Cán bộ, chiến sĩ quân y thăm, khám bệnh cho đồng bào Tây Nguyên.
Quan điểm nhất quán về bảo đảm quyền con người tại Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật, theo đó các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Trước đó, năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2014-2016. Để đạt được kết quả này, phía Việt Nam đã cam kết và nhấn mạnh các ưu tiên cũng như những nỗ lực đóng góp của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và thúc đẩy quyền con người trên thế giới, thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế bằng tinh thần khách quan, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Dư luận quốc tế và trong nước rất ủng hộ khi đón nhận tin vui Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ngày 14/10, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội lên tiếng chúc mừng trên Facebook: "Chúng tôi (Phái bộ ngoại giao Mỹ) gửi lời chúc mừng Việt Nam trúng cử Thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và hy vọng cùng làm việc để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu và tại Việt Nam".
Trước đó, trên tờ Washington Times - một tờ báo uy tín của Mỹ ngày 21/9/2022 đăng tải bài viết trong đó đánh giá cao việc Việt Nam cử cán bộ tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và cộng hòa Trung Phi. Mặt khác, qua cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Việt Nam được ghi nhận là hiệu quả chống dịch tốt, đồng thời tích cực hỗ trợ cho một số quốc gia về trang thiết bị y tế. Bài viết khẳng định từ khi tham gia chính thức là thành viên Liên hợp quốc từ tháng 9/1977, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động trong xây dựng hòa bình, phát triển và bảo đảm quyền con người. Bên cạnh việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, và nhiệm kỳ 2023-2025 sắp tới, Việt Nam còn làm tốt các vai trò khác trên trường quốc tế như: hai lần trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021); hiện là điều phối viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hội đồng nhân quyền.
Từ 10 năm qua, khi quyết định từ Mỹ về Việt Nam sống và làm việc, tôi đã có nhiều cơ hội đi khắp các vùng miền, từ miền xuôi tới mạn ngược, từ vùng núi tới hải đảo, tôi nhận thấy, một trong những thành tựu lớn nhất, rõ ràng nhất trong việc bảo đảm quyền con người là công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Mỗi nơi tôi đi đến để khảo sát, chứng kiến cuộc sống của người dân, sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, qua thực tế đều thể hiện, khẳng định ý chí, coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, cho thấy đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo; người dân tộc thiểu số; người tàn tật, người có công với cách mạng, hay các chính sách quốc gia nâng cao đời sống như chương trình nông thôn mới, chương trình xóa mù chữ vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nhằm thúc đẩy và nâng cao đời sống, bảo đảm quyền sống của người dân.
Trong khi cộng đồng quốc tế và người dân trong và ngoài nước vui mừng, ủng hộ việc Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền, khẳng định sự công nhận vị thế của Việt Nam, đồng thời khẳng định và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người suốt thời gian qua, thì một số đối tượng phản động, thù địch, thiếu thiện chí trong và ngoài nước đã tỏ ra cay cú, lợi dụng sự kiện này để ra sức xuyên tạc, phản đối, bằng mọi cách hạ uy tín Việt Nam cả trước, trong và sau khi sự kiện diễn ra.
Bất chấp những nỗ lực và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, các đảng phái chống cộng cực đoan ở hải ngoại đã liên tục lên tiếng bôi nhọ vị thế của Việt Nam, họ bịa đặt hoặc dựa vào những thứ gọi là "báo cáo nhân quyền" để tham gia các diễn đàn dân chủ quốc tế, liên minh các nhóm nhân quyền phi chính phủ thuộc châu Âu, Canada, Mỹ hòng gây sức ép đối với Việt Nam. Tổ chức khủng bố "Việt tân" đã vận động được 8 tổ chức nhân quyền đề nghị Liên hợp quốc không cho Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền vì "không xứng đáng", vì "Việt Nam đang vi phạm nhân quyền"...
Tuy nhiên việc Việt Nam thuộc nhóm được sự ủng hộ cao nhất tại phiên bỏ phiếu ngày 11/10 vừa qua là kết quả khách quan, phản bác mạnh nhất, đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đang cố tình phủ nhận thành tựu nhân quyền của Việt Nam. Nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra rằng mục đích đánh phá uy tín Việt Nam phía sau đó còn có yếu tố vụ lợi về mặt chính trị và kinh tế. Bởi lẽ các hội nhóm phản động sẽ núp dưới danh nghĩa "đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam" để gây quỹ, bòn rút, thu tiền người dân ở hải ngoại qua nhiều hình thức như biểu tình, ký thỉnh nguyện thư, nhận tiền từ các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử chính quyền các cấp từ tiểu bang đến liên bang...
Ngoài ra, các kênh Youtube cá nhân của các đối tượng chống đối bên ngoài nước cố tình xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Việt Nam nhằm khích động, với mục đích câu view, câu like, tạo dư luận trái chiều. Nhóm "truyền thông đen" này tìm mọi cách để tạo dư luận kể cả bằng những thủ đoạn bẩn thỉu, hèn hạ nhất nhằm thu hút sự chú ý của người sử dụng mạng xã hội, vì với lượng truy cập đông đảo thì đó là cách kiếm view tốt nhất, dễ nhất để phục vụ cho mục tiêu kiếm lợi của họ qua không gian mạng.
Hiện nay nhiều Youtuber đã lạm dụng quyền tự do sử dụng các nền tảng mạng xã hội để công kích, mạt sát cá nhân, tổ chức, tung tin sai, giả, bôi nhọ cá nhân, tổ chức và thậm chí cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Để kịp thời chấn chỉnh, ngày 15/8/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, có hiệu lực ngày 1/10/2022 nhằm kiểm soát, xóa bỏ những thông tin trái pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Ngay sau đó, ngày 14/9/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028. Đây là những căn cứ quan trọng cho thấy quyết tâm bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo ý kiến luật sư Hoàng Duy Hùng (Houston, Mỹ), từng là người chống cộng cực đoan đã thừa nhận rằng một thời gian dài do không đủ thông tin về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, lại mang thêm định kiến sẵn có cùng những luận điệu sáo mòn về chống cộng từ những kẻ cực đoan nên đã có những đánh giá sai, không chính xác về Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cho đến khi trực tiếp về Việt Nam tìm hiểu thực tế, ông mới thấy những gì mình biết trước đây là phiến diện, sai lầm.
Nhà báo Minh Giang (kênh Trực Diện TV, Mỹ) phân tích: nếu cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện về nhân quyền, thì các nhóm chống đối trong và ngoài nước thay vì chống đối họ phải ủng hộ, phải chúc mừng Việt Nam vì trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ có trách nhiệm và nỗ lực để tiến bộ hơn trong vấn đề quyền con người. Nhưng thực tế họ không muốn Việt Nam tiến bộ, không muốn Việt Nam có vị thế tốt trên trường quốc tế. Họ kích động những đối tượng phản động, cực đoan gây rối trật tự, vi phạm luật pháp ở Việt Nam.
Đã có nhiều bằng chứng cho thấy họ hứa hẹn, tác động, nuôi dưỡng các phần tử bất mãn chế độ, biến những đối tượng này thành "những nhà đối lập" với mục tiêu gây bất ổn chính trị, làm ảnh hưởng đến an ninh xã hội, sự bình yên của đất nước. Tất cả các động thái trên được che đậy dưới chiêu bài kêu gọi dân chủ, nhân quyền, để thực hiện âm mưu thay thế, lật đổ chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên, sự chống phá, cay cú từ những hội nhóm, thế lực thù địch trong nước và ngoài nước nói trên chỉ là những cản trở cục bộ, không thể xuyên tạc được sự thật, ngăn cản được sự phát triển của Việt Nam. Những thành tựu của Việt Nam đã được thế giới và bạn bè quốc tế ghi nhận. Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là thắng lợi của sự thật và chân lý.
Trả lời phỏng vấn nhân dịp Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển".
Việc Việt Nam là một trong 14 quốc gia trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao, và được các thành viên ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng viên duy nhất của ASEAN vào vị trí này là "minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới". Với vai trò này, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đóng góp, tham gia tích cực trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc./.
Theo nhandan