Hiện thực lịch sử vẻ vang đó được toàn dân tộc thừa nhận, tự hào và bạn bè quốc tế khâm phục, quý trọng. Đó là sự thật, không ai có thể phủ nhận. Nhưng vẫn có những thế lực thù địch, phản động ở trong nước và ở nước ngoài cố tình xuyên tạc lịch sử Đảng hòng hạ thấp và chống phá sự lãnh đạo của Đảng.
1. Có một số thế lực cố tình phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và tầm vóc, giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Họ coi đó chỉ là sự “ăn may” của cộng sản, Việt Minh. Thực tế lịch sử đã khẳng định Cách mạng Tháng Tám là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng diễn ra liên tục suốt 15 năm với sự lãnh đạo của Đảng từ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, phong trào dân chủ 1936-1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945.
Trong phong trào giải phóng dân tộc, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát triển, hoàn thiện đường lối, đặt mục tiêu giành độc lập dân tộc lên hàng đầu; xây dựng lực lượng chính trị rộng lớn, đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh; xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng rộng khắp trên cả nước; xác định phương pháp đấu tranh đi từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa giành độc lập và chính quyền; dự báo và nắm bắt thời cơ cách mạng. Đó là những điều căn bản và quyết định thắng lợi của cách mạng.
Điểm nổi bật có giá trị lý luận và thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý đúng đắn vấn đề tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ. Thời cơ bảo đảm cho cách mạng nổ ra và giành thắng lợi là: Cao trào cách mạng của nhân dân cả nước phát triển mạnh mẽ (Đảng đã phát động cao trào kháng Nhật cứu nước ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945); kẻ địch lâm vào khủng hoảng, hoang mang, mất sức chiến đấu (Pháp chạy, Nhật hàng Đồng minh); các tổ chức đảng và Việt Minh đủ mạnh trên cả nước, quyết tâm lãnh đạo đưa quần chúng vào hành động cách mạng. Cùng với nắm bắt thời cơ, Đảng đã chỉ rõ nguy cơ: Quân Đồng minh (Anh và Trung Hoa dân quốc) kéo vào giải giáp quân Nhật và lợi dụng danh nghĩa đó để xâm chiếm Việt Nam; lợi dụng sự thất bại của Nhật, quân Pháp quay lại áp đặt sự cai trị như trước ngày 9-3-1945. Đảng đã lãnh đạo cách mạng thắng lợi trước khi quân Đồng minh vào và trước khi quân Pháp quay lại.
Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang từ ngày 14 đến 15-8-1945 quyết định tổng khởi nghĩa với nguyên tắc chỉ đạo: Tập trung, thống nhất, kịp thời và nhanh chóng giành thắng lợi trong nửa cuối tháng 8-1945. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã xóa bỏ chế độ thuộc địa gần một thế kỷ và chế độ quân chủ phong kiến hàng nghìn năm, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Ảnh minh họa: TTXVN |
2. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1945-1954) do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là cuộc kháng chiến thần thánh với những chiến công vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Bạn bè quốc tế nhắc đến Điện Biên Phủ gắn liền với Việt Nam-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp. Vậy mà đến nay vẫn có thế lực cố tình xuyên tạc. Họ cho rằng có thể tránh được cuộc chiến tranh "nếu phía Việt Nam không hiếu chiến".
Sự thật đã bác bỏ quan điểm sai trái đó. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.
Lập trường hòa bình và sự nhân nhượng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa rất rõ ràng. Khi kháng chiến diễn ra ở Nam Bộ, ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh đã ký với J.Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Hà Nội bản Hiệp định Sơ bộ cho phép 15.000 quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc; Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia tự do có Chính phủ, Nghị viện, quân đội và tài chính riêng trong liên bang Đông Dương và thuộc khối liên hiệp Pháp. Đó là sự nhân nhượng rất lớn nhưng cần thiết mặc dù Pháp chưa công nhận Việt Nam độc lập và còn phải ở trong khối liên hiệp Pháp. Nhân nhượng đó thể hiện mong muốn hòa bình và quan hệ thân thiện với nước Pháp. Để thúc đẩy quá trình đó, ngày 25-4-1946, đoàn Quốc hội Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu thăm nước Pháp. Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội thăm chính thức nước Pháp với mong muốn hòa bình và hợp tác giữa hai nước. Ngày 6-7-1946, cuộc đàm phán Việt-Pháp bắt đầu ở Fontainebleau (Pháp). Do phía Pháp không thành thật muốn đàm phán nên giải pháp hòa bình không thành. Trước khi trở về nước ngày 14-9-1946, Hồ Chí Minh ký bản Tạm ước với Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Moutet nhân nhượng một số quyền lợi của Pháp ở Việt Nam. Ngày 18-10-1946, về đến cảng Cam Ranh, Hồ Chí Minh gặp Cao ủy Pháp D’Argenlieu trao đổi về thực hiện Tạm ước 14-9.
Sau khi ra miền Bắc, quân đội Pháp liên tiếp gây hấn, vi phạm Hiệp định Sơ bộ 6-3. Ngày 20-11-1946, Valluy, Quyền Cao ủy Pháp, ra lệnh cho quân Pháp tấn công Hải Phòng. Ở Hà Nội, quân Pháp trắng trợn dùng vũ lực và đòi kiểm soát thành phố. Trước hành động chiến tranh của Pháp, dân tộc Việt Nam buộc phải chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội Pháp mong muốn chấm dứt chiến sự, nối lại đàm phán nhưng phía Pháp không đáp lại. Bàn tay hòa bình của Việt Nam đưa ra nhưng phía Pháp đã không đáp lại bằng thái độ hòa bình. Chính phủ Pháp đã lao sâu vào cuộc chiến tranh mà chính người Pháp gọi là chiến tranh phi nghĩa, “chiến tranh bẩn thỉu” để cuối cùng nhận lấy thất bại đau đớn.
3. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) phải vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh mới đi đến Ngày toàn thắng 30-4-1975, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập hoàn toàn và thống nhất Tổ quốc. Chính giới Hoa Kỳ và các tướng lĩnh Mỹ thừa nhận hành vi chiến tranh của họ ở Việt Nam, những bài học và nguyên nhân thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam có lời sám hối về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Chính phủ Mỹ và những tội ác do họ gây ra, mong muốn được góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là sự tàn phá của chất độc da cam/dioxin. Vậy mà vẫn có những tiếng nói lạc lõng, trắng trợn, coi chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc “nội chiến” giữa phe cộng sản và phe quốc gia. Đó là sự xuyên tạc lố bịch nhất.
Năm 1950 mở đầu sự can thiệp của Mỹ khi tàu chiến Mỹ đến cảng Sài Gòn và ngày 19-3-1950, 30 vạn nhân dân Sài Gòn biểu tình chống Mỹ can thiệp. Sau thảm bại của Pháp ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), tháng 6-1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng trong Chính phủ Bảo Đại do Pháp dựng lên từ ngày 13-6-1949. Đó là sự chuẩn bị để Mỹ thay thế Pháp ở Việt Nam. Sau Hiệp định Geneva được ký kết (tháng 7-1954), Việt Nam tạm chia làm hai miền với Vĩ tuyến 17. Ở miền Nam, Mỹ chính thức thay chân Pháp khi quân Pháp rút hết về nước (28-4-1956). Mỹ dựng lên chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, từ chối hiệp thương với miền Bắc để tổng tuyển cử thống nhất đất nước như quy định của Hiệp định Geneva, mưu toan chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Mỹ dựng lên là bất hợp pháp, giả hiệu; là phản dân, hại nước. Ngụy là giả. Vì vậy, chính quyền và quân đội do Mỹ xây dựng được gọi là ngụy quyền, ngụy quân. Họ không đại diện cho quốc gia, dân tộc dù họ tự gọi mình là "chính phủ quốc gia", “chính nghĩa quốc gia”. Ngày 13-5-1957, tại Mỹ, Ngô Đình Diệm trắng trợn tuyên bố: “Biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến Vĩ tuyến 17”(2). Lời tuyên bố đó và cả hành động thực tế đã cho thấy bản chất của một chính quyền tay sai, bán nước, công cụ chiến tranh của Mỹ, hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ suốt đến sau này. Khi chính quyền đó không đáp ứng được lợi ích của Mỹ thì Mỹ sẵn sàng gạt bỏ, “thay ngựa giữa dòng”. Cái chết bi thảm của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu trong cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 đã chứng tỏ điều đó.
Mỹ đã lần lượt thất bại trong mô hình thực dân mới ở miền Nam Việt Nam; trong “Chiến tranh đặc biệt” 1961-1964, “Chiến tranh cục bộ” 1965-1968 và “Việt Nam hóa chiến tranh” 1969-1975. Có những hành động chiến tranh vô cùng tàn bạo của Mỹ như rải chất độc hóa học hủy diệt sự sống ở miền Nam (10-8-1961); ném bom miền Bắc từ ngày 5-8-1964; ồ ạt đưa quân Mỹ tham chiến ở miền Nam (8-3-1965); sử dụng lượng vũ khí lớn ở Thành cổ Quảng Trị; ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972. Cuối cùng, quân Mỹ đã thất bại, chấp nhận ký Hiệp định Paris (27-1-1973), rút hết quân Mỹ về nước. Cách mạng Việt Nam phát triển, đánh sập ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
4. Vào những năm 1988-1991, các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Do chủ nghĩa xét lại, cơ hội, sự suy thoái trong các Đảng Cộng sản cầm quyền và sự phản bội đã dẫn tới sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, phản động ở Việt Nam cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội đã thất bại. Họ coi việc truyền bá lý luận Mác-Lênin vào Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản, lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là sai lầm. Họ đòi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ sự lãnh đạo, thực hiện chế độ đa đảng và đa nguyên chính trị, xóa bỏ con đường xã hội chủ nghĩa.
Đảng đã tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn, đề ra các nguyên tắc chỉ đạo đổi mới kiên định con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ dứt khoát lựa chọn từ năm 1930; trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bác bỏ đa nguyên, đa đảng. Đảng đề ra "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" (1991) và bổ sung, phát triển năm 2011. Nhờ vậy, công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế phát triển, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hội nhập quốc tế và đối ngoại ngày càng mở rộng, đời sống về mọi mặt của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Việt Nam vẫn vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công bố tác phẩm quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đó là công trình tổng kết quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong thời kỳ đổi mới, làm sáng tỏ mục tiêu, mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, các giải pháp và quy luật đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với lý luận khoa học và thực tiễn Việt Nam, đóng góp vào kho tàng lý luận về chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là vì nhân dân, vì con người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”(3).
Đất nước và dân tộc Việt Nam do Đảng lãnh đạo đang phát triển mạnh mẽ, vững chắc trên con đường đúng đắn dựa trên cơ sở khoa học và hiện thực. Mọi sự phá hoại, xuyên tạc lịch sử Đảng và sự lãnh đạo của Đảng không cản trở được khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
------------
PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Theo QĐND