Phóng viên VOV phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thị Côi, nguyên Phó Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội.
PV: Theo Giáo sư thì việc giáo dục lịch sử có vai trò quan trọng như thế nào?
GS.TS Nguyễn Thị Côi: Theo quan điểm của tôi, lịch sử có một vai trò vô cùng quan trọng trong dạy và học và đặc biệt là trong giáo dục thế hệ trẻ.
Nếu mình lãng quên lịch sử thì mình sẽ không có những bài học kinh nghiệm của quá khứ để hoạch định đường lối, chính sách và giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai.
Do vậy, giáo dục lịch sử để thế hệ hôm nay và tương lai không lãng quên lịch sử. Bởi vì, nếu lịch sử bị lãng quên thì đó là điều rất nguy hiểm.
PV: Lãng quên lịch sử cũng có nghĩa là lãng quên những hi sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống cho chúng ta có được cuộc sống hoà bình, tự do, hạnh phúc hôm nay?
GS.TS Nguyễn Thị Côi: Điều ấy là đúng thôi. Bởi vì nếu lãng quên lịch sử thì làm sao có thể noi gương cho học sinh, noi gương cho thế hệ trẻ. Mình có giáo dục cho học sinh là tại sao anh Phan Đình Giót, anh Tô Vĩnh Diện dám hy sinh thân mình lấp lỗ châu mai, chèn xe pháo, để mà làm nên chiến thắng thì các em mới hiểu được mục tiêu và lý tưởng của các anh, các em mới hiểu được ý nghĩa của cuộc kháng chiến của chúng ta.
Nếu không giáo dục hoặc giáo dục không đến nơi thì học sinh sẽ không biết những điều đó. Không biết được điều đó thì sao? Các em sẽ nghĩ là cuộc sống hôm nay rất là đơn giản. Các em không nghĩ rằng ông cha ta phải đổ xương máu, phải hi sinh rất nhiều, phải mất rất nhiều sức lực thì các em mới có được cuộc sống hôm nay. Thế hệ trẻ mà không biết điều đó thì sẽ không có trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đấy là vấn đề vô cùng quan trọng.
Cho nên theo quan điểm của tôi, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức nói chung trong dạy học, trong đó có môn lịch sử, giáo dục lòng yêu nước là vô cùng quan trọng đối với thế hệ trẻ hiện nay. Nếu không lòng yêu nước thì anh không thể thể hiện được điều gì cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Ảnh minh họa
PV: Như phân tích của Giáo sư thì giáo dục lịch sử rất là cần thiết và quan trọng. Và chúng tôi thấy rằng, cũng chưa hẳn là học sinh, thế hệ trẻ hiện nay không yêu thích học lịch sử, mà các em, các bạn chưa thích học lịch sử bởi lẽ một phần là do việc dạy và giáo dục lịch sử chưa đủ sức hấp dẫn với các em. Giáo sư có nghĩ như vậy không?
GS.TS Nguyễn Thị Côi: Đúng như thế. Hiện nay các bộ môn khác tôi không để ý, nhưng môn lịch sử thì giáo viên của chúng ta hiện nay có nhiều cái ảnh hưởng lắm. Ví dụ như đời sống khó khăn, ví dụ phải dạy nhiều trường cho nên chưa tập trung vào bài giảng. Vì vậy, nhiều giáo viên chỉ dạy cho xong việc. Như vậy, không khơi dậy được sự rung động, xúc cảm trong từng câu chuyện, từng bài học cho học sinh.
Chính cái xúc cảm về lịch sử, sự rung động ấy mới có tác động đến tình cảm, nhận thức và hành động của học sinh. Ví dụ như để giáo dục cho học sinh lòng biết ơn và kính yêu Bộ đội Cụ Hồ, thì dạy về Chiến thắng Điện Biên Phủ chẳng hạn, giáo viên phải làm rõ được những tấm gương hy sinh của các anh, những gian khổ mà các anh trải qua. Như thế thì mới rung động chứ. Và từ cái rung động ấy thì học sinh thấy kính yêu, cảm phục, biết yêu các cha anh và thấy rằng đó chính là tấm gương để mình học tập.
Qua đó, các em mới thấy được trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay là phải xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà muốn thế thì phải học tập tốt.
PV: Ở nhiều nhà trường và cơ sở giáo dục khi dạy lịch sử đã tổ chức cho các em tham quan thực tế các đơn vị quân đội, các di tích lịch sử, tức là cho các em được trải nghiệm thực tế. Giáo sư có cho đó là một phương pháp dạy và học lịch sử hiệu quả?
GS.TS Nguyễn Thị Côi: Đó là một phương pháp thực tế rất hay và hiệu quả. Ví dụ khi dạy về Chiến thắng Điện Biên Phủ, có thể cho học sinh được trải nghiệm, được nhìn, thậm chí là được ngồi lên đạp cái xe đạp thồ của ông cha ta ngày xưa ấy. Thì đấy chính là một trong những hiện vật mà có khả năng giáo dục. Nhưng mà chỉ có điều là giáo viên phải biết khai thác nó. Khai thác nội dung của nó và gợi mở cho học sinh thì mới có nghĩa giáo dục.
Ví dụ như phải gợi mở cho học sinh viết là: Đường lên Điện Biên đèo dốc, núi cao. Đi xe đạp, không phải đạp xe như ở đồng bằng mà phải đi bộ và phải thồ đến mấy chục cân. Đấy là câu chuyện cực kỳ vất vả. Thế nhưng anh bộ đội của ta, cô dân công hỏa tuyến của ta, các anh hùng của chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm ấy để mà hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đi như vậy thì bên trên máy bay của giặc nó vẫn tìm mọi cách bắn phá, sinh mệnh mất đi lúc nào không biết. Nhưng các anh vẫn làm, các anh vẫn hoàn thành nhiệm vụ.
Đó chính là nêu gương cho học sinh, để giáo dục các em vượt qua khó khăn để cống hiến cho Tổ quốc. Đấy chính là biểu hiện của lòng yêu nước. Thậm chí em có thể đi nước ngoài, đi đây, đi đó. Nhưng khi các em được học, được giáo dục lịch sử như thế, biết được những hi sinh của ông cha mình như thế thì dù có đi đâu, các em vẫn luôn luôn nhớ về Tổ quốc, hướng về Tổ quốc và phụng sự Tổ quốc của mình.
PV: Vâng, nói về lòng yêu nước tôi nghĩ đến câu thơ trong bài Đất nước của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:
Em ơi em Đất Nước là xương máu của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời.
Và chúng ta sẽ có được những thế hệ trẻ luôn biết trân trọng, tự hoà về dân tộc mình khi mà việc dạy và học lịch sử được quan tâm đúng mức.
Xin cảm ơn GS. TS Nguyễn Thị Côi!