Bài 2: Sính hoành tráng nhưng thiếu trách nhiệm

Thứ Tư, 12/04/2023
 Quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, những hạn chế trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng đã được Trung ương Đảng nhận thức đầy đủ. Tuy nhiên, việc khắc phục, đổi mới, bổ sung các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện nghị quyết thì vẫn còn “gay trăm bề”...

Căn bệnh sính hoành tráng và duy ý chí

Một trong những sự kiện chính trị-văn hóa quan trọng được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quan tâm trong những tháng đầu năm 2023 là các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. 80 năm qua, mặc dù hoàn cảnh lịch sử, tình hình kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội của đất nước đã thay đổi rất nhiều nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự, đặc biệt là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt từ 3 nguyên tắc cơ bản: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Sau 80 năm nhìn lại, các nhà nghiên cứu đã rút ra được rất nhiều bài học giá trị: Về hình thức, văn bản được soạn thảo rất ngắn gọn, khúc chiết, súc tích; cách diễn đạt dễ học, dễ nhớ. Về nội dung tư tưởng, Đề cương về văn hóa Việt Nam vừa thể hiện tầm tư duy chiến lược, vừa bám sát thực tiễn tình hình cách mạng và đời sống xã hội Việt Nam. Chỉ đọc một lần là nắm được những nội dung cơ bản và có thể hình dung ngay nhiệm vụ phải thực hiện, công việc phải làm. Đó là những yếu tố rất thuận lợi để đường lối, chủ trương của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Trước đó, tháng 2-1930, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng thảo luận, thông qua, cũng là những văn bản rất ngắn gọn, khúc chiết, súc tích. Đây là những cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta. Mặc dù mỗi văn bản chỉ gói gọn trong một trang giấy nhưng Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt đã xác định rõ chủ trương, các giai đoạn, đối tượng và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. 

 

Tranh của PHÙNG MINH 

Tranh của PHÙNG MINH 

 

Dẫn hai ví dụ điển hình như trên, soi chiếu trong tình hình hiện nay, chúng ta đều thấy rõ, đặc điểm phổ biến của nghị quyết hiện nay là văn bản rất dài. Khập khiễng và duy ý chí khi so sánh về hình thức văn bản, độ dài-ngắn của các nghị quyết của Đảng trong lịch sử với giai đoạn hiện nay, bởi mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng có sứ mệnh, nhiệm vụ khác nhau; trình độ của cán bộ, đảng viên và trình độ dân trí cũng khác nhau. Tuy nhiên, theo quy luật nhận thức và hành động thì rõ ràng, chỉ khi cán bộ, đảng viên nắm chắc, hiểu sâu, nhớ rõ nghị quyết thì việc vận dụng vào thực tiễn nhiệm vụ mới thực sự hiệu quả. Chánh cương vắt tắt, Sách lược vắn tắt hay Đề cương về văn hóa Việt Nam có “hay” không? Rất hay! Cái hay không chỉ ở sự ngắn gọn, súc tích mà nội dung vừa mang tính khoa học, vừa mang tính đại chúng, ai đọc cũng có thể hiểu được.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy cán bộ, đảng viên về cách viết: Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem không nhớ được, không hiểu được là viết không đúng, nhắm không đúng mục đích. Mà muốn người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ người xem. Người nhấn mạnh: "Trước hết cần phải tránh cái lối viết "rau muống", nghĩa là lằng nhằng "trường giang đại hải”... Như vậy, viết ngắn mà rõ ràng, đầy đủ, dễ nhớ, dễ học, dễ triển khai hiệu quả... thì mới thực sự là hay.

Dưới góc nhìn triết học, TS Phạm Đào Thịnh (Trường Đại học Sài Gòn) cho rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên các cấp rơi vào tình trạng tư duy kiểu “duy tâm chủ quan” dẫn đến cảm tính, đề cao vai trò, ý muốn cá nhân, duy ý chí, rập khuôn, máy móc trong tổ chức chỉ đạo soạn thảo, ban hành nghị quyết. Thấy nghị quyết cấp trên dài, cấp mình cũng phải làm cho thật dài. Cách soạn văn bản cũng rập khuôn theo cấp trên. Nghị quyết sau giống nghị quyết trước, chỉ điều chỉnh nội dung, số liệu. Soạn văn bản thật “hoành tráng” cốt để cấp ủy cấp trên kiểm tra, ghi nhận. Sau đại hội, hội nghị thì đưa nghị quyết cất kỹ vào ngăn tủ. Không ít nghị quyết chỉ có tác dụng khi cán bộ, đảng viên để xảy ra vi phạm khuyết điểm thì khi đó, cấp ủy, tổ chức đảng mới giở lại nghị quyết soi chiếu để luận tội. Thế nên, nghị quyết thì rất nhiều, rất dài, rất “hay”, nhưng thấm được vào tư duy, chuyển biến thành hành động của cán bộ, đảng viên thì còn nhiều hạn chế.

“Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới...” (Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ”). 

Lối học tập thờ ơ, hời hợt

Rõ ràng, không thể phủ định nhiều nghị quyết rất hay, nhưng đó là lời khen của một bộ phận đảng viên có trách nhiệm soạn thảo, ban hành hoặc đối với những người buộc phải đọc, học để thực hiện nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền. Trong khi phần đông lại chưa thật sự chấp thuận, ghi nhận với “cái hay” đó. GS, TS Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: “Nghị quyết càng dài dòng, nội dung càng ôm đồm thì càng khó triển khai, tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Khi nghị quyết không phát huy tác dụng trong thực tiễn nghĩa là mất dần “tính thiêng” của nó và đó cũng là một trong những lý do khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa mặn mà, thiết tha với việc học tập nghị quyết của Đảng”.

Quả đúng vậy. Trên thực tế, không khó để bắt gặp những câu chuyện đáng buồn, đáng trách về thực trạng ngại học nghị quyết, sợ học nghị quyết. Ví như khi nhận kế hoạch học tập nghị quyết, không ít cán bộ thở dài, tỏ ra mệt mỏi “khổ nhỉ, lại học nghị quyết!”; “nghị quyết dài thế, nhiều thế, học đến bao giờ cho thấm, cho ngấm”... Có lẽ bởi thế mà tại các buổi quán triệt tập trung, không ít cán bộ, đảng viên hồn nhiên “đi ra, đi vào”, sử dụng điện thoại, ngủ gật; lại có cán bộ dự một lúc, rồi viện lý do “chính đáng” để về trước... Lại có không ít cán bộ, đảng viên chưa xác định rõ trách nhiệm học tập nghị quyết. Nhiều cán bộ quen cách nghĩ “học xong là xong”... mà chẳng buồn bàn thảo, tư duy về giá trị, tinh thần hay nội dung nghị quyết cần vận dụng vào tổ chức mình, bản thân mình trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt, khi tiến hành kiểm tra kết quả học tập nghị quyết, vẫn có cán bộ, đảng viên chủ ý cậy nhờ đồng chí, đồng nghiệp chép hộ thu hoạch... Đây quả là một thực tế rất đáng báo động!

Thế nhưng, quan ngại hơn là có nhiều đảng viên luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, nhưng bởi sự dài dòng văn tự của nghị quyết khiến việc học tập trở nên kém hiệu quả và vơi dần lòng nhiệt huyết. Kết quả khảo sát ở 23 đảng bộ xã, phường, thị trấn thuộc 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên, cho thấy: 97% đảng viên, quần chúng cho rằng, việc học nghị quyết nên chỉ tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cơ bản, sát sườn; gần 98% đảng viên cho rằng nghị quyết càng dài thì khâu quán triệt càng khó; hơn 76% số đảng viên bày tỏ mong muốn, nghị quyết lãnh đạo cần ngắn gọn, dung dị thì mới dễ quán triệt, triển khai.

Học tập nghị quyết là một chế độ bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên. Thế nhưng, mọi sự học đều bắt đầu từ ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của đối tượng và việc học tập, quán triệt nghị quyết cũng vậy. Suy cho cùng, bản thân nội dung được học tập có thực sự giá trị, có ý nghĩa thiết thân đối với người học thì mỗi người sẽ tự hình thành động cơ, động lực, kết nên niềm đam mê, ham muốn học tập nghị quyết.

Một điều đáng bàn nữa là cách thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết hiện nay chưa có nhiều đổi mới; các chế tài, quy định trong tổ chức học tập nghị quyết thiếu toàn diện, chưa tròn khâu. Gần như ở nhiều nơi, sau học tập thì đương nhiên kết quả kiểm tra là 100% khá, giỏi mà “bỏ quên” cả tính thực chất, khách quan trong đánh giá. Hơn thế, cũng ít thấy tổ chức đảng mạnh tay xử lý cán bộ, đảng viên vì rơi vào các biểu hiện xem nhẹ, lười học, vi phạm quy chế hoặc kết quả học tập nghị quyết thấp kém. Mặt khác, kết quả học tập nghị quyết cũng chưa “hiện thực hóa” như một tiêu chí, căn cứ xem xét, đánh giá cán bộ, đảng viên theo quy định của cơ quan chức năng.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ rõ: “Lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng...” đồng thời khẳng định đây là một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Thế nhưng, công bằng mà nói, việc lười học nghị quyết vẫn có nguyên nhân quan trọng thuộc về phía khách quan. Do đó, những người ban hành nghị quyết và tổ chức học tập nghị quyết cũng phải nhận rõ trách nhiệm, để không ngừng đổi mới, nâng cấp, nâng tầm nội dung nghị quyết và đổi mới công tác tổ chức quán triệt nghị quyết.

Thiếu cơ chế, chính sách vận hành

Là người có nhiều thâm niên, kinh nghiệm trong công tác giáo dục, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, PGS, TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh bày tỏ trăn trở trước thực tế thiếu cơ chế, chính sách và nguồn lực cho việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết. Ông nêu dẫn chứng: Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết về phát triển 6 vùng chiến lược trên cả nước. Đây là lần đầu tiên các vùng chiến lược được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng, định hướng phát triển trong giai đoạn mới.

Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược, quyết tâm lớn của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng, đẩy mạnh liên kết vùng và liên vùng tạo động lực phát triển đất nước bền vững, khắc phục tình trạng các địa phương “mạnh ai nấy làm”. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách và nguồn lực vận hành, hiện thực hóa các nghị quyết này đang là bài toán khó. Bởi, để các vùng phát triển theo đúng định hướng, mục tiêu, nội dung nghị quyết đề ra, đòi hỏi phải có mô hình “tư lệnh vùng”.

Trước đây, chúng ta đã triển khai mô hình Ban chỉ đạo ở các vùng nhưng do thiếu cơ chế hoạt động nên hiệu quả không cao và buộc phải giải thể. Trong khi, việc triển khai thực hiện 6 nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng chiến lược trên cả nước, đến nay vẫn do các tỉnh, thành phố thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Trung ương. Thiếu nguồn lực theo mô hình “tư lệnh vùng”, việc liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương rõ ràng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi lãnh đạo địa phương chủ yếu quan tâm đến lợi ích của địa phương mình.

Ví như, việc tỉnh Đồng Nai cho lấp một phần sông Đồng Nai để làm công viên đô thị mà không trao đổi ý kiến với TP Hồ Chí Minh diễn ra mới đây; hay tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò ở Bình Dương ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sông Sài Gòn tồn tại nhiều năm giải quyết chưa xong... Đó là những ví dụ rất cụ thể về việc cần phải có “nhạc trưởng” trong các vùng chiến lược để giải quyết những vấn đề về nghĩa vụ, lợi ích đan xen giữa các địa phương. Bởi thế, nếu quy hoạch, phát triển kiểu “mạnh ai nấy làm” vì lợi ích của mỗi địa phương sẽ là tác nhân làm kìm hãm sự phát triển chung, ảnh hưởng lớn đến lợi ích quốc gia.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch đánh giá: Chủ trương cho TP Hồ Chí Minh thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù là quan điểm mới của Đảng. Nghị quyết của Đảng về vấn đề này đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc hiện nay nằm ở quy trình triển khai, thực hiện. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phải đi liền với tạo nguồn lực, quy trình thực hiện mang tính đặc thù.

Thực tế này đang hiện hữu ở nhiều nơi. Ở nhiều đảng bộ tỉnh, huyện, xã, tổ chức đảng cơ quan Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, đoàn thể, việc ban hành nghị quyết được xem là công việc thường xuyên, nhưng không ít nghị quyết khi được ban hành thì việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do không có, chưa có, chưa hoàn thiện cơ chế, chính sách, điều kiện để hiện thực trong cuộc sống. Đây chính là rào cản vô hình, cũng là căn nguyên khiến nhiều nghị quyết bị “đắp chiếu” một cách đáng tiếc.

“Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi. Chậm khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế” (Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”). 

>> Bài 1: Nghị quyết hay bị “đắp chiếu”

Liên kết website