Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ảnh: TTXVN
V.I.Lênin cho rằng, mặc dù chủ nghĩa cơ hội được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau với những tên gọi khác nhau trong mỗi thời kỳ lịch sử, nhưng bản chất của chúng chỉ là một. Đó là sự phản bội chủ nghĩa Mác, phản bội phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì những lợi ích cục bộ bảo thủ - mà thực chất là phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản (CNTB) - mà từ bỏ những lợi ích căn bản của giai cấp công nhân. Những kẻ cơ hội chủ nghĩa đã cắt xén chủ nghĩa Mác cho phù hợp với lợi ích giai cấp tư sản, núp dưới chiêu bài bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác để xét lại chủ nghĩa Mác, “ôm hôn chủ nghĩa Mác để bóp chết chủ nghĩa Mác”(1). Do vậy, phần tử cơ hội chính là kẻ thù bên trong của chủ nghĩa Mác - Lênin. Những kẻ vốn bài xích chủ nghĩa Mác đã “khoác áo” chủ nghĩa Mác để lừa dối giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chúng cản trở việc truyền bá chủ nghĩa xã hội khoa học, thực chất là giúp giai cấp tư sản truyền bá hệ tư tưởng vào trong công nhân, từ đó khiến cho việc thành lập các chính đảng của giai cấp công nhân gặp nhiều khó khăn, đẩy lùi phong trào công nhân ở các nước... Vì vậy, trong từng giai đoạn, nhiệm vụ cách mạng cụ thể, V.I.Lênin luôn kiên quyết phê phán, đấu tranh, vạch trần bản chất phản khoa học, phản động của các quan điểm, tư tưởng và hành động của những kẻ cơ hội chủ nghĩa.
Hồ Chí Minh gọi những phần tử cơ hội chủ nghĩa là bọn đầu cơ, cơ hội chủ nghĩa thực dụng với bản chất là mưu lợi cá nhân, ích kỷ, vụ lợi, chỉ tìm cách “thích nghi”, luồn lách và sẵn sàng thỏa hiệp vô nguyên tắc với mọi trào lưu. Người cho rằng bọn đầu cơ cũng giống như là bọn phản động, “là địch nhân lọt vào trong Đảng để phá hoại”(2).
Các phần tử cơ hội ngày nay khác với những kẻ cơ hội “cổ điển” ở chỗ, nó không còn đơn thuần là những kẻ “khoác áo” Mác-xít để đấu tranh giữa giữa hai luồng tư tưởng, mà đã “biến hóa muôn hình vạn trạng” với mức độ tinh vi hơn, ngụy trang kỹ lưỡng hơn; đội lốt “yêu nước”, “vì dân”, “đấu tranh vì dân chủ, “vì nhân quyền” để xuyên tạc, bài xích, hướng lái đòi Đảng từ bỏ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối về chủ nghĩa xã hội (CNXH)... Biểu hiện cụ thể như sau:
Một là, những đối tượng có lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng, không kiên quyết, “gió chiều nào, che chiều đó”, dễ dao động, thiếu niềm tin, luôn hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới đất nước; hoài nghi bản thân, lý tưởng mà mình tự nguyện suốt đời phấn đấu. Khi cách mạng thuận lợi thì tỏ ra cấp tiến, khi cách mạng gặp khó khăn thì thoái lui, thoả hiệp. Họ tìm mọi cách để xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng bằng những luận điệu cũ rích của chủ nghĩa cơ hội quốc tế và những thế lực phản động như: Chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, chỉ phù hợp ở Châu Âu thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX; giả bộ ca tụng, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin; cắt rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận gián tiếp tư tưởng của Người.... Cùng vối đó là những kiểu cách, thủ đoạn “ngụy lý luận” để phủ định lý tưởng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phủ nhận CNXH hiện thực, bác bỏ con đường đi lên CNXH; rêu rao rằng không có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực chất Việt Nam đã đi theo con đường TBCN...
Hai là, có những đối tượng tự gắn mác “vì nước” “vì dân”, lợi dụng các đợt đóng góp ý kiến vào những dự thảo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đưa ra những quan niệm “lập lờ đánh lận con đen”. Với cái mã tỏ ra học cao, hiểu rộng, khi viết bài, đóng góp ý kiến, những phần tử cơ hội này lại có những lời lẽ, ý tứ ngụy biện trong lớp vỏ “phản biện trên tinh thần khoa học”, “thư kiến nghị”, “góp ý kiến”, “thư ngỏ”... thực chất là trực tiếp hoặc gián tiếp phản bác, đả kích quan điểm, đường lối, Cương lĩnh, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, phủ định những thành tựu cách mạng và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Trong số này có cả những cán bộ, đảng viên cấp cao, từng có công lao với Đảng và cách mạng, nhưng mắc vào chủ nghĩa cơ hội, công thần, bất mãn, không tôn trọng và đặt lợi ích của Đảng lên trên hết... dẫn đến phá hoại tổ chức.
Ba là, những kẻ “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng những hiện tượng tiêu cực, hạn chế trong đời sống xã hội để thổi phồng, xuyên tạc vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, quy kết “sự lãnh đạo của Đảng” là nguyên nhân của “khủng hoảng toàn diện”, “đất nước lâm nguy”, “tình thế hiểm nghèo”. La lối bằng những giọng điệu “khẩn thiết” rằng: Chừng nào ở Việt Nam chỉ có độc đảng lãnh đạo thì chừng đó không thể nói tới một nền dân chủ chân chính; Việt Nam muốn phát triển, muốn có dân chủ thực sự thì phải hội nhập vào xu thế đa đảng...
Bốn là, những phần tử cơ hội trong Đảng. Những người này thường nói rất hay, làm cho nhiều người ngộ nhận, song trên thực tế hành động, lối sống và nhân cách của họ lại xa lạ với những điều họ nói. Lời nói không đi đôi với việc làm là biểu hiện thường thấy ở những phần tử cơ hội. Bên cạnh đó, họ còn nhân danh Đảng, nhân danh CNXH, khoác áo “hăng hái”, “tích cực” để thực hiện ý đồ, tham vọng “chui sâu, leo cao” rồi sử dụng quyền lực phục vụ cho lợi ích của cá nhân, nhóm nhỏ, chứ không bao giờ vì lợi của tập thể, của quốc gia - dân tộc. Các phần tử cơ hội rất giỏi che giấu mặt thật, ít bày tỏ quan điểm - chính kiến rõ ràng, thái độ chính trị trung dung, thỏa hiệp, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, chỉ làm việc có lợi cho bản thân; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng, hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ không trong sáng. Khi có đủ điều kiện về quyền lực và lực lượng thì khuynh đảo đường lối, chính sách, phản bội lại lý tưởng của Đảng.
Các phần tử cơ hội dù biểu hiện dưới hình thức nào cũng rất nguy hiểm. Đó là kẻ thù bên trong đã và đang gây ra những tổn hại tới cho sự vững mạnh chính trị, tư tưởng, tổ chức của Đảng, làm giảm sút năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, làm suy giảm uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, đây là đối tượng dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, mua chuộc, móc ngoặc để thực hiện âm mưu chống phá cách mạng, nhất là phá hoại nền tảng tư tưởng, chính trị hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam.
Vì lẽ đó, việc thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với các phần tử cơ hội chủ nghĩa - những kẻ thường được gọi là “giặc nội xâm” luôn là vấn đề đặt ra hết sức cấp thiết, là tất yếu khách quan trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng để bảo vệ Cương lĩnh, mục tiêu, đường lối, những thành quả của cách mạng Việt Nam. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”(3). Để đấu tranh với các phần tử cơ hội có hiệu quả, cần quyết liệt hơn nữa, tiến hành toàn diện các giải pháp, từ chính trị, tư tưởng, tổ chức. cơ chế đến chính sách, pháp luật, trong đó có những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Nhận diện đúng những biểu hiện, quan điểm sai trái, phản động của các phần tử cơ hội và tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh phòng, chống phần tử cơ hội hiện nay.
Trong tình hình hiện nay, biểu hiện của các phần tử cơ hội là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những kẻ cơ hội thường giấu mặt rất giỏi nhưng âm mưu thủ đoạn lại rất tinh vi, xảo quyệt, nếu chỉ bằng trực quan, quan sát tthì rất khó có thể “chỉ mặt đặt tên” họ là ai trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nhận diện đúng những biểu hiện của các phần tử cơ hội trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhận thức đúng tính chất phức tạp, khó khăn, lâu dài, quyết liệt của cuộc đấu tranh phòng, chống tệ cơ hội chính trị hiện nay chính là để tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân. Từ đó, chủ động, kịp thời, kiên quyết thực hiện những biện pháp, bước đi thích hợp, kết hợp chặt chẽ giữa “phòng” và “chống”, có thái độ dứt khoát, kiên quyết, triệt để, không nhân nhượng; đấu tranh trên tất cả các mặt trận chính trị, tư tưởng, lý luận, kinh tế, văn hóa, xã hội, không để những hiện tượng, biểu hiện cơ hội trở thành một trào lưu, một lực lượng cản trở sự nghiệp cách mạng Đảng, của dân tộc. Quá trình đó cần gắn với đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và cuộc đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Bảo đảm an toàn thông tin, quản lý tốt Internet, mạng xã hội để có biện pháp phân loại, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi ý đồ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (Trong ảnh: Nhân viên của VNPT xử lý kỹ thuật, bảo đảm an toàn thông tin tại Trung tâm Viễn thông tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN) |
|
Nâng cao hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII.
Đây là giải pháp cơ bản, toàn diện và then chốt, bởi nó góp phần trực tiếp thanh lọc, loại bỏ những phần tử cơ hội ra khỏi tổ chức Đảng, đồng thời tạo nên sức mạnh miễn dịch trước âm mưu, thủ đoạn chống phá. Theo đó, toàn Đảng phải nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn, bền bỉ, kiên trì; tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức đảng gắn với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, kiên quyết chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng cho mỗi cán bộ, đảng viên; đề cao và thực hiện nghiêm phê bình và tự phê bình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sàng lọc cán bộ, đảng viên, kiên quyết đưa những kẻ cơ hội chính trị, thực dụng, tê liệt ý chí cách mạng, thoái hóa biến chất, tham ô, lãng phí, đặc quyền đặc lợi ra khỏi Đảng. Đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự tu dưỡng rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp. Mỗi người trong thực nhiệm vụ chính trị, thực thi công vụ phải thống nhất giữa nói và làm, giữa dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo, nhất là trong phòng, chống và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội như tư duy nhiệm kỳ, đầu cơ chính trị, chạy quy hoạch, luân chuyển, chạy chức, chạy quyền...
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn trong đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội.
Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” đã xác định: “Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội và các tư tưởng thù địch dưới mọi màu sắc”. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, cần tập trung nghiên cứu làm sáng tỏ các vấn đề về CNXH và con đường đi lên CNXH, những vấn đề về đảng cầm quyền.... Đặc biệt, cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận một cách hiệu quả; đấu tranh sắc bén với những quan điểm phi mácxit, tư tưởng cơ hội chính trị cùng những quan điểm sai trái, phản động của các phần tử cơ hội, thế lực thù địch trong và ngoài nước. Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển kinh nghiệm, phương pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội của C.Mác, Ph.Ănghen và V.I.Lênin; rút ra những bài học, nâng cao chất lượng hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội trong giai đoạn hiện nay.
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự phối hợp và tổ chức chặt chẽ giữa các lực lượng để tạo thành thế trận vững.
Không ngừng nâng cao tính chủ động, thiết thực, hiệu quả của các ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trong công tác tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện cuộc đấu tranh trên trận địa tư tưởng; tính chuyên sâu của các cơ quan nghiên cứu, của đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành; tính kịp thời, đa dạng, phong phú của các cơ quan thông tấn, báo chí... Linh hoạt, đa dạng các hình thức, phương pháp đấu tranh trực tiếp và gián tiếp; khơi dậy và phát huy cao độ khả năng, thế mạnh của mỗi tổ chức, mỗi lực lượng tham gia; khắc phục việc đấu tranh một chiều, khuôn sáo theo công thức định sẵn, thoát ly các vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn. Chú trọng xây dựng, tổ chức các lực lượng, nhất là lực lượng nòng cốt có trình độ chuyên sâu, có phương pháp khoa học, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh gay go, phức tạp này; phát triển các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả giám sát, ngăn chặn liên lạc, vô hiệu hóa hoạt động tuyên truyền phá hoại của các đối tượng cơ hội trên Internet và mạng xã hội./.
Đại úy, ThS. NGUYỄN THỊ LY
Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự
(1) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxơcơva, 1977, t.26, tr.280.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.264.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, t1, tr.183.
Theo Tạp chí tuyên giáo