Hoàn thiện cơ chế để hiện thực hóa "4 không"

Thứ Năm, 18/08/2022

Nó đòi hỏi chúng ta phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự, với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng”. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo đảm thực hiện "4 không" này.

Trước hết, phải "tuyên chiến" với "chạy chức"

Sở dĩ trước hết phải “tuyên chiến” với “chạy chức”, vì đây vừa là biểu hiện rõ nhất của sự tha hóa quyền lực, vừa là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn đến tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực. Cổ nhân đã đúc rút “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Người không tốt mà lại làm cán bộ, nắm quyền lực trong tay thì đương nhiên sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực. Ai đó đã phải đầu tư để “chạy chức”, “chạy quyền” thì tất yếu sẽ nghĩ cách tham nhũng, tiêu cực để ít nhất là thu hồi số tài sản đã dùng để “chạy”, rồi còn phải tìm cách “chạy” tiếp. Thật vô cùng nguy hiểm vì đối tượng “chạy chức” sẽ lại ưu ái sử dụng những người biết “dùng phong bì, đi cửa sau”. Cái vòng “chạy chọt” cứ thế tiếp diễn, khiến người thực sự có tâm, có tài không được trọng dụng. Tha hóa quyền lực nói chung và tham nhũng, tiêu cực nói riêng vì thế sẽ ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do đó, trước tiên phải chặn bằng được nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, kiểu “nâng đỡ không trong sáng”.

Vậy chống nạn "chạy chức" bằng cách nào?

Ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW "về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Mới đây, Bộ Chính trị khóa XIII tiếp tục ban hành Quy định số 69-QÐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có Điều 30 về kỷ luật đảng viên vi phạm liên quan đến chạy chức, chạy quyền. Theo các quy định này, đảng viên vi phạm các quy định về chống chạy chức, chạy quyền bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến khai trừ; nếu liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

Thế nhưng, để có bằng chứng về việc đưa và nhận hối lộ nhằm “chạy chức”, “chạy quyền” là vô cùng khó vì nó diễn ra hết sức tinh vi, bí mật. Do đó, trước hết phải siết chặt quy trình, quy định về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo hướng: Gắn trách nhiệm cụ thể của người đề cử cán bộ và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm cán bộ. Ví dụ, nếu phát hiện cán bộ có sai phạm nghiêm trọng trước khi được đề cử và trong 5 năm đầu kể từ khi được bổ nhiệm thì người đề cử cán bộ đó và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm cán bộ đó cũng bị xem xét xử lý kỷ luật (tránh tình trạng núp bóng tập thể cấp ủy để “nâng đỡ không trong sáng”). Bên cạnh đó, cần thực hiện ngay việc công khai danh sách cán bộ từ quy hoạch đến đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển để quần chúng biết và cùng giám sát, vì “ngọn đèn công khai” càng rộng rãi thì càng ít “khoảng tối” mờ ám.

Đặc biệt, Đảng, Nhà nước phải kiên quyết đổi mới công tác đánh giá cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), công chức, viên chức theo nguyên tắc lấy phẩm chất, tư cách và hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu; chuyển từ đánh giá định tính sang định lượng bằng hình thức chấm điểm trên từng nội dung, như: Bản lĩnh chính trị; phẩm chất đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực công tác; kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách; tinh thần đấu tranh phê bình; việc chấp hành pháp luật, kỷ luật... Chấm điểm cụ thể trên từng biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tránh tình trạng đánh giá chung chung, cào bằng; đại đa số CB, ĐV được nhận xét hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau đó lại “lòi ra” vi phạm pháp luật, kỷ luật. Cần nghiên cứu ban hành cơ chế lấy phiếu tín nhiệm CB, ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý mỗi năm một lần ở trong cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể cơ quan, đơn vị. Như vậy sẽ hạn chế được nạn “chạy chức”, “không dám chạy” vì không xứng đáng thì sẽ sớm bị loại.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thi tuyển cán bộ cần được triển khai thống nhất theo lộ trình ở từng cấp đối với những chức vụ có thể thi tuyển. Với mỗi vị trí cán bộ cần bổ nhiệm, trên cơ sở quy hoạch cán bộ, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền hoặc thủ trưởng cấp trên trực tiếp giới thiệu hai ứng viên trở lên cùng trình bày chương trình hành động trong hội nghị cấp ủy và hội nghị cán bộ chủ trì trước khi bỏ phiếu tín nhiệm, đề cử để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, đánh giá khách quan hơn. Đó là những biện pháp hiệu quả phòng ngừa nạn “chạy chức”, “nâng đỡ không trong sáng”, đồng thời tạo động lực để CB, ĐV, công chức, viên chức phấn đấu không ngừng và phòng, chống tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực...

Một bất cập nữa cần khắc phục ngay, đó là hiện nay chưa có quy định nào về xử lý hình sự đối với hành vi liên quan đến việc thiếu trách nhiệm hay vi phạm các quy định về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Trong khi đó, việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm dẫn đến “bổ nhiệm nhầm cán bộ” có khi còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, môi trường... của các tội danh khác.

Thủ đoạn của những người “chạy chức”, “chạy quyền”, “nâng đỡ không trong sáng” là rất tinh vi, nguy hại khôn lường. Muốn phòng, chống tha hóa quyền lực, nhất là chống tham nhũng, tiêu cực thì trước hết phải khắc phục triệt để những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ để bảo đảm cho CB, ĐV “không thể", "không dám” tham nhũng, tiêu cực.

Dẹp ngay cơ chế xin-cho

Những hệ lụy từ cơ chế xin-cho quá rõ ràng và đã được bàn rất nhiều trong những năm qua, vì đây chính là nguyên nhân trực tiếp sinh ra tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã yêu cầu: “Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế xin-cho; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "sân sau”...

Theo tinh thần này, những năm qua, nước ta đã ban hành nhiều quy định về cải cách hành chính và thủ tục hành chính; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát loại bỏ rất nhiều thủ tục hành chính, “giấy phép con” gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp... Thế nhưng cơ chế xin-cho vẫn chưa được loại bỏ và có nhiều biến tướng tinh vi hơn. Lẽ đương nhiên, đã có “xin” thì ắt có “cho” hoặc “không cho”. Những tổ chức, cá nhân được trao thẩm quyền (cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm phải làm) “tự nhiên” được quyền ban ơn: Cho hay không cho, cho ít hay nhiều, cho sớm hay muộn... Chính điều vô lý này là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn đến tha hóa quyền lực của không ít cán bộ, công chức mà biểu hiện rõ nhất là sự nhũng nhiễu, tiêu cực, “gây khó để có phong bì”; đồng thời làm người dân và cấp dưới lúc nào cũng có tâm lý đi “xin”, tạo thành lệ “muốn được việc thì phải biết bôi trơn”.

Cùng với đó, phải có cơ chế bắt buộc các cơ quan công quyền công khai minh bạch tất cả những thủ tục hành chính, các nguồn lực, tiêu chuẩn chế độ, kinh phí, chính sách, chương trình dự án, mức phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương (trừ trường hợp thuộc danh mục phải giữ bí mật do Nhà nước quy định) để mọi người đều có thể giám sát, tránh tình trạng “ưu tiên, thiên vị” những tập thể, cá nhân “đi cửa sau”.

Chăm lo đời sống cán bộ thỏa đáng  

Làm cán bộ, công chức mà các khoản thu nhập chính đáng không đủ trang trải cuộc sống ở mức trung bình trở lên thì rất khó để giữ mình trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực. Đó là thực tế cần phải được nhìn nhận thẳng thắn, nghiêm túc và sớm có giải pháp khắc phục, vì cổ nhân đã đúc rút “có thực mới vực được đạo”, “đói ăn vụng, túng làm càn”.

Thực tế là mức thu nhập chính đáng của đa số cán bộ, công chức ngày càng thấp so với mặt bằng xã hội, bởi thu nhập bình quân của người dân tăng nhanh nhưng nhiều năm rồi nước ta chưa cải cách tiền lương; tiền thưởng của cán bộ, công chức cũng rất ít so với người lao động ngoài nhà nước. Ngay cả với cán bộ cấp cao, sau nhiều năm phấn đấu và cống hiến thì lương, phụ cấp cũng chỉ trên dưới 20 triệu đồng, không bằng thu nhập của chủ một cửa hàng hoặc cơ sở sản xuất nhỏ, hay cử nhân trẻ làm việc ở doanh nghiệp tư nhân khấm khá... Trong khi đó, cán bộ càng giữ cương vị cao thì càng có nhiều mối quan hệ, riêng khoản chi việc hiếu, việc hỷ đã rất tốn kém; rồi áp lực “một người làm quan, cả họ được nhờ”, cả đại gia đình, họ hàng, dân làng, bè bạn trông chờ giúp đỡ, tài trợ... Thực tế này ai cũng biết rõ và như vậy thì không phải cán bộ nào cũng có thể giữ mình liêm chính, nhất là khi nhiều người dân, doanh nghiệp và cấp dưới tìm cách gửi “quà” để nhờ vả, mua chuộc người có chức quyền để được ưu tiên, thỏa thuận ngầm “đôi bên cùng có lợi”! Việc bảo đảm chế độ, chính sách thỏa đáng cho cán bộ, công chức đúng với những đóng góp và trách nhiệm trên từng cương vị là giải pháp không thể thiếu để phòng, chống tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực. Nó giúp đội ngũ cán bộ chuyên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa không cần tham nhũng, vừa không dại gì tham nhũng.

Trong nhiều nghị quyết mà gần đây là Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã nêu rõ: Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; do đó phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác. Đáng tiếc là việc hiện thực hóa chủ trương này quá chậm do nhiều nguyên nhân, nhất là chưa có đủ nguồn lực. Nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, nguồn lực của đất nước bị thất thoát do tham nhũng, lãng phí có khi còn nhiều hơn nguồn lực để cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, nên nếu quản lý tốt, chặn được tham nhũng, lãng phí thì sẽ có nguồn lực để trả lương tương xứng cho cán bộ, công chức. 

Hoàn thiện hệ thống luật pháp để không thể tham nhũng

Trong các thành tố cơ bản có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực thì cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực thì thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. Muốn xây dựng thể chế phòng, chống TN, TC tốt, phải kiểm soát chặt chẽ được việc xây dựng chính sách, pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ"; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp.

 Hệ thống luật pháp hiện nay của chúng ta tương đối đầy đủ, nhưng chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, còn có kẽ hở, một số nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột, tính dự báo, khả thi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đơn cử như những mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường... Điều quan trọng trong công tác xây dựng luật pháp, chính sách là phải lựa chọn được đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn sâu, có khả năng phân tích, dự báo chính sách tốt, chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật, đặc biệt có đạo đức tốt, bởi xây dựng chính sách, pháp luật là công việc rất khó khăn, phức tạp.

Trong cơ chế hiện nay của chúng ta, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiêm túc quy trách nhiệm, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản luật, xây dựng chính sách để nâng cao chất lượng xây dựng luật. Bởi một văn bản luật yếu kém, một chính sách bất cập có ảnh hưởng đến rất nhiều người, tác động xã hội lớn. Vấn đề này hiện còn bị xem nhẹ, trách nhiệm không rõ ràng. Cách thức xây dựng luật ở nước ta không do cơ quan chuyên trách, độc lập, hoặc các ủy ban của Quốc hội chủ trì soạn thảo mà thường được giao cho cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực xây dựng. Bởi vậy, nếu không có cơ chế kiểm soát tốt, không quy rõ trách nhiệm thì khó đạt được chất lượng văn bản tốt. Tại một số kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về tình trạng cài cắm “lợi ích cục bộ”, “cuốc giật vào lòng” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cảnh báo: “Lợi ích nhóm người ta cài vào thì chuyên gia pháp luật mới phát hiện được, cài kín lắm, cài đủ các loại luôn, rất kín. Không có sự phát hiện, bóc tách thì rất tai hại”.

Kiểu tham nhũng này nguy hiểm nhưng lại rất tinh vi chứ không dễ nhìn, dễ thấy như tham nhũng kinh tế. Tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm” vào văn bản là rất nguy hiểm. Nó phá hỏng tất cả các nguyên tắc, quy tắc trong xây dựng luật pháp, làm méo mó chính sách, làm mất lòng tin của xã hội. Sâu xa hơn, nó làm tha hóa đội ngũ cán bộ, làm đảo lộn giá trị xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ.

(còn nữa)

Theo QĐND

Liên kết website