Chương V

KIÊN CƯỜNG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC, LÀM THẤT BẠI ÂM MƯU ĐÁNH NHANH THẮNG NHANH CỦA ĐỊCH


Trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, Đảng triệu tập khẩn cấp Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, họp trong 2 ngày 18 và 19-12-1946 tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định phát động toàn dân cầm vũ khí đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được.
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người nói: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Hỡi đồng bào!... là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc...”
Đáp lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, thanh niên cả nước cùng toàn dân nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước.
Đêm 19-12-1946, cuộc chiến đấu của thanh niên và nhân dân nước ta nổ ra ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã như: Hải Phòng, Hải Dương, Vinh, Huế, Đà Nẵng...
Tại Thủ đô Hà Nội, với lòng căm thù giặc sôi sục, với ý chí bất khuất, kiên cường, quân dân và thanh niên thành phố đã tấn công mãnh liệt vào quân cướp nước, 20 giờ ngày 19-12-1946, công nhân nhà máy điện được lệnh phá máy, tắt đèn. Giờ cứu nước đã điểm, toàn thành phố nổ súng. Từ các pháo đài Láng, Xuân Tão, Xuân Canh, Đào Xuyên, Đoàn pháo binh Thủ đô nã đại bác vào các trại lính Pháp. Các lực lượng vệ quốc quân, công an xung phong, tự vệ chiến đấu, đồng loạt tiến công các vị trí của giặc. Thanh niên tự vệ chặt cây, nổ mìn, ngả cột điện, đánh đổ toa xe lửa, xe điện, nhân dân khuân vác giường, tủ, bàn ghế ra đường làm chướng ngại vật chặn quân thù. Tiếng súng, lựu đạn, bom, mìn, tiếng hô xung phong, tiếng loa phát thanh của tự vệ, tiếng hát của đoàn quân cảm tử... tất cả hòa quyện thành bản anh hùng ca của nhân dân Hà Nội trong đêm đầu toàn quốc kháng chiến, phản ánh ý chí sắt thép của tuổi trẻ Thủ đô: “Hà Nội mồ chôn giặc Pháp”, “Thề sống chết với Thủ đô”.
Sau những giờ phút hoảng loạn, giặc Pháp điên cuồng phản kích. Các đoàn chiến xa dẫn đầu hàng nghìn lính bộ binh lồng lộn chia làm nhiều ngả tiến đánh nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bắc Bộ phủ, trụ sở Bộ Quốc phòng, Bộ tổng chỉ huy tự vệ chiến đấu, Nhà hát Lớn thành phố, nhà đấu xảo, nhà ga, cầu Long Biên và nhiều vị trí khác. Cuộc chiến đấu giữa ta và giặc nổ ra khắp nơi. Đoàn viên, thanh niên trong lực lượng vũ trang đóng ở Hà Nội cùng hàng vạn tuổi trẻ Thủ đô đã anh dũng đi đầu trong cuộc chiến đấu sống mái với quân thù, nêu tấm gương sáng ngời về tinh thần xả thân vì độc lập, tự do.
Tại Bắc Bộ phủ, một đại đội Vệ quốc quân và 20 thanh niên tự vệ nêu quyết tâm “Chúng tôi còn, Bắc Bộ phủ còn”. Các chiến sĩ đã anh dũng đẩy lùi nhiều đợt tấn công của 300 lính Pháp có 18 xe tăng yểm trợ, tiêu diệt 150 tên, đốt cháy 4 xe tăng. Chiều ngày 20 - 12, nhiệm vụ bảo vệ của đại đội đã hoàn thành. Theo lệnh của cấp trên, chính trị viên Lê Gia Định cho bộ đội rút quân để bảo toàn lực lượng chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Một mình anh ở lại chốt giữ vị trí. Quân địch mở các đợt tấn công mới. Lê Gia Định đã đập kíp bom vào một xe tăng địch tiêu diệt hàng chục lính Pháp và anh đã anh dũng hy sinh. Tổ quốc ghi công truy tặng anh, người cộng sản trẻ tuổi danh hiệu cao quý: “Cảm tử quân số 1 của Thủ đô”.
Ở Nhà hát Lớn thành phố, các chiến sĩ của một Trung đội Vệ quốc quân đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hầu hết bị thương, khi sa vào tay giặc vẫn giữ vững khí tiết cách mạng.
Ở Sở Bưu điện, 20 chiến sĩ tự vệ đã chiến đấu đến người cuối cùng bên Hồ Gươm để cản giặc tràn vào trung tâm thành phố. ở Chợ Hôm, trung đội trưởng Trần Thành dũng cảm ôm bom ba càng lao vào xe tăng giặc chặn đường tiến công của chúng.
Cùng với thanh niên trong các lực lượng vũ trang, hàng vạn phụ nữ, học sinh, sinh viên, thiếu niên Hà Nội đã tham gia chiến đấu anh dũng. Tiểu đội cứu thương ở Giảng Võ gồm những cô gái trẻ làng hoa Ngọc Hà đã lần lượt hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Học sinh Vũ Chí Thành là đội viên Đội cảm tử quân Hà Nội cùng nhiều bạn đã anh dũng hy sinh trong đêm đầu kháng chiến.
Tháng 1 năm 1947, các đơn vị tự vệ chiến đấu và Vệ quốc quân trong Liên khu 1 được thống nhất tổ chức thành Trung đoàn liên khu I, sau đó được vinh dự mang tên Trung đoàn Thủ đô. Các lực lượng vũ trang chiến đấu ở các cửa ô được hợp nhất thành Trung đoàn 48 và Trung đoàn 52. Mỗi trung đoàn có trên dưới 2000 cán bộ, chiến sĩ vốn là thanh niên công nhân, dân nghèo thành thị, nông dân ngoại thành, học sinh, sinh viên và một số thiếu niên... Nhiệm vụ của các trung đoàn là chiến đấu tiêu hao sinh lực và giam chân địch trong lòng Hà Nội.
Ngày 6-1-1947, hàng nghìn quân Pháp với máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ, ồ ạt tấn công vào khu Giảng Võ - Ô Chợ Dừa. Các chiến sĩ đại đội 2 thuộc tiểu doàn 56, chiến khu II Hà Nội chiến đấu anh dũng, ngoan cường mặc dù lực lượng không cân sức. Tấm gương hy sinh của Tiểu đội trưởng Nguyễn Phúc Lai ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng địch, chặn đường tiến quân của giặc, nêu tấm gương sáng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Trong những ngày đêm ác liệt, bộn bề công việc lãnh đạo cuộc kháng chiến nhưng khi được tin Vũ Chí Thành hy sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh liền viết thư chia buồn với bác sĩ Vũ Đình Tụng, cha của liệt sĩ với những lời cảm động và đầy kích lệ: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam...”
Xuân Đinh Hợi (1947) đến vào lúc cuộc chiến đấu đang diễn ra quyết liệt giữa lòng Hà Nội, các cán bộ chiến sĩ Thủ đô vô cùng xúc động khi nhận thư thăm hỏi, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư, Người viết: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.
Ngày 7-2-1947, thực dân Pháp từ bốn hướng mở cuộc tổng tấn công vào trung tâm Thủ đô. Những cánh quân xâm lược hàng trăm tên có máy bay ném bom, xe tăng dọn đường, điên cuồng tiến vào các đường phố như Cầu Gỗ, Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Lược, Hàng Đường, Chợ Đồng Xuân,v.v... Ba mươi sáu phố phường Hà Nội rền vang tiếng súng. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra hết sức ác liệt. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm phi thường của cảm tử quân Thủ đô đã làm quân thù phải kinh hoàng. ở sườn phía Đông và mặt trận phía Tây liên khu I ta phản kích thắng lợi, kiên quyết không cho địch thực hiện âm mưu cắt đôi liên khu. Chiến sĩ Trần Đan được đồng đội tặng danh hiệu “Vua lựu đạn”. Tay phải anh bị thương, tay trái còn lại vẫn phát huy uy lực của lựu đạn để tiêu diệt nhiều địch. ở phố Hàng Nón, chiến sĩ Minh hai mắt bị mờ vì khói súng địch vẫn không rời trận địa, dùng tai nghe tiếng động để đoán hướng giặc tới mà nổ súng tiêu diệt. ở chợ Đồng Xuân, anh công nhân Tưởng sau khi bắn viên đạn cuối cùng đã dùng dao thái thịt quần nhau với lính lê dương làm 10 tên bỏ mạng. Nhiều em thiếu nhi làm liên lạc, trinh sát cho các đơn vị bộ đội đã lập chiến công xuất sắc như em Lai, em Dương Văn Nội. Ngày 12-4-1947, Dương Văn Nội tham gia trận chống càn ở Làng Xấu Giá (Đan Phượng, Hà Tây). Dương Văn Nội giết được 3 tên Pháp và hy sinh anh dũng. Em là liệt sĩ thiếu niên đầu tiên được Chính phủ truy tặng Huân chương chiến công hạng Hai.
Tinh thần chiến đấu ngoan cường, anh dũng của đội du kích Hồng Hà đã cản được giặc Pháp, bảo đảm an toàn cho quân dân Liên khu I trở về hậu phương. Đội du kích Hồng Hà có 15 chiến sĩ trẻ do đảng viên Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy. Suốt 60 ngày đêm khói lửa, tiểu đội luôn giữ vững con đường huyết mạch nối liền liên khu I với vùng tự do. Sáng 18-2-1947, nhận nhiệm vụ bảo vệ Trung đoàn Thủ đô rút quân, Đội du kích Hồng Hà đã chiến đấu ngoan cường, đánh lạc hướng địch, tiêu diệt 17 tên. Lúc hết đạn, chỉ còn một quả lựu đạn duy nhất, Nguyễn Ngọc Nại chờ cho địch đến gần rồi cho nổ để khi anh hy sinh còn diệt thêm mấy tên địch nữa. Anh đã hy sinh vô cùng anh dũng.
Sau gần hai tháng đánh giặc hết sức oanh liệt, quân dân và thanh niên Thủ đô đã tiêu diệt hơn 2000 tên địch với 200 trận chiến đấu, phá huỷ trên 100 xe quân sự trong đó 22 xe tăng, xe bọc thép. Bắn rơi và phá huỷ 5 máy bay, bắn chìm 5 ca nô. Quân và dân Hà Nội đã đánh bại hoàn toàn âm mưu và kế hoạch của thực dân Pháp định “đánh úp” các cơ quan đầu não của Nhà nước Cách mạng, bóp chết lực lượng vũ trang non trẻ của ta, kìm giữ giam chân địch suốt 60 ngày đêm tại chiến trường Hà Nội, góp phần tạo điều kiện để cả nước chuẩn bị và tổ chức cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.
Khắp các tỉnh, thành trong cả nước đều nhất tề đứng lên chiến đấu, bảo vệ quê hương, đất nước. ở Nam Định, lực lượng thanh niên thành phố vinh dự nổ phát súng đầu tiên vào trại lính Tarô, mở đầu cuộc kháng chiến của quân dân trong tỉnh, 800 lính Pháp bị vây chặt trong thành phố 90 ngày đêm, 400 tên bị tiêu diệt. Tại Bắc Ninh, Bắc Giang, 2 đại đội Pháp bỏ mạng trước sức tiến công của lực lượng du kích, tự vệ. Tại Hải Dương, Hòn Gai, một số đơn vị lẻ của quân Pháp bị tiêu diệt. Tại Vinh, bọn Pháp phải đầu hàng. Tại Huế, cuộc chiến đấu quyết liệt kéo dài hơn một tháng, ta tiêu diệt 400 tên Pháp. Tại Đà Nẵng, 10.000 quân giặc bị vây hãm trong thành phố 3 tháng, 300 lính Pháp bị tiêu diệt. Quân dân Đà Nẵng phá huỷ nhiều xe tăng, đốt phá các kho bom, xăng... Các chiến sĩ Ngô Văn Minh, Trần Đức, Ngô Hiệp... mưu trí, táo bạo đã tiêu diệt hàng chục giặc Pháp. Tuổi trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng đã góp phần xứng đáng vào phần thưởng cao quý mà đồng chí Phạm Văn Đồng, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ trao tặng mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng lá cờ vẻ vang anh dũng bảo vệ Tổ quốc.
Ở Nam Bộ, trong 3 tháng đầu năm 1947, ta có nhiều trận đột kích vào Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, sân bay Tân Sơn Nhất và trên đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Tại Sài Gòn, du kích đột nhập sở mật thám Bình Tây, diệt tên ác ôn Lê Ngọc, bắn gãy chân tên Sáu Đê. Anh Trần Công Thành dũng cảm xông vào tòa soạn báo Quốc Hồn trừng trị bọn bồi bút bôi nhọ kháng chiến. Đặc biệt là chiến công của anh Võ Hồng Tám, đội viên du kích Tây Hồ đã cắt cổ tên đại tá Pháp Inphailơ tại khách sạn Nationan ở đường Sắcne (nay là đường Nguyễn Huệ). Nhiều cuộc hành quân, càn quét của địch ở đồng bằng sông Cửu Long bị đánh bại. Chiến tranh du kích ở các vùng bị địch chiếm đóng được phối hợp với những cuộc đình công, bãi khóa, bãi thị của công nhân, học sinh và nhân dân. Phong trào thanh niên tòng quân sôi nổi khắp Nam Bộ. Tại Bạc Liêu có 500 du kích tập trung và 1000 du kích xã, ấp, một đội tự vệ chiến đấu. Hầu khắp các tỉnh Nam Bộ đều có chi đội bộ đội. Toàn khu 7 có 16 chi đội, Sài Gòn có 10 ban công tác và nhiều đội cảm tử. Ở khu 9, đến cuối tháng 6-1946 mỗi tỉnh có từ hai trung đội đến một đại đội Vệ quốc đoàn. những trận đánh bất ngờ cùng những hoạt động du kích của quân dân khu 4 đã buộc địch phải rút hết đồn bốt đóng sâu trong vùng nông thôn.
Kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch đã bị thất bại. Đồng thời với việc chuẩn bị mở những cuộc tấn công mới, thực dân Pháp chủ trương bình định những vùng đã chiếm để thực hiện âm mưu thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Đối với thanh niên, thực dân Pháp dùng thủ đoạn vừa mua chuộc, lôi kéo, vừa đàn áp, khủng bố. Chúng còn thành lập ra các tổ chức thanh niên phản động để lôi kéo, ru ngủ, chia rẽ thanh niên hòng làm cho họ lãng quên dân tộc, đất nước...
Với đường lối thanh vận đúng đắn, Đảng luôn tin tưởng ở tinh thần yêu nước, ý chí chống quân xâm lược của thanh niên. Tháng 4-1947, Đảng triệu tập Hội nghị cán bộ Trung ương để bàn về công tác vận động thanh niên trong cuộc kháng chiến. Hội nghị chỉ rõ: “Nhiệm vụ thiết thực của thanh niên trong thời kỳ này là tham gia bộ đội, dân quân để tác chiến... giúp đỡ việc tản cư, bình dân học vụ và tiểu học, đoàn kết các hạng thanh niên, động viên thanh niên ra cứu nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của thanh niên và vạch ra những nhiệm vụ cụ thể để thanh niên góp phần thiết thực vào cuộc kháng chiến như trong thư Người gửi thanh niên tháng 8-1947.
Sau hội nghị của Trung ương, ở các cấp bộ Đảng tại nhiều tỉnh, thành, xứ đã triệu tập các cuộc hội nghị để xác định nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc của thanh niên và kiện toàn, củng cố tổ chức Đoàn các cấp. Tại Việt Bắc, tháng 8-1947, hội nghị cán bộ Đoàn các tỉnh Bắc Bộ được triệu tập. Tháng 11-1947, mở hội nghị cán bộ Đoàn các tỉnh liên khu 4 và ở khu V. Mùa thu 1948, phân xứ ủy khu V tổ chức Hội nghị thanh niên để quán triệt chỉ thị của Trung ương Đảng về công tác vận động thanh niên phục vụ cuộc kháng chiến. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đều có đại diện của Đoàn tham dự. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã đến dự và huấn thị tại hội nghị. Hội nghị đánh dấu mốc quan trọng thúc đẩy phong trào thanh niên ở khu V phát triển. Sau hội nghị, Liên khu ủy đã cử đồng chí Bùi Tấn Linh phụ trách công tác thanh vận và Bí thư Đoàn TNCS khu V.
Liên tục trong các năm 1947, 1948, 1949, các nghị quyết của các Hội nghị Trung ương Đảng đều khẳng định tầm quan trọng của công tác vận động thanh niên và nhắc nhở các cấp bộ Đảng phải tăng cường lãnh đạo Đoàn thanh niên, giúp Đoàn củng cố tổ chức để tiến tới mở rộng và thống nhất phong trào thanh niên trong phạm vi cả nước. Chỉ thị tháng 9-1947 của Trung ương Đảng đã chỉ rõ nội dung: Công tác vận động thanh niên đều hướng theo mục đích kháng chiến, kiến quốc. Động viên thanh niên phải tuân theo tính chất, năng lực của từng giới như thanh niên lao động nằm trong công binh xưởng, tăng gia sản xuất để kháng chiến, thanh niên trí thức học tập và sáng tạo để kháng chiến kiến quốc, thanh niên nông thôn tham gia du kích, dân quân, xung phong giết giặc cứu nước Trung ương đã kịp thời chỉ rõ cần khắc phục ngay khuyết điểm phát triển đoàn viên một cách ồ ạt theo kiểu “đánh trống ghi tên” ở một số nơi.
Ngày 28-9-1948, Ban Thường vụ Trung ương có Chỉ thị gửi các cấp bộ Đảng "Về việc củng cố Thanh niên Cứu quốc, phát triển Đoàn thanh niên Việt Nam để thống nhất Mặt trận thanh niên".
Chỉ thị nêu rõ: “Chủ trương của Trung ương là thống nhất mọi lực lượng Thanh niên vào một Mặt trận, Mặt trận ấy là Đoàn Thanh niên Việt Nam... Trong Đoàn Thanh niên Việt Nam, Thanh niên Cứu quốc phải là trụ cột và có một hệ thống chắc chắn từ trên xuống dưới. Đảng sẽ nắm chắc lấy trụ cột ấy để dễ điều khiển các tổ chức khác và các tầng lớp thanh niên rộng rãi trong nước...”
Chỉ thị của Trung ương đã nêu nhiệm vụ cho các cấp bộ Đảng là phải củng cố thanh niên cứu quốc và phát triển Đoàn thanh niên Việt Nam. “Đoàn TNCQ là đoàn thể tập hợp các thanh niên yêu nước, tích cực, cấp tiến, có tinh thần dân chủ rõ rệt. Thanh niên Cứu quốc không những chỉ gồm có thanh niên nông dân mà phải bao gồm cả thanh niên trí thức, tiểu tư sản. Củng cố TNCQ còn phải đặc biệt chú trọng củng cố các Ban Chấp hành...”
Đoàn thanh niên Việt Nam cần phải đoàn kết, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp thanh niên, kể cả thanh niên con em gia đình phú nông, địa chủ, tư sản có tinh thần yêu nước, ủng hộ kháng chiến, phát triển Đoàn Thanh niên Việt Nam trong các vùng công giáo. Ngay trong các vùng bị chiếm đóng, Đoàn Thanh niên Việt Nam lợi dụng những khả năng hợp pháp để xây dựng tổ chức qua các hội bóng, hội nhạc, nhóm học tập của thanh niên.
Về công tác tuyên truyền huấn luyện thanh niên, bản chỉ thị nêu rõ: Đoàn Thanh niên Việt Nam và Thanh niên Cứu quốc phải ra ngay những tờ báo của mình để tuyên truyền, giáo dục, động viên đông đảo thanh niên hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc.
Bản chỉ thị trên của Ban Thường vụ Trung ương đã đặt cơ sở quan trọng về tổ chức và tư tưởng của công tác vận động thanh niên, phù hợp với yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến.
Đặc biệt, Hội nghị Thanh vận của Đảng được triệu tập vào tháng 6-1949, tại căn cứ địa Việt Bắc, đánh dấu bước chuyển biến rất quan trọng về công tác vận động thanh niên của Đảng trước những đòi hỏi mới của công cuộc kháng chiến. Hội nghị do đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trì. Sau Hội nghị này, bộ máy công tác vận động thanh niên của Đảng và Đoàn Thanh niên Cứu quốc được kiện toàn. Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cứu quốc Trung ương được thành lập. Đồng chí Hoàng Phương, phụ trách Thanh niên Cứu quốc Trung ương được điều động trở lại quân đội. Đồng chí Nguyễn Lam được điều sang làm Trưởng tiểu Ban thanh vận Trung ương đồng thời là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCQ Việt Nam.
Triển khai các nghị quyết thanh vận của Đảng, cấp bộ Đoàn các tỉnh, thành đã tổ chức, động viên thanh niên hăng hái chiến đấu lập công trên khắp các chiến trường.
Ngay khi địch vừa nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn, học viên trường sĩ quan phối hợp với dân quân địa phương tiêu diệt trên 80 tên. Tại Cao Bằng, một máy bay Pháp bị bắn rơi, tên quan năm Lampe, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp ở Đông Dương bị tan xác. Ở Lạng Sơn, 300 tên Pháp bị tiêu diệt tại đèo Bông Lau. Trên dòng sông Lô lịch sử, trận đánh địa lôi táo bạo của 10 chiến sĩ thanh niên tự vệ thị xã Tuyên Quang cùng pháo binh ta đã tiêu diệt trên một đại đội lính Pháp, góp phần bẻ gãy cuộc hành quân của giặc từ Tuyên Quang lên Chiêm Hóa. Tấm gương chiến đấu của chiến sĩ du kích Lý Việt Va với 17 viên đạn tiêu diệt được 17 tên địch đã mở đường cho đồng đội rút lui. Anh hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương và được Chính phủ truy tặng Huân chương kháng chiến.
Tại chiến trường Liên khu V, tiếng bom anh hùng Ngô Mây như hồi kèn xung trận giục giã thanh niên xung phong giết giặc. Từ biệt mẹ già và vợ chưa cưới, Ngô Mây vào bộ đội. Anh xung phong nhận nhiệm vụ ôm bom lao vào đội hình giặc, đánh đòn phủ đầu tạo điều kiện cho đơn vị tiêu diệt địch. Anh đã hy sinh oanh liệt.
Ở Hội An, ta đột nhập vào tận sào huyệt, bắt sống Hồ Ngạn Tỉnh trưởng bù nhìn khiến bọn Việt gian lo sợ. Những đoàn viên trong đội biệt động Đà Nẵng đốt cháy 50 tấn xăng dầu của địch.
Hầu hết các tỉnh, thành phố đều thành lập các đội du kích của thanh, thiếu niên. ở Hà Nội, tiêu biểu là đội thiếu niên tình báo Bát Sắt, được thành lập mùa thu năm 1947 tại căn cứ Nhị khê, gồm 20 đội viên “vệ út” do công an và thanh niên quận VI tuyển chọn, huấn luyện. Ngày 10-10-1947, hai chiến sĩ công an trẻ tuổi Trần Bình và Đặng Đình Kỳ bí mật đột nhập vào thành, bắn chết tên Việt gian khét tiếng Trương Đình Tri, Chủ tịch Hội đồng an dân Bắc Việt. Nhận được tin này, từ chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch quyết định tặng các chiến sĩ Huân chương kháng chiến hạng Nhất.
Đội thiếu niên du kích thành Huế, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội thiếu niên du kích Đồng Tháp và các tổ thiếu niên du kích ở Sài Gòn, Cần Thơ, Biên Hòa... đã làm cho địch thất điên, bát đảo. Với những chiến công xuất sắc đánh địch ngay trong sào huyệt của chúng, Đội thiếu niên du kích thành Huế được Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam biểu dương và tặng thưởng Huân chương quân công hạng Ba vào dịp kỷ niệm 5 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (8-1950). Đây là phần thưởng cao quý đầu tiên cho các đơn vị du kích chiến đấu trong lòng địch.

Ở Hải Phòng, tháng 7-1947, Trần Văn Bài, Đặng Văn Bát, Trần Đức Bút là những chiến sĩ công an trẻ tuổi của liên tỉnh đột nhập vào nội thành trừ khử tên Vũ Thế Uy, một tên tay sai lợi hại của địch và bốn tên Việt gian nguy hiểm ở huyện An Hải. Ngày 14-8-1947, Tổng Giám đốc Việt Nam công an vụ đã khen thưởng 3 đồng chí Bài, Bát, Bút. Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 1948, với mưu trí và lòng dũng cảm tuyệt vời, các chiến sĩ công an, biệt động đội và tự vệ mật nội thành Hải Phòng đã phá hủy 2 đầu máy xe lửa ở ga Hải Phòng, giết chết 36 sĩ quan và binh lính Pháp, trừng trị hàng chục tên Việt gian.
Ở Hà Nội, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên xung phong gia nhập dân quân du kích, thực hiện khẩu hiệu “Mỗi thanh niên là một dân quân” ngày đêm bám đất, giữ làng, là lực lượng chủ lực phá tề, trừ gian. Lực lượng du kích đã giáng cho địch nhiều đòn phủ đầu ở Cự Đà, Quảng Tó, Văn Điển, Sơn Tây,v.v...
Thực hiện chủ trương vừa đánh địch vừa tổ chức xây dựng lực lượng chính trị, ở Nam Bộ, Xứ ủy chủ trương hình thành mặt trận đoàn kết thanh niên rộng rãi để tập hợp tất cả các tầng lớp, tổ chức thanh niên vì mục tiêu kháng chiến, kiến quốc. Ngày 7-1-1947, Liên Đoàn Thanh niên Nam Bộ được thành lập. Tiếp đó ngày 25-5-1947, số sinh viên tham gia kháng chiến tiến hành Đại hội thành lập chi hội sinh viên Nam Bộ thuộc Tổng hội sinh viên Việt Nam. Các tổ chức này đều tham gia Liên Đoàn Thanh niên Việt Nam và cử đại biểu tham gia ban Chấp hành Liên đoàn.
Để tăng cường củng cố Đoàn Thanh niên Cứu quốc - tổ chức trung kiên, nòng cốt của Mặt trận Thanh niên Nam Bộ, ngày 4-7-1947, Hội nghị thành lập ban Chấp hành Xứ Đoàn TNCQ Nam Bộ được triệu tập. Các đại biểu tập trung thảo luận về công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đoàn từ cơ sở lên huyện, tỉnh, thành, Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Xứ Đoàn TNCQ Nam Bộ đầu tiên do Phạm Văn Bính làm Bí thư. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ. Từ nay, hệ thống tổ chức của Đoàn được thống nhất trong toàn xứ để chỉ đạo phong trào thanh niên.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến và phong trào Đoàn trong giai đoạn mới, Đoàn TNCQ Nam Bộ tiến hành Đại hội lần thứ nhất từ ngày 5 đến 8-12-1947 tại Đồng Tháp Mười. Tham dự Đại hội có 42 đại biểu chính thức đại diện cho 237.789 đoàn viên các tỉnh, thành Nam Bộ. Đại hội vinh dự được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đến dự và phát biểu ý kiến nêu bật vai trò quan trọng của thanh niên trong công cuộc kháng chiến và chỉ rõ nhiệm vụ của Đoàn và phong trào trách nhiệm trong sự nghiệp kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Đại hội phát động phong trào thi đua lập công với nội dung:
- Quân sự hóa thanh niên (tòng quân, luyện tập quân sự, công tác dân quân).
- Xây dựng đời sống mới, xây dựng nông thôn mới.
- Tăng gia sản xuất lương thực.
- Tham gia công tác bình dân học vụ và công tác thiếu nhi.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Xứ Đoàn gồm 27 ủy viên do Châu Quốc Tuấn làm Bí thư, Trần Bạch Đằng làm Phó Bí thư.
Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, ngày 20-3-1947, đã tiến hành Đại hội Đoàn lần thứ 3 để động viên toàn bộ lực lượng thanh niên tham gia kháng chiến. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn do Nguyễn Thanh Sơn làm Bí thư, Trần Phát là Phó Bí thư. Ngày 25-7-1947 Đoàn Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức đại hội. Công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũng được phát triển đều, rộng khắp. Trong các năm 1947-1948-1949, Đại hội Đoàn toàn tỉnh vẫn được tiến hành thường kỳ trong điều kiện cuộc kháng chiến diễn ra ác liệt. Tính đến cuối năm 1948, ở vùng tạm chiếm, tổ chức Đoàn có 13.927 đoàn viên, trong đó có 2.172 đồng chí tham gia Vệ quốc đoàn, 1.162 đoàn viên trong lực lượng vũ trang và 113 đoàn viên trong dân quân. Tỉnh Đoàn cùng các huyện Đoàn vùng tạm chiến mở được 30 lớp huấn luyện cán bộ Đoàn cấp xã và đào tạo được 180 cán bộ Đoàn. Đoàn đưa thanh niên quyết tử vào làm nòng cốt trong dân quân du kích. Hầu hết thanh niên trong tỉnh đều tham gia dân quân và xung phong trong mọi công tác kháng chiến. Ở Duy Xuyên và Điện Bàn phong trào thanh niên phát triển vững chắc hơn cả. Đặc biệt trong việc cứu đói ở Tây Bắc Hòa Vang trong chiến dịch hè 1949, hàng nghìn thanh niên xung phong vượt núi đèo hiểm trở đưa hàng ngàn gánh gạo lên tận nơi để cứu giúp đồng bào. kết quả đã cứu được hàng nghìn dân đang trong cảnh đói khổ.
Ở Thanh Hóa, sau Hội nghị thanh - phụ vận của Đảng bộ tháng 7-1948, phong trào thanh niên Thanh Hóa có những bước phát triển mới. Chỉ tính từ cuối năm 1947 đến tháng 1-1948, Thanh Hóa có 130.000 chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và 58.800 đoàn viên thanh niên cứu quốc. Đến cuối năm 1948, số đoàn viên đã tăng lên đến 60.001 người. Phong trào ghi tên tòng quân thu hút hàng ngàn thanh niên trong tỉnh. Trong 2 năm 1948-1949, Thanh Hóa có 80.000 thanh niên tòng quân. Từ năm 1949 đến cuối năm 1950 có 8.000 đoàn viên được tuyển lựa bổ sung bộ đội chủ lực. Nhiều làng chiến đấu được xây dựng ở các huyện miền núi như Ngọc Lạc, Bá Thước. Nhân dân và thanh niên Thanh Hóa vô cùng phấn khởi khi được tận mắt chứng kiến chiến công của tổ công an nhân dân đã làm nổ tung chiến hạm Amiô Danhvin của giặc Pháp ở biển Sầm Sơn.
Ở Nam Định, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn TNCQ lâm thời được thành lập tháng 9-1947. Đến tháng 10, Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ nhất được triệu tập. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành do đồng chí Trần Việt Dung làm Bí thư. Cuối năm 1947, toàn tỉnh có 23.593 đoàn viên với các cơ sở Đoàn ở hầu khắp các vùng trong tỉnh. Đầu tháng 10-1947, Đội Thiếu niên Tiền phong của tỉnh chính thức thành lập để thu hút các em vào phong trào yêu nước, đánh giặc. Thanh, thiếu niên Nam Định đã nêu những tấm gương sáng chói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đó là em Phạm Đỗ Hải, 13 tuổi, làm liên lạc cho “Trung đoàn 34 Tất Thắng” (bộ đội địa phương Nam Định) trong khi đang làm nhiệm vụ thì em bị giặc bắt. Em nhanh chóng hủy hết tài liệu, dẫn được 2 lính Pháp cùng trốn thoát khỏi trại về hàng Chính phủ Việt Nam. Được tin này, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi, biểu dương Phạm Đỗ Hải.
Bốn anh em ruột con cụ Tạ Quang Yên đều hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ đã được Bác Hồ gửi thư khen và gửi quà kỷ niệm đến cụ Tạ Quang Yên.
Ở Ninh Bình, đại đội 77 bộ đội địa phương tỉnh đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của Pháp tại xã Quang Soi huyện Yên Mô vào ngày 27-10-1947, diệt 2 tên giặc lái. Lập thành tích chào mừng ngày sinh lần thứ 59 của Hồ Chủ tịch (19-5-1949), 14.607 thanh niên Ninh Bình gia nhập Vệ quốc đoàn và 2840 thanh niên tham gia dân quân du kích. Dân quân du kích góp tiền mua được 30 khẩu súng trường, 31.000 quả lựu đạn, 5.000 dao găm và 2735 mã tấu.
Tại Hải Phòng, tháng 9-1947, Đại hội lần thứ nhất Đoàn thanh niên liên tỉnh (Hải Phòng và Kiến An) được tổ chức. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đoàn liên tỉnh do Phạm Tân làm Bí thư. Đại hội nêu lên nhiệm vụ của thanh niên là tích cực tham gia dân quân du kích, xây dựng làng chiến đấu. ở vùng tạm bị chiếm, thanh niên có nhiệm vụ xung kích trong các hoạt động phục hồi, xây dựng cơ sở cách mạng, diệt tề, trừ gian...
Trong các năm 1948-1949, phong trào thanh niên cả nước có bước phát triển mới. Tổ chức Đoàn được củng cố, mở rộng. Tại Hà Nội, toàn thành có 94 cơ sở Đoàn với trên 3.000 đoàn viên, 4.000 thanh niên gia nhập dân quân du kích.
Tháng 12-1949, Đại hội đại biểu Đoàn TNCQ liên khu 5 lần thứ nhất họp tại Hoài Thanh, Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Đại hội đã kiểm điểm về công tác của Đoàn và phong trào thanh niên trong liên khu, thảo luận về những nhiệm vụ của thanh niên để góp phần tích cực nhất vào công cuộc giải phóng quê hương. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đoàn TNCQ liên khu V gồm 11 ủy viên, do Đống Ngạc làm Bí thư.
Trước và sau khi thành lập khu Đoàn, các Tỉnh Đoàn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là những Tỉnh Đoàn mạnh có phong trào thanh niên sôi nổi. Thanh niên hăng hái gia nhập bộ đội địa phương huyện, tỉnh và các đơn vị chủ lực của Liên khu. Chỉ riêng trong đợt động viên mùa xuân 1949, có hơn 11.700 thanh niên xung phong vào bộ đội. Khu Đoàn rất chú trọng đến công tác ở vùng địch tạm chiếm, thường xuyên cử cán bộ vào xây dựng cơ sở giúp tổ chức Đoàn ở Bắc Quảng Nam và hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận.
Trong hai năm 1948-1949, cả nước có 1.205.500 lượt đoàn viên và thanh niên gia nhập quân đội. Tại Huế, 100 học sinh Trường quốc học trốn ra vùng giải phóng tham gia quân đội. Thôn Tri Khê (xã Hùng Thắng, Kiến An) có 319 thanh niên thì đã có 254 thanh niên tình nguyện đi bộ đội.
Hưởng ứng sắc lệnh nghĩa vụ quân sự của Chính phủ, cuối năm 1949, đã có 500.000 thanh niên các tỉnh miền Bắc tình nguyện ghi tên ra nhập quân đội.
Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ngày càng trưởng thành. Từ 8.000 chiến sĩ trong quân đội chủ lực ngày toàn quốc kháng chiến, sau 3 năm xây dựng đã tăng lên 23.000 chiến sĩ. Tháng 8 - 1949, Đại đoàn chủ lực đầu tiên, Đại đoàn quân Tiên phong được thành lập. Tiếp đến, các Đại đoàn bộ binh 304, 312, 316, và Đại đoàn công binh, pháo binh 351 lần lượt ra đời. Đó là sự trưởng thành của ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích...
Ngoài phong trào tòng quân, giết giặc, tham gia dân quân, du kích, ở vùng giải phóng Đoàn động viên tuổi trẻ cả nước tham gia mọi mặt công tác để xây dựng chế độ mới. Phong trào sản xuất tự túc được thanh niên hưởng ứng mạnh mẽ và đã thu được những thành quả quan trọng. Đoàn tổ chức các đội thanh niên xung phong đi khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, tăng diện tích trồng lúa và rau màu các loại, nhờ vậy, tự túc được về lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thông dụng trong đời sống dân quân ở vùng giải phóng. ở khu 5, thanh niên đã góp phần tích cực tăng diện tích trồng màu trong toàn Liên khu lên hơn hai lần kể từ 1945 đến 1950 đã tự trang trải được nhu cầu lương thực và còn có dự trữ.
Năm 1950, hàng triệu tấn lương thực được thu hoạch ở vùng giải phóng từ Liên khu IV trở ra.
Phong trào lao động sáng tạo của thanh niên công nhân trong các công binh xưởng, nhà máy, xí nghiệp ở nơi rừng sâu, hang núi đã góp sức cùng tiền tuyến diệt thù.
Đoàn đã phát động trong thanh niên phong trào xóa nạn mù chữ, xây dựng cuộc sống mới ở vùng giải phóng. Đến cuối năm 1950, có 7500 thôn trong 1500 xã ở 84 huyện thuộc 10 tỉnh phía Bắc đã thanh toán xong nạn mù chữ. Cuộc sống ở vùng tự do và vùng du kích ngày càng đổi mới. Các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, trộm cắp giảm dần thay vào đó là phong trào đời sống mới “vui, trẻ, khỏe” lành mạnh. ở Liên khu V có 120.000 người từ 8 tuổi trở lên thoát nạn mù chữ, 20 vạn người theo học các lớp bổ túc văn hóa...
Trong những năm 1949 - 1950, phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp từ Nam chí Bắc nhằm chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chống “độc lập” giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, đòi được học bằng tiếng mẹ đẻ...
Ngày 9-1-1950, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn-Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường Pêtơruýt Ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, các Trường Đại học Y dược, Pháp lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học... cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt. Đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và dinh thủ hiến bù nhìn đưa yêu sách. Bọn cảnh sát và lính lê dương đã đàn áp dã man đoàn biểu tình và giết hại anh Trần Văn Ơn, một tấm gương dũng cảm tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý trí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên.
Thanh niên và nhân dân cả nước vô cùng căm phẫn và cực lực lên án cuộc tàn sát dã man học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn của giặc Pháp.
Ngày 12-1-1950, đám tang anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người trực tiếp đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng và 10 vạn người đứng trên các hè phố Sài Gòn tỏ tình đoàn kết và ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh bất khuất của học sinh - sinh viên.
Suốt trong tháng 1-1950, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn đã tổ chức 22 cuộc đình công để ủng hộ phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh.
Ở Hà Nội, hơn một vạn thanh niên học sinh, sinh viên và nhân dân đã tham dự lễ truy điệu anh Trần Văn Ơn và tổ chức nhiều cuộc bãi khóa lớn trongtoàn thành phố.
Thanh niên học sinh Hải Phòng, Huế và các thành phố trong cả nước đều tổ chức bãi khóa phản đối địch khủng bố, tàn sát học sinh Sài Gòn và làm lễ truy điệu anh Trần Văn Ơn. Tại trường Quốc học, 4.000 học sinh Huế đã lập bàn thờ và làm lễ truy điệu anh Trần Văn Ơn với hai câu đối lớn đặt bên cạnh bàn thờ đã cổ vũ tinh thần yêu nước của thanh niên:
"Ai chết vinh buồn chăng?
Ai sống nhục thẹn chăng?"
Phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên đã có tiếng vang lớn trong cả nước và được sự ủng hộ, hưởng ứng của các tổ chức thanh niên tiến bộ trên thế giới.
Đại hội Liên Đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 2-1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống của học sinh, sinh viên.
Ngày 21-3-1950, Hội Liên hiệp sinh viên quốc tế đã gửi điện ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của học sinh, sinh viên Việt Nam và gửi điện cho Thủ tướng Pháp phản đối việc dùng cảnh binh bắn giết và bắt bớ học sinh, sinh viên Việt Nam.
Ngày 19-3-1950 cũng là một ngày lịch sử vẻ vang của thanh niên và nhân dân Sài Gòn. Ngày ấy, Mỹ đưa hai tàu chiến đến cảng Sài Gòn để diễu võ dương oai nhưng bị 3000 thanh niên, học sinh, sinh viên và 500.000 nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn bất chấp sự đàn áp của giặc, rầm rộ xuống đường biểu tình với cờ đỏ sao vàng và hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Đế quốc Mỹ cút đi”. Cùng với cuộc đấu tranh của nhân dân và tuổi trẻ Sài Gòn - Chợ Lớn, bộ đội ta đã nã pháo vào tàu chiến Mỹ. Cuối cùng tàu chiến Mỹ phải rút khởi Sài Gòn ngay đêm hôm 19-3.
Ngày 19-3 trở thành Ngày toàn quốc chống Mỹ của nhân dân ta.

Liên kết website