Chương VIII

PHONG TRÀO "XUNG PHONG TÌNH NGUYỆN VƯỢT MỨC KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM NĂM LẦN THỨ NHẤT"

Trên cơ sở những thành tựu đã giành được trong những năm khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền Bắc và phong trào yêu nước ở miền Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III họp tháng 9 - 1960 đã quyết định đường lối chung của Đảng trong thời kỳ quá độ đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, quyết định phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước năm năm lần thứ nhất (1961 - 1965), nhằm phấn đấu bước đầu xây dựng xây dựng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Đại hội còn chỉ rõ: “Thanh niên ta đã nêu cao tinh thần hy sinh anh dũng trong kháng chiến và trong lao động hòa bình. Thanh niên lại là lớp người đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẽ xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở nước ta. Đảng ta phải hết sức chú trọng giáo dục và rèn luyện thế hệ trẻ thành những chiến sĩ trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, sẵn sàng mang hết nhiệt tình của tuổi trẻ tham gia xây dựng xã hội mới”.

Để thực hiện sứ mệnh lịch sử cao cả của Đoàn và tuổi trẻ trong giai đoạn cách mạng mới, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III được triệu tập từ ngày 23 đến ngày 25 - 3 - 1961, có 677 đại biểu, thay mặt cho hơn 1 triệu đoàn viên. Đại hội xác định nhiệm vụ của Đoàn trong giai đoạn cách mạng mới là: “Đoàn kết thanh niên, tổ chức mọi lực lượng, giáo dục thanh niên trong cả nước tiến lên dưới ngọn cờ của Đảng, cống hiến hết sức mình phấn đấu hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ lịch sử mà Đảng đề ra”.

Đại hội vạch rõ: “Tất cả mọi hoạt động của Đoàn và thanh niên nước ta đều cần hướng vào việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng của Đảng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”. Đại hội đã nêu ra nhiệm vụ trước mắt của Đoàn là “hướng toàn thể nam nữ đoàn viên, thanh niên suy nghĩ và hành động với tư cách là người lính xung kích, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà thể hiện trên các mặt sản xuất, công tác, học tập, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cuộc sống văn minh”.

Đại hội vinh dự được Bác Hồ kính yêu, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các đồng chí trong Bộ Chính trị đến dự. Nói chuyện với đại hội, Bác Hồ chỉ rõ: “Đoàn thanh niên cần phải làm đầu tàu, gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu: Đâu Đảng cần, thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 71 đồng chí, trong đó có 15 đồng chí tham gia Ban Thường vụ và 5 đồng chí tham gia Ban Bí thư. Đồng chí Nguyễn Lam được bầu lại làm Bí thư thứ nhất. Sau đại hội, đồng chí Nguyễn Lam được Đảng điều đi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Vũ Quang được cử làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.

Đại hội đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch Nhà nước năm năm lần thứ nhất” (1961 - 1965) nhằm tổ chức, giáo dục, đồng viên tuổi trẻ miền Bắc phát huy vai trò và tác dụng của mình đi đầu thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước, qua đó mà “Nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, giáo dục thanh niên ý thức đối với kế hoạch Nhà nước, giáo dục tinh thần xung phong, tự nguyện, tự giác trong bất kỳ công việc gì mà mình đang làm, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thanh niên đối với việc thực hiện kế hoạch 05 năm”.

Do đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của tuổi trẻ, phù hợp với các đối tượng, các tầng lớp thanh niên chỉ trong một thời gian ngắn đã có trên 1 triệu đoàn viên, thanh niên hoạt động trên các mặt: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, lâm nghiệp, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng,v.v... hưởng ứng và đăng ký tham gia.

Để chỉ đạo phong trào đi đúng hướng, đạt được mục tiêu và nội dung đề ra, đạt hiệu quả thiết thực, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa III) đã có nhiều cuộc họp chuyên đề bàn việc triển khai phong trào trên từng lĩnh vực, từng đối tượng, từng nội dung cụ thể. Đó là Nghị quyết về nhiệm vụ của Đoàn đối với kế hoạch Nhà nước năm năm lần thứ nhất; Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ của Đoàn trong công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết về nhiệm vụ của Đoàn tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp; Nghị quyết về công tác giáo dục, về công tác thiếu niên nhi đồng, về công tác Đoàn trong trường học,v.v... Đây là bước phát triển mới về sự chỉ đạo của Đoàn đối với phong trào thanh niên; tổ chức, động viên thanh niên đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phong trào xung phong tình nguyện tuy có bao quát, toàn diện, nhưng mỗi lĩnh vực, mỗi đối tượng cụ thể lại có nội dung riêng, có hình thức, phương thức nhất định, vừa đa dạng, phong phú, vừa mang tính đặc thù cho từng lĩnh vực hoạt động, từng loại hình trong tổng thể của một phong trào thống nhất. Điều đó đã tạo ra cho phong trào sức sống mạnh mẽ.

Cuối tháng 12 - 1961, Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ II và đầu tháng 3 - 1962, Đại hội Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam lần thứ III đã họp. Các đại hội đã đánh giá hoạt động của Hội trong thời gian qua và thảo luận phương hướng công tác sắp tới; động viên toàn thể thanh niên và sinh viên hãy tích cực tham gia phong trào “xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch Nhà nước năm năm lần thứ nhất” do Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III phát động, đưa phong trào thanh niên và sinh viên phát triển mạnh mẽ, rộng khắp.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, ngoài công việc chống úng, chống nạn, diệt trừ sâu bệnh,v.v... các hoạt động của Đoàn đều có chương trình, kế hoạch, có tiêu chuẩn, định mức, có quy trình kỹ thuật,v.v... Trong công tác thủy lợi, các tổ chức  Đoàn ở cơ sở đã đảm nhận trước cấp ủy Đảng và hợp tác xã cải tạo đồng ruộng, xây dựng hệ thống thủy nông, bảo đảm tưới tiêu nước theo yêu cầu, phục vụ thâm canh tăng năng suất cây trồng. Từ hợp tác xã Hồng Thái (Hải Dương), Phương Trù (Vĩnh Phúc), những đội thủy lợi chuyên do Đoàn làm nòng cốt đã nhanh chóng phát triển ra nhiều cơ sở. Về sau, đội thủy lợi chuyên đã có hầu khắp các địa phương, hợp tác xã, gọi là đội thủy lợi 202. Đến cuối năm 1963, cả miền Bắc đã có trên 1 vạn đội, được chuyên môn hóa, không chỉ làm thủy lợi ở hợp tác xã mà thường xuyên có mặt ở các công trình đầu mối, trên các công trường thủy lợi của tỉnh, của huyện. Do được chuyên môn hóa, làm việc theo định mức nên thường đạt năng suất cao. Hầu như cá nhân, đơn vị nào cũng đạt và vượt năng suất. Tiêu biểu là nữ Anh hùng trẻ tuổi Phạm Thị Vách (Hưng Yên) đã đi đầu trong công tác đắp đe ngăn nước sông Hồng, có nhiều sáng kiến, cải tiến, đưa năng suất của toàn đội tăng gấp 3,5 lần chỉ tiêu, luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch trên các công trường thủy lợi. Học tập Đoàn thanh niên xã Hồng Thái (Ninh Giang, Hải Dương), xã Vũ Thắng (Kiến Xương, Thái Bình) là vùng sâu trũng nhất huyện, thường xuyên bị ngập lụt, mất mùa, Đoàn đã đảm nhận trước Đảng ủy và hợp tác xã đào một con mương tiêu nước và xây dựng lại đồng ruộng, kết quả là đã giải quyết được nạn ngập úng, đưa năng suất lúa tăng lên rõ rệt và hợp tác xã Vũ Thắng đã trở thành lá cờ đầu về thâm canh toàn miền Bắc.

Trong phong trào làm phân bón, đi đôi với việc tổ chức, động viên đoàn viên, thanh niên làm thật nhiều phân như trước, các cơ sở Đoàn đã đảm nhận xây dựng kế hoạch làm phân và nâng cao chất lượng phân bón cho hợp tác xã. Qua tính toán, cân đối giữa yêu cầu thâm canh và khả năng phân bón của hợp tác xã, Đoàn đứng ra ký kết hợp đồng với hợp tác xã, tổ chức, động viên đoàn viên làm đủ số phân còn thiếu. Các chi đoàn đã thành lập các tổ chuyên trách làm phân, làm bèo hoa dâu. Tổ vừa có trách nhiệm làm thêm phân, thu gom của đoàn viên, thanh niên và xã viên hợp tác xã, vừa làm nhiệm vụ chế biến để nâng cao chất lượng phân bón. Để tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên của mình bảo đảm chỉ tiêu về số lượng và chất lượng phân bón, với khẩu hiệu: “Sạch làng tốt ruộng”, các cơ sở Đoàn trong hợp tác xã đã có phương thức “3 chuồng 4 hố” (chuồng trâu bò, chuồng lợn, chuồng gà; hố phân, hố tiểu, hố rác và hố xí) làm nhà ủ và chế biến phân. Nhiều nơi còn ủ phân ngay tại ruộng. Các Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn đã phối hợp với ngành nông nghiệp mở các lớp tập huấn kỹ thuật chế biến phân, kỹ thuật làm bèo hoa dâu, kỹ thuật bón phân theo yêu cầu sinh trưởng của cây trồng,v.v.... Năm 1962, trong 20 Tỉnh, Thành Đoàn đã có 8691 chi đoàn lên được kế hoạch và ký kết hợp đồng làm phân bón cho hợp tác xã. Năm 1963, chỉ trong 16 tỉnh, thành đã có thêm 2900 chi đoàn làm được như trên, và có trên 3 vạn kỹ thuật viên được tập huấn làm bèo hoa dâu, do đó việc nuôi thả bèo hoa dâu tăng lên nhanh chóng. Năm 1962 trong 11 tỉnh, thành, riêng thanh niên đã thả được 1750 mẫu bèo ở 393 cơ sở. Vụ đông xuân 1962 - 1963 đã có 4900 cơ sở, ươm thả trên 12900 ha bèo hoa dâu và đến vụ đông xuân 1963 - 1964 con số đó đã tăng lên 13834 cơ sở và ươm thả được 140.900 ha bèo hoa dâu.

Để đảm bảo thực hiện được hợp đồng đã ký kết với hợp tác xã, mọi nguồn phân đều được đoàn viên, thanh niên tận dụng khai thác. Đoàn đã vận động, xây dựng được hàng vạn chuồng lợn hai bậc, hố xí hai ngăn khiểu mới và phát động đoàn viên, thanh niên trồng cây điền thanh, cây muồng muồng. Năm 1962, riêng thanh niên thị xã Hà Đông (Hà Tây) đã trồng được 1300 mẫu điền thanh và muồng muồng. Thanh niên Nam Hà có sáng kiến tận dụng đất, đắp mộ, tranh thủ thời gian trồng điền thanh ngay trên ruộng mới cấy, vừa lợi dụng nốt phần bộ rễ tăng độ phì nhiêu cho đất, vừa lấy lá làm phân xanh.

Phục vụ cho phong trào làm phân bón và tăng nguồn thực phẩm cho nhân dân, Đoàn ta còn có phong trào chăn nuôi lợn tập thể, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Thanh niên ngoại thành Hà Nội có phong trào “Đàn lợn 100 con” và sau đó nâng thành “Đàn lợn trăm con, vạn cân”, đã được thanh niên miền Bắc hưởng ứng. Các cơ sở Đoàn đã cử những đoàn viên, thanh niên có khả năng và nhiệt tình tham gia chăn nuôi lợn tập thể. Để hỗ trợ cho chăn nuôi, ở Hòa Bình có phong trào mỗi đoàn viên thanh niên trồng 500 gốc sắn; ở Nam Định có phong trào “100 kg thức ăn bột cho lợn”; ở Ninh Bình có phong trào “5 cây, 5 con” cho mỗi đoàn viên, thanh niên. Việc hướng dẫn phương pháp ủ chua thức ăn cho lợn rất được các tại chăn nuôi tập thể và gia đình đoàn viên, thanh niên và các cấp bộ Đoàn quan tâm. Đã có nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất hiện, nêu lên những bài học thiết thực cho các nơi noi theo. Anh Lương Văn Nghĩa (Thanh Trì - Hà Nội) học sinh tốt nghiệp phổ thông đã say mê, kiên trì vận dụng những kiến thức đã học được trên ghế nhà trường và trong thực tế, suy nghĩ, tìm tòi và áp dụng phương pháp nuôi lợn bằng thức ăn khô, giảm được cường độ lao động cho xã viên, tiết kiệm nguyên liệu, đàn lợn tăng trọng nhanh. Anh được bà con xã viên yêu mến và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Chi đoàn Văn Quán (Vĩnh Phúc), Việt Triều, Giang Biên (Hà Nội), Gia Thịnh, Xuân Lan (Ninh Bình),v.v... là những nơi có phong trào chăn nuôi giỏi. ở những nơi này, đàn lợn tập thể có hàng trăm con, gia đình đoàn viên, thanh niên đều nuôi từ 2 - 3 con trở lên, và chăn nuôi đã thực sự có lãi.

Nhận thức được vai trò của khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, Đoàn đã động viên, tổ chức đoàn viên, thanh niên đi vào những lĩnh vực mới mẻ, những khâu khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật. Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về công tác giáo dục đã chỉ rõ: “Phải khôn ngừng giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ cộng sản chủ nghĩa, trình độ văn hóa, khoa học và kỹ thuật cho thanh niên, tổ chức động viên thanh niên mạnh mẽ tiến quân vào khoa học kỹ thuật, làm cho thanh niên trở thành lực lượng xung kích trong cuộc cách mạng kỹ thuật”

Đoàn coi trọng cả 3 mặt: Đào tạo và bồi dướng lực lượng trẻ làm khoa học kỹ thuật; xây dựng mạng lưới hoạt động khoa học, kỹ thuật; tổ chức thực hiện các biện pháp khoa học, kỹ thuật; tổ chức thực hiện các biện pháp khoa học, kỹ thuật tiên tiến, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Các Tỉnh, Thành Đoàn đã phối hợp với ngành nông nghiệp, hội phổ biến khoa học kỹ thuật mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức những cuộc họp “đầu bờ”, những hội nghị khoa học kỹ thuật trẻ để rút kinh nghiệm, học tập lẫn nhau.

Để phát huy vai trò của Đoàn và tuổi trẻ, trong cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã; cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc” của Đảng và Nhà nước, được sự giúp đỡ tận tình của thế hệ đàn anh cùng với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia quản lý hợp tác xã ngày càng nhiều. Ngay từ những ngày đầu của kế hoạch năm năm lần thứ nhất, đã xuất hiện nhiều chủ nhiệm hợp tác xã trẻ xuất sắc, có trình độ quản lý, kỹ thuật khá vững vàng như Bàn Văn Mình, Lê Văn Anh, Đỗ Tiến Hảo, Nguyễn Thị Song, Tống Thị út, Lê Thị Lực... và hàng nghìn chủ nhiệm, đội trưởng, đội phó sản xuất giỏi, tiêu biểu cho tinh thần bền bỉ, hăng say sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý trẻ tuổi đầy triển vọng. Đến năm 1963, số cán bộ quản lý hợp tác xã ở lứa tuổi thanh niên đã chiếm từ 20 - 30%. ở Nghệ An, chỉ tính trong 39 hợp tác xã, số đoàn viên, thanh niên là đội trưởng, đội phó sản xuất tăng từ 14% lên 35%, là cán bộ ban quản trị hợp tác xã từ 18% lên 25%. ở Ninh Bình, năm 1962, trong ban quản trị hợp tác xã có 18,7% là thanh niên và đầu năm 1964 là 28,2%. ở Nam Định, năm 1961, trong số 246 hợp tác xã toàn thôn đã có 347 cán bộ, đoàn viên, thanh niên ở trong ban quản trị, có nơi hầu hết là thanh niên. Năm 1962, cả tỉnh Nam Định có 2447 thanh niên tham gia ban quản trị hợp tác xã, 1851 thanh niên là đội trưởng, đội phó. ở Thanh Hóa, năm 1961 Đoàn đã cung cấp cho đội ngũ cán bộ của hợp tác xã là 6.891 người và năm 1962 là 9149 người chiếm trên 20% cán bộ hợp tác xã toàn tỉnh. Tình hình trên cho thấy rằng, Đoàn ta không chỉ có vai trò và tác dụng tổ chức, động viên thanh niên trong các khâu hành động cụ thể mà còn có vai trò trong công tác quản lý hợp tác xã.

Thực hiện cuộc vận động “Phát triển kinh tế - văn hóa miền núi”, phân bố lại lực lượng lao động, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, với tinh thần “xung phong tình nguyện”, thanh niên sẵn sàng đi đến mọi miền của đất nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cuộc vận động đã được đông đảo các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên các tỉnh, đồng bằng và đô thị hưởng ứng nhiệt liệt. Năm 1962, 12 tỉnh đã có 121.109 thanh niên xung phong đi khai hoang, đi xây dựng nông trường, lâm trường, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương nghiệp, hợp tác xã ở miền núi, trong đó có hơn 10 vạn đoàn viên, thanh niên đã tình nguyện ở lại xây dựng miền núi lâu dài. ở những nơi khó khăn gian khổ nhất, tuổi trẻ đã tỏ rõ phẩm chất cao quý của mình, chấp nhận mọi thử thách để cống hiến và trưởng thành. Tiêu biểu cho những phẩm chất đó là anh hùng trẻ tuổi Phạm Ngọc Chức - (ngành Lâm nghiệp), Phùng Văn Bằng (gác đèn biển, ngành Giao thông vận tải), Lâm Quang Tỉnh (ngành Nông trường),v.v... Thể hiện tinh thần “Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến”.

Với tinh thần đó, trên 10.000 đoàn viên, thanh niên trên khắp các địa phương miền Bắc đã tình nguyện lên Thái Nguyên xây dựng khu Liên hiệp gang thép đầu tiên của Tổ quốc; trên 5.000 thanh niên xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà, 5.000 thanh niên xây dựng “Công trình đường sắt thanh niên Thanh Hóa - Vinh”. ở đó tuổi trẻ cũng không quản ngại khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu với một nền công nghiệp nhỏ bé, tiến lên chủ nghĩa xã hội, lực lượng công nhân chủ yếu mới được bổ sung trong thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, do đó đại bộ phận còn rất trẻ, trong đó thanh niên chiếm từ 70 - 80%, có đơn vị chiếm 100%. Vì thế, Đoàn có vai trò rất lớn đối với sản xuất công nghiệp và xây dựng giai cấp công nhân.

Qua phong trào xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch năm năm lần thứ nhất, đi đôi với nhiệm vụ tổ chức, động viên thanh niên hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, làm hậu thuẫn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà,v.v... Đoàn còn có một nhiệm vụ hết sức nặng nề là giáo dục, đào tạo đội ngũ công nhân trẻ. Đại bộ phận công nhân mới vào nghề đều xuất thân từ nông thôn, chưa được rèn luyện trong môi trường sản xuất công nghiệp. Do đó, thông qua phong trào xung phong tình nguyện, thông qua các hoạt động của mình, các cơ sở Đoàn trong công nghiệp đã giáo dục, bồi dưỡng thanh niên về lập trường giai cấp công nhân, về trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật và nghề nghiệp, về đạo đức và lối sống, phong cách của người công nhân mới,v.v...

Chính vì thế mà phong trào tiến quân vào khoa học kỹ thuật càng được thanh niên công nhân hưởng ứng nhiệt liệt. Những tổ hỗ trợ sáng kiến, tổ khoa học kỹ thuật trẻ, câu lạc bộ khoa học trẻ, tổ kiểm tra chất lượng sản phẩm,v.v... ra đời, thu hút hàng vạn đoàn viên, thanh niên vào những hoạt động sáng tạo. Thanh niên Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Dệt Nam Định, khu Mỏ Hòn Giai (Quảng Ninh) đã có sáng kiến “Mở hội thanh niên làm kỹ thuật”. Thi đua với thanh niên Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng), lá cờ đầu của ngành công nghiệp, năm 1961, thanh niên thành phố Hà Nội, đã phát huy được 8.800 sáng kiến trong tổng số 13.000 sáng kiến của công nhân toàn thành phố. Thanh niên Xí nghiệp Dược phẩm Hà Nội, thanh niên Nhà máy Dệt Nam Định đã biến chỉ tiêu thao diễn kỹ thuật thành chỉ tiêu sản xuất thường xuyên. Thanh niên Nhà máy Xi măng Hải Phòng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm đã đảm nhận trước Đảng ủy và giám đốc khôi phục thành công hệ thống 4 lò nung, nhanh chóng đưa vào sản xuất. Trong số 1.283 thanh niên của nhà máy ghi tên đăng ký phấn đấu vượt mức kế hoạch, hầu hết đã có từ 1 đến 2 sáng kiến trở lên, vượt từ 5 đến 50% định mức và chỉ tiêu kế hoạch. Nguyễn Thị Lý và tổ đá nhỏ ca A của chị gồm toàn thanh niên đã đề ra việc phong danh hiệu “Kiện tướng sáng kiến” cho những đoàn viên có nhiều sáng kiến đạt và vượt chỉ tiêu quy định. Toàn tổ đã phấn đấu hợp lý hóa sản xuất, giảm thao tác thừa, phát huy trên 30 sáng kiến trong vòng 1 năm rưỡi, bố trí lại dây chuyền sản xuất, tiến từ lao động thủ công lên cơ khí, giảm được 60% nhân công, 25% số đầu xe mà vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch. Toàn tổ đã trở thành một tập thể gắn bó với nhau rất mật thiết, cả trong sản xuất và cuộc sống hàng ngày, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, đã trở thành “con chim đầu đàn” của phong trào thanh niên công nhân Hải Phòng và thanh niên công nhân miền Bắc.

Học tập tổ đá nhỏ ca A (Xi măng Hải Phòng), có đội lái máy xúc cảng Hải Phòng, gồm 21 đoàn viên, thanh niên và một số công nhân lớn tuổi. Về sau cả thành phố Hải Phòng đã có 400 tổ sản xuất, thanh niên đăng ký thi đua với tổ đá nhỏ ca A tổ máy xúc cảng.

Đoàn thanh niên Nhà máy Cơ khí Duyên Hải có sáng kiến tổ chức: “Hội thao diễn kỹ thuật”. Chính từ sáng kiến này mà thu hút hàng trăm thanh niên của nhà máy sôi nổi, hăng say học tập văn hóa, học tập lý thuyết và nhất là rèn luyện thao tác, nâng cao nghề nghiệp, có tay nghề giỏi, phấn đấu đạt kết quả cao trong các hội thao diễn. Tuyệt đại bộ phận đoàn viên, thanh niên đã tham gia hội thao và đều đem lại kết quả tốt; hầu hết đạt và vượt chỉ tiêu, định mức quy định. Qua thao diễn, trình độ tay nghề của công nhân trẻ thực sự đã được nâng lên rõ rệt. Qua đây, Đoàn đã kiến nghị sửa đổi một số chỉ tiêu định mức chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, đại bộ phận là nâng định mức lao động, xây dựng định mức tiên tiến. Từ đó Nhà máy cơ khí Duyên Hải nói chung và Đoàn thanh niên nhà máy nói riêng đã trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp. Phong trào học tập và làm theo thanh niên Nhà máy Cơ khí Duyên Hải đã được phát động rộng rãi trong thanh niên, công nhân miền Bắc trong quá trình thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất.

Thanh niên khu Mỏ Hòn Gai nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, trong “Chiến dịch than Điện Biên Phủ”, đã có 1286 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đảm nhận xây dựng 9 “công trình thanh niên”, xây dựng 1950 tổ sản xuất, xe, máy mang tên thanh niên. Tất cả đều hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 5 ngày đến 3 tháng. Tổ máy khoan BU4, xe Gấu 25, tổ máy xúc EKG1 của Anh hùng Vũ Xuân Thủy là những điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết giành năng suất lao động cao. Tổ đi lò Đỗ Xuân Ngọc với sáng kiến “Khoan sâu, bắn mìn nặng” đã mở đầu cho phong trào đi lò nhanh của thanh niên vùng mỏ. ở Nhà máy Dệt Nam Định, thanh niên đã đảm nhận hàng chục đề tài nghiên cứu để cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để đạt năng suất cao như cải tiến 778 máy dệt từ tay đập ngang sang tay đập dọc, tăng năng suất mỗi năm 1,4 triệu mét vải và đã giúp nhà máy hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1962 trước 78 ngày. Trước đây mỗi người chỉ đứng được 4 máy, sử dụng 57% công suất, đạt 17,7mét/ca. Nay thanh niên đã cải tiến và hợp lý hóa sản xuất các khâu nên mỗi người đã đứng được 7 máy, sử dụng 77% công suất đạt năng suất 27,37mét/ca.

Với tinh thần “mình vì mọi người”, cùng nhau hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà máy, nữ công nhân trẻ Đào Thị Hào đã tự nguyện rời những cố máy quen thuộc của mình để đi hướng dẫn thao tác tiên tiến cho chị em công nhân trẻ mới vào nghề, trong khi thu nhập bị hạ thấp từ 75 đồng xuống chỉ còn 50 đồng/1tháng. Song 400 đồng nghiệp của chị dã thành thạo tay nghề với những thao tác tiên tiến.


Thông qua hoạt động thực tiễn, Đoàn ta đã góp phần tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân trẻ, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ tay nghề cho anh chị em. Đoàn thanh niên ở các nhà máy, xí nghiệp, công trường đã phối hợp với phòng chuyên môn mở các lớp học nghề ngay tại cơ sở cho công nhân mới vào; mở các lớp học nâng bậc, bổ túc văn hóa, nghiệp vụ; trong đó có cả các lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật trung cấp dành cho công nhân. Các tổ chức Đoàn trong các cơ sở công nghiệp coi nhiệm vụ học tập là một tiêu chuẩn thi đua của các chi đoàn, phân đoàn và cho mỗi đoàn viên. Đây cũng là tiêu chuẩn để phân loại đoàn viên, phân loại tổ chức Đoàn ở cơ sở. Chính vì thế mà đoàn viên, thanh niên tham gia học tập rất đông đảo và chăm chỉ.

Trong thư gửi Đại hội tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc ngày 21-6-1963, Bác Hồ đã đánh giá cao vai trò của Đoàn và thanh niên ta. Bác viết: “Cho đến nay đã có trên 6.000 tổ và đội ghi tên thi đua để giành lấy danh hiệu vẻ vang là tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa. 389 tổ và đội đã được công nhận, trong đó có 1.400 chị em phụ nữ, 1.400 công nhân đàn ông, và 3.800 là thanh niên. Thế là thanh niên đã chiếm số đông hơn. Bác có lời khen ngợi thanh niên và khuyên các cháu cố gắng hơn nữa”.

Với nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giành thống nhất nước nhà phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong những năm khôi phục và phát triển kinh tế, thanh niên quân đội luôn luôn nắm chắc tay súng, ra sức rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, sẵn sàng chiến đấu và hăng hái tham gia kiến thiết Tổ quốc. Từ sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II, trong quân đội đã hình thành hệ thống tổ chức Đoàn, lấy đại đội làm cơ sở, mỗi đại đội tổ chức một chi đoàn thanh niên. Năm 1959, Nhà nước ban hành luật nghĩa vụ quân sự. Bên cạnh hàng vạn đoàn viên, thanh niên được chuyển ra bổ sung cho các cơ quan, các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, hàng vạn đoàn viên, thanh niên có giác ngộ chính trị, có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật đã hăng hái làm nghĩa vụ quân sự, xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam từng bước lên chính quy và hiện đại.

Với phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và củng cố quốc phòng, đoàn viên và thanh niên quân đội đã nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ, vươn lên hàng đầu trong học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mở đầu là phong trào thi đua với chi đoàn Mộc Châu. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn, đoàn viên, thanh niên chi đoàn Mộc Châu đã có nhiều sáng kiến, đảm bảo huấn luyện tốt và sẵn sàng chiến đấu tốt. Toàn chi đoàn là một tập thể vững mạnh, đoàn kết, tương trợ nhau học tập và xây dựng cuộc sống vui tươi, lành mạnh. Thi đua với chi đoàn Mộc Châu, nhiều chi đoàn thanh niên trong quân đội đã thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho đoàn viên, thanh niên hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình, do đó đã hăng hái tập luyện, lập công xuất sắc.

Cùng với các phong trào thi đua trong các ngành kinh tế, văn hóa, giáo dục, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng quân đội, Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam đã phát động trong toàn quân phong trào thi đua “Ba nhất”, hướng vào các mục tiêu phấn đấu xây dựng tư tưởng tốt, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu tốt, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Chỉ sau một thời gian ngắn, đã có 100% chi đoàn và đoàn viên, thanh niên trong các binh chủng, quân chủng sôi nổi đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Chiến sĩ ba nhất”, vươn lên lập thành tích trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong lao động sản xuất và xây dựng đơn vị, trong cuộc sống hàng ngày. Các đồng chí Chu Văn Thanh, Mùa A - Dếnh (dân tộc Mông) là những chiến sĩ bộ đội biên phòng đã dũng cảm, mưu trí, xử lý tốt mọi tình huống trong khi làm nhiệm vụ, nêu gương sáng về tinh thần phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao cùng hàng ngàn, hàng vạn điển hình tập thể và cá nhân đã góp phần công sức xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh.

Hòa nhịp với phong trào thi đua của thanh niên trên các mặt trận công nghiệp, nông nghiệp, quân đội, tuổi trẻ trong các cơ quan khoa học, viện nghiên cứu, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp,v.v... ra sức đẩy mạnh phong trào phấn đấu học tập, nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức khoa học và thực tiễn.

Hoạt động của Đoàn và phong trào thiếu nhi trong các trường học cũng có chuyển biến mạnh mẽ. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”, tuổi trẻ trong các trường đại học đã có nhiều  hoạt động thiết thực. Nhằm cụ thể hóa những nội dung trên, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục. Ban Bí thư Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục phát động phong trào thi đua trong tất cả các trường học, phấn đấu trở thành “học sinh, sinh viên tiên tiến, lớp học tiên tiến” với bốn nội dung cụ thể là: Học tập tốt, lao động và hoạt động xã hội tốt; bồi dưỡng tinh thần và đạo đức xã hội chủ nghĩa: rèn luyện thân thể tốt. Đồng thời các cấp bộ Đoàn đã trở thành những lá cờ đầu cho các nơi học tập, trao đổi lẫn nhau. Đó là trường cấp II Bắc Lý (Hà Nam) không những bảo đảm chất lượng học tập cho học sinh mà còn có sự kết hợp rất chặt chẽ nhiệm vụ giáo dục của nhà trường với các yêu cầu và nhiệm vụ của địa phương. Học tập điển hình Bắc Lý, các trường cấp III Lê Hồng Phong (Nam Định), Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), Lam Sơn (Thanh Hóa); các trường trung cấp Nông Lâm, Đường sắt; Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm,v.v... đã có sự kết hợp giữa nhiệm vụ học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội với xây dựng lớp học tiên tiến, chi đoàn tiên tiến trong học sinh, sinh viên, dần dần phong trào đã mở rộng ra tất cả các trường học ở miền Bắc.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam rất quan tâm đến nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, ra sức xây dựng Đội ngày càng vững mạnh để Đội thực sự là lực lượng hậu bị của Đoàn. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III đã chỉ rõ: “Đoàn còn phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng với ý thức đào tạo một lớp người không những cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay mà còn cần cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản sau này... Với những đoàn viên lớn tuổi, Đoàn cần bồi dưỡng các em hiểu biết về Đoàn, nâng cao ý thức Đoàn cho các em”.

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam (ngày 15-5-1961) trong thư gửi cho thiếu nhi cả nước, Bác Hồ đã dạy các em 5 điều:

1. Yêu Tổ quốc - Yêu đồng bào
2. Học tập tốt - Lao động tốt
3. Đoàn kết tốt - Kỷ luật tốt
4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt
5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Để giúp các cán bộ Đoàn quán triệt và thực hiện lời dạy của Bác trong công tác giáo dục thiếu nhi và những mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III đề ra, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa III) đã bàn chuyên đề về công tác thiếu nhi. Nghị quyết nhấn mạnh: “Phải chuẩn bị cho các em rồi đây trở thành những người lao động nhiệt tình xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, những người biết sống và làm việc trong xã hội đó”. Do đó, cần mở cuộc vận động: “Toàn Đoàn làm công tác thiếu nhi”. Đoàn thanh niên trên mọi lĩnh vực hoạt động khác nhau trong xã hội hãy dành một phần thì giờ, trí tuệ, tài năng của mình về khoa học kỹ thuật, về văn học nghệ thuật, về thể dục thể thao, để giúp cho việc giáo dục thiếu nhi được tốt”.

Nhiều nội dung và hình thức hoạt động phong phú, phù hợp với các em đã được áp dụng trong công tác Đội, lôi cuốn đông đảo các em tham gia như phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Hợp tác xã Măng non”, “Đi thăm miền Nam yêu quý của Tổ quốc”, “Em yêu anh bộ đội”,v.v...

Phong trào “Nghìn việc tốt thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”, giành danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” là sáng kiến của Liên đội Thiếu niên tiền phong xã Tam Sơn (Tiên Sơn, Bắc Ninh) được dấy lên từ năm 1961, nay đã trở thành phong trào chung của thiếu nhi miền Bắc. Riêng tỉnh Thanh Hóa, tính đến năm 1964, đã có hơn 10.000 em được công nhận danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, trong đó có 39 em được nhận phần thưởng của Bác. Nhiều điển hình tiên tiến, nhiều gương mặt đẹp trong thiếu nhi xuất hiện khắp nơi. Đó là Bùi Thị Tứ ở Thái Bình cõng bạn đi học suốt 3 năm liên tục. Nguyễn Ngọc Ký ở Nam Định, bị liệt cả 2 tay, đã dùng chân viết mà vẫn học giỏi, Nguyễn Văn Tống ở Hà Tây, dạy bổ túc văn hóa tốt được Nhà nước tặng Huân chương,v.v... và hàng nghìn gương tốt như cứu bạn khỏi chết đuối, nhặt được của rơi trả lại người mất; lao động học tập tốt, giúp đỡ bố mẹ, ông bà, chăm sóc em nhỏ, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình neo đơn, người tàn tật,v.v...

Để biểu dương thành tích xuất sắc của tuổi trẻ miền Bắc và rút ra những bài học bổ ích cho việc tổ chức, động viên thanh niên phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tháng 7 năm 1963, Trung ương Đoàn đã triệu tập Đại hội những người xuất sắc trong phong trào xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch năm năm lần thứ nhất. Có hơn 600 đại biểu xuất sắc, thay mặt cho hơn một triệu nam nữ thanh niên đăng ký phấn đấu tham gia phong trào về dự. Đại hội đã tổng kết các hoạt động của Đoàn và phong trào thanh niên đồng thời biểu dương những điển hình tập thể và cá nhân xuất sắc. Đó là đoàn viên, thanh niên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Đại Phong (Quảng Bình); đoàn viên, thanh niên công nhân Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng); đoàn viên, giáo viên và thanh, thiếu niên học sinh Trường cấp II Bắc Lý (Hà Nam); bác sỹ, y tá trẻ tuổi Bệnh viện Vân Đình (Hà Tây); đoàn viên, thanh niên Hợp tác xã thủ công Thành Công (Thanh Hóa) và phong trào thi đua “Ba nhất” của tuổi trẻ quân đội,v.v... Đó là Trần Văn Giao (Địa chất), Phùng Văn Bằng (Giao thông vận tải), Đỗ Tiến Hảo, Lương Văn Nghĩa... (Nông nghiệp), Vũ Xuân Thủy, Nguyễn Văn Bôn, Đỗ Xuân Ngọc (Công nhân mỏ), Phạm Văn Chức (Lâm nghiệp),v.v... Tại đại hội, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá cao những cống hiến xuất sắc của đoàn viên, thanh niên ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đồng chí Lê Duẩn nói: “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch năm năm lần thứ nhất là một phong trào thi đua có nội dung thiết thực, cổ vũ được lòng hăng hái cách mạng của thanh niên, đáp ứng được những yêu cầu của công cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc của chúng ta hiện nay... Đoàn viên và thanh niên khắp nơi trên miền Bắc đã lập nhiều thành tích xuất sắc trên các mặt công tác, sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, văn hóa, giáo dục, quân sự, bảo vệ trị an,v.v... Các đồng chí rất xứng đáng là những người con ưu tú của nhân dân lao động, những người con tin cậy của Đảng, xứng đáng là cháu Bác Hồ”.

*
*   *

Trước tình hình đế quốc Mỹ đẩy cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam lên bước mới, tháng 3 - 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập “Hội nghị chính trị đặc biệt”. Người kêu gọi: “Mỗi người hãy làm việc bằng hai để đền đáp đồng bào miền Nam ruột thịt”. Đáp lời kêu gọi của Tổ quốc, những người xung phong tình nguyện “vượt mức kế hoạch năm năm lần thứ nhất” đã không tiếc sức mình, nỗ lực phấn đấu vì miền Nam ruột thịt. Bên cạnh 50 vạn đoàn viên, thanh niên và một vạn tập thể đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, đã có thêm 80 vạn đoàn viên, thanh niên tiếp tục tự nguyện đăng ký phấn đấu vượt mức kế hoạch năm năm. Nhiều tập thể chi đoàn phân đoàn và đoàn viên, thanh niên đã nhận thêm phần việc “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt” và đã hoàn thành tốt phần việc đó. Nhiều công trình, sản phẩm mới do đoàn viên, thanh niên đảm nhận đã đem lại hiệu quả thiết thực. Thanh niên trên công trường đường sắt Thanh Hóa - Nghệ An nêu khẩu hiệu “Vì ngày mai thống nhất Tổ quốc”, đã hăng hái lao động, tổ chức hợp lý hóa sản xuất, đạt năng suất cao, với nguyện vọng đưa con tàu thống nhất tiến nhanh về phía trước và đã hoàn thành đúng vào dịp sinh nhật của Bác Hồ (19-5-1964), vượt thời gian 4 tháng, được Bác tặng cờ và trao phần thưởng. Chi đoàn phân xưởng thành phẩm Nhà máy dệt kim Đông Xuân (Hà Nội), đã coi mỗi chiếc áo xuất xưởng là một viên đạn bắn vào đầu giặc, đã hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao 12%. Thanh niên Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn về kỹ thuật, nguyên vật liệu, chế tạo thành công một số bộ phận của máy Điêzen, đòi hỏi độ chính xác cao mà nhà máy phải nhập từ nước ngoài. Chi đoàn Hợp tác xã Thọ Bình (Khoái Châu, Hưng Yên) cùng với đội thuỷ lợi có sáng kiến xây dựng hệ thống máng chìm bên cạnh hệ thống mương máng nổi để vừa tưới nước, tiêu nước cho đồng ruộng, phục vụ tăng năng suất cây trồng. Đồng chí Nguyễn Văn Độ, Bí thư Đoàn Công ty Xây dựng Nam Định đã có sáng kiến cải tạo máy cưa thành máy có hai tác dụng: vừa cưa, vừa khoan, tăng năng suất 400%, được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Đến tháng 10 - 1964, thanh niên công nhân tỉnh Nam Định đã có 9.500 người vượt kế hoạch từ 10 đến 15%, riêng thanh niên Nhà máy Dệt Nam Định đã vượt 80 vạn mét vải, 6 vạn kilôgam sợi, thanh niên Nhà máy Giấy (Nam Định) vượt kế hoạch thời gian trước 2 tháng.

Phấn khởi được sống, lao động và học tập trong chế độ mới, tuổi trẻ miền Bắc không bao giờ quên nghĩa vụ của mình đối với đồng bào và tuổi trẻ miền Nam ruột thịt. Mỗi hành động, mỗi việc làm của thanh niên miền Bắc đều hướng tới đồng bào và thanh niên đang chiến đấu và hy sinh anh dũng ở tuyến đầu Tổ quốc. Mở đầu là cuộc đấu tranh đòi đối phương phải thi hành Hiệp định Giơnevơ, rồi phong trào phản đối các chiến dịch tố cộng, diệt cộng, luật 10/59; phong trào chống đàn áp và khủng bố thanh niên, sinh viên, học sinh; phong trào đòi trả tự do cho anh Lê Quang Vịnh và tiểu đội gang thép của anh, đòi trả tự do cho Nguyễn Văn Trỗi,v.v... Ngoài những cuộc mít tinh, biểu tình, xuống đường, gửi kiến nghị phản đối,v.v... tuổi trẻ miền Bắc có những đợt hành động “Vì miền Nam ruột thịt”, “Vì thống nhất Tổ quốc”,v.v...

Từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ III, hoạt động đối ngoại của Đoàn, Hội được đẩy mạnh để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của tuổi trẻ và nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta. Tại Đại hội Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ VIII tổ chức ở Henxenki (8 - 1962), Đoàn đại biểu Thanh niên và Sinh viên Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc với Đoàn đại biểu Thanh niên và Sinh viên Mỹ. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa thanh niên và sinh viên hai nước để trao đổi, bàn bạc, phối hợp đấu tranh chống sự can thiệp và áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Tháng 9 - 1961, Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế tại Hà Nội. Hội nghị thu hút hơn 30 đoàn đại biểu, đại diện cho các tổ chức sinh viên khắp các châu lục tham gia. Hội nghị đã trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề mà các tổ chức sinh viên quan tâm trong việc phát triển nền giáo dục dân tộc và đấu tranh xóa bỏ tàn tích của chủ nghĩa thực dân trong lĩnh vực giáo dục. Ngày 1-9- 1962 Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện thân mật với các đại biểu. Sau khi trao đổi về kinh nghiệm hoạt động của mình, nêu lên sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam, Bác nói: “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã soi đường cho chúng tôi. Chúng tôi đã không sợ thực dân và phong kiến, mà hăng hái hoạt động cách mạng và cuối cùng cách mạng đã thắng lợi.

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II, nhiều dân tộc bị áp bức ở châu á, châu Phi và châu Mỹ La tinh đã thoát khỏi ách nô lệ của bọn thực dân, đế quốc và thanh niên các nước ấy được bình đẳng, tự do. Tuy vậy, trên thế giới nhiều thanh niên còn bị áp bức.

Vì vậy, cho nên thanh niên toàn thế giới cần phải đoàn kết nhau lại, tin tưởng vào khả năng đấu tranh của mình và hòa mình với công nhân và nông dân để đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc... đấu tranh để giữ gìn hòa bình thế giới, để thực hiện hợp tác anh em giữa tất cả các dân tộc, để xây dựng đời sống hạnh phúc, tươi vui”.

Là một thành viên trong phong trào thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa, với trách nhiệm là một tổ chức thanh niên cộng sản, Đoàn ta rất coi trọng sự đoàn kết nhất trí trong các Đoàn thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa, coi đó là nhân tố quan trọng để đoàn kết thanh niên thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Sau ngày hòa bình lập lại, Đoàn ta đã cử nhiều đoàn đại biểu sang các nước xã hội chủ nghĩa làm việc, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của Đoàn, công tác thanh niên và phong trào thanh niên, xây dựng kế hoạch hợp tác toàn diện, lâu dài giữa Đoàn thanh niên nước ta với Đoàn thanh niên các nước anh em. Đồng thời chúng ta cũng mời các đoàn đại biểu thanh niên các nước XHCN sang thăm Việt Nam, tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau, đem đến cho Đoàn ta và thanh niên ta sự cổ vũ to lớn cả về tinh thần và vật chất. Đoàn ta còn cử nhiều cán bộ sang học tập lý luận, nghiệp vụ công tác Đoàn ở các trường Đoàn các nước anh em. Đặc biệt, Trường Đoàn thuộc Trung ương Đoàn TNCS Lênin Liên Xô đã tiếp nhận hàng trăm cán bộ Đoàn Việt Nam để đào tạo liên tục trong nhiều khóa ngắn hạn, dài hạn cũng như đào tạo nghiên cứu sinh. Trường Đoàn của Đoàn thanh niên tự do Đức (CHDC Đức) cũng đã tiếp nhận nhiều cán bộ Đoàn Việt Nam sang học và thực tập về công tác Đoàn. Nhờ hoạt động đối ngoại tích cực mà chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các tổ chức thanh niên, phong trào thanh niên và nhiều nhân vật tiêu biểu ở nhiều nước trên thế giới,v.v... đối với sự nghiệp của Đoàn ta và tuổi trẻ nước ta.

*
*   *

Sau 10 năm (1954 - 1964) tham gia khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tuổi trẻ miền Bắc đã có sự cống hiến xuất sắc, thể hiện là lực lượng xung kích cách mạng, thông qua đó hàng triệu bạn trẻ đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành về mọi mặt; tổ chức Đoàn và các Hội được củng cố, phát triển.

Là một tổ chức chính trị - xã hội, Đoàn ta đã quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng các phong trào hành động cách mạng của quần chúng thanh niên.

Tuy nhiên, sau ngày hòa bình lập lại, do chưa có kinh nghiệm chỉ đạo công tác thanh niên trong thời kỳ xây dựng, trình độ đội ngũ cán bộ Đoàn và cán bộ thanh niên còn rất hạn chế, tổ chức Đoàn còn mỏng nên lúc đầu phong trào chủ yếu là phát huy nhiệt tình và khí thế cách mạng của quần chúng nhằm đáp ứng những yêu cầu trước mắt mà chưa xây dựng được phương hướng, kế hoạch lâu dài và chỉ mới thu hút được một số đối tượng thanh niên tham gia. Những hạn chế đó về sau đã được khắc phục dần bằng các phong trào “Thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa” và nhất là phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch năm năm lần thứ nhất”. So với trước, các phong trào này có tính chất bao quát, thu hút được đông đảo thanh niên trong nhiều đối tượng tham gia.

Thực tế trong 10 năm (1954 - 1964) cho thấy: các phong trào thanh niên và sự tiến bộ của tuổi trẻ đã phát triển theo sự lớn mạnh của Đoàn từ 200.000 đoàn viên sau ngày hòa bình lập lại, đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II phát triển lên 420.000 đoàn viên và đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III là 780.000 đoàn viên sinh hoạt trong 12.000 chi đoàn cơ sở, tổ chức Đoàn đã có ở khắp nơi, đến thôn xóm, khu phố, trường học, cơ quan,v.v...

Giúp Đảng và Nhà nước giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ là chức năng chủ yếu của Đoàn, là quyền lợi thiết thực của mỗi đoàn viên, thanh niên. Vì vậy, đi đôi với việc giáo dục đoàn viên, thanh niên thông qua hoạt động thực tiễn, các cấp bộ Đoàn đã coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm góp phần nâng cao nhận thức về tình hình, nhiệm vụ; về đường lối chính sách của Đảng và nhà nước; về chủ nghĩa xã hội, về Đảng, về Bác Hồ, về lý tưởng và mục đích phấn đấu của đoàn viên, thanh niên,v.v... Trong 10 năm khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, Đoàn ta đã có rất nhiều đợt học tập, sinh hoạt chính trị như học tập về luật cải cách ruộng đất, về đổi tên Đoàn, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, hợp tác hóa nông nghiệp, về Bác Hồ, về kế hoạch Nhà nước năm năm lần thứ nhất, các nghị quyết của Đảng, của Đoàn,v.v... Chính do sự giác ngộ về chính trị và tư tưởng đó của đoàn viên, thanh niên đã tạo ra cho Đoàn và các tổ chức thanh niên ta thế phát triển vững chắc, đủ sức đảm nhận những nhiệm vụ ngày càng nặng nề và to lớn hơn trong giai đoạn cách mạng sau.

Liên kết website