Thiết lập “vùng xanh”
Chị Chu Hồng Minh, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho rằng, sử dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền của Đảng, của Đoàn là một xu thế tất yếu khách quan.
“Thực tế cho thấy mạng xã hội đang là “mảnh đất màu mỡ” cho các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá, lôi kéo, kích động thông qua các luồng thông tin xấu, độc. Một bộ phận lớn người dùng mạng xã hội là người trẻ chịu nhiều tác động nhất định từ các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là thông tin trên internet”, chị Minh nhận định.
Theo chị Minh, đa số “cư dân mạng” thích tham gia vào các hội, nhóm hay theo dõi các trang, cổng thông tin có tuyến tuyên truyền dưới dạng tin ngắn, bằng hình ảnh, chứa đựng cảm xúc. Người dùng mạng xã hội ít quan tâm đến những nội dung dài mang tính lý luận, hàn lâm.
Từ thực tế đó, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Công an thành phố phối hợp 30 quận, huyện, thị Đoàn trên địa bàn Thủ đô thành lập mỗi đơn vị hành chính cấp xã 1 nhóm cộng đồng dân cư trên mạng xã hội Facebook.
Theo đó, có gần 580 nhóm cộng đồng cư dân xã, phường, thị trấn trên mạng xã hội được thành lập với định danh tên gọi chung là “Tôi yêu” ghép với địa danh xã, phường, thị trấn để đảm bảo tính xã hội, tạo sự cởi mở đối với nhân dân khi tiếp cận các nhóm tuyên truyền trên không gian mạng.
Đây là hệ thống kênh thông tin tuyên truyền trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội Facebook của tổ chức Đoàn đầu tiên, có quy mô lớn nhất, huy động số lượng cán bộ Đoàn trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân tham gia quản trị, vận hành đông nhất.
Chị Minh cho biết thêm, hiện, lực lượng quản trị vận hành hệ thống có hơn 1.200 người. Số lượng thành viên phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc. Đến nay đã có trên 655.350 thành viên, trong đó nòng cốt là lực lượng thanh thiếu niên Thủ đô, phê duyệt đăng tải gần 154.300 bài viết tuyên truyền để tương tác hằng ngày.
Đặc biệt, trong năm 2021, khi tình hình dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, 579 nhóm cộng đồng dân cư cấp xã trên mạng xã hội Facebook đã thực sự trở thành kênh thông tin hữu hiệu của địa phương để tuyên truyền kịp thời, chính xác các chủ trương, quy định về công tác phòng chống dịch bệnh đến từng người dân.
“579 nhóm cộng đồng cư dân xã, phường, thị trấn được xem là “vùng xanh” trên không gian mạng. Bằng hình thức truyền thông đa phương tiện, những thông tin ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, các nhóm cộng đồng cư dân xã, phường, thị trấn đã góp phần hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng thông tin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó, cũng kịp thời phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch”, chị Minh chia sẻ.
Bền bỉ với “tin tốt”, “câu chuyện đẹp”
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh lan tỏa cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên không gian mạng.
Chị Nguyễn Ny Hương, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh thông tin, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, nhất là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội cho đội ngũ cán bộ Đoàn.
Thông tin tốt, câu chuyện đẹp: Công an Hà Nội đến tận nhà làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người già
Đáng chú ý là các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm hướng dẫn cho cán bộ, đoàn viên thanh niên phương pháp truy cập, tìm hiểu thông tin phù hợp trên không gian mạng, kỹ năng nhận diện, phòng, chống thông tin tiêu cực, xấu, độc.
Bên cạnh đó tổ chức Đoàn chủ động nắm bắt trào lưu, xu thế của người trẻ, thiết kế, xây dựng các bộ nhận diện, ấn phẩm tuyên truyền đặc sắc, ngắn gọn; tổ chức các buổi tọa đàm trực tuyến, trò chơi trực tuyến nhằm truyền tải các thông tin chính thống. Đặc biệt, đẩy mạnh giới thiệu, đăng tải những câu chuyện đẹp, giới thiệu những tấm gương sáng, điển hình tiêu biểu trên không gian mạng thu hút bạn đọc.
Năm 2021, 579 nhóm cộng đồng dân cư trên mạng xã hội Facebook do Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo đã nhận được hơn 1,5 triệu lượt thông tin phản ánh của quần chúng nhân dân thông qua tài khoản quản trị tại các nhóm cộng đồng dân cư cấp xã trên mạng xã hội Facebook.
Theo chị Hương, lan tỏa “câu chuyện đẹp”, “tin tốt” trên không gian mạng để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” phải kiên trì, bền bỉ theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu”.
Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, đến nay, các cấp bộ Đoàn của Hà Tĩnh đang khai thác hiệu quả 1 website, 25 tài khoản, chuyên trang của Đoàn cấp tỉnh và cấp huyện, 355 tài khoản, chuyên trang của các cấp bộ Đoàn và hơn 4.000 tài khoản của cán bộ Đoàn các cấp. Hàng năm có hơn 500.000 tin bài về “tin tốt”, “câu chuyện đẹp” được chia sẻ, lan tỏa.
Với sự lan tỏa rộng rãi đó, các bạn trẻ và người dân đã có những địa chỉ tin cậy để theo dõi, cập nhật các thông tin chính thống, tích cực, lấy đó để kiểm chứng thông tin và có sự sáng suốt nhận diện các thông tin trái chiều, lệch lạc, xuyên tạc, bị bóp méo… trên không gian mạng.
Chị Hương chia sẻ, khi xuất hiện những thông tin tiêu cực thiếu kiểm chứng về lực lượng tuyến đầu chống dịch, vắc xin… gây hoang mang dư luận xã hội, các cấp bộ Đoàn đã đồng loạt tuyên truyền đăng tải, chia sẻ các thông tin chính thống về công tác phòng, chống dịch, các chuỗi tin bài về tấm gương người tốt, việc tốt, câu chuyện cảm động trong công tác phòng chống dịch… Từ đó, từng bước đẩy lùi và “đánh bật” các tin giả, tin tiêu cực và lấy lại niềm tin, truyền cảm hứng cho hàng nghìn bạn trẻ tình nguyện, xông pha hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.
“Có thể khẳng định rằng, dù là những mẩu tin nhỏ hay những câu chuyện lớn thì những thông tin tốt, câu chuyện đẹp đã, đang được đăng tải, chia sẻ hàng ngày, hàng giờ khiến mọi người có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống cả trong suy nghĩ và hành động. Qua đó, góp phần pha loãng, đẩy lùi các thông tin tiêu cực, làm trong sạch môi trường thông tin xã hội cũng như thông tin mạng, kiến tạo những giá trị văn hóa lành mạnh và lối sống tích cực cho giới trẻ”, chị Nguyễn Ny Hương, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh nói.