Chương III

ĐOÀN KẾT ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP, PHÁT XÍT NHẬT, GIÀNH LẠI QUYỀN ĐỘC LẬP, TỰ DO CHO DÂN TỘC


Ngày 1 tháng 9 năm 1939, phát xít Đức tiến công Ba Lan. Ngày 3 tháng 9 năm 1939, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình mọi mặt ở Đông Dương và Việt Nam.
Để phục vụ cho chiến tranh, thực dân Pháp ở Đông Dương ban bố lệnh Tổng động viên ra sức cướp của, tăng giờ làm việc, giảm tiền lương của công nhân và bắt thanh niên đi lính. Chúng thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Các quyền tự do, dân chủ mà thanh niên và nhân dân ta giành được trong trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ đều bị xóa bỏ. Các tổ chức của công nhân và thanh niên đều bị chúng giải tán. Chúng ra sức bắt bớ, truy lùng những chiến sĩ cộng sản.
Ngày 29 tháng 9 năm 1939, Trung ương Đảng ta ra “thông cáo cho các đồng chí các cấp bộ” giải thích tình hình thế giới và tình hình trong nước, đồng thời đề ra một số chủ trương ứng phó trước mắt.
Tháng 11 - 1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) có Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần,v.v... tham dự. Nghị quyết hội nghị nhấn mạnh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương “Bước đường sinh tồn của dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng”.  Hội nghị chủ trương lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các giai cấp và dân tộc ở Đông Dương để đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai của chúng.
Theo chủ trương của Đảng, Đoàn Thanh niên phản đế tiếp nối sự nghiệp vẻ vang dân chủ trước đây. Đoàn đã xây dựng được cơ sở ở nông thôn, trong nhà máy và các trường học. Trong tình hình mới, tổ chức Đoàn hoạt động bí mật và được tổ chức chặt chẽ. Những đoàn viên thanh niên dân chủ chuyển thành đoàn viên thanh niên phản đế, các hội viên thanh niên trong các tổ chức thanh niên phổ thông được giao những công tác thích hợp để thử thách, bồi dưỡng. Người nào có tinh thần hăng hái đấu tranh, tích cực hoạt động được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Phản đế. Để nhanh chóng hình thành đội quân xung kích và đội hậu bị của Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng ta đã trực tiếp giúp đỡ Đoàn xây dựng tổ chức. Nhiều cơ sở Đoàn đã được phát triển ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn Tây, Quảng Trị và nhiều tỉnh ở Nam Bộ. Ở các thành phố, Đoàn chú trọng công tác vận động thanh niên công nhân và học sinh.
Để mở rộng các hình thức tập hợp thanh niên sau khi phong trào dân chủ bị địch đàn áp, tại Sài Gòn, những Câu lạc bộ học sinh được hình thành, đầu tiên là ở trường Trung học Trương Vĩnh Ký do anh Huỳnh Văn Tiểng đứng đầu. Tiếp đến  là sự ra đời của tổ chức tham quan và du lịch do các anh Trịnh Kim Anh, Nguyễn Văn Ảnh, Võ Thế Quang... phụ trách. Hoạt động tham quan, du lịch thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Qua hoạt động này anh chị em được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và nhiều người đã đứng vào các tổ chức bí mật do Đảng ta lãnh đạo, hăng hái đấu tranh chống địch. Ở Hà Nội, mặc dù bị địch ra sức khủng bố, cơ sở Đoàn Thanh niên Phản đế vẫn phát triển khá nhanh. Đoàn xuất bản tờ báo “Tiền phong” không những chỉ lưu hành ở Hà Nội mà còn lưu hành trong nhiều tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Hoạt động của thanh niên phản đế Hà Nội khá phong phú. Nhiều đoàn viên và thanh niên đã tham gia rải truyền đơn kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên Xô, chống đàn áp khủng bố nhân dân...
Anh Nguyễn Lam là một trong những cán bộ thanh niên phản đế hoạt động rất tích cực. Bị địch bắt giam tại Hỏa Lò, anh cùng hai đồng chí đoàn viên khác đã bí mật, kiên trì đào được một đường hầm từ nơi bị giam nối liền với cống thoát nước. Trong một đêm mưa bão, anh đã cùng các đồng chí vượt ngục thành công trở về hoạt động trong đội ngũ của Đoàn.
Tháng 6-1940, nước Pháp bị quân đội phát xít Hítle chiếm đóng. Nhân cơ hội này, tháng 9 - 1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương. Thực dân Pháp nhanh chóng đầu hàng quân Nhật. Từ đây nhân dân Việt Nam bị hai kẻ thù cùng thống trị là phát xít Nhật và thực dân Pháp. Nhưng nhân dân Việt Nam bất khuất và nổi đậy chống cả Nhật lẫn Pháp. Tháng 9 - 1940, nhân dân châu Bắc Sơn vùng lên khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, nhân dân ở nhiều tỉnh Nam Bộ cũng đã vùng lên đấu tranh quyết liệt chống quân thù. Tháng 1 - 1941, nổ ra cuộc nổi dậy của anh em binh lính ở đồn Chợ Rạng và đồn Đô Lương (Nghệ An). Các cuộc khởi nghĩa này là bước đầu đấu tranh vũ trang của cả dân tộc Việt Nam, báo hiệu một thời kỳ mới, thời kỳ chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền trong toàn quốc.
Theo chủ trương của Đảng, lực lượng vũ trang khởi nghĩa Bắc Sơn được chuyển vào rừng hoạt động du kích. Mùa xuân năm 1941, tại khu rừng Khuôi Nọi (xã Vũ Lê, Châu Bắc Sơn), đội du kích Bắc Sơn được thành lập. Đội gồm hơn 30 chiến sĩ mà hầu hết là đảng viên trẻ và đoàn viên, tất cả đều đã tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn và chiến đấu chống sự đàn áp khủng bố của quân thù ngay từ đầu. Trong buổi lễ thành lập, trước đông đảo đồng bào địa phương đến tham dự, đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng giao nhiệm vụ giết giặc cứu nước cho đơn vị.
Ít lâu sau đội du kích đổi tên là Cứu quốc quân do Phùng Chí Kiên, ủy viên Trung ương Đảng làm Chỉ huy trưởng Cứu quốc quân, tuy lực lượng còn nhỏ bé, súng đạn và lương thực thiếu thốn nhưng luôn giữ vững chí khí chiến đấu ngoan cường. Có thời gian đơn vị anh dũng đương đầu với hàng nghìn quân địch trong một chiến dịch càn quét dài ngày, nhưng đơn vị đã đánh tiêu hao nhiều giặc và bảo toàn được lực lượng. Một trong những tấm gương kiên cường của Cứu quốc quân Bắc Sơn là đoàn viên Hà Văn Mạnh. Anh vào Đoàn từ trước Bắc Sơn khởi nghĩa giữ trách nhiệm tiểu đội trưởng của đơn vị. Trong một trận tấn công của giặc vào Tràng Xá, Hà Văn Mạnh tình nguyện ở lại chặn địch để trung đội rút đi nơi khác. Anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng. Trong cuốn “Nhật ký Cứu quốc” đã có hai câu thơ ca ngợi anh:
"Hoa liềm búa nở trên mộ Anh yên nghỉ
Anh không chết và chúng tôi còn chiến đấu"...
Du kích Bắc Sơn, đơn vị vũ trang do Đảng tổ chức và lãnh đạo đã nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn. Cứu quốc quân Bắc Sơn xứng đáng là một trong những tổ chức tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam anh hùng sau này.
Ngày 23 tháng 11 năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ mặc dù đã có lệnh hoãn của Trung ương Đảng nhưng không truyền đạt kịp. Ở hầu khắp các tỉnh miền Nam nhất là ở Mỹ Tho, quần chúng nổi dậy chiến đấu dũng cảm. Chính quyền của địch ở một số xã và quận hoang mang, tan rã. Đội viên các đội tự vệ và du kích trong cuộc khởi nghĩa hầu hết là trẻ tuổi. Họ hăng hái chiến đấu chống địch bằng vũ khí thô sơ. Trong trận đánh quân tiếp viện của quân địch từ Tây Ninh đến ứng cứu cho quân lỵ Hóc Môn bị quân khởi nghĩa vây hãm, du kích đã bắn chết tên thực dân ác ôn cùng nhiều lính địch ở Cầu Bông. Ở Mỹ Tho, các đội tự vệ cùng nhân dân phá tan bộ máy chính quyền của địch ở 54 trong tổng số 57 xã thuộc hai huyện Châu Thành và Cai Lậy. Ở những  xã này các tổ chức Đảng và quân khởi nghĩa đã tịch thu các kho thóc của bọn địa chủ chia cho dân nghèo. Cũng tại Mỹ Tho, lần đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng sau này trở thành lá cờ của Mặt trận Việt Minh, quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau đại thắng mùa xuân 1975.
Trong ngày thành lập chính quyền đầu tiên của tỉnh, hai đội tự vệ gồm toàn đoàn viên và thanh niên đã giơ tay xin thề dưới lá cờ đỏ sao vàng quyết chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng.
Tại Vĩnh Long, một đội du kích gồm 50 chiến sĩ rất trẻ dưới sự chỉ huy của đồng chí Hồng, một đảng viên 24 tuổi, bí thư quận ủy Vũng Liêm đã đánh chiếm và làm chủ quận lỵ một số ngày.
Ở đảo Hòn Khoai dưới sự chỉ huy của chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Phan Ngọc Hiển, quân khởi nghĩa hầu hết là đoàn viên, thanh niên đồng loạt tiến công tiêu diệt tên thực dân chủ đảo thu toàn bộ điện đài, vũ khí và kéo cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm cùng tấm băng lớn mang dòng chữ: “Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế muôn năm”, quân khởi nghĩa dùng thuyền đã được chuẩn bị trước thẳng tiến về đất liền. Tuổi trẻ và nhân dân Rạch Gốc tập hợp đông đảo trên bến hân hoan đón mừng quân khởi nghĩa chiến thắng cập bến lúc mặt trời vừa ửng đỏ. Tuy nhiên lúc này cuộc khởi nghĩa trên đất liền bị địch dập tắt. Quân khởi nghĩa Hòn Khoai phải đơn độc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù đông gấp nhiều lần. Sau mười ngày cầm cự vô cùng anh dũng, quân khởi nghĩa Hòn Khoai chẳng may lọt vào trận địa phục kích của địch.
Thực dân Pháp đã đàn áp cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ hết sức dã man. Gần 6.000 người bị bắt và bị giết, nhiều làng bị ném bom và đốt phá. Người nữ chỉ huy trẻ tuổi Nguyễn Thị Bảy đã làm cho quân thù khiếp sợ và khâm phục. Chúng gọi chị là “Hoàng hậu đỏ”. Nhục hình, tra tấn dã man không khuất phục được chị. Chị nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Chúng bay chỉ có thể lấy máu của người cộng sản chứ không thể lấy được một lời cung khai phản bội”.
Tháng 12 năm 1941, kẻ thù đã đưa các chiến sĩ trẻ tuổi tham gia khởi nghĩa ở Hòn Khoai gồm có Phan Ngọc Hiển, Đỗ Văn Sến, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Cự, Đỗ Văn Biên, Ngô Văn Cẩn, Ngô Kim Luân, Nguyễn Văn Đình... cùng hai đồng chí lãnh đạo của Đảng bộ Cà Mau là Quách Văn Phàn, Lê Văn Khuyên ra hành quyết tại sân vận động thị xã.
Trước lúc hy sinh, các đồng chí ta đã đồng loạt hô to:
- Đả đảo đế quốc Pháp.
- Việt Nam độc lập muôn năm.
- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm.
Khởi nghĩa Nam Kỳ là một trong những trang chói lọi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ và nhân dân Việt Nam, là tiếng kèn xung trận vang vọng núi sông từ Nam ra Bắc dưới ngọn cờ của Đảng.
*
*   *
Tháng 11-1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh), có đồng chí Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ... tham dự. Hội nghị đã phân tích tình hình chiến tranh thế giới lần thứ 2 và tác động của chiến tranh đối với Đông Dương. Hội nghị đã đi đến dự đoán rất sáng suốt: “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành quyền tự do, độc lập”.
Hội nghị chủ trương đi đôi với việc mở rộng Mặt trận Phản đế, phải lựa chọn những người hăng hái nhất trong các đoàn thể của Mặt trận tổ chức  của đội tự vệ và trực tiếp võ trang cho dân chúng. Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI, tổ chức Đoàn đưa nhiều cán bộ, đoàn viên và những thanh niên tích cực tham gia vào các đội tự vệ, làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh chống Nhật - Pháp.
Bước sang năm 1941, tình hình thế giới và trong nước diễn biến ngày một khẩn trương và phức tạp.
Từ khi quân đội Nhật vào Đông Dương, mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp ngày càng sâu sắc, tuy phải tạm thời thỏa hiệp với nhau nhưng cả hai đều tìm cách triển khai thế lực đợi thời cơ tiêu diệt nhau. Nhân dân Đông Dương chịu cảnh “một cổ hai tròng”, dưới ách thống trị tàn bạo của Nhật - Pháp nên ngày một bần cùng, đói khổ... do vậy ngày càng nhanh chóng giác ngộ cách mạng.
*
*   *
Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ của Đảng và dân tộc đã bí mật về nước ở vùng Pắc Bó để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta. Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng căn cứ địa, tổ chức đoàn thể Cứu quốc và chuẩn bị Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp tại Pắc Bó (Cao Bằng) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện của Quốc tế Cộng sản triệu tập và chủ trì. Tham gia Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt...
Trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc tình hình trong nước và thế giới, Hội nghị xác định, cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc, các lực lượng cách mạng của dân tộc cần tập trung mũi nhọn vào bọn phát xít xâm lược Pháp - Nhật, bởi vì: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp trâu ngựa, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Để tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Pháp - Nhật, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) và các Hội Cứu quốc, trong đó có Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Hội nghị đã xác định: “Việt Nam Thanh niên Cứu quốc đoàn từ nay là đoàn thể của tất thẩy thanh niên từ 18 tuổi đến 22 tuổi muốn tranh đấu đánh Pháp đuổi Nhật”.
Như vậy, Đoàn Thanh niên Cứu quốc là một tổ chức của những thanh niên yêu nước có nhiệm vụ tham gia vào cuộc đấu tranh của dân tộc đánh Pháp đuổi Nhật. Đoàn TNCS tiếp nối sự nghiệp của các tổ chức thanh niên do Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn ái Quốc sáng lập, lãnh đạo trước đó.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII có ý nghĩa lịch sử to lớn. Hội nghị đã hoàn chỉnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong thời kỳ mới. Hội nghị nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cứu quốc trong cao trào đấu tranh giành giải phóng dân tộc.
Từ khi ra đời tìm đường cứu nước cho đến lúc trở về Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng những lớp thanh niên cách mạng. Cuối năm 1940, sau khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ, địch ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng nên một số người yêu nước, trong đó có hơn 40 thanh niên ở các tỉnh biên giới Việt - Trung phải tạm lánh sang Trung Quốc. Số thanh niên này đều là những người hoạt động tích cực ở các cơ sở cách mạng trong nước, nhiều người là đoàn viên thanh niên phản đế, do vậy, các cơ sở Đảng của ta ở đây đã tìm mọi cách gửi họ sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) để tránh giặc khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở gần biên giới Việt - Trung và chuẩn bị về nước. Được tin có thanh niên Việt Nam sang, Người quyết định mở lớp huấn luyện để đào tạo bồi dưỡng cho số anh em và giao cho đồng chí Phùng Chí Kiên tổ chức lớp học. Lớp học đã cung cấp một số cán bộ hoạt động tích cực cho Đoàn, cho Đảng. Họ đã trở thành những hạt nhân xây dựng phong trào, đặc biệt là xây dựng cơ sở Đoàn Thanh niên Cứu quốc.
Dưới ánh sáng nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, công tác vận động thanh niên đã có bước phát triển mới. Được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo, nhiều cơ sở Đoàn được khôi phục và xây dựng. Ban Chấp hành huyện Đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên ở vùng núi được thành lập tại Hà Quảng do Đàm Minh Viễn làm Bí thư.
Cuối năm 1941, Ban Chấp hành Thành Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội được thành lập gồm 5 người trong đó có Nguyễn Lam, Nguyễn Khang... tạo ra sự chỉ đạo thống nhất trong phong trào thanh niên. Thành Đoàn đã cho in lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc và truyền đơn của Mặt trận Việt Minh phổ biến trong thành phố. Từ cuối năm 1942 trở đi nhiều cơ sở Đoàn được xây dựng ở nông thôn, nhất là ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn... Đội Nhi đồng Cứu quốc ra đời ở Nà Mạ (Cao Bằng). Nhiều đội viên đã được già Thu tức Bác Hồ chăm sóc, giáo dục và một số đội viên đã giúp việc giao liên cho già Thu. Trong thời gian này anh Kim Đồng là người đội viên thiếu niên đầu tiên đã nêu cao tinh thần hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ.
Ở Nam Bộ, sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đế quốc Pháp đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng, nhưng cơ sở của Đoàn vẫn được duy trì. Khi có Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 nhiều cơ sở mới lại được xây dựng tại các nhà máy, trường học, nhất là ở các vùng nông thôn. Tại một số địa phương hệ thống tổ chức của Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã thống nhất đến huyện, có nơi đến tỉnh.
Song song với công tác xây dựng và phát triển tổ chức, Đoàn đã tập hợp đông đảo các tầng lớp thanh niên tham gia nhiều hình thức hoạt động văn hóa xã hội... động viên họ tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận Việt Minh, đóng góp xứng đáng vào cao trào cứu nước.
Ở Hà Nội, từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1941, đoàn viên và thanh niên đã có những hoạt động gây ảnh hưởng sâu rộng theo lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc. Thành Đoàn tổ chức được một cơ sở in bí mật đặt tại phố Hàng Nón (Hà Nội). Theo thống kê của Sở mật thám Pháp, chỉ trong tháng 12-1941 có 13 vụ rải truyền đơn và treo cờ đỏ sao vàng trong thành phố.
Tại nhiều vùng nông thôn, các cuộc đấu tranh chống thu mua thóc tạ, chống phá lúa trồng đay, trồng thầu dầu, đòi chia lại công điền của nông dân diễn ra quyết liệt dưới hình thức biểu tình có tính chất nửa vũ trang đánh trả lính Nhật quấy nhiễu, diệt trừ Việt gian... Ở Thái Bình, thanh niên và quần chúng nông thôn Tiền Hải đấu tranh đòi chia lại công điền. Ở Phúc Yên, thanh niên và nông dân đấu tranh phản đối việc trưng mua lạc, thầu dầu... Ở làng Cam (Gia Lâm, Hà Nội), thanh niên cùng nông dân giữ bãi không cho Nhật phá ngô trồng đay. Ở Gia Định, Hậu Giang, các đoàn viên thanh niên cứu quốc đã tuyên truyền điều lệ và chương trình của Mặt trận Việt Minh đến tận ấp, xã...
Phong trào của công nhân đã lôi cuốn và thu hút đông đảo thanh niên công nhân tham gia. Tháng 2-1942 công nhân mỏ than Hòn Gai đình công. Ngày 1-5-1942 công nhân xe lửa Gia Lâm mít tinh chống chủ nghĩa phát xít mở rộng chiến tranh. Tháng 7-1942 thợ máy sân bay Gia Lâm vây bàn giấy võ quan Nhật, phản đối lính Nhật đánh đập công nhân. Từ tháng 5-1942 đến tháng 6-1943, ở Nam Bộ có 24 cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi bán gạo vải, diêm, xà phòng theo giá quy định.
Qua cuộc đấu tranh này, tổ chức Đoàn ngày càng được củng cố và phát triển trong thanh niên.
Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của thanh niên và nhân dân ta, bọn Pháp - Nhật một mặt thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào; mặt khác, chúng đưa ra nhiều thủ đoạn lừa bịp để tranh thủ và lôi kéo thanh niên.
Lúc này, phát xít Nhật tích cực rêu rao thuyết “Đại Đông Á”, “khối thịnh vượng chung”... Chúng lập ra các tổ chức “Việt Nam thanh niên ái quốc”, “Thanh niên Hưng quốc đoàn”... Bù nhìn Pétanh ở Pháp tung ra những khẩu hiệu “Cần lao - gia đình - Tổ quốc”, “Pháp - Việt phục hưng”,v.v... Bọn thống trị Pháp còn tổ chức rầm rộ phong trào thể thao “Khỏe để phụng sự”. Chúng giao cho tên sĩ quan tình báo Đuycuaroay (Đucuaroay) tổ chức những cuộc đua xe đạp, thi bơi lội, đấu quyền Anh, thi sắc đẹp để lôi cuốn thanh niên làm cho họ lạc hướng đấu tranh cách mạng. Thực dân Pháp còn lập “Hội thanh niên công giáo”, “Tổng hội sinh viên Đông Dương”, xuất bản các sách xem bói, xem tướng, sách kiếm hiệp, trinh thám, khuyến khích đồi phong bại tục, mê tín dị đoan.
Nhằm chống lại những âm mưu, thủ đoạn của địch đầu độc thanh niên về tư tưởng, phá hoại thanh niên về tổ chức, cuối tháng 2-1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho các cấp ủy Đảng và Đoàn Thanh niên Cứu quốc “phải ra sức chống lại chính sách mê hoặc và lôi kéo thanh niên của phát xít Nhật - Pháp và lãnh đạo thanh niên đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, chính trị hàng ngày. Mỗi thành phố lớn phải có một ban thanh vận và cố gắng ra một tờ báo riêng của thanh niên. Việc soạn sách riêng cho thanh niên cũng rất cần... Phải phái người vào các đoàn Hướng đạo, hội thể dục và hoạt động. Nơi nào chưa có những tổ chức như thế thì phải lợi dụng những khả năng và hoàn cảnh mà tổ chức ra, rồi tuyển trong đó những phần tử thanh niên tốt đưa vào “Thanh niên Cứu quốc Đoàn”.
Mùa hè năm 1943, nhóm sinh viên Nam Bộ học tại Hà Nội trong tổ chức Tổng hội sinh viên Đông Dương khởi xướng phong trào “xếp bút nghiêng”. Các anh trở về Sài Gòn gia nhập vào tổ chức “Truyền bá quốc ngữ” và làm báo “Thanh Niên”... Đảng bộ địa phương đã bắt được liên lạc và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của nhóm sinh viên này trong đó có các anh Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bửu Kiếm,v.v... Các bài hát, vở kịch yêu nước như “Đêm Lam Sơn”, “Nợ Mê Linh”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Hành khúc sinh viên” (Sau này là Tiếng gọi thanh niên), “Ải Chi Lăng”... đã cổ vũ thanh niên trở về với chân giá trị dân tộc góp phần chống lại những luận điệu lừa bịp của toàn quyền Đờ Cu (Decoux), thuyết “Đại Đông Á” của Nhật...
Thực hiện chủ trương của Đảng, cuối năm 1943 đầu năm 1944 các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Hải Phòng đã thành lập được ban thanh vận. Cơ sở Đoàn được phát triển khá rộng ở Nam Định, Vinh, Đà Nẵng, Chợ Lớn... Tháng 8 năm 1944, Hà Nội thành lập Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu. Trong những năm 1942-1943 thanh niên Hà Nội có phong trào tìm đọc sách báo cách mạng của Hội Văn hóa cứu quốc. Đoàn thanh niên Cứu quốc Hà Nội ra tờ báo “Hồn nước” để tuyên truyền, tập hợp thanh niên.
Nhằm đấu tranh chống những tư tưởng tư sản phản động, văn hóa đồi trụy do kẻ thù gieo rắc và kịp thời giải thích đường lối, chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt minh, Đảng cho xuất bản hàng loạt tờ báo như: Cờ Giải phóng, Cứu quốc, Bẻ xiềng sắt, Tiền phong, Giải phóng,v.v... đặc biệt là sự ra đời của bản “Đề cương văn hóa Việt Nam” do chính đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Đây là một văn kiện rất quan trọng của Đảng ta soi sáng nhiều vấn đề trên mặt trận văn hóa cách mạng theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Báo chí cách mạng và bản “Đề cương văn hóa Việt Nam” được tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong thanh niên góp phần quan trọng thu hút nhiều thanh niên trí thức tham gia cách mạng và có ảnh hưởng rất lớn trong tuổi trẻ cả nước. Song song với nhiệm vụ đấu tranh chính trị và văn hóa Đoàn có nhiệm vụ vô cùng to lớn và cấp thiết là tham gia xây dựng các đơn vị vũ trang và bán vũ trang được thành lập ở nhiều địa phương. Các cơ sở Đoàn đã động viên nam nữ thanh niên ra sức luyện tập quân sự, tham gia các đội tự vệ, chiến đấu dũng cảm chống địch đàn áp, khủng bố, càn quét, bảo vệ căn cứ địa và cơ sở cách mạng.
Tháng 2 năm 1942-1943 các Đảng bộ vùng biên giới phía Bắc đã chọn nhiều cán bộ đoàn viên ưu tú đưa đi huấn luyện quân sự ở Trung Quốc. Các đồng chí đã trở thành những cán bộ, chiến sĩ cốt cán, tích cực trong các đội tự vệ và lực lượng vũ trang cách mạng. Tháng 8 năm 1944, theo chủ trương của Đảng, Tổng bộ Việt Minh kêu gọi và phát động phong trào “Sắm vũ khí, đuổi thù chung”. Đoàn thanh niên Cứu quốc và các tổ chức cứu quốc trong Mặt trận Việt Nam đã nhiệt liệt hưởng ứng. Phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa được Đoàn coi là nhiệm vụ hàng đầu của tất cả đoàn viên, thanh niên.
Để chuẩn bị xây dựng quân đội cách mạng của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chính thức thành lập ở Cao Bằng. Trong số 34 chiến sĩ đầu tiên ấy, tuyệt đại bộ phận là đoàn viên và đảng viên trẻ tuổi trong đó có các đồng chí mới ở tuổi 17, 18 như đồng chí Liên, đồng chí Thế Hậu...
Sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân xuất quân tiêu diệt đồn Phay Khắt và đồn Nà Ngần, thu toàn bộ vũ khí.
Sau hai trận thắng nêu trên, đơn vị được bổ sung quân số thành lập đại đội. Đoàn đã cung cấp cho lực lượng vũ trang nhân dân những cán bộ xuất sắc ngay từ những ngày đầu như Quang Trung, Nam Long, Nam Tuấn, Quốc Trung, Xuân Trường... đặc biệt có những nữ chiến sĩ và thiếu niên tham gia công tác giao liên cho đơn vị như bé Hồng đã lập công xuất sắc trong nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình quân địch.
Thời kỳ phát triển cuộc đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị của nhân dân ta góp phần đẩy mạnh cuộc vận động giải phóng dân tộc trong cả nước đã đến.
*
*   *
Từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Hồng quân Liên Xô đã quét sạch phát xít Đức ra khỏi lãnh thổ của mình và tiến như vũ bão về phía Béclin. Số phận của phát xít Đức sắp bị kết liễu. Ở Thái Bình Dương, phát xít Nhật ngày càng lâm vào tình trạng nguy khốn.
Để nắm chắc Đông Dương hơn nữa và trừ mối nguy bị quân Pháp đánh sau lưng, tối ngày 9-3-1945, Nhật đã làm đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Chưa đầy một ngày, thực dân Pháp đã nộp súng đầu hàng Nhật trên toàn cõi Đông Dương.
Từ lâu, Đảng ta đã dự đoán về cuộc đảo chính Nhật hất Pháp sẽ nổ ra.
Từ ngày 9 đến ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) do đồng chí Trường Chinh chủ trì để đánh giá tình hình cuộc đảo chính và nêu ra những chủ trương của Đảng trong thời kỳ mới. Hội nghị nhất trí nêu khẩu hiệu: “Đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật-Pháp” và phát động cao trào chống Nhật, cứu nước, gấp rút tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền... Nơi nào có điều kiện thì phát triển chiến tranh du kích, giành chính quyền ở địa phương. Để nhanh chóng thúc đẩy cao trào cứu nước, Hội nghị chủ trương chuyển sang những hình thức và phương pháp đấu tranh cao hơn và mạnh hơn như tuyên truyền xung phong, biểu tình tuần hành thị uy, mít tinh công khai, thành lập các ủy ban nhân dân cách mạng, xây dựng mở rộng các chiến khu và các căn cứ địa cách mạng.
Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nhằm cụ thể hóa những nhận định và nghị quyết của Hội nghị Trung ương.
Từ cuối tháng 3 năm 1945 trở đi, cách mạng Việt Nam đã chuyển lên thành cao trào và những cuộc khởi nghĩa từng phần liên tiếp nổ ra ở nhiều địa phương.
Trong lúc nhân dân ta gấp rút chuẩn bị Tổng khởi nghĩa thì ở Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ đã xảy ra nạn đói khủng khiếp. Hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Đó là hậu quả thảm khốc nhất của chính sách bóc lột và gây chiến của bọn phát xít Nhật - Pháp. Khẩu hiệu “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” của Đảng đã đáp ứng đúng nguyện vọng cấp bách nhất của quần chúng, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh trong nhân dân đẩy tới cao trào kháng Nhật, cứu nước dâng lên trong cả nước.
Tuổi trẻ đã hăng hái đi đầu trong cao trào quần chúng phá các kho thóc, thuyền thóc của Nhật và tích cực tham gia các đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh hoạt động ở các chợ, rạp hát, bến đò, bến xe, xí nghiệp, trường học... Nhiều nơi các đội tự vệ của Việt Minh bắt trói, tước vũ khí lính Nhật, cảnh cáo, giải tán, trừng trị bọn Việt gian đầu sỏ. Tại các thành phố, nhiều đội “danh dự Việt Minh” hoạt động trừ gian và diệt võ quan Nhật tàn ác ngay trước mũi súng quân Nhật.
Ở Hà Nội, nếu cuối năm 1944 chỉ mới có một tổ chức tự vệ ở trường bay Gia Lâm gồm 3 đồng chí đoàn viên thanh niên cứu quốc thì thời kỳ này toàn thành đã có trên 1.000 đoàn viên và những thanh niên được Đoàn giáo dục tham gia các đội tự vệ, đội tuyên truyền xung phong và đội danh dự. Ngày 18-6 đội tự vệ công nhân đã bắn tên Phó trưởng đoàn “Thanh niên ái quốc” là tay sai đắc lực của phát xít Nhật ở ngã tư phố Ngô Thì Nhậm - Lê Văn Hưu. Ngày 19-6, một tên tay sai khác của Nhật bị đội danh dự xử bắn ở dốc Hàng Kèn (nay là đường Bà Triệu), tên Phó thanh tra mật thám bị trừng trị ở Ngã Tư Sở... Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu tổ chức nhiều cuộc mít tinh, huy động hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia ở xã Mễ Trì, Chợ Canh, làng Láng,v.v... Các tổ tuyên truyền xung phong của Đoàn đột nhập diễn thuyết tại các trường Gia Long, Kỹ Nghệ thực hành; nhà máy rượu... ở Chèm và dọc đường Bưởi các đội tự vệ thanh niên thường chặn các xe vận tải chở thóc, gạo của Nhật tịch thu và phân phát cho đồng bào nghèo.
Ở Huế, Đoàn Thanh niên Cứu quốc giữ vai trò nòng cốt trong các đội tự vệ và tuyên truyền xung phong - tổ chức Đoàn đã bắt mối được với các nhóm bảo an, tổ chức việc mua súng, lấy súng địch để trang bị cho lực lượng vũ trang của ta... nhiệm vụ trừng trị bọn ác ôn và bọn Việt gian ngoan cố của các đội tự vệ được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh và cổ vũ mạnh mẽ đã góp phần đẩy mạnh cao trào cách mạng trong cả tỉnh.
Ở Sài Gòn, các đội tự vệ, thanh niên xung phong cũng được hình thành nhanh chóng và thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên tham gia. Các đội tuyên truyền xung phong đã tuyên truyền sâu rộng trong thanh niên và nhân dân chương trình và điều lệ của Mặt trận Việt Minh.
Sau cuộc đảo chính hất cẳng Pháp (9-3-1945) Iđa, quyền Tổng trưởng Thanh niên thể thao Đông Dương ngỏ ý mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra lập một tổ chức để tập hợp thanh niên và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được quyền quyết định về tổ chức, mục đích, nội dung hoạt động. Tương kế tựu kế, Xứ ủy Nam Kỳ đồng ý giao cho Phạm Ngọc Thạch cùng một số trí thức, sinh viên yêu nước đứng ra lập tổ chức thanh niên công khai, hợp pháp để tập hợp quần chúng về phía cách mạng.
Ngày 1-6-1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong ra đời. Các đồng chí Phạm Ngọc Thạch (Bác sĩ), Huỳnh Tấn Phát (Kiến trúc sư), Nguyễn Văn Thủ (Nha sĩ), Thái Văn Lung (Luật sư)... cùng các sinh viên Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ... trở thành các thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong. Xứ uỷ bố trí đảng viên cán bộ cốt cán nắm giữ những vị trí then chốt trong Thanh niên Tiền phong (TNTP). TNTP đã đưa ra nội dung và hình thức hoạt động phong phú nên đã cuốn hút được tuổi trẻ. Vì vậy chỉ trong thời gian vài ba tháng, số lượng TNTP ở Sài Gòn đã lên đến 200.000 người và toàn Nam Bộ có hơn 1 triệu người. Anh chị em TNTP đóng vai trò rất tích cực trong quá trình vận động, tập hợp lực lượng thanh niên chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã tuyển chọn kết nạp được nhiều đoàn viên trong phong trào thanh niên tiền phong. Thanh niên Tiền phong đã phát triển thành một phong trào quần chúng rộng lớn, một hình thức mặt trận được tổ chức công khai do Đảng lãnh đạo, giữ vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 20-8-1945 khi Việt Minh ra công khai hoạt động ở thành phố Sài Gòn thì TNTP tuyên bố đứng vào hàng ngũ của Mặt trận Việt minh. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, TNTP chấm dứt vai trò của mình. Số đông gia nhập Thanh niên Cứu quốc, dân quân tự vệ...
Ở các tỉnh Nam Bộ ngoài Thanh niên Tiền phong còn có các đội thanh niên chiến đấu, thanh niên cảm tử... được thành lập đáp ứng yêu cầu tình hình cách mạng. Ở Mỹ Tho đã tổ chức được 3 trung đội du kích với 32 khẩu súng và mở lớp huấn luyện về chiến thuật du kích cho cán bộ cơ sở trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Giữa lúc cao trào kháng Nhật của nhân dân ta phát triển đến đỉnh điểm, toàn dân đã sẵn sàng xông lên khởi nghĩa thì ngày 8-8-1945 Liên Xô tuyên chiến với Nhật, chỉ trong thời gian ngắn Xô viết anh hùng đã tiêu diệt hoàn toàn đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật gồm 1 triệu tên. Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh không điều kiện. Thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến.
Trước tình hình khẩn cấp đó, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp ở Tân Trào. Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân đồng minh tiến vào Đông Dương để giải pháp quân Nhật.
Tiếp sau Hội nghị toàn quốc của Đảng Đại hội quốc dân cũng họp tại Tân Trào vào ngày 16-8-1945 thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa và bầu ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đồng chí Vũ Oanh và đồng chí Vũ Quang làm đại biểu của thanh niên Hà Nội tham dự Đại hội Tân Trào.
Mệnh lệnh khởi nghĩa đã được truyền đi từ Tân Trào. Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời hiệu triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước nổi dậy giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” Ngay trong đêm 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã gửi Quân lệnh số 1 lệnh cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nhanh chóng vùng dậy tranh quyền độc lập cho đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn hai mươi triệu đồng bào cả nước ta từ Bắc đến Nam đã đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa long trời lở đất giải phóng toàn bộ đất nước giành chính quyền về tay nhân dân.

Đoàn Thanh niên Cứu quốc lúc này đã có lực lượng hùng hậu gần 30.000 đoàn viên và thanh niên cảm tình của Đoàn có mặt ở các trung tâm chính trị - kinh tế lớn của cả nước. Đây là đội quân xung kích giữ vai trò nòng cốt trong cao trào khởi nghĩa của quần chúng. ở tất cả các trọng điểm, hàng vạn thanh niên tự vệ, thanh niên xung phong dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đánh chiếm các huyện lỵ, tỉnh lỵ, trại lính, công sở của địch... Từ 14 đến ngày 18-8 cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở nhiều huyện trong khu giải phóng và một số tỉnh đồng bằng ở miền Bắc, một số tỉnh ở miền Trung, và ở các thị xã Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tỉnh, thị xã Hội An (Quảng Nam)...
Ở Hà Nội, ngày 17-8-1945, mặc dầu Nhật đã đầu hàng nhưng bọn tay sai Nhật còn dùng “Tổng hội viên chức” tổ chức cuộc mít tinh lớn ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, đoàn viên thanh niên trong đội tuyên truyền xung phong và đội tự vệ đã chiếm diễn đàn cuộc mít tinh, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt minh và tham gia Tổng khởi nghĩa. Cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy, làm cho bọn tay sai của Nhật trong chính phủ bù nhìn hoang mang, dao động đến cực độ. Trước tình hình ấy, Xứ ủy và Thành ủy lập tức quyết định khởi nghĩa ở Hà Nội vào ngày 19-8-1945.
Từ sáng sớm ngày 19-8 cả Hà Nội đã vùng lên. Sau cuộc mít tinh lớn, quần chúng cách mạng sắp xếp thành đội ngũ dẫn đầu là các đơn vị tự vệ chiến đấu trẻ tuổi đã nhanh chóng tỏa đi các hướng chiếm phủ Khâm sai, trại Bảo an binh, Sở cảnh sát và các công sở khác của chính quyền bù nhìn.
Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội làm cho chính quyền bù nhìn thêm tê liệt, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các địa phương gấp rút nổi dậy. Ngày 23-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Huế. Hàng chục vạn thanh niên và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã vùng lên tiến công phát xít Nhật, chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn và hoàn toàn làm chủ thành phố.
Ngai vàng cuối cùng của chế độ phong kiến bị đánh đổ. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên kỳ đài uy nghi. Ngày 30-8 tại lầu Ngọ Môn, trước hàng vạn đồng bào các giới, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao lại ấn kiếm cho đại diện chính quyền cách mạng từ Hà Nội vào.
Ở Nam Bộ, lệnh khởi nghĩa đã được truyền đi. Ngay đêm 24-8-1945, ở Sài Gòn lực lượng cách mạng chiếm dinh Khâm sai và nhiều cơ quan trọng yếu khác. Ba giờ sáng ngày 25-8-1945, cả Sài Gòn đã vang lên tiếng hát “Lên đàng”, “Thanh niên hành khúc”... và tiếng hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đả đảo phát xít Nhật, ủng hộ Việt minh” ... Một cuộc mít tinh lịch sử diễn ra giữa Sài Gòn hân hoan chào đón kỳ bộ Việt minh, Ủy ban hành chính lâm thời ra mắt đồng bào và tuổi trẻ thành phố.
Như vậy là chỉ trong vòng hơn 10 ngày đêm, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Hai mươi lăm triệu đồng bào cả nước đứng lên làm chủ vận mệnh Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) trước cuộc mít tinh của một biển người, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử tuyên bố trước nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Trong cao trào giải phóng dân tộc mà đỉnh cao nhất là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Thám năm 1945, dưới ngọn cờ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã động viên, tổ chức tuổi trẻ cả nước góp phần xứng đáng vào thành công to lớn của cuộc Tổng khởi nghĩa. Đoàn thật sự là đội xung kích cách mạng, lực lượng tiên phong và hạt nhân tập hợp hàng triệu nam nữ thanh niên Việt Nam đứng lên cùng toàn dân đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự lớn mạnh về mọi mặt của tổ chức Đoàn là điều kiện hết sức quan trọng để Đoàn tiếp tục gánh vác nhiệm vụ vẻ vang cùng toàn dân xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng.
Chặng đường lịch sử từ 1925 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tuy chỉ có 20 năm song trên đất nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại. Đó là giai đoạn chuẩn bị thành lập Đảng, chuẩn bị xây dựng Đoàn; giai đoạn đấu tranh quyết liệt chống đế quốc, phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam theo tư tưởng và đường lối của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất quyết định thắng lợi hoàn toàn của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Ngay từ năm 1925, tại Trường Huấn luyện cán bộ thanh niên ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định muốn cách mạng thắng lợi phải có Đảng cách mạng lãnh đạo, Đảng ấy phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng; Đảng ấy phải biết vận động, tập hợp, huấn luyện quần chúng để tạo ra sức mạnh thực hiện đường lối cách mạng của Đảng.
Luận điểm đúng đắn, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là thức tỉnh thanh niên để đi tới thức tỉnh cả dân tộc hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta - một nước thuộc địa và nửa phong kiến đã đưa lại những thành công to lớn trong hoạt động thực tiễn.
Xuất phát từ sự nhìn nhận đúng đắn vai trò của tuổi trẻ trong lịch sử cũng như khả năng cách mạng to lớn của họ trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo Đảng ta và chính Người cũng là người sáng lập, rèn luyện Đoàn ta “từ lúc đầu hiếm hoi chỉ có 8 cháu” như Người đã từng nói. Đây là vinh dự lớn cho các thế hệ trẻ nước ta.
Ngay sau khi ra đời, Đảng ta liền bắt tay vào quá trình xây dựng hệ thống tổ chức Đoàn.
Đoàn là tổ chức thanh niên kiểu mới đầu tiên ở nước ta, là đội dự bị tin cậy và đội xung kích cách mạng của Đảng. Đó là những vấn đề cốt lõi mà trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc và trong “án nghị quyết về cộng sản thanh niên vận động” của Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930 đã khẳng định.
Công lao to lớn không gì so sánh được của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đem lý tưởng cách mạng đến cho lớp thanh niên đầy tâm huyết đang trăn trở tìm đường đi để giải phóng dân tộc và giai cấp khỏi cảnh sống nô lệ, lầm than hồi đầu thế kỷ sau bao lần thất bại của các tiền liệt yêu nước.
Đoàn ra đời là một tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trọng đại trong thời kỳ cách mạng mới. Dù mang những tên gọi khác nhau, hoạt động trong những điều kiện khác nhau, song tính chất của Đoàn không bao giờ thay đổi, mối quan hệ giữa tổ chức Đoàn và các phong trào thanh niên yêu nước cũng như với đông đảo thanh niên ngày thêm gắn bó chặt chẽ.
Trong những cuộc tổng diễn tập rộng lớn, quyết liệt như Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931); cao trào đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh (1931-1939); cao trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa (1940-1945) do Đảng lãnh đạo, lớp lớp đoàn viên, thanh niên đã chiến đấu, hy sinh vô cùng quả cảm xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân ta. Tổ chức Đoàn như Bác Hồ đã nói lúc đầu rất hiếm hoi, song từ trong thực tiễn đấu tranh và được Đảng chăm lo xây dựng, rèn luyện nên đã phát triển không ngừng, lớn mạnh về cả tư tưởng và tổ chức, hoàn thành thắng lợi vai trò là hạt nhân chính trị tập hợp, đoàn kết các lực lượng thanh niên trong cả nước giành chính quyền về tay nhân dân vào mùa thu Cách mạng năm 1945.
Tuy nhiên quá trình phát triển của Đoàn trong thời kỳ hoạt động từ 1931 đến 1945 cũng cho thấy:
Trong giai đoạn bọn đế quốc và phong kiến tiến hành chính sách khủng bố trắng (sau Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh) hàng nghìn cán bộ, đảng viên bị bắn giết tù đày... Không ít Đảng bộ địa phương đã chủ trương kết nạp tất cả đoàn viên vào Đảng (số chưa bị địch phát hiện) để tăng cường lực lượng cho Đảng song lại không có kế hoạch xây dựng tổ chức Đoàn, nghĩa là trên thực tế có những nơi ấy trong một thời gian (từ 1931 đến 1933) không có tổ chức Đoàn. Hiện tượng này đã được Trung ương Đảng phê phán trong một số văn bản quan trọng. Khuyết điểm này sau đó được khắc phục để đến các năm 1934 - 1935 tổ chức Đoàn mới được khôi phục lại trên phạm vi toàn quốc.
Vào giai đoạn hoạt động vừa bí mật vừa nửa công khai (1936 - 1939) do nhu cầu khách quan phải khẩn trương mở rộng phạm vi ảnh hưởng, phải có đội ngũ cán bộ, đoàn viên đông đảo để triển khai công tác trên nhiều lĩnh vực cho nên nhiều cấp bộ Đoàn phát triển ồ ạt coi nhẹ chất lượng đoàn viên. Không ít cơ sở đã kết nạp những người mới tham gia một số hoạt động chứ chưa thật sự giác ngộ về lý tưởng của Đoàn. Vì vậy đến khi cách mạng gặp khó khăn, các tổ chức quần chúng của Đảng phải chuyển vào hoạt động bí mật hoàn toàn đặc biệt là đứng trước những thách thức mới, một số cán bộ, đoàn viên không đáp ứng được nhiệm vụ được giao, thậm chí nằm im hoặc xa rời tổ chức mà mình đã tự nguyện gia nhập.
Đến trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, tổ chức Đoàn tuy đã được xây dựng ở hầu khắp các trung tâm kinh tế, chính trị lớn trong cả nước, song Đoàn chưa bao quát được việc tập hợp các lực lượng, các tổ chức thanh niên yêu nước vào một mặt trận thanh niên thật rộng rãi đáng ra phải sớm được hình thành để phát huy hiệu quả.
Đây là những vấn đề cần được rút ra ở chặng đường đầu. Lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đoàn và phong trào thanh niên nước ta dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu từ những ngày đầu mới thành lập cho đến khi cùng toàn dân hoàn thành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một chặng đường vô cùng oanh liệt, hào hùng với biết bao anh hùng, liệt sỹ, chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho sự nghiệp cao cả của dân tộc và của Đảng. Những trang sử vàng ấy đời đời khắc ghi vào tâm trí các thế hệ trẻ nước ta.
(Lịch sử Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam - Nhà xuất bản Thanh niên)

Liên kết website