Đừng cố tình hiểu sai giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thứ Ba, 17/08/2021
Năm nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kỷ niệm 76 năm ngày cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2021), trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thi đua thực hiện "mục tiêu kép": Vừa quyết liệt phòng, chống có hiệu quả dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra, nhằm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đi vào cuộc sống.

dung-co-tinh-hieu-sai-gia-tri-lich-su-cua-cach-mang-thang-0b604

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Cũng như những năm trước, cứ đến thời điểm này, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị lại đưa ra một số luận điệu chính trị phản động cố tình hiểu sai giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chúng rêu rao "Cách mạng Tháng Tám là thứ quả ngọt trời cho", hoặc "Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự ăn may của lịch sử", chúng ra sức phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Cách mạng Tháng Tám…

Đảng ta đã khẳng định: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi trong điều kiện khách quan có những yếu tố thuận lợi (điều đó chúng ta không phủ nhận). Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai tạo cho dân tộc ta một cơ hội thuận lợi, kẻ thù của chúng ta lúc đó là thực dân Pháp và phát xít Nhật đã tự loại nhau. Từ sau ngày 9/3/1945, đối tượng chủ yếu của cách mạng Việt Nam là phát xít Nhật. Khi đội quân Quan Đông mạnh nhất của Nhật bị Hồng quân Liên Xô đánh bại ở Mãn Châu (Trung Quốc) dẫn đến Nhật đầu hàng Đồng minh, thì ở Việt Nam lúc đó quân Nhật hoảng loạn, quân Pháp chưa đủ sức quay lại, chính quyền tay sai cũng hoang mang, tạo điều kiện khách quan chín muồi cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi.

Tuy nhiên, dù điều kiện khách quan có thuận lợi đến đâu mà điều kiện chủ quan chưa chín muồi thì cách mạng cũng chưa thể thành công. Thực tế cho thấy cũng trong hoàn cảnh thắng lợi của Đồng minh và thất bại của phát xít Nhật, nhưng không phải nước nào cũng tiến hành được một cuộc khởi nghĩa để giành độc lập cho dân tộc. Tại thời điểm đó, chỉ ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", toàn dân đã tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng lật đổ sự thống trị của phát xít Nhật và bọn tay sai, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Thắng lợi của Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của một quá trình chuẩn bị đầy đủ lực lượng cách mạng của Đảng ta. Đồng thời, đó cũng là kết quả của việc chúng ta chủ động, tích cực theo dõi tình hình, dự đoán chính xác thời cơ và đề ra chủ trương đúng đắn, lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên, chớp thời cơ để tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Trong 2 yếu tố chủ quan và khách quan thì yếu tố chủ quan là nguyên nhân chính, động lực chính quyết định đến sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thực tế đã khẳng định dù thời cơ có thuận lợi đến mấy, nhưng nếu chúng ta không có đường lối đúng đắn, không có sự tập duyệt của 3 cao trào cách mạng, không có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thì Cách mạng Tháng Tám cũng không xảy ra. Chính vì vậy, đó không phải là sự ăn may và Đảng ta không hề "cướp công" như những gì các thế lực phản động bịa đặt, xuyên tạc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu: Đó là bài học gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xác định và kết hợp đúng đắn các nhiệm vụ chiến lược trong từng thời kỳ cách mạng; bài học về phát động sức mạnh toàn dân tộc; bài học thực hiện triệt để phương châm "thêm bạn bớt thù"; bài học về nghệ thuật khởi nghĩa, nghệ thuật tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ; bài học về xây dựng một Đảng cách mạng có bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Có thể nói, tháng năm đã trôi qua, nhưng những giá trị lịch sử to lớn, tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám  vẫn sống mãi trong bước đường phát triển của đất nước ta, nhất là trong giai đoạn thực hiện "mục tiêu kép" hiện nay. Mỗi một người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, dù ở cương vị nào, chúng ta hãy phát huy cao độ tinh thần Cách mạng Tháng Tám để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chúng ta cũng không bao giờ đồng tình với những ai cố tình hiểu sai giá trị lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Biển Lặng

Liên kết website