Chương XIII

HĂNG HÁI THAM GIA HAI PHONG TRÀO LỚN “THANH NIÊN LẬP NGHIỆP” VÀ "TUỔI TRẺ GIỮ NƯỚC"

Đường lối đổi mới toàn diện được đề ra tại Đại hội Đảng VI là đường lối được hình thành trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tổng kết những kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân, của các cấp, các ngành, hợp quy luật, thuận lòng người, nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Qua hơn 5 năm nỗ lực kiên cường, công cuộc đổi mới đất nước của toàn Đảng, toàn dân đã thu được những kết quả rất quan trọng. Tình trạng đình đốn trong sản xuất, rối ren trong lưu thông được khắc phục; lạm phát bị đẩy lùi từ 774,7% năm 1986 xuống còn 67,1% năm 1991. Kinh tế tuy còn nhiều yếu kém nhưng cơ bản đã vượt qua khủng hoảng và có những mặt tiến bộ. Đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện. ổn định chính trị được giữ vững, quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Những kết quả đó đã tạo đà cho nhân dân ta tiếp tục phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục đạt những thắng lợi to lớn hơn.

Song đến những năm 1990, 1991, nước ta vẫn đứng trước những thử thách rất gay gắt. Tăng trưởng kinh tế còn chậm, lạm phát còn cao, nhiều vấn đề xã hội mới nảy sinh, có mặt nghiêm trọng. Mỹ vẫn tiếp tục bao vây cấm vận. Một số thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động gây mất ổn định chính trị, phá rối an ninh quốc gia, làm phương hại đến độc lập, chủ quyền của đất nước. Bối cảnh quốc tế không thuận lợi, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đổ vỡ.

Trước tình thế đó, Đảng và nhân dân ta đã thể hiện trí tuệ và bản lĩnh cách mạng cao, phát huy truyền thống đoàn kết, đấu tranh kiên cường, lao động sáng tạo, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thử thách, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì đổi mới đưa đất nước tiếp tục tiến lên.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã ra quyết định về: “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân”. Ngày 13-3-1991, Bộ Chính trị (khoá VI) đã ra Nghị quyết số 25/NQ- TW về “Đổi mới thanh niên”. Nghị quyết đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên trong công cuộc đổi mới, ý nghĩa chiến lược của công tác thanh niên đối với tương lại dân tộc và vận mệnh của Tổ quốc; khẳng định những quan điểm cơ bản về công tác thanh niên và nêu lên phương hướng, nội dung và giải pháp chủ yếu của công tác thanh niên trong các nhiệm vụ:

- Giải quyết việc làm.
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
- Tổ chức phong trào hành động cách mạng trong thanh niên.
- Xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh, mở rộng việc tập hợp đoàn kết thanh niên.
- Tăng cường công tác thanh niên của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội.

Cũng trong năm 1991, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã phân tích đánh giá đúng đắn tình hình, những thắng lợi đã đạt được, phân tích và tìm ra nguyên nhân những thiếu sót, yếu kém, chỉ ra những nguy cơ, thách thức, và đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, đề ra cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trong bối cảnh đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tiến hành từ ngày 15 đến 18-10-1992 tại Hà Nội. Về dự Đại hội có 797 đại biểu thay mặt cho 2,5 triệu đoàn viên và hơn 20 triệu thanh niên cả nước. Trong số đại biểu dự Đại hội có 162 đại biểu nữ, 94 đại biểu là thanh niên dân tộc thiểu số, 406 đại biểu thanh niên công nhân, 110 đại biểu thanh niên các lực lượng vũ trang, 31 đại biểu học ainh, sinh viên, 11 đồng chí là đại biểu Quốc hội khoá IX, có 4 đại biểu trẻ nhất ở tuổi 15, 404 đại biểu có trình độ đại học và trên đại học. So với các lần Đại hội trước, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ Vi có số lượng đại biểu đông nhất, tiềm năng trí tuệ mạnh nhất… phản ánh nhiều lĩnh vực hoạt động của Đoàn và sự trưởng thành của tổ chức Đoàn sau những năm tự đổi mới theo định hướng của Đảng.

Đồng chí Đỗ Mười, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí Cố vấn của Đảng và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dụ Đại hội. Tới dự Đại hội còn có đại diện các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, các đồng chí nguyên là Bí thư thứ nhất Trung Đoàn các khoá. Thay mặt Đảng và Nhà nước, phát biểu tại Đại hội, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đánh giá cao và biểu dương những cố gắng và đóng góp to lớn của tuổi trẻ thời gian qua, đồng thời trao nhiệm vụ cho Đoàn và phong trào thanh niên phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tiếp tục đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vì hạnh phúc và tương lai tươi sáng của tuổi trẻ.

Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “Để có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ..., tuổi trẻ Việt Nam mà nòng cốt là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải xây dựng cho mình hoài bão, trí tuệ, đạo đức và ý chí cách mạng”.

Đại hội đã đánh giá tình hình tổ chức hoạt động của Đoàn và phong trào thanh thiếu niên, biểu dương những cố gắng to lớn của các cấp bộ Đoàn, của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên trong cả nước. Đại hội đã thông qua, phương hướng, nhiệm vụ và các biện pháp xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1993-1997; thông qua các chương trình hành động cách mạng của Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là các chương trình:

- Chương trình thanh niên làm kinh tế, tham gia giải quyết việc làm.
- Chương trình thanh niên tham gia bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
- Chương trình học tập, sáng tạo, tích cực tham gia phát triển văn hoá - xã hội.
- Chương trình xây dựng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Đại hội nhất trí chọn bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác”, nhạc và lời của Hoàng Hoà, làm bài ca chính thức của Đoàn. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá VI gồm 91 đồng chí. Tại kỳ họp lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, đồng chí Hồ Đức Việt được bầu làm Bí thư thứ nhất, đồng chí Phạm Phương Thảo được bầu làm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Tiếp đó, tại kỳ họp lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã bầu đồng chí Vũ Trọng Kim làm Bí thư và phân công giữ trách nhiệm Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn. Đến Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) của Đảng tháng 1 năm 1994, đồng chí Hồ Đức Việt Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI thắng lợi đã khẳng định sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đoàn và phong trào thanh niên, thể hiện lòng trung thành vô hạn của thế hệ trẻ Việt Nam đối với đất nước, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, khẳng định quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước và sự rèn luyện để trưởng thành của thế hệ trẻ.

Tháng 1-1993, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) đã ban hành Nghị quyết về công tác thanh niên trong tình hình mới. Nghị quyết đã đánh giá vai trò của lực lượng thanh niên, công tác thanh niên: “Thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Nghị quyết khẳng định lòng tin tưởng sâu sắc của Đảng và dân tộc đối với thế hệ trẻ, sự quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, trưởng thành của thanh niên; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ của công tác thanh niên, xác định nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh niên trong thời kỳ mới. “Hình thành một lớp thanh niên nam nữ ưu tú, vững vàng về chính trị, kiên định con đường XHCN, tiêu biểu cho thế hệ trẻ, trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh giỏi, những chuyên gia xuất sắc trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, những trí thức uyên bác chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học, những nghệ sĩ tài năng, những lao động có tay nghề cao”.

Đồng thời Đảng có trách nhiệm chăm lo bồi dưỡng, đào tạo thanh niên và phát huy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ trong thời kỳ cách mạng mới. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa VII) Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta phải xây dựng và hoàn thiện các chính sách đối với thanh niên nhằm vừa phát huy tiềm năng sáng tạo của tuổi trẻ, vừa tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thanh niên cống hiến tốt nhất, nhiều nhất và trưởng thành nhiều nhất”.

Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã chỉ rõ: “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt công tác thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của nguồn nhân lực: “Vấn đề thanh niên phải đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người”.

Rõ ràng là, Đảng ta luôn nhìn thấy vai trò to lớn và tiềm năng dồi dào của thanh niên, Đảng đặt niềm tin vào thanh niên và có chủ trương, chính sách đúng đắn để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ phục vụ cho đất nước. Đấy chính là môi trường tốt nhất để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức tốt phong trào thanh niên. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 của Đảng và trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã quyết định phát động trong thanh niên cả nước hai phong trào hành động cách mạng là phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và phong trào “Tuổi trẻ giữ nước”.

Phong trào Thanh niên lập nghiệp:

Phong trào Thanh niên lập nghiệp nhằm vận động, cổ vũ, tạo mọi điều kiện giúp đỡ và hướng dẫn thanh niên lập thân, lập nghiệp với những nội dung, cách làm phù hợp với từng đối tượng thanh niên. Trong nông thôn, phong trào thanh niên lập nghiệp là sự phát triển phong trào “sản xuất, kinh doanh giỏi” bằng nhiều nội dung, biện pháp mới phù hợp với những điều kiện và yêu cầu của giai đoạn mới. Những loại hình hoạt động hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ thuật, khả năng tổ chức sản xuất cho thanh niên như: tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật, công nghiệp, xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật, công trình thanh niên, mô hình VAC… được tiếp tục mở rộng. Hơn 1 triệu lượt đoàn viên, thanh niên đã được tập huấn về nghề nông: (năm 1993: 214.200 người, năm 1994: 203.126 người, năm 1995: 234.478 người, năm 1996: 223.326 người, sáu tháng đầu năm 1997: 126.686 người. Từ năm 1993 đến 1997, trong các cơ sở Đoàn nông thôn đã xây dựng 9.286 điểm trình diễn kỹ thuật, duy trì hoạt động của 1.746 câu lạc bộ khuyến nông, hoàn thành 67.173 công trình thanh niên xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn: tổ chức nhiều cuộc thi kỹ thuật nghề nông ở các cấp. Năm 1996, hội thi “Thanh niên nông thôn với Chương trình IMP” do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Nông nghiệp tổ chức đã thu hút gần 900.000 đoàn viên, thanh niên nông thôn tham gia từ cơ sở; 210 thanh niên xuất sắc từ 42 tỉnh, thành phố được tham dự hội thi cấp Trung ương. Thanh niên nông thôn còn đi đầu trong việc ứng dụng các giống mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao ở mỗi địa phương

Tổ chức Đoàn, Hội đã có nhiều biện pháp giúp đỡ giải quyết một khó khăn lớn của thanh niên nông thôn là vấn đề vốn. Đoàn đã tháo gỡ cơ chế, hướng dẫn cho đoàn viên, thanh niên xây dựng dự án và tín chấp cho họ vay vốn từ các nguồn như quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, quỹ Xoá đói giảm nghèo, các dự án trồng rừng… Trong 5 năm, Đoàn thanh niên các cấp đã thực hiện 15.137 dự án với tổng kinh phí 463,6 tỷ đồng, giúp cho 364.900 thanh niên có vốn sản xuất. Riêng Trung ương Đoàn đã được ủy quyền phê duyệt 778 dự án với số vốn 390,9 tỷ, giúp cho 31.800 thanh niên. Đầu năm 1992, Ban thư ký Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên đã quyết định thành lập “Quỹ trợ vốn thanh niên sản xuất”. Sau 6 tháng thí điểm do ủy ban Hội thành phố Hồ Chí Minh thực hiện rút kinh nghiệm, loại hình quỹ này đã được triển khai rộng. Đến cuối năm 1994, Quỹ đã có gần 1 tỷ đồng cho thanh niên vay, mỗi người được vay từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Tổ chức Đoàn, Hội còn xây dựng các đội, nhóm, chi hội thanh niên giúp nhau làm ăn, câu lạc bộ khuyến nông và vận động đoàn viên, thanh niên tự giúp vốn lẫn nhau. Đến cuối năm 1997, số vốn do đoàn viên, hội viên, thanh niên tự giúp đỡ lẫn nhau đã lên tới trên 70 tỷ đồng.

Đoàn đã quan tâm giúp đỡ đoàn viên, thanh niên nâng cao trình độ tổ chức, quản lý sản xuất qua việc đảm nhận các dự án phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, xây dựng và phát triển mô hình “Trang trại trẻ”. Hôi nghị “Trang trại trẻ” do Tỉnh Đoàn Yên Bái tổ chức năm 1994 đã có tác dụng phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng mô hình này cho thanh niên trong tỉnh. Từ năm 1992 đến 1997, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo xây dựng 15 “Khu kinh tế thanh niên” và phát triển hàng năm “Làng thanh niên” ở các tỉnh miền núi. Tháng 1-1997, Hội nghị về “Làng thanh niên” được tổ chức ở Gia Lai với sự tham dự  của hơn 20 tỉnh, một lần nữa khẳng định tác dụng của mô hình “Làng thanh niên” trong việc phát huy vai trò của thanh niên đối với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững trật tự, an ninh, xây dựng cuộc sống mới ở bản làng, đoàn kết, tập hợp và giáo dục thanh niên.

Trong khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp và dịch vụ, Đoàn đã thành lập các Trung tâm tư vấn nghề nghiệp, Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Từ chỗ chỉ có một vài Trung tâm vào cuối năm 1991, đến hết năm 1997, đã hình thành hơn 20 Trung tâm cấp tỉnh và cấp Trung ương do Đoàn quản lý. Tính chung với 179 Trung tâm dạy nghề, Văn phòng giao dịch giới thiệu việc làm các cấp của Đoàn, Hội đã tổ chức dạy nghề cho gần 429.500 và giới thiệu việc làm cho 313.012 thanh niên. Hơn 10 nghìn lao động trẻ trong 70 đơn vị TNXP ở 22 Tỉnh, Thành Đoàn đảm đương nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi gian khổ, khó khăn. Phong trào CKT được bổ sung thêm nội dung và tiếp tục phát triển. Đến hết năm 1997, hơn 3 nghìn hội thi tay nghề chọn “Bàn tay vàng” đã thu hút sự tham gia của 149.847 đoàn viên thanh niên, góp phần nâng cao trình độ nghề nghiệp trẻ được Đoàn, Hội ủng hộ để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, Ba cuộc “Gặp gỡ Doanh nghiệp trẻ” đã được tổ chức với sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà doanh nghiệp trẻ trong cả nước. Các cấp bộ Đoàn đã đảm nhiệm 17.340 công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam và công trình xây dựng thủy điện Ialy cùng các công trình lớn khác.

Tiêu biểu là phong trào thi đua “1.000 sáng kiến” của đoàn viên, thanh niên khối công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Đoàn Bắc Ninh. Tính đến tháng 11-1997 đã có 620 sáng kiến của thanh niên công nhân được xét công nhận. Đoàn viên, kỹ sư Mạnh Hùng ở nhà máy Thuốc lá Bắc Sơn với sáng kiến pha chế hóa chất khử độc tố số giấy cuốn thuốc lá của Nhật để tiếp tục đưa vào sản xuất đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng vạn đồng.

Trong các trường học, phong trào Thanh niên lập nghiệp được cụ thể hoá bằng phong trào thi đua “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”, được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên. Qua nhiều hoạt động hỗ trợ học tập, nghiên cứu khoa học, định hướng nghề nghiệp với nhiều loại hình câu lac bộ học thuật, các cuộc thi, các giải thưởng, các loại quỹ khuyến học, khuyến tài…, Đoàn, Hội đã động viên, cổ vũ học sinh, sinh viên tích cực học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển tài năng; khơi dậy ý chí, nghị lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Đến hết năm 1997, đã có 6.923 câu lạc bộ học sinh, sinh viên thu hút trên 200 nghìn học sinh, sinh viên tham gia hoạt động; Tiêu biểu như sinh viên Trường Đại học Y Bắc Thái đã có nhiều đề tài nghiên cứu đạt giải cao toàn quốc. Nét nổi bật trong hoạt động hỗ trợ học tập ở các trường học trong toàn quốc những năm từ 1992-1997 là sự phát triển rộng rãi các loại quỹ học bổng ở hầu hết các cấp bộ Đoàn, như các loại Quỹ khuyến học, khuyến tài của các Tỉnh, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đã trao 237.666 suất học bổng trị giá 32.011 triệu đồng. Riêng Quỹ “Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam” của Trung ương Đoàn đã trao 1.476 triệu đồng cho 2.576 học sinh, sinh viên. Vào năm mới, Trung ương Đoàn tổ chức bình chọn và trao giải thưởng “Những gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất trong năm”. Giải thưởng Kim Đồng trong ba năm học đã xét và trao 1.004 giải thưởng cho các cán bộ liên đội, chi đội xuất sắc và học giỏi.

Có thể nói, qua các chương trình hành động cụ thể, phong trào “Thanh niên lập nghiệp” đã trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp của đoàn viên, thanh niên trên các lĩnh vực khác nhau, góp phần động viên, cổ vũ hàng triệu đoàn viên, thanh niên vươn lên lập thân, lập nghiệp, xung kích thực hiện các chương trình kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong nội dung, phương thức đoàn kết tập hợp thanh niên và công tác xây dựng Đoàn; khẳng định vị thế, vai trò của Đoàn Thanh niên trong xã hội.

Phong trào Tuổi trẻ giữ nước.

Phong trào “Tuổi trẻ giữ nước” thể hiện trách nhiệm của Đoàn trong việc giáo dục tuổi trẻ Việt Nam kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; phát huy lực lượng thanh, thiếu niên trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Qua các hoạt động của phong trào, Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tình hình, nhiệm vụ cách mạng và trách nhiệm của tuổi trẻ với công tác quốc phòng - an ninh, vận động đoàn viên, thanh niên làm nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc. Đoàn thanh niên các cấp đã tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Nghĩa vụ quân sự, làm tốt công tác hậu phương quân đội, góp phần đảm bảo chỉ tiêu giao quân, nâng cao chất lượng thanh niên nhập ngũ. Các phong trào, các cuộc vận động như: “Vì các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Vì người bạn tòng quân”, “Đoàn kết ba lực lượng”, “Kết nghĩa quân dân”… được tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu. Đoàn viên thanh niên cả nước đã quyên góp, tặng quà các chiến sĩ biên giới, hải đảo với số tiền 2.624 triệu đồng. Riêng năm 1993, các Tỉnh, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đã cử đại biểu ra thăm và tặng quà các chiến sĩ Trường Sa trị giá trên 300 triệu đồng.

Nhiều tủ sách, thư viện, nhiều phòng truyền thống, nhiều cơ sở dạy nghề cho bộ đội đã ra đời từ phong trào “Vì các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo”. Các tỉnh, thành Đoàn đã xây dựng 20 tủ sách tặng các chiến sĩ đồn biên phòng các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên. Phong trào đã phát triển và trở thành nhịp cầu thân thương gắn bó giữa tuổi trẻ nơi biên giới, hải đảo với tuổi trẻ hậu phương cùng thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thanh niên trong các lực lượng vũ trang, phong trào “Xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, “Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” từng bước đi vào chiều sâu bằng các cuộc vận động như “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Xây dựng chi đoàn văn hoá”, “Chi đoàn làm công tác dân vận tốt”, “Đẹp người, đẹp doanh trại, đẹp tình quân dân”, “Thực hiện tốt điều lệnh Công an nhân dân”, “Vì an ninh biên giới”… đã góp phần cổ vũ, động viên thanh niên các lực lượng vũ trang vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, hy sinh, tiêu biểu cho phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Đoàn viên, thanh niên ở các địa phương, cơ sở tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh, sẵn sàng chiến đấu. Các cấp bộ Đoàn đã phối hợp xây dựng và duy trì thường xuyên hoạt động  của 40.145 đội thanh niên xung kích an ninh, chi đoàn dân quân tự vệ, thanh niên cờ đỏ với trên 500 nghìn đoàn viên, thanh niên tham gia tuần tra, canh gác, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều tấm gương thanh niên dũng cảm trong đấu tranh chống tội phạm được xã hội hoan nghêng. Các cấp bộ Đoàn đã cảm hoá và giáo dục được 69.700 thanh thiếu niên hư; giúp đỡ 23.400 thanh niên có việc làm sau khi đã được giáo dục tiến bộ.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được triển khai rộng khắp và được đại bộ phận thanh, thiếu nhi hưởng ứng tham gia. Các cấp bộ Đoàn trong cả nước đã nhận phụng dưỡng đền hết đời 3.902 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhận chăm sóc thường xuyên 5.812 mẹ, trực tiếp xây dựng 2.329 nhà, tặng 27.133 sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây dựng “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Thanh niên xung phong”, tổ chức thăm và tặng quà các gia đình chính sách, gia đình và người có công với nước… với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng.

Các phong trào “Vượt khó học tốt”; “Vì bạn nghèo”; “Em yêu khoa học”; “áo lụa tặng bà”; “Em yêu đường sắt quê em”, tiếp tục được triển khai rộng rãi và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc... Cuộc vận động “5 triệu suất giấy bút tặng tuổi trẻ Cu Ba anh em” đã được đoàn viên, thanh niên cả nước tham gia với số tiền 34.155 triệu đồng cùng nhiều đồ dùng, vật phẩm có giá trị để giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, những trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

Các hoạt động chống tệ nạn xã hội trong phong trào tuổi trẻ giữ nước được tập trung chỉ đạo và triển khai tích cực qua các cuộc vận động “Năm chống”, “Hai xây - một chống”. Đoàn Thanh niên và Bộ Nội vụ đã ký Nghị quyết liên tịch về ngăn chặn và phòng chống tội phạm trong thanh, thiếu niên và đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều biện pháp có hiệu quả. Đoàn cùng với 5 Bộ, Ngành lý Kế hoạch Liên tịch số 1413/KH-LN về ngăn chặn và phòng chống tệ nạn ma tuý trong thanh, thiếu niên. Các cấp bộ Đoàn, đặc biệt là các cơ sở Đoàn trường học và đoàn viên thanh niên học sinh đã khẩn trương, tích cực triển khai nhiều biện pháp với quyết tâm nhanh chóng chặn đứng tệ nạn ma tuý học đường. ở nhiều địa phương, Đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma tuý, vận động thanh niên và nhân dân trồng các loại cây thay thế cây thuốc phiện, không sử dụng, tàng trữ, vận chuyển ma túy. Nhiều Câu lạc bộ “Phòng chống tệ nạn xã hội”, “Hòm thư xanh” nhằm phát hiện hiện tượng sự dụng ma túy được thành lập, các đội “Công tác xã hội” triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả giáo dục, cảm hoá, giúp đỡ những thanh niên lầm lỗi trở về cuộc sống bình thường.

Hoạt động của Đoàn, Hội trong công tác văn hoá - xã hội được tổ chức với quy mô lớn, nội dung, hình thức phong phú; khơi dậy ý thức trách nhiệm của thanh, thiếu nhi trước các vấn đề xã hội; góp phần tích cực vào quá trình phát triển và làm lành mạnh môi trường xã hội. Cuộc vận động thực hiện 3 mục tiêu về Dân số - Sức khoẻ - Môi trường tiếp tục được phát triển và có những tiến bộ rõ nét. Đến 1997, đã có 3.198 câu lạc bộ “Dân số và phát triển”, 2.597 Đội Thanh niên tình nguyện về nước sạch và vệ sinh môi trường. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện của tuổi trẻ đã được tổ chức ở hầu khắp các cơ sở Đoàn, Hội mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thu hút đông đảo thanh, thiếu nhi tự giác tham gia. Từ 1993 đến giữa 1997, tuổi trẻ cả nước đã quyên góp ủng hộ 34.155 triệu đồng cùng nhiều đồ dùng, sách vở, quần áo.. giúp đỡ nhân dân và thanh, thiếu nhi khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, giúp đỡ trẻ em lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn, người tàn tật… Đoàn vien, thanh niên hăng hái tình nguyện tham gia chống nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Thông qua các chiến dịch “ánh sáng văn hoá”, các “Mùa hè xanh”, đã có gần 50 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tình nguyện mở 14.978 lớp học, xóa mù chữ được cho 208.402 người. Hoạt động “Hiến máu nhân đạo” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động được sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, thanh niên, nhanh chóng trở thành một phong trào mang tính nhân đạo sâu sắc; các chi hội thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo được thành lập ở nhiều địa phương, nhiều trường đại học, cao đẳng. Từ năm 1995, hình thức phong trào thanh niên tình nguyện bắt đầu phát triển ở nhiều địa phương và nổi rõ hơn trong các hoạt động văn hoá - xã hội.

Hưởng ứn phong trào “Thanh niên khoẻ để lập nghiệp và giữ nước”, nhiều đoàn viên, thanh niên đã tích cực tập luyện thể thao đạt danh hiệu chi Đoàn, chi Hội thanh niên khoẻ. Bên cạnh một số giải thi đấu thể thao truyền thống do Đoàn tổ chức, một số giải thể thao mới được tổ chức như thi đấu bóng đá trẻ lứa tuổi U-21, U-22 giải báo Thanh niên, bóng đá thiếu niên, nhi đồng giải báo Nhi đồng, chạy việt dã thiếu niên giải báo Thiếu niên Tiền Phong, Hoa Học trò… đã góp phần thúc đẩy phong trào luyện tập thể dục thể thao trong thanh, thiếu nhi và nhân dân, phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ.

Từ thực tiễn phong trào, có thể khẳng định hai phong trào lớn “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” được triển khai có kết quả, đặc biệt, phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã có bước phát triển mới trong các hoạt động xã hội; đánh dấu bước phát triển mới của công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên trong điều kiện mới; tạo nên nguồn lực tinh thần và vật chất, làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước, được xã hội quan tâm, ủng hộ.

Công tác tư tưởng - văn hoá, tuyên truyền giáo dục của Đoàn không ngừng được đổi mới về nội dung và hình thức, thu hút sự chú ý và tham gia đông đảo của thanh, thiếu niên, góp phần nâng cao nhận thức và giác ngộ chính trị, định hướng lý tưởng của Đảng và tương lai phát triển của đất nước.

Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã đặt ra yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng thanh niên thành “Thế hệ con người mới có lý tưởng cao đẹp, giàu lòng yêu nước... Vững vàng về chính trị, kiên định con đường XHCN”. Tiếp đó, là Nghị quyết 09 về “Một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng” (ngày 18-2-1995); Nghị quyết của Bộ Chính trị về tổ chức những ngày kỷ niệm lớn trong hai năm (1994-1995) và các Chỉ thị khác của Ban Bí thư đã khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng văn hóa trong điều kiện mới.

Đảng Cộng sản Việt Nam rất coi trọng việc giáo dục toàn diện cho thanh niên. Văn kiện Đại hội đai biểu toàn quốc lần thứ VIII nhấn mạnh: “Coi trọng hơn nữa việc giáo dục rèn luyện thế hệ trẻ vì chính trị, tư tưởng, văn hóa, nghề nghiệp, đạo đức, lối sống. Quan tâm đào tạo  nghề và giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu học tập, lao động sáng tạo, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và giải trí lành mạnh cho thanh niên”.

Nhà nước ta cũng rất chú trọng và quan tâm một cách sâu sắc đến sự phát triển của thế hệ trẻ nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong chiến lược phát triển thanh niên, chính phủ đã nêu lên 3 quan điểm quan trọng, trong đó quan điểm 1 đã nêu: “Phát triển thanh niên là xây dựng con người mới, phát triển toàn diện, kế tục trung thành nhân tố con người, để thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Các quan điểm, mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể được nêu trong chiến lược phát triển thanh niên đến năm 2010 thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến việc phát triển nguồn nhân lực và phát huy nhân tố thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung của chiến lược là căn cứ quan trọng để các ngành, các cấp, các đoàn thể xây dựng kế hoạch, nhằm phát triển thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều loại hình hoạt động như “Về nguồn”, gặp mặt truyền thống, các phong trào hành động cách mạng mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Chỉ tính riêng 6 cuộc thi tìm hiểu truyền thống ở cấp Trung ương đã có 10.230.000 bài dự thi của thanh, thiếu niên. Các hoạt động tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, phát luật Nhà nước được tổ chức thường xuyên. Hơn 14 triệu lượt thanh, thiếu niên đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo và học tập quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; 55.796 cuộc phổ biến, học tập, thi tìm hiểu về luật pháp đã thu hút trên 9 triệu lượt đoàn viên, thanh, thiếu niên tham gia. Nhiều hình thức hoạt động văn hóa, giáo dục về nếp sống, lối sống mới được tổ chức sôi nổi ở nhiều địa phương như cuộc thi “SV-96”. “Bảy sắc cầu vồng”, “Kính vạn hoa”, thi “Thanh niên thanh lịch”, “Nét đẹp đội viên”, liên hoan thanh niên hát dân ca, thi sáng tác và tổ chức biểu diễn về phòng chống HIV/AIDS, về chủ đề dân số và phát triển, vận động xây dựng “Gia đình trẻ văn hoá”, nếp sống văn minh nơi công cộng, xây dựng ký túc xá văn minh, sạch đẹp trong các trường đại học, cao đẳng… Một số hình thức tuyên truyền giáo dục đã được đổi mới, nâng cao như các chiến dịch truyền thông gây ấn tượng mạnh, các đội thông tin tuyên truyền xung kích thanh niên, tuyên truyền và nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến. Hàng vạn thanh niên tiên tiến, thiếu nhi xuất sắc đã được biểu dương tại Đại hội Thanh niên tình nguyện Việt Nam, Liên hoan Tuổi hai mươi dựng xây đất nước, gặp mặt thiếu nhi nghèo vượt khó, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ, gặp gỡ Thanh niên xung phong toàn quốc… đã động viên, cổ vũ và khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn được tập trung chỉ đạo với nhiều biện pháp thích hợp. Hàng năm, tỷ lệ cơ sở Đoàn vững mạnh và khá đều tăng, tỷ lệ cơ sở Đoàn yếu kém giảm. Đã tổ chức lại và thành lập mới 317 Đoàn cơ sở, 3.548 chi đoàn ở những nơi chưa có tổ chức Đoàn. Đến hết năm 1997 đã xây dựng được 156 Đoàn cơ sở, 1.261 chi đoàn với 52.244 đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 742 chi hội với 30.254 hội viên. Thông qua việc thực hiện “Chương trình rèn luyện đoàn viên” và phát thẻ Đoàn, chất lượng đoàn viên được nâng cao, công tác quản lý đoàn viên của Đoàn cơ sở và chi đoàn được chấn chỉnh. Công tác phát triển đoàn viên mới có nhiều tiến bộ; từ năm 1993 đến hết năm 1996, cả nước đã kết nạp được 1.951.824 đoàn viên mới. Riêng năm 1997, đã kết nạp 635.624 đoàn viên mới. Công tác cán bộ được quan tâm từ việc phát hiện, tạo nguồn đến việc bố trí, sử dụng, từ việc thực hiện chế độ chính sách đến việc đào tạo, bồi dưỡng. Trung bình hàng năm có hơn 120 nghìn cán bộ Đoàn, Hội, Đội được tập huấn bồi dưỡng đào tạo và đào tạo lại. Trường cán bộ Thanh Thiếu niên Trung ương, trong 5 năm, đã đào tạo tập trung tại trường và phối hợp mở các lớp đào tạo tại địa phương cho 6.560 cán bộ Đoàn. Tháng 8-1995, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam đã được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và thông tin khoa học của Đoàn. Học viên đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mở lớp hoàn chỉnh kiến thức đại học chính trị và cấp bằng cử nhân chính trị cho hơn 100 cán bộ của Đoàn. Trải qua thực tiễn phong trào, đã xuất hiện một đội ngũ cán bộ Đoàn trẻ, có trình độ học vấn, năng động, thích ứng nhanh với cơ chế mới; nhiều đồng chí cán bộ Đoàn đã trưởng thành, được bổ sung, nhận trách nhiệm lớn hơn trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ngành, đoàn thể.

Cuộc vận động phấn đấu rèn luyện trở thành đảng viên do Trung ương Đoàn phát động đã được các cấp bộ Đoàn triển khai với nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục và được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đoàn viên. Từ năm 1993, số đoàn viên ưu tú được giới thiệu với Đảng, số đoàn viên được kết nạp Đảng mỗi năm đều tăng. Năm 1994, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng tổ chức Hội thảo về phát triển đảng viên trẻ để tăng cường sự phối hợp, đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong đoàn viên thanh niên. Trong nhiệm kỳ VI, Đoàn đã giới thiệu với Đảng 634.411 đoàn viên ưu tú, trong đó được kết nạp Đảng 152.821 đồng chí.

Bên cạnh đó công tác kiểm tra của Đoàn có nhiều tiến bộ, đáp ứng tốt hơn công tác chỉ đạo của Ban Chấp hành Đoàn các cấp, có tác dụng tích cực kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Đoàn và các chỉ thị, nghị quyết, các phong trào hành động của Đoàn và góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên.

Phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn trong mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã chú trọng nhiều hơn đến công tác củng cố, mở rộng Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội Sinh viên Việt Nam. Đại hội lần thứ IV Hội Sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, sau 23 năm kể từ Đại hội lần thứ IV. Đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đến dự và chỉ đạo Đại hội. Sau Đại hội, ngày 8-2-1994, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra thông báo số 86 công nhận Hội Sinh viên Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội của sinh viên Việt Nam.

Tiếp đến từ ngày 8-12-1994, Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ III mở ra một thời kỳ mới trong xây dựng và hoạt động của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam để phát huy tài năng và sức trẻ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, sau Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (1993), Đại hội Liên hiệp Thanh niên lần thứ III (12-1994), nội dung, phương thức hoạt động của Hội càng đổi mới, phong phú, hấp dẫn hơn, tổ chức cơ sở Hội được củng cố và mở rộng. Đến cuối năm 1997, có 51/61 các tỉnh, thành phố đã thành lập Hội; 10 tỉnh còn lại đã có Ban vận động thành lập Hội; một số Hội ngành nghề của thanh niên đang được chuẩn bị thành lập. Các phong trào, chương trình hoạt động của Hội thu hút ngày càng đông đảo thanh, thiếu niên tham gia, góp phần vào việc mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên và xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn. Hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam tiếp tục được đổi mới phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên. Thông qua các hoạt động phong phú, tổ chức  Hội Sinh viên tiếp tục được củng cố và mở rộng. Đến cuối năm 1997, Hội Sinh viên đã được thành lập ở 67 trường đại học, cao đẳng với 240 nghìn hội viên. Nhiều cơ sở đã tiến hành Đại hội Hội cấp trường, chuẩn bị cho Đại hội Toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam.

Công tác Đội và phong trào thiếu nhi có nhiều chuyển biến, mang lại hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở tiếp tục triển khai rộng rãi phong trào: “Nói lời hay, làm việt tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ”, nhiều phong trào, nhiều cuộc vận độgng đã được tổ chức như phong trào “Vượt khó, học tốt”, “Em yêu khoa học”, “Vì bạn nghèo”, “Vì màu xanh quê hương”, “áo lụa tặng Bà”, “Bát hương cho các nghĩa trang liệt sĩ”, “Em yêu đường sắt quê em”… vừa mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, vừa cổ vũ hàng chục triệu thiếu nhi rèn luyện, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ, thành đoàn viên Đoàn Thanh niên. Thông qua các hoạt động của Đội và kết quả bước đầu thực hiện “Chương trình rèn luyện đội viên”, từ năm 1993 đến 1997, cả nước có 4,8 triệu em được kết nạp vào Đội, hơn 19 triệu nghìn em được trở thành công nhận là Cháu ngoan Bác Hồ, hơn 750 nghìn em được trở thành đoàn viên. Hoạt động của hệ thống nhà thiếu nhi, các điểm vui chơi tiếp tục phát triển. Đã có thêm gần 40 Nhà thiếu nhi cấp huyện được thành lập. Công tác bồi dưỡng cán bộ phụ trách, cán bộ Đội được đẩy mạnh.

Những thành tích bước đầu trong hoạt động của Đoàn và phong trào thanh niên năm 1993 khi thực hiện hai phong trào lớn đã thể hiện sự chuyển hướng tích cực trong đổi mới phương thức tập hợp thanh niên của tổ chức Đoàn, tạo ra thế và lực mới cho Đoàn, từng bước đưa Đoàn thoát khỏi yếu kém, trì trệ. Vị trí, vai trò và uy tín của Đoàn trong thanh niên, trong xã hội được khẳng định nâng cao.

Từ ngày 20 đến ngày 25-1-1994, một sự kiện chính trị có ý nghĩa lớn lao đối với đất nước và phong trào thanh niên, đó là Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng đã họp tại Hà Nội. Hội đã kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng và tổng kết một bước thực tiễn đổi mới từ Đại hội VI của Đảng đến nay, xác định những chủ trương và giải pháp lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII.

Đoàn đã tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức thanh niên, phát triển quan hệ với thanh niên các nước trong khu vực, duy trì và đẩy mạnh quan hệ với các tổ chức bạn bè truyền thống, mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế và các cơ quan Liên hiệp quốc. Đoàn đã tổ chức và tham gia có hiệu quả nhiều hoạt động quan trọng của thanh niên trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt tại Festival thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ XIV tổ chức tại Lahabana (Cu Ba) năm 1997, Đoàn đại biểu thanh niên và sinh viên Việt Nam gồm 129 thành viên do đồng chí Vũ Trọng Kim, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn dẫn đầu đã tham gia có hiệu quả vào tất cả các hoạt động chung của Đại hội Liên hoan đã một lần nữa khẳng định vị trí và vai trò của thanh niên Việt Nam trong phong trào Thanh niên Dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Đoàn viên, thanh, thiếu niên cả nước đã sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động quyên góp giấy, vở và đồ dùng học tập cho học sinh Cu Ba. Các hoạt động giao lưu lớn như Chương trình Hữu nghị Việt - Nhật, Tàu thanh niên Đông Nam á được tổ chức tốt.

Từ năm 1993 đến năm 1997, trong không khí phấn khởi chung do kết quả của công cuộc đổi mới đất nước đem lại, sự tăng cường quan quan tâm lãnh đạo của Đảng; công tác Đoàn đã có nhiều chuyển biến rõ rệt về tất cả các mặt, hai phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” được triển khai rộng rãi và toàn diện, đáp ứng thiết thực các nhu cầu chính đáng của thanh niên, góp phần đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh, tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo đà thuận lợi cho những thắng lợi lớn hơn.

Liên kết website