ĐẠI HỘI ĐOÀN TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT.
TUỔI TRẺ THI ĐUA GÓP PHẦN ĐẨY MẠNH CUỘC KHÁNG CHIẾN TIẾN TỚI THẮNG LỢI LỊCH SỬ Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ
Bước sang năm 1950, dưới ánh sáng các Nghị quyết về công tác thanh niên của Đảng, phong trào thanh niên phát triển ngày càng vững chắc, tổ chức Đoàn lớn mạnh trong cả nước cùng với sự phát triển của cuộc kháng chiến.
Ở Nam Bộ, hệ thống tổ chức Đoàn đã được xây dựng từ cơ sở lên đến Xứ Đoàn. Đầu năm 1950, toàn miền có 320.000 đoàn viên. Đoàn đã đạt nhiều thành tích trong công tác vận động thanh niên tòng quân, tham gia dân quân, xây dựng đời sống mới và công tác thiếu nhi.
Tháng 1-1950, Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ lần thứ 3 tiến hành tại xã Phiên Long Mỹ (Rạch Giá). Đại hội đã ra Nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ của thanh niên để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến. Đó là các Nghị quyết về:
- Thanh niên với phong trào dân quân,
- Thanh niên với công tác địch ngụy vận,
- Thanh niên với vấn đề trừ gian, phòng gian,
- Thanh niên với việc xây dựng xã chiến đấu.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 23 ủy viên do Trần Bạch Đằng làm Bí thư.
Do yêu cầu của cuộc kháng chiến và thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về vấn đề thống nhất phong trào thanh niên, thống nhất hệ thống tổ chức Đoàn trong cả nước, Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Cứu quốc toàn quốc lần thứ nhất đã được triệu tập.
Ngày 7-2-1950, Đại hội khai mạc tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với trên 400 đại biểu đại diện cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong cả nước.
Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt trực tiếp chỉ đạo Đại hội.
Đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Trung ương Đoàn trình bày trước Đại hội bản báo cáo chính trị nhan đề: “Chiến đấu và xây dựng tương lai”.
Bản báo cáo đã đánh giá sự phát triển của Đoàn TNCQ từ năm 1941 đến năm 1950 đồng thời đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Đoàn nhằm thống nhất lực lượng thanh niên trong cả nước cùng với toàn dân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến cứu quốc mau đến thắng lợi.
Báo cáo chính trị đã dành một phần quan trọng đề cập đến những vấn đề có tính chất định hướng trước mắt và lâu dài cho phong trào thanh niên như: Lý tưởng của thanh niên, nhiệm vụ của Đoàn, sự phát triển mới của Đoàn, công tác xây dựng và củng cố Đoàn,v.v... Báo cáo khẳng định: “Chủ nghĩa cộng sản là lý tưởng lâu dài mà các thế hệ thanh niên Việt Nam phải quyết tâm phấn đấu để thực hiện.
Nhiệm vụ trước mắt của Đoàn là động viên, giáo dục, thống nhất lực lượng thanh niên, cổ vũ thế hệ trẻ tích cực tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, quét sạch quân thù ra khỏi đất nước; xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa góp phần vào công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới”.
Đại hội đã thông qua báo cáo chính trị và Điều lệ Đoàn. Điều lệ xác định rõ vai trò của Đoàn là “Cánh tay và đội dự trữ của Đảng, công tác dưới dự lãnh đạo trực tiếp của Đảng”.
Đại hội Đoàn đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới. Đồng chí Nguyễn Lam được bầu lại làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.
Sau 7 ngày làm việc, Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ nhất đã thành công rực rỡ. Đại hội nêu cao quyết tâm: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Pháp xâm lược”.
Đại hội đánh dấu bước trưởng thành của phong trào thanh niên Việt Nam dưới dự chăm sóc, lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch kính yêu.
Tiếp theo Đại hội Đoàn là Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Liên Đoàn Thanh niên Việt Nam. Đại hội là sự biểu hiện khối đoàn kết của toàn thể thanh niên Việt Nam trong mặt trận thanh niên vì mục tiêu kháng chiến thắng lợi.
Đại hội Liên Đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất vô cùng phấn khởi và vinh dự được Hồ Chủ tịch đến thăm khi Người vừa đi công tác xa về. Người ân cần dặn dò thanh niên cả nước đoàn kết, tích cực đóng góp vào công cuộc kháng chiến và chăm sóc nhi đồng.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành và bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Chủ tịch của Liên Đoàn Thanh niên Việt Nam.
Đại hội nêu tấm gương dũng cảm của Thái Dũng, chiến sĩ trẻ của Đại Đoàn 308 đã chiến đấu trên 100 trận, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch để thanh niên cả nước noi theo.
Đại hội đã nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế với thanh niên Lào, Cạmpuchia và với Tổ chức Liên Đoàn thanh niên Dân chủ thế giới mà Liên Đoàn thanh niên Việt Nam là thanh niên chính thức từ năm 1946.
Công cuộc kháng chiến càng phát triển thì vai trò của thanh niên càng to lớn. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác vận động, giáo dục và rèn luyện thanh niên.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 24-7-1950 đã ra nghị quyết về vận động thanh niên, nêu rõ tầm quan trọng, vị trí, tính chất và nhiệm vụ của tổ chức thanh niên. Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ bao quát của công tác thanh vận động thanh niên “xung phong hoàn thành sự nghiệp giải phóng của dân tộc, phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến lên xây dựng chủ nghĩa” dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đồng thời đào tạo một thế hệ thanh niên tiến bộ, giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản, có đủ khả năng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của cách mạng.
Nghị quyết đề ra 4 nhiệm vụ trước mắt của công tác thanh vận là:
1. Động viên thanh niên xung phong trong công cuộc kháng chiến, hoàn thành công việc chuẩn bị chuyển sang tổng phản công.
2. Kiên quyết xây dựng tổ chức thanh niên trung kiên gần Đảng, phát triển rộng rãi Mặt trận thanh niên.
3. Đem lại quyền lợi thiết thực cho thanh niên, đặc biệt chú trọng vấn đề học tập văn hóa và nghề nghiệp cho thanh niên.
4. Giáo dục thiếu niên nhi đồng.
*
* *
Thu-Đông năm 1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên Giới nhằm khai thông đường liên lạc giữa nước ta với hệ thống xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, ngày 15-7-1950, Đảng - Đoàn thanh niên Trung ương quyết định thành lập Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên để phục vụ Chiến dịch Biên Giới. Đội gồm 225 đội viên, là những đoàn viên thanh niên tích cực nhất được tuyển chọn từ các địa phương.
Liên khu Việt Bắc là địa phương chính động viên sức người, sức của, phục vụ chiến dịch. Đảng bộ Liên khu đã huy động được 121.700 thanh niên thuộc các dân tộc ở Việt Bắc tham gia phục vụ tiền tuyến với 1.716.000 ngày công.
Trong suốt thời gian chiến dịch, Hồ Chủ tịch đã ở sát mặt trận để cùng Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo bộ đội chiến đấu.
Đêm 16-9-1950, bộ đội ta tiến công vào cứ điểm Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên Giới lịch sử. Sau 2 ngày đêm chiến đấu ác liệt, ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đông Khê. Ngay từ trận đầu của chiến dịch và trong suốt chiến dịch, tuổi trẻ trong các lực lượng vũ trang, lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến đã nêu nhiều gương chiến đấu và phục vụ chiến dấu dũng cảm tuyệt vời. Đó là chiến sĩ bộc phá, người đảng viên trẻ tuổi La Văn Cầu, nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương của mình rồi tiếp tục xông lên phá công sự của giặc. Anh là lá cờ đầu trong phong trào thi đua giết giặc lập công của thanh niên cả nước. Đó là Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình bịt lỗ châu mai mở đường cho đơn vị xông lên diệt giặc. Chiến sĩ dân công Đinh Thị Dậu, nhiều lần xông lên dưới bom đạn cứu thương binh. Chiến sĩ Lý Văn Mưu mới 17 tuổi đời, đánh trận đầu tiên ở Đông Khê, anh đã 20 lần cõng thương binh, tử sĩ về hậu tuyến rồi lại xông lên chiến đấu, cùng đồng đội phá tan lô cốt địch.
Đội TNXP công tác Trung ương đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao như vận chuyển vũ khí phục vụ bộ đội chiến đấu, đưa thương binh về tuyến sau và thu dọn chiến trường. Đội đã nhanh chóng vận chuyển 8 tấn đạn chiến lợi phẩm của mặt trận Đông Khê về kho an toàn. Thành tích của đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên phục vụ chiến dịch Biên giới đã được Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương trong buổi lễ mừng chiến thắng tổ chức tại thị xã Cao Bằng.
Chiến thắng Biên Giới đã cổ vũ mạnh mẽ tuổi trẻ cả nước xông lên giết giặc lập công.
Ở Trung du và đồng bằng miền Bắc, quân ta đã tiêu diệt và bức rút 44 vị trí, diệt 700 địch và buộc chúng phải rút khỏi thị xã Hòa Bình.
Ở Hà Nội, đêm 10-1-1950, bộ đội cùng du kích đột nhập sân bay Bạch Mai, phá hủy 25 máy bay địch, đốt cháy trên 600.000 lít xăng. Suốt mấy ngày đêm phi trường giặc ngùn ngụt khói lửa. Cho đến cuối năm 1950, lực lượng vũ trang nội, ngoại thành Hà Nội đã liên tiếp tấn công các vị trí ở Tương Mai, Đại Yên, Trung Hòa, Dịch Vọng... tiêu hao nhiều sinh lực địch.
Ở Bình Trị Thiên, quân ta đột nhập thị xã Quảng Trị, chống càn thắng lợi ở Quảng Bình, đánh giao thông trên đường Huế - Đà Nẵng...
Ở Liên khu V, quân ta diệt gần 1.000 tên địch. Chiến công của người đoàn viên Trần Đích, tiểu đội trưởng du kích xã Điện Ngọc (Điện Bàn - Quảng Nam) cùng đồng đội dùng lựu đạn tiêu diệt xe tăng địch đã mở đầu cách đánh tăng bằng lựu đạn trên khắp chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Anh Trần Đích được tuyên dương tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Liên khu V tháng 3-1953.
Ở Nam Bộ, ta diệt hàng ngàn tên địch và phá trên 40 tháp canh.
Biết bao tấm gương chiến đấu ngoan cường, đầy mưu trí, anh dũng của thanh niên trong cả nước vì sự nghiệp kháng chiến thắng lợi, đất nước được giải phóng.
Tháng 5-1950, ở Bà Rịa (Nam Bộ) và ở tỉnh Hưng Yên, có 2 nữ chiến sĩ công an nhân dân đã dũng cảm trừ gian, giệt tề để bảo vệ cơ sở, phát triển phong trào cách mạng. Cả 2 chị đều anh dũng hy sinh và đều được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đó là Võ Thị Sáu, người con gái đất đỏ, đội viên công an xung phong. Căm thù giặc Pháp và bè lũ tay sai, chị dũng cảm, lập nhiều chiến công diệt trừ ác ôn, bảo vệ cơ sở. Trong khi thi hành nhiệm vụ diệt 2 tên ác ôn khét tiếng man rợ, chị bị sa vào tay giặc. Bị giặc tra khảo dã man, chết đi sống lại nhiều lần nhưng Võ Thị Sáu vẫn một mực không khai báo. Chị trả lời hiên ngang với kẻ thù: “Yêu nước mình, chống lại thực dân không phải là tội”. Trước giờ hy sinh, Võ Thị Sáu từ chối rửa tội, từ chối bịt mắt, bình tĩnh hiên ngang cất giọng hát bài “Tiến quân ca”. Chị Võ Thị Sáu bị thực dân Pháp xử bắn ở Côn Đảo mờ sáng ngày 23 tháng 2 năm 1952.
Ngày 15-1-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 77/SL truy tặng liệt sĩ Bùi Thị Cúc, cán bộ công an xung phong tỉnh Hưng Yên, Huân chương Độc lập hạng Ba và tặng chị sáu chữ vàng: “Sống anh dũng, chết vẻ vang”. Nhận nhiệm vụ tiêu diệt 2 anh em tên Doãn Nhi và Doãn Tín, là 2 tên chỉ huy bốt Cảnh Lâm, khét tiếng gian ác, có nhiều nợ máu với nhân dân và cách mạng, ngày 12-5-1950, nhờ sự mưu trí, khôn khéo và kiên quyết, chị Bùi Thị Cúc cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt tên Nhi. Trên đường về căn cứ, chị bị giặc bắt. Suốt 3 ngày địch đánh đập, tra tấn chị rất dã man nhưng chúng vẫn không khai thác được điều gì. Ngày 15-5-1950, tên Tín mang chị ra trói ở cọc giữa chợ huyện, dùng mọi nhục hình tra tấn và bắt nhân dân phải chứng kiến hòng lung lạc tinh thần của chị và đồng bào. Nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Chị cố gắng nói với đồng bào: “Bà con đừng sợ! Bọn giặc dù gian ác đến mấy cũng không thể chiến thắng được chúng ta. Kháng chiến nhất định thắng lợi! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Chị hy sinh lúc tròn 20 tuổi.
Tấm gương trung kiên, bất khuất của đội viên thiếu niên Phạm Ngọc Đa sống mãi với truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam. Phạm Ngọc Đa quê ở xã Bạch Đằng, Tiên Lãng (Kiến An) mồ côi cha mẹ, Đa phải đi ở để kiếm sống. Căm thù giặc Pháp, Đa tham gia công tác kháng chiến, làm quân báo cho du kích xã. Đội của em được giao nhiệm vụ đào hầm bí mật để che giấu cán bộ, du kích. Trong một trận vây càn của địch, ngay hôm đầu tiên chúng đã phát hiện được hầm của Đa. Địch bắt và trói Đa trên một tấm phản tra tấn rất dã man, bắt Đa chỉ các hầm bí mật. Đa nói lớn vào mặt kẻ thù cốt để các anh chị ẩn nấp xung quanh đấy yên tâm: “Đúng, tao biết nhiều hầm nhưng không phải là để khai ra với chúng mày!” Tên quan ba Pháp nổi tiếng tàn ác cầm dao chặt lìa một cánh tay của Đa. Trong đau đớn, em vẫn giữ khí tiết. Địch lấy dao cắt từng khoảng đùi của em nhưng em vẫn không hề khuất phục cho đến lúc hy sinh. Để ghi nhớ công lao và sự hy sinh anh dũng của người đội viên thiếu niên, Nhà nước đã truy tặng liệt sĩ Phạm Ngọc Đa danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hình ảnh Bác Hồ luôn ở trong trái tim của đồng bào và thanh, thiếu niên nhi Nam Bộ trong những ngày kháng chiến ác liệt, gian khổ. Em Trần Đông, 14 tuổi là đội viên đội biệt động thị xã Cần Thơ bị bọn phản động bắt với hai quả lựu đạn định ném vào bọn Pháp. Bị cực hình, tra tấn, một mực em không khai. Giặc đưa Đông ra cầu tàu xử bắn. Chúng bảo Đông bước qua ảnh Bác Hồ thì sẽ được tha. Trần Đông bước đến cạnh ảnh Bác Hồ, quỳ xuống cầm tấm ảnh nâng đặt lên đầu, đi thẳng đến cột bắn và hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa muôn năm!”
Trần Văn Chuông - tiêu biểu cho tấm gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của tuổi trẻ Hà Nam. Anh Chuông quê ở Bình Lục (Hà Nam) là đoàn viên thanh niên Cứu quốc, du kích xã. Tám lần anh xung phong tòng quân nhân đều bị loại vì không đủ sức khỏe. Đến năm 1948 anh mới được nhập ngũ. Do có nhiều sáng kiến đánh bom, mìn nên đồng đội tặng anh danh hiệu: “Vua mìn”. Kinh nghiệm đánh bom, mìn của anh được phổ biến rộng rãi trong toàn Liên khu III. Anh đã đánh giặc trên 200 trận, diệt 392 tên, làm bị thương 99 tên, bắt sống 19 tên, phá hủy 53 xe vận tải, 4 xe tăng. năm 1952, anh được bầu là Chiến sĩ thi đua của tỉnh Hà Nam, 1953 là Chiến sĩ thi đua của Liên khu III và được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất. Trần Văn Chuông đã anh dũng hy sinh trong khi chỉ huy đánh tàu chiến địch trên sông Hồng vào ngày 22-2-1954. Anh được Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng quân đội và Huân chương Quân công hạng Nhất.
Ở Liên khu V, Anh hùng Bùi Chất, Đội trưởng đội công binh Hải Vân và các Chiến sĩ thi đua Nguyễn Thị Dung (chiến sĩ địch vận thị xã Hội An), ba em thiếu niên đều là Chiến sĩ thi đua Võ Lanh, Nguyễn Toản, Nguyễn Cương,v.v... là những điển hình trong biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường vì sự thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Sau chiến thắng Biên Giới và các chiến trường phối hợp, thế và lực của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của ta ngày càng phát triển. Quân dân ta ngày càng đoàn kết, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch. Trong không khí ấy, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 tại vùng căn cứ Việt Bắc. Đại hội đã quyết định 2 vấn đề hệ trọng đối với toàn Đảng và toàn dân ta:
1- Đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
2- Tổ chức Đảng Lao Động Việt Nam.
Đại hội đã định ra những chính sách và biện pháp nhằm thực hiện các mục tiêu trên. Một trong những chính sách, biện pháp quan trọng là xây dựng lực lượng vũ trang và các đoàn thể quần chúng.
Đoàn đại biểu của Tiểu ban Thanh vận Trung ương đã trình bày trước Đại hội bản tham luận quan trọng về nội dung, phương hướng tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc và công tác vận động thanh niên trong tình hình mới để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Bản báo cáo đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn và phong trào thanh niên:
1- Đẩy mạnh công tác vận động thanh niên ở vùng địch tạm chiếm.
2- Xây dựng Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành tổ chức trung kiên.
3- Tăng cường công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng.
Toàn thể nhân dân và tuổi trẻ cả nước vô cùng phấn khởi, tin tưởng ở đường lối kháng chiến mà Đại hội Đảng quyết định, ra sức đóng góp sức lực để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Đoàn Thanh niên Cứu quốc động viên đoàn viên, thanh niên trong cả nước đẩy mạnh các phong trào tòng quân, giết giặc lập công; phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; phong trào đi dân công, thanh niên xung phong, phục vụ tiền tuyến; phong trào đấu tranh chống địch bắt lính và đấu tranh của thanh niên trong các vùng bị tạm chiếm; phong trào xóa nạn mù chữ và xây dựng đời sống mới ở các vùng tự do; phong trào thiếu nhi.
Thực hiện chủ trương của Đảng về việc tăng cường công tác xây dựng các lực lượng vũ trang, mở nhiều chiến dịch với qui mô ngày càng lớn, tiến tới đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của bọn đế quốc, hàng chục vạn thanh niên tiếp tục tình nguyện gia nhập quân đội. Số thanh niên chiếm 80% trong quân đội. ở nhiều địa phương, ngày hội tòng quân được các cấp bộ Đoàn tổ chức sôi nổi, đầy khí thế và thanh niên trúng tuyển là một niềm vinh dự lớn lao. Hàng nghìn thanh niên, học sinh, sinh viên trong vùng địch tạm chiếm vượt ra vùng tự do cầm súng chiến đấu. Hầu hết đoàn viên, thanh niên vùng tranh chấp và vùng tự do tham gia lực lượng dân quân du kích, công an xung phong. ở Nam Bộ, năm 1952 có 32.762 lượt thanh niên tòng quân, trong số đó có 10.322 đoàn viên tham gia bộ đội chủ lực. ở Hải Phòng, phong trào tòng quân giết giặc sôi nổi trong các quận, huyện. Huyện Thủy Nguyên có 2427 đoàn viên thanh niên, huyện Tiên Lãng có trên 4.000 đoàn viên thanh niên và quận Ngô Quyền có 917 đoàn viên thanh niên tòng quân. ở Quảng Nam - Đà Nẵng, riêng trong năm 1952 có hơn 28.000 đoàn viên thanh niên tình nguyện nhập ngũ.
Để trang bị cho thanh niên những hiểu biết về quân sự, nhiều cấp bộ Đoàn ở Liên khu IV, khu V, Nam Bộ , Liên khu Việt Bắc đã tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, gây thành phong trào luyện tập quân sự sôi nổi trong tuổi trẻ. Riêng Liên khu Việt Bắc mở 258 lớp huấn luyện quân sự cho 16.741 đoàn viên, thanh niên, 9 khóa quân sự cho học sinh.
Từ cuối tháng 12-1950 đến tháng 5-1951, ta đã xây dựng thêm ba đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn pháo binh, công binh và 2 trung đoàn trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Cuối năm 1952 lập thêm một đại đoàn ở Bình Trị Thiên. Lúc này, ta đã có 6 đại đoàn bộ binh chủ lực, một đại đoàn công binh và pháo binh; mỗi liên khu có 2 trung đoàn chủ lực, Nam Bộ có 4 trung đoàn chủ lực.
Để tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong quân đội, theo chủ trương của Đảng, hệ thống tổ chức Đoàn trong quân đội được xây dựng. Ngày 2-8-1952, chi đoàn thanh niên cứu quốc đầu tiên trong quân đội được thành lập tại Trung đoàn 246.
Sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang, của chiến tranh nhân dân là điều kiện tiên quyết để quân dân ta liên tục tiến công kẻ thù, giành được nhiều thắng lợi to lớn ở các mặt trận Nam Bộ, Khu V, Hòa Bình và Tây Bắc... Ta đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, vùng giải phóng của ta được mở rộng không ngừng.
Tấm gương chiến đấu dũng cảm của tiểu đội trưởng, người đảng viên trẻ Cù Chính Lan, một mình dùng lựu đạn diệt xe tăng địch tạo điều kiện cho đơn vị tiêu diệt giặc trong chiến dịch Hòa Bình được nêu gương học tập trong toàn quân.
Phong trào chống địch bắt lính thực chất là một cuộc đấu tranh công khai, quyết liệt đối mặt với kẻ thù của thanh niên và nhân dân ta. ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Mỹ Tho, quần chúng dùng nhiều hình thức đấu tranh để giải thoát cho hàng nghìn thanh niên. ở Quảng Nam - Đà Nẵng, trong 6 tháng, địch bắt được 1862 thanh niên thì đồng bào, thanh niên đã đấu tranh giành lại và giúp anh em bỏ trốn khỏi trại được 1.146 người.
Ngày 3-5-1953, 6.000 nhân dân thị xã Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) biểu tình trước nhà tên Tỉnh trưởng bù nhìn, phản đối giặc Pháp và bọn tay sai bắt thanh niên đi lính. Sau đó một tuần, ngày 10-4, 1.600 thanh niên bị bắt đi lính tập trung ở trại Suối Dầu nổi dậy đấu tranh đòi giải ngũ. ở Hải Phòng 3.000 quần chúng (trong đó có tới 600 trẻ em) ở xã Ngọc Hải, Đồ Sơn đã quyết liệt, dũng cảm, đấu tranh với địch suốt 3 ngày, buộc chúng phải nhượng bộ thả hết 200 thanh niên.
Tại Hà Nội, cuộc đấu tranh chống bắt lính diễn ra liên tục, dưới nhiều hình thức phong phú. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của học sinh Hà Nội bị bắt đi học lớp đào tạo sĩ quan ở Nam Định, Thủ Đức, học trường quân sự Bắc Ninh cuối năm 1951.
Phong trào đấu tranh chống bắt lính của thanh niên, học sinh, sinh viên được sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhân dân. Qua đấu tranh, cơ sở Đoàn trong học sinh, sinh viên dần dần được củng cố và phát triển. Đến cuối năm 1952 Thành Đoàn phát triển được hơn 100 đoàn viên thanh niên Cứu quốc trong học sinh, sinh viên Hà Nội.
Từ cuối năm 1951 đến đầu năm 1952, ở miền Bắc có 400.000 gia đình tham gia đấu tranh chống bắt lính, 18.638 ngụy binh đòi giải ngũ, hàng vạn lính ngụy ra hàng hoặc bỏ trốn về với gia đình.
Để khắc phục những khó khăn về kinh tế, tài chính và đáp ứng những yêu cầu mới của cuộc kháng chiến, năm 1952, Đảng và Chính phủ phát động cuộc vận động tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Phong trào sản xuất nông nghiệp trở thành một phong trào quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp. Đoàn viên thanh niên ở nông thôn nêu cao tinh thần yêu nước, khắc phục khó khăn để sản xuất. Đoàn viên, thanh niên ở các cơ quan, bộ đội, xí nghiệp, trường học đều hăng hái tham gia sản xuất lương thực, thực phẩm. Phong trào sản xuất tập thể của nông dân ở vùng tự do và vùng du kích như tổ đổi công, tổ vần công được phát triển. Công nhân cung cấp cho nông dân hàng vạn lưỡi cày, lưỡi cuốc và tổ chức những tổ lưu động đi sửa chữa dụng cụ cho nông dân.
Ở vùng sau lưng địch, đoàn viên thanh niên đi đầu trong đấu tranh chống địch để sản xuất và bảo vệ sản xuất. Các cuộc đấu tranh chính trị chống giặc bắn đại bác ra đồng, cho xe lội nước quần nát lúa, đòi bồi thường thiệt hại về người và của liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi. Đoàn thanh niên có phong trào “Lúa xanh quanh vành đai trắng”, thanh niên dũng cảm cày cấy, gặt hái ngay trong tầm pháo đạn của địch.
Kết quả về sản xuất lương thực ở vùng tự do và vùng căn cứ du kích năm 1953, chỉ tính từ liên khu IV trở ra đạt 2 triệu 758 nghìn tấn thóc và 650.850 tấn hoa màu. Liên khu V sản xuất cung cấp lương thực cho 2,5 triệu người và còn dành một phần tiếp tế cho cực nam Trung Bộ.
Trong ngành quân giới và quân y, đoàn viên thanh niên đã có nhiều sáng kiến về tăng năng suất và giải quyết khó khăn về kỹ thuật, nguyên liệu, vật liệu để đảm bảo kế hoạch sản xuất vũ khí và thuốc men. Tiêu biểu cho tinh thần say mê nghiên cứu, chế tạo thuốc chống bệnh sốt rét rừng là dược sĩ trẻ Lê Quang Toàn. Công trình của anh được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Trong ngành công nghiệp, đoàn viên, thanh niên dấy lên phong trào thi đua học tập tấm gương lao động quên mình phục vụ kháng chiến của người thợ trẻ Cao Viết Bảo.
Phong trào thi đua lập công trong các lực lượng vũ trang sôi nổi rộng khắp. Ngày 12-4-1952, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị thi đua trong các lực lượng vũ trang, 50 chiến sĩ trẻ của quân đội được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Ngày 21-2-1952, tại Việt Bắc, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị chiến sĩ thi đua đội TNXP công tác Trung ương. Hội nghị tuyên dương 200 cá nhân gương mẫu ở các phân đội, 27 chiến sĩ thi đua cấp liên phân đội và 7 chiến sĩ thi đua toàn đội. Vũ Viết Thân và Phạm Thị Thành được bầu đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân và toàn quốc.
Ngày 20-3-1951, Hồ Chủ tịch đã đến thăm đơn vị thanh niên xung phong (Liên phân đội 312) đang làm nhiệm vụ tại NàCù (Bắc Cạn). Người rất vui khi được nghe báo cáo về tinh thần vượt khó khăn gian khổ để phục vụ kháng chiến của các đội viên thanh niên xung phong và đọc tặng các đội viên thanh niên xung phong 4 câu thơ đầy ý nghĩa:
"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên"
Làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch, Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương hăng hái phục vụ chiến đấu, đạt được nhiều thành tích qua các chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc và giữ vững mạch máu giao thông trong chiến khu Việt Bắc, Đội được Chính phủ tặng thưởng: Hai Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 30 Huân chương Chiến sĩ hạng Ba. Hàng trăm đội viên TNXP được tặng thưởng huân chương các loại, hàng nghìn đội viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua và cá nhân gương mẫu,v.v...
Ngày 1-5-1952, tuổi trẻ cả nước hướng về Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất khai mạc trọng thể tại Việt Bắc. Dự đại hội có 154 chiến sĩ tiêu biểu cho các ngành công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng và nhiều vị lãnh đạo khác của Đảng và Chính phủ đã tới dự.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích sâu sắc mục đích và nội dung của phong trào thi đua yêu nước và chỉ rõ thi đua là đoàn kết, là yêu nước một cách thiết tha và tích cực, là giành độc lập tự do, góp phần giữ gìn hòa bình, dân chủ thế giới, là cải tạo con người. Người căn dặn các cán bộ và chiến sĩ phát huy hơn nữa tinh thần gương mẫu, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi khẩu hiệu “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.
Đại hội đã tôn vinh ba Anh hùng lao động Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh và 4 Anh hùng quân đội Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Quốc Trị cùng các chiến sĩ tiêu biểu như Cao Viết Bảo, Giáp Văn Khương, Vũ Viết Thân, Phạm Thị Thành,v.v... đó là bảy anh hùng đầu tiên của nước ta tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của tuổi trẻ và nhân dân ta.
Những thắng lợi của cuộc kháng chiến về chính trị, quân sự, kinh tế... tạo điều kiện thuận lợi cho công tác văn hóa, giáo dục phát triển nhanh chóng và vững chắc.
Từ Cách mạng Tháng Tám đến năm 1950 đã có 14 triệu người thoát nạn mù chữ. Từ năm 1950 đến tháng 9-1953, có 10.450 lớp bổ túc văn hóa gồm 335.946 học viên. Một số trường phổ thông lao động ở Trung ương và các tỉnh được thành lập, thu hút 1.467 cán bộ công, nông, binh và chiến sĩ thi đua theo học. Các trường phổ thông được mở ở vùng giải phóng. Ngay trong những năm kháng chiến đầy gian khổ và khó khăn, Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và đội ngũ cán bộ có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật cao; Người đã ra chỉ thị hình thành các trường đại học trong vùng giải phóng và chăm sóc chu đáo cũng như tạo điều kiện cho lớp trí thức trẻ học tập, rèn luyện. Từ năm 1951 đến năm 1953 có 7.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo. Đến năm 1954 đã có 3400 học sinh được đưa đi học ở nước ngoài.
Ra đời trong những năm 50, báo chí của Đoàn TNCQ và Liên đoàn TNVN đã góp phần tích cực vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên. Các tờ Tiền Phong, Xung Phong, Sức Trẻ, Thanh niên Việt Nam, Thanh niên Cứu quốc luôn là người bạn đồng hành của thanh niên trong những ngày kháng chiến gian khổ, ác liệt mà lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng. Báo chí của Đoàn và Liên Đoàn thanh niên Việt Nam đã giúp cho đông đảo bạn trẻ đến với lý tưởng cách mạng, nâng cao lòng tự tôn, tự hào dân tộc để sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Trên các trang báo thường xuyên nêu lên những tấm gương chiến đấu ngoan cường, hy sinh oanh liệt của biết bao thanh niên khắp các miền Tổ quốc, những điển hình cá nhân và tập thể gương mẫu trong lao động sản xuất, trong dân công, thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến...
Thời kỳ này, nhiều cuốn sách giới thiệu về những tấm gương chiến đấu, lao động của thanh niên Liên Xô, kinh nghiệm công tác vận động thanh niên của Đoàn thanh niên Cộng sản Lê nin cùng nhiều tác phẩm văn học Xô viết đã được phát hành rộng rãi ở vùng tự do và vùng tạm bị giặc chiếm.
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ngày càng có tiếng vang trên trường quốc tế, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đặc biệt từ năm 1950, việc Chính phủ Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân lần lượt chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ ta là một thắng lợi to lớn về chính trị đối với công cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đoàn thường xuyên giáo dục tinh thần quốc tế vô sản cho thanh niên tích cực phối hợp với tuổi trẻ Xô viết và thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ nhân dân, với thanh niên và nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình, chống cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.
Tại các Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba, các đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đã tích cực góp phần làm cho tuổi trẻ thế giới hiểu được cuộc chiến đấu giải phóng đất nước của thanh niên và nhân dân Việt Nam. Tham dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ ba tổ chức ở Béclin (Cộng hòa Dân chủ Đức) từ ngày 5 đến ngày 20-8-1951, đoàn Việt Nam có 30 thanh niên tiêu biểu trong đó có 2 anh hùng quân đội là anh La Văn Cầu và Nguyễn Thị Chiên. La Văn Cầu thay mặt đoàn viên Việt Nam tham gia Uỷ ban điều hành Đại hội. Trong các cuộc mít tinh, hội thảo Đoàn Việt Nam luôn được mời tham gia Chủ tịch đoàn.
Đoàn đại biểu Việt Nam vô cùng cảm động trước sự ủng hộ, cảm phục của phong trào thanh niên dân chủ thế giới đối với cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Một thanh niên công nhân ở bến tàu Angiê (Bắc Phi) tuyên bố: “Mặc dầu bị đói khổ, tù đày, những công nhân chúng tôi đã thề không chịu mang khí giới xuống tàu cho Pháp để chở sang Đông Dương. Chúng tôi xin hứa với các bạn Việt Nam rằng từ nay về sau chúng tôi cũng sẽ cương quyết giữ mãi lời thề ấy như chúng tôi đã giữ đúng hơn hai năm nay”.
Đoàn đã gặp gỡ, trao đổi, cám ơn các bạn bè đã chí tình ủng hộ cuộc chiến đấu của thanh niên và nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Đoàn đã gặp đoàn đại biểu thanh niên Pháp, cám ơn các chiến sĩ bảo vệ hòa bình Pháp đã đấu tranh phản đối Chính phủ phản động Pháp xâm lược Việt Nam như anh hùng Hăng-ri Mác-tanh. Đoàn đã gặp và cám ơn chị Ray-mông-Đien, một chiến sĩ hòa bình xuất xuất sắc đã anh hùng nằm ngang đường xe lửa để ngăn cản một chuyến xe chở vũ khí sang Việt Nam... Tháng 7-1953, tại Bucarest (Thủ đô Rumani), Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam do các đồng chí Vũ Quang và Nguyễn Khánh dẫn đầu, tham dự Đại hội thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ tư. Tại Đại hội, Đoàn đại biểu Thanh niên Pháp do chị Môrixét Vanhôtơ (Mauricette Van Hautte) dẫn đầu đã long trọng trao tặng Đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam một tặng phẩm vô giá, đó là bức ảnh Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours năm 1920 được phóng to. Đồng chí Vũ Quang đem bức ảnh về báo cáo với Hồ Chủ tịch. Người rất vui khi thấy lại bức ảnh chụp cách đó trên 30 năm ghi lại thời thanh niên hoạt động tại Pháp.
Để huy động đến mức cao nhất sức người, sức của cho cuộc kháng chiến nhằm giành thắng lợi quyết định, Hội nghị lần thứ VI (1-1953) của Trung ương Đảng quyết định thực hiện cải cách ruộng đất để giải phóng nông dân khỏi ách phong kiến, động viên lực lượng to lớn để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã ra Nghị quyết động viên đoàn viên thanh niên cả nước tham gia các đội công tác phát động quần chúng trong cải cách ruộng đất. Thành quả của cải cách ruộng đất ở các vùng giải phóng đã cổ vũ, động viên to lớn đến tinh thần chiến đấu của bộ đội ta ngoài mặt trận.
Khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyết, tất cả để chiến thắng” giục giã mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam tiến lên, góp sức mình cho kháng chiến mau đến ngày thắng lợi.
*
* *
Bước sang đông xuân năm 1953 - 1954, cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta ngày càng giành được những thắng lợi to lớn và được sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Thời gian này quân chủ lực cơ động của địch đã lên đến 100 tiểu đoàn bộ binh. Chúng tập trung gần 50% lực lượng và hơn 90% lực lượng cơ động trên toàn chiến trường Đông Dương ở Bắc Bộ.
Tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta họp bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Bộ Chính trị chủ trương đưa bộ đội lên Tây Bắc để buộc địch phải phân tán lực lượng, tạo ra thời cơ để ta tiêu diệt sinh lực chúng, mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh hoạt động ở chiến trường sau lưng địch, phối hợp các chiến trường Đông Dương, chuẩn bị điều kiện tiến tới giải phóng đồng bằng Bắc Bộ.
Để đối phó với lực lượng ta ở Tây Bắc, ngày 20-11-1953, quân đội Pháp vội vã cho 6 tiểu đoàn nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Đến đầu tháng 3 năm 1954 địch tăng quân ở Điện Biên Phủ lên 17 tiểu đoàn, 10 đại đội, ngoài ra còn 3 tiểu đoàn Pháp, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đơn vị vận tải 200 xe, 1 phi đội không quân thường trực 12 máy bay.
Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chủ trương xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, một pháo đài bất khả xâm phạm, sẵn sàng nghiền nát chủ lực đối phương.
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mọi công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được khẩn trương tiến hành đầu tháng 12 năm 1953. Ngày 10-12-1953, quân ta tấn công địch ở Lai Châu, mở đầu cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954.
Toàn quân và dân ta quyết tâm thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư gửi đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch, Người viết: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Ngày 22-12-1953, Bác Hồ trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho quân đội, động viên các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” nhằm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, nhân dân và thanh niên ở vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc đến vùng du kích và căn cứ du kích đồng bằng Bắc Bộ, dồn sức người, sức của cho chiến dịch.
Cuộc chiến đấu để mở đường tiếp tế, vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt diễn ra khẩn trương, quyết liệt ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho đến khi kết thúc chiến dịch.
Hàng chục vạn chiến sĩ dân công mà đại bộ phận là thanh niên vượt qua bom đạn địch, chuyển lương thực và đạn dược cho bộ đội đánh giặc, 261.461 dân công với trên 18.301.570 ngày công đã tham gia phục vụ chiến dịch. Hơn 27.400 tấn gạo đã được chuyển lên mặt trận Điện Biên Phủ.
Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Đội TNXP công tác Trung ương hợp nhất với Đội TNXP và đến tháng 1 năm 1954, Đội chính thức mang tên Đoàn thanh niên xung phong Trung ương do đồng chí Vũ Kỳ làm đoàn trưởng, Đoàn thanh niên xung phong tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Phối hợp với các đơn vị công binh, thanh niên xung phong anh dũng mở đường và phá bom nổ chậm của địch, bảo đảm mạch máu giao thông đưa hàng lên mặt trận. Hàng nghìn kilômét đường được xây dựng và sửa chữa, phục vụ chiến dịch.
Tiêu biểu cho tinh thần lao động quên mình, hy sinh anh dũng để phá bom nổ chậm, cứu xe, bảo vệ hàng, bảo vệ những con đường xung yếu lên Điện Biên là các chiến sĩ thanh niên xung phong Trịnh Văn Huyền, Nguyễn Tiến Thụ. Trịnh Văn Huyền không quản nguy hiểm xông vào lửa đạn cứu xe, cứu đạn, Nguyễn Tiến Thụ bị bom vùi 4 lần, ngất đi nhưng khi tỉnh lại vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ. Sau hòa bình, Trịnh Văn Huyền được cử tham gia đoàn đại biểu thanh niên và sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 5 họp tại Vácsava (Ba Lan).
Do đạt được nhiều thành tích trong phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn TNXP đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và 60 Huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong chiến dịch.
Trong cao trào phục vụ chiến dịch, thanh niên cùng toàn dân ta lập nên thành tích kỳ lạ về vận tải mà kẻ thù không sao tưởng tượng nổi. Hầu như tất cả các phương tiện vận chuyển đều được huy động, vừa tận dụng phương tiện thô sơ, vừa tranh thủ phương tiện cơ giới để bảo đảm cung cấp vũ khí, lương thực cho chiến dịch. Hầu hết ô tô vận tải được đưa ra phục vụ chiến dịch với 628 xe lăn bánh liên tục suốt ngày đêm. Bộ đội vận tải nêu cao tinh thần dũng cảm, khắc phục khó khăn, xe chạy không bật đèn trong đêm, vượt qua bom nổ chậm... bảo đảm một khối lượng vũ khí, đạn dược cho chiến dịch. Các đoàn xe đạp thồ dài hàng cây số, các đoàn thuyền và các đoàn dân công hàng chục nghìn người hướng về Điện Biên.
Kéo pháo ra trận địa là một kỳ công của thế hệ “anh bộ đội Cụ Hồ” thời chống Pháp. Những cỗ pháo nặng hàng chục tấn được các chiến sĩ kéo qua đèo cao dốc thẳm vào trận địa an toàn. Chiến sĩ Nguyễn Văn Chức đã lấy thân mình chèn pháo để cứu pháo khỏi lao xuống vực: Anh đã hy sinh anh dũng ở tuổi 20...
5 tuyến đường mới được bí mật mở để đưa hàng trăm tấn pháo và đạn dược vào vị trí. Tấm gương lấy thân chèn pháo của chiến sĩ Tô Vĩnh Diện đã khích lệ tinh thần chiến đấu của đồng đội. Anh được Chính phủ tặng Huân chương Quân công hạng Hai và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 31-1-1954, tại đồi 75 điểm cao 536 phía Bắc Điện Biên Phủ, một trung đội thuộc tiểu đoàn 542 đã đánh bật 7 đợt xung phong của hai tiểu đoàn địch có xe tăng phối hợp; chiến sĩ trẻ Hoàng Văn Nô, dùng lưỡi lê đâm chết 5 tên địch, anh được truy tặng danh hiệu “Dũng sĩ đâm lê”.
Phối hợp với Điện Biên Phủ, đầu tháng 2 năm 1954, quân dân Liên khu V đã giải phóng Công Tum và đặc biệt đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Atlăng của địch từ tháng 4 năm 1954, làm cho Nava càng thêm lúng túng.
Đêm ngày 7-3-1954, ta tập kích thắng lợi vào sân bay Cát Bi (Hải Phòng) phá huỷ 59 máy bay địch cùng nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Đây là chiến thắng lớn nhất của lực lượng không quân đã tiêu diệt, phá huỷ nhiều máy bay của địch trong kháng chiến, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Khi nhận được báo cáo, Hồ Chủ tịch đã gửi điện khen và tặng đơn vị tập kích sân bay Cát Bi danh hiệu: “Đoàn dũng sĩ Cát Bi”. Chính phủ tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho đơn vị, 32 dũng sĩ đánh sân bay Cát Bi đều được tặng thưởng Huân chương.
Đầu tháng 3 năm 1954, việc chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên đã hoàn thành.
Ngày 11-3-1954, Hồ Chủ tịch gửi thư động viên các cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Người viết:
“Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.
Chúc các chú thắng to
Bác hôn các chú"
Ngày 13-3-1953, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bắt đầu. Đợt tấn công thứ nhất ta tiêu diệt nhanh gọn hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập, uy hiếp và gọi hàng cứ điểm Bản Kéo. Sau 5 ngày chiến đấu quyết liệt, đợt tiến công thứ nhất kết thúc thắng lợi. Trong đợt tấn công này, tấm gương hy sinh anh dũng của chiến sĩ trẻ Phan Đình Giót, lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên tiêu diệt địch đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ trên toàn mặt trận. Đại đoàn pháo binh 351, một binh chủng mới ra đời đã vinh dự nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ.
17 giờ ngày 30-3-1954, đợt tấn công thứ hai bắt đầu, nhằm chia cắt địch, thắt chặt vòng vây, khống chế đi đến triệt hẳn đường tiếp viện của địch, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch. Quá trình bao vây chia cắt là quá trình vừa chiến đấu anh dũng vừa lao động không biết mệt mỏi của chiến sĩ ta ở ngay trên trận địa. Đó là những tấm gương của chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi 23 tuổi cùng đồng đội bị lọt vào vòng vây địch trong trận chiến đấu tại đồi A1. Nhịn đói 3 ngày, anh vẫn cùng các đồng chí trong tổ vừa chiến đấu vừa gọi pháo bắn chặn đánh bật nhiều đợt xung phong của bộ binh và xe tăng địch, bảo vệ được trận địa. Chiến sĩ Phạm Viết Nghi, 18 đêm liền, một mình đào được 18 cái hầm và 11 mét hào dưới bom đạn địch.
Ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị họp nhận định hai đợt tiến công của quân ta ở Mặt trận Điện Biên Phủ đã tạo những điều kiện căn bản để tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị còn chỉ ra những thiếu sót cần khắc phục để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Trên toàn mặt trận, một đợt sinh hoạt chính trị được tiến hành ngay trong đợt 2 của chiến dịch. Những tấm gương hy sinh chiến đấu trong chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954 tiêu biểu cho truyền thống quyết chiến quyết thắng của quân đội và truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam được biểu dương và học tập.
Ngày 1-5-1954, quân ta mở đợt tấn công thứ 3 tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Sau 3 ngày đêm chiến đấu chiếm lĩnh các điểm cao còn lại ở phía Đông và thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch ở phía Tây, bộ đội ta đã thắt chặt vòng vây, chỉ còn cách sở chỉ huy địch 300 mét.
Giờ chết của quân địch ở Điện Biên Phủ đã điểm.
14 giờ ngày 7-5-1954, các cánh quân của ta tiến vào khu trung tâm dưới sự yểm trợ của pháo binh và tên lửa 6 nòng do Liên Xô viện trợ lần đầu tiên xuất hiện. Đến 17 giờ 30 cùng ngày, tướng Đờcáttơri và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Một vạn quân địch ở phân khu trung tâm chui ra khỏi hầm hào xin hàng, 2.000 tên địch ở phân khu Nam bị bắt sống.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, mãnh liệt quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngọn cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch tung bay trên Điện Biên Phủ.
Năm đại đoàn chủ lực tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vừa lập công lớn được vinh dự cử 6 chiến sĩ tiểu biểu cho các binh chủng về báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng nhân dịp mừng thọ Bác 64 tuổi (19 - 5 - 1954). Các chiến sĩ trẻ (người trẻ nhất 18 tuổi và người nhiều tuổi nhất mới 26 tuổi) vô cùng xúc động được gặp Hồ Chủ tịch và chăm chú ghi nhớ lời dạy của Người... “... Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng đó là nhờ sự cố gắng chung của đồng bào cả nước, nhưng trước hết là nhờ ở công lao và sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ ngoài mặt trận. Bộ đội ta ở Điện Biên Phủ rất dũng cảm. Các cháu là những chiến sĩ tiêu biểu của một nhân dân anh hùng, của một quân đội anh hùng, Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ rất vui lòng khen ngợi các cháu. Chính phủ đã quyết định thưởng cho các cháu Huân chương Chiến công hạng Nhất... riêng Bác tặng thêm mỗi cháu một Ngôi sao đỏ và một Huy hiệu”.
*
* *
Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của cả dân tộc và tuổi trẻ Việt Nam anh hùng. Chiến thắng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ đã tạo khả năng giải phóng đất nước và tạo thế mạnh cho cuộc đàm phán của nhân dân Việt Nam ở Hội nghị Giơnevơ.
Trước khi Hội nghị Giơnevơ kết thúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng từ ngày 15 đến 18 tháng 7-1954. Hội nghị nhận định, đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương.
Hội nghị vạch ra nhiệm vụ của nhân dân ta trong giai đoạn mới là chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và bọn hiếu chiến Pháp, củng cố hòa bình và thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân tộc trong cả nước.
Ngày 21-7-1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương kết thúc. Hội nghị thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức Tổng tuyển cử tự do.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kéo dài gần 9 năm đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng anh dũng đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới”.
Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ đấu tranh mới. Tuổi trẻ Việt Nam lại được lịch sử giao phó cùng toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoàn thành cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ nhân dân ở miền Nam.
*
* *
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, qua chín năm kháng chiến đầy gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã đoàn kết, tập hợp đoàn viên thanh niên, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và lao động sản xuất, góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của toàn dân ta.
Với những phong trào tòng quân, giết giặc lập công tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, đi dân công phục vụ tiền tuyến; phong trào đấu tranh trong vùng địch tạm chiếm, phong trào tham gia dân quân và đánh du kích,v.v... Đoàn đã đưa hàng triệu đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng lực lượng vũ trang đánh giặc cứu nước, mở rộng vùng giải phóng và từng bước xây dựng chế độ mới, tạo sức mạnh để chiến thắng hoàn toàn bọn đế quốc xâm lược.
Trong cuộc chiến tranh giữa nước của dân tộc ta, tuổi trẻ Việt Nam đã cống hiến biêt bao thanh niên ưu tú, chiến đấu ngoan cường, hy sinh oanh liệt, “Sống anh dũng, chết vẻ vang” cho Tổ quốc. Tấm gương ngời sáng tinh thần yêu nước của các anh hùng, liệt sĩ sống mãi với non sông đất nước và thúc giục tuổi trẻ tiếp tục bảo vệ thành quả cách mạng. Cuộc chiến tranh giữ nước ấy đã tôi luyện và thử thách các tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên Việt Nam ngày một phát triển cùng với sự lớn mạnh của cuộc kháng chiến.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã được củng cố và mở rộng từ cơ sở, lên tỉnh, thành và xứ. Nhiều đại hội Đoàn ở các miền đã được tiến hành.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ nhất (tháng 2-1950) đánh dấu một mốc lịch sử trưởng thành của Đoàn dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch. Hệ thống tổ chức Đoàn được thống nhất trong cả nước; mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên được mở rộng qua quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội. Công tác tổ chức và công tác chính trị tư tưởng của Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Liên Đoàn Thanh niên Việt Nam đã phần tạo nên sức mạnh của tuổi trẻ Việt Nam để cùng cả dân tộc thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mới, Đoàn Thanh niên Cứu quốc hoạt động công khai trong các vùng tự do, căn cứ và ở các vùng tranh chấp (trừ những nơi bị tạm chiếm sâu, các thành phố, thị xã... do địch kiểm soát), nên gặp khó khăn trong công tác tổ chức.
Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến, việc kết nạp đoàn viên có nơi làm ồ ạt, chạy theo số lượng.
Do chưa xác định rõ tính chất, chức năng, phạm vi và phương thức vận động nên giữa tổ chức Đoàn và Tổng Đoàn thanh niên Việt Nam (Sau này là Liên Đoàn thanh niên Việt Nam) nảy sinh nhiều sự chồng chéo, lẫn lộn, thiếu sự gắn bó và phối hợp trong hoạt động. Việc phát triển đoàn viên và xây dựng Đoàn trong các lực lượng vũ trang (bộ đội chủ lực) và trong công nhân (chủ yếu là công nhân quốc phòng) làm chậm nên hạn chế phần nào quá trình rèn luyện, phấn đấu của nhiều thanh niên ưu tú. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn chưa được quan tâm đúng mức.
Những hạn chế và thiếu sót nói trên đến thời gian sau Đại hội Đoàn và Đại hội Liên Đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất được khắc phục từng bước.
Với những đóng góp to lớn qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đoàn và phong trào thanh niên trong cả nước đã xứng đáng được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý.