Sau 4 kỳ họp Quốc hội bất thường, một số kẻ đóng vai “khóc mướn” cho nhân dân, cử tri Việt Nam, lu loa rằng: “Quốc hội khóa XV sẽ khép lại với dấu ấn của 4 lần “bất thường” gây hoang mang, bức xúc trong dư luận”.
Chẳng biết các “diễn viên hài” ấy có hổ thẹn khi nhìn vào những thành quả mang dấu ấn đột phá từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, với những thành công toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện.
Mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường
Bằng những xảo ngôn lộ rõ mưu đồ thâm độc, các thế lực thù địch đặt điều vu khống: “Người dân Việt Nam thấy gì ở Quốc hội khóa XV? Câu trả lời là 4 kỳ họp bất thường để phân chia quyền lực, thông qua những đạo luật mị dân nhằm tạo bình phong che đậy bản chất cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng hữu danh vô thực”. Chúng cáo buộc rằng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV ngoài việc đánh trống khua chiêng bằng 4 kỳ họp bất thường thì những hoạt động còn lại chỉ là vô thưởng vô phạt, rằng “rồi cũng vỗ tay bế mạc một cách khiên cưỡng, nhạt nhẽo, vô vị”. Quả đúng là những kẻ mộng du này quá giỏi trong việc tưởng tượng và bôi đen, bịa đặt một cách vô liêm sỉ!
|
Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề. Ảnh: quochoi.vn
|
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại TP Hải Phòng. Ảnh: quochoi.vn
|
Thực tiễn không thể phủ nhận, chưa đầy 2 năm kể từ ngày Quốc hội khóa XV bắt đầu bước vào những ngày làm việc đầu tiên, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh đó, bằng những quyết sách đúng đắn chưa từng có trong tiền lệ được đưa ra một cách kịp thời, sát với thực tiễn cuộc sống, Quốc hội đã chứng minh cho cử tri, nhân dân thấy một hình ảnh về sự đổi mới, cống hiến, hành động và kiến tạo. Các hoạt động nghị trường từ xây dựng luật tới những phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần của một nhiệm kỳ Quốc hội nhiều đổi mới. Trong đó, rất nhiều câu chuyện nóng hổi từ đời sống được các đại biểu Quốc hội đưa vào nghị trường, tranh luận để cùng đưa ra hoặc chỉnh sửa những quy định luật không còn phù hợp với thực tế. Gần một nửa nhiệm kỳ trôi qua với rất nhiều quyết sách cần kíp, từng hơi thở của cuộc sống đã gần như hiện diện trong nhịp đập của nghị trường, từ những cuộc tranh luận "nảy lửa" tại các phiên chất vấn tới việc bàn thảo thông qua các dự án luật…
Một trong những điểm mới nổi bật của hoạt động Quốc hội khóa XV chính là công tác dân nguyện. Cơ quan thường trực của Quốc hội xem xét báo cáo về công tác dân nguyện đều đặn tại các phiên họp hằng tháng chứ không chỉ tại các kỳ họp Quốc hội. Từ đó, tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân, cả sự phấn khởi và lo lắng đều được phản ánh, xem xét toàn diện. Hơi thở cuộc sống vào nghị trường qua hàng loạt vấn đề được nêu trực diện, trong đó có cả những hạn chế, tồn tại kéo dài như tham nhũng vặt, giải ngân chậm cho đến những bức xúc hiện hữu như thị trường xăng dầu, giá cả hàng hóa, cán bộ ngành y tế, giáo dục thôi việc, nghỉ việc...
|
Đại biểu Quốc hội khóa XV chất vấn tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn
|
|
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn
|
Đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, ngoài 4 kỳ họp thường kỳ, Quốc hội khóa XV tổ chức thành công 4 kỳ họp bất thường. Những quyết sách được ban hành tại các kỳ họp đều chưa từng có tiền lệ, như: Thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19, với nhiều vấn đề cấp bách được xử lý theo quy trình đặc biệt, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống; thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lên tới 350.000 tỷ đồng (nằm ngoài khung kế hoạch 5 năm 2021-2025). Áp dụng phương thức “một luật sửa nhiều luật”, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, tháo gỡ hàng loạt điểm nghẽn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Một thành tựu quan trọng như bằng chứng đanh thép đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đó là Quốc hội khóa XV đã có những giải pháp linh hoạt về lập pháp, chưa từng có tiền lệ.
Ngay từ năm thứ nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Lần đầu tiên từ khi đổi mới đến nay, Bộ Chính trị ban hành một văn bản chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng nhằm định hướng, giao nhiệm vụ lập pháp trong cả một nhiệm kỳ Quốc hội, làm cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan cụ thể hóa vào chương trình công tác, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Đây cũng là cơ sở để kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế của các cơ quan, để công tác xây dựng pháp luật luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, qua đó hiện thực hóa một trong 3 đột phá chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển.
Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 5-11-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần triển khai trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, không tính những việc bất thường. Tính đến tháng 4-2023, đã thực hiện xong hơn 100 nhiệm vụ, trong đó có hàng chục nhiệm vụ luật pháp đã được chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Để đạt kết quả quan trọng đó, Quốc hội đã có những giải pháp linh hoạt về lập pháp, chưa từng có tiền lệ để kịp thời giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc về thể chế, pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình thực tế, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch.
|
Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua toàn bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với tỷ lệ 95,58%. Ảnh: quochoi.vn
|
|
Hoạt động giám sát là một điểm nhấn đậm nét trong hoạt động của Quốc hội khóa XV. Trong ảnh: Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát thực tế tại Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: daibieunhandan.vn
|
Cùng với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát là một điểm nhấn đậm nét trong hoạt động của Quốc hội khóa XV. Chất lượng giám sát được nâng cao, chuyển biến rõ rệt; hoạt động giám sát ngày càng thực chất, khách quan, sâu sát, tăng tính trách nhiệm, khắc phục tính hình thức.
Nhìn lại gần nửa nhiệm kỳ qua, hơi thở của cuộc sống được thổi vào nghị trường, để từ đó, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã cơ bản chuyển mình theo hướng đổi mới đúng với tinh thần của Chủ tịch Quốc hội cam kết trong phát biểu tại lễ nhậm chức của mình. Những quyết sách kịp thời, thẩm thấu vào cuộc sống mỗi ngày của từng người dân chính là minh chứng rõ nhất cho việc xây dựng một Quốc hội gần dân, do dân và vì dân.
Bám sát chương trình công tác toàn nhiệm kỳ, nhạy bén với những vấn đề mới nảy sinh, cấp thiết tháo gỡ các nút thắt, khó khăn cho quốc kế dân sinh, song Quốc hội vẫn tỏ rõ sự thận trọng, kín kẽ, khách quan, công tâm, không chạy theo tiến độ, không máy móc, câu nệ. Hoạt động Quốc hội ngày càng trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, để lại nhiều dấu ấn về một Quốc hội có nhiều đổi mới mạnh mẽ, dân chủ, luôn gần dân, trọng dân, hành động và kiến tạo vì dân, vì nước.
Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
|
Giá trị quan trọng nhất chính là việc Quốc hội đã vì lợi ích tối cao của dân tộc, của nhân dân để đưa ra những quyết sách giúp các thành viên trong hệ thống chính trị phát huy được sức mạnh, khả năng của mình. Quốc hội đã chủ động ban hành những quyết sách mang tính "cởi trói".
|
Từ “tham gia” đến “dẫn dắt” trên trường quốc tế
“Thế giới nhìn Quốc hội Việt Nam bằng con mắt “bất thường” sau những kỳ họp bất thường! Phải chăng con đường ngoại giao của Quốc hội này cũng bó hẹp từ đây?!” - Bằng cách đưa ra nhận định võ đoán cùng câu hỏi lập lờ như vậy, những kẻ chống phá Quốc hội Việt Nam quy kết rằng: “Các thương vụ ngoại giao cưỡi ngựa xem hoa vừa qua của Quốc hội và cả tương lai gần, kết quả vẫn sẽ chỉ là những cái bắt tay đầy tính đối ngoại”. Chĩa mũi nhọn vào xuyên tạc công tác đối ngoại của Quốc hội nước ta, bởi các thế lực thù địch cũng nhận thức rằng, đó là một trong những hoạt động được Quốc hội đặc biệt coi trọng và đạt được không ít thành tựu nổi bật trong thời gian qua.
Có lẽ cũng chẳng cần đi đấu tranh hay giải thích cho những luận điệu vu khống nêu trên, bởi thành tựu trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã để lại dấu ấn và lan tỏa với bạn bè quốc tế thông điệp về Quốc hội Việt Nam chủ động, đổi mới và trách nhiệm.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Uruguay Beatriz Argimon tại Lễ ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: DOÃN TẤN
|
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43). Ảnh: quochoi.vn
|
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai một cách linh hoạt, hiệu quả, với các phương thức và cách làm mới, ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu; góp phần xây dựng môi trường hòa bình ở khu vực, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, củng cố vững chắc quan hệ với các đối tác, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội là một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tạo thế chân kiềng vững chắc góp phần quan trọng vào việc thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Thực tiễn hoạt động của Quốc hội cho thấy phương châm, định hướng đối ngoại của Quốc hội thể hiện rõ nét trong từng hoạt động, để lại dấu ấn sâu sắc với nhiều tác động tích cực, thiết thực cho sự ổn định, phát triển đất nước. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, diễn biến khó lường của tình hình thế giới, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai tích cực và hiệu quả, ngày càng minh chứng là động lực quan trọng, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè trên thế giới.
Đại hội đồng AIPA 42 diễn ra vào tháng 8-2021, do Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam tổ chức theo hình thức trực tuyến đánh dấu hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ khóa XV.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước diễn đàn liên nghị viện khu vực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra những kiến nghị, đề xuất mang tính gợi mở, định hướng cho hoạt động của các nghị viện thành viên trong khu vực. Các sáng kiến về chuyển đổi số, bảo đảm an ninh mạng, kêu gọi chia sẻ công bằng vaccine đã được bạn bè ASEAN đánh giá cao. Trong thông cáo chung, đoàn Việt Nam đóng góp tới 5 ý kiến, đây là sự khẳng định vị thế của Quốc hội Việt Nam, khẳng định sáng kiến và ý kiến của trưởng đoàn Việt Nam là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã được cộng đồng AIPA đánh giá rất cao.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Ảnh: quochoi.vn
|
|
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-144. Ảnh: quochoi.vn
|
Từ diễn đàn liên nghị viện khu vực vươn ra thế giới, tháng 9-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo. Không chỉ là một sự kiện định kỳ, hội nghị lần này còn là dấu ấn cho sự trở lại của ngoại giao nghị viện đa phương truyền thống, là cuộc họp liên nghị viện quy mô lớn đầu tiên trên thế giới kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát với sự tham dự của hơn 110 đoàn các nước là thành viên và quan sát viên của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Chủ tịch Quốc hội đã có 2 bài phát biểu quan trọng nêu rõ quan điểm của Việt Nam với các vấn đề toàn cầu. Nghị viện các nước đã thống nhất chung tay phòng, chống đại dịch, chia sẻ vaccine, lập chiến lược thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Dấu ấn Việt Nam tiếp tục được khẳng định thông qua nhiều hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Hoạt động của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế nghị viện đa phương được nâng tầm từ “tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm” lên “dẫn dắt, định hình luật chơi”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược của Việt Nam. Bên cạnh việc tham gia chủ động, thể hiện tinh thần trách nhiệm, vai trò dẫn dắt trên các diễn đàn đa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội cũng được triển khai chủ động, tích cực.
Đối với các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nội dung trao đổi trong tiếp xúc cấp cao, làm việc với lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và nghị viện các nước, cũng như gặp gỡ các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài thì nội dung về hợp tác kinh tế luôn được ưu tiên hàng đầu. Tại các diễn đàn đa phương, Quốc hội Việt Nam chủ động đưa ra những chủ đề nhằm đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển của đất nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đó là những vấn đề phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng…; làm sao vừa thực hiện được các cam kết quốc tế nhưng đồng thời cũng yêu cầu các nước phát triển phải thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm đối với những vấn đề đặt ra trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) theo hình thức trực tuyến. Ảnh: quochoi.vn
|
|
Năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Lễ bàn giao vaccine, thiết bị, vật tư y tế và kinh phí được ủng hộ trong chuyến công tác châu Âu do Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức. Ảnh: quochoi.vn
|
Với vị trí là một kênh đối ngoại vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong quá trình song hành cùng Chính phủ, thúc đẩy liên kết khu vực và hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có những chuyển biến mới, thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhằm đóng góp hơn nữa vào công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước ta, công tác đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã bám sát nội dung xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới, phát triển và bổ sung nội hàm đối ngoại đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đưa công tác đối ngoại Quốc hội lên tầm cao mới, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và thực chất hơn.
Thay lời kết
Thực tiễn hoạt động của Quốc hội Việt Nam suốt hơn 77 năm qua nói chung, Quốc hội khóa XV nói riêng là minh chứng hiện hữu sinh động, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Mọi hoạt động của Quốc hội, trong đó có thành công của 4 kỳ họp bất thường chưa có trong tiền lệ, đều hướng tới mục tiêu vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vàng thật chẳng sợ thử lửa! Với niềm tin không gì lay chuyển được của nhân dân, cử tri cả nước, Quốc hội Việt Nam luôn có điểm tựa vững chắc để không ngừng hoàn thiện, cống hiến vì nước, vì dân.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cần lưu ý: Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khắc phục ngay tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, "luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.
Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị
|