồi; thế nhưng nếu trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ để làm đúng thì sao phải sợ? Bởi rõ ràng có những nội dung thuộc thẩm quyền của người đứng đầu, chính quyền ở cơ sở thì tại sao phải đùn đẩy lên cấp trên, nếu không phải là thiếu năng lực giải quyết công việc?
Có những điều tưởng chừng rất đơn giản như câu chuyện một bóng điện hỏng, được người dân phản ánh, kiến nghị lên cấp có thẩm quyền ở địa phương nhưng lại được trả lời là phải báo cáo và chờ thành phố giải quyết. Có những dự án trị giá nhiều tỷ đồng, nhưng thua lỗ, hoặc phải nằm đắp chiếu nhiều năm, nhưng vẫn chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai. Đó là thực tiễn phản ánh việc phân cấp, phân quyền chưa thực sự hiệu quả ở một số nơi khi thẩm quyền chưa đi liền trách nhiệm, chưa phân định rõ ràng, rành mạch giữa việc “không dám làm” hay “không đủ trình độ, năng lực để làm” và có biện pháp xử lý dứt điểm. Bất cập trên là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của bộ máy trong hệ thống chính trị, là điểm nghẽn của sự phát triển.
Thay thế cán bộ yếu kém - không thể hô hào suông
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất quan điểm: Khắc phục bằng được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc kiểu như “giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”. Cùng với phân cấp, phân quyền rõ ràng, cần phải làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức, từng cá nhân trong bộ máy của hệ thống chính trị và nhận thức rõ quyền hạn, nhiệm vụ, chức năng của mình để làm cho đúng.
Như vậy, mấu chốt của vấn đề vẫn là nắm chắc, nhận thức đúng để có hành động đúng và điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, người thực thi công vụ phải không ngừng học tập, tu dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Mỗi cá nhân cần hiểu rằng, sự yếu kém về năng lực, trình độ chuyên môn vừa ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công việc của chính mình, vừa kéo giảm chất lượng hoạt động của cả cơ quan, đơn vị.
Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nội dung này tiếp tục được đồng chí Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh, bởi thời gian qua, một bộ phận cán bộ vẫn chưa quán triệt tốt phương châm “đúng vai, thuộc bài” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém. Đáng lo ngại hơn là không ít cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cấp cao làm việc thiếu chuyên nghiệp.
“Đúng vai” nghĩa là thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; không lạm quyền, lộng quyền; không buông lỏng quyền hạn, trách nhiệm, không “đá quả bóng” công việc của mình cho người khác giải quyết. “Thuộc bài” là hiểu rõ công việc, có kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về vị trí công việc, nắm chắc các quy định về chức năng, nhiệm vụ, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao... Thực tế đã có không ít cán bộ vì chưa thực hiện “đúng vai, thuộc bài” nên dẫn đến làm sai, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng dẫn tới bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhận thức rõ mối nguy hại của tình trạng trên, từ nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng ta đã có những chủ trương, quyết sách về việc miễn nhiệm, từ chức, thay thế cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nhấn mạnh quan điểm này, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, trong đó nêu rõ: Cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút...
Cùng với quy định của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ nhiều tỉnh ủy, thành ủy và người đứng đầu các địa phương đã ban hành các chỉ thị, văn bản, chỉ đạo về việc kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ yếu kém. Chủ trương trên được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Vấn đề là làm sao để chủ trương đúng đắn của Đảng khi được các cấp có thẩm quyền thực thi trong thực tiễn nghiêm minh, hiệu quả, thực chất, chứ không phải là sự hưởng ứng bằng cách hô hào suông.
HỒNG THẠNH