Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiển (phải) cùng người anh song sinh, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh, được Đoàn Sở Y tế TP.HCM tuyên dương thầy thuốc trẻ tiêu biểu
Điểm chung nhất của các gương mặt nhận giải thưởng lần này có lẽ không gì nổi bật hơn sự hy sinh, vượt trở ngại, thầm lặng cống hiến trong cuộc chiến chống dịch hai năm qua cùng thành phố chứ không chỉ đợt thứ tư. Mỗi bạn còn có sáng kiến, cải tiến chính công việc hằng ngày dù ở bất kỳ vị trí nào.
Sáng kiến và giỏi nghề
Châu Tố Uyên - nữ bác sĩ nhi khoa với hơn chục năm gắn bó cùng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1. Ngay những ngày đầu có dịch, Uyên cùng nhiều bạn trẻ khác đã nghĩ ra cách làm tấm chắn giọt bắn.
Ngoài giờ làm, các bạn tập trung lại làm. Những tấm chắn giọt bắn ra đời từ tháng 3-2020, thêm phương tiện bảo vệ cho nhân viên bệnh viện. Giai đoạn đầu dịch này, đây là sáng kiến mới mẻ, rất hữu ích.
Trong đợt dịch thứ tư vừa qua, khi bệnh nhân không thể đi khám, Tố Uyên cùng nhiều bác sĩ khác đã đề xuất và được lãnh đạo bệnh viện cho mở kênh tư vấn, khám trực tuyến miễn phí qua Zalo.
Và các bạn nhận lại nhiều phản hồi tích cực, giúp phụ huynh an tâm phần nào khi theo dõi sức khỏe của con, nhất là với những bệnh mãn tính.
TS Ngô Ngọc Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - khen tấm chắn nhìn đơn giản nhưng giúp nhân viên bệnh viện yên tâm hơn khi thăm khám, tiếp xúc người bệnh. Có một vài bệnh viện biết đến đã cử người qua học kinh nghiệm về làm cho bệnh viện của họ.
"Kênh tư vấn trực tuyến đã trấn an tinh thần phụ huynh đa số ở các tỉnh, bước đi mới song phát huy hiệu quả mà hiện mỗi ngày vẫn tiếp nhận nhiều cuộc gọi của phụ huynh xin tư vấn" - ông Minh nói.
Còn bác sĩ nha khoa Nguyễn Ngọc Hiển (Bệnh viện An Bình) lại nghĩ ra cách trấn an tâm lý trẻ em mỗi khi đến khám.
Qua một game mô phỏng, trẻ sẽ được làm quen, giới thiệu về những thiết bị, dụng cụ y tế dùng điều trị tại phòng răng. Điều này đã giúp các bé bớt sợ khi nhìn thấy bác sĩ sử dụng thiết bị điều trị, đồng thời bác sĩ cũng đỡ công "năn nỉ" khi khám chữa răng cho các bệnh nhi.
Anh Hiển còn có sáng kiến khác, tận dụng các túi gel giữ nhiệt trong túi thuốc mà khoa dược thường bỏ khi dùng hết thuốc. Anh cải tiến các túi gel này, giữ lạnh dùng để chườm cho người nhổ răng, giúp giảm sưng và viêm, giảm đau sau khi nhổ răng.
"Các sáng kiến của bác sĩ Hiển hữu dụng khi áp dụng vào chuyên môn, giúp cho quá trình theo dõi, điều trị người bệnh thuận lợi. Cả sáng kiến về ứng dụng công nghệ giúp việc quản lý chặt chẽ, giám sát kỹ quá trình làm việc của nhân viên bệnh viện, mang lại quy trình hiệu quả hơn của các bộ phận" - bác sĩ chuyên khoa II Hồ Hải Trường Giang (giám đốc Bệnh viện An Bình) cho biết.
Bác sĩ Châu Tố Uyên thăm khám cho bệnh nhi Ngọc Thiên (5 tuổi) tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: Q.L.
Chiến sĩ chống dịch
Không đứng ngoài cuộc chiến, những bác sĩ trẻ đã có mặt giữa tâm dịch từ những ngày đầu tiên, cao điểm phải kể đến đợt dịch thứ tư vừa qua. Châu Tố Uyên tăng cường qua chống dịch tại Bệnh viện Trưng Vương.
"Qua đó, tụi mình theo dõi, tính toán ngày bắt thai cho những sản phụ bị nhiễm COVID-19. Phần lớn buộc phải mổ lấy thai sớm vì người mẹ rất yếu nên phải tính cẩn thận dù bé sinh non nhưng không được quá yếu và can thiệp hỗ trợ hô hấp ban đầu ngay khi bé được lấy ra" - Uyên kể.
Rồi Uyên tình nguyện đi Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Được hơn tuần, Uyên trở thành F0 phải cách ly điều trị hết chục ngày tại đây. "Điều trị khỏi, về nhà hết thời gian cách ly, bác sĩ Uyên xung phong trở lại Củ Chi lần 2. Ban giám đốc đánh giá rất cao tinh thần này của bác sĩ trẻ nhiều triển vọng như Uyên" - ông Quang Minh chia sẻ.
Trong khi đó, ngay khi dịch cao điểm, bác sĩ Ngọc Hiển đã ăn ở luôn tại bệnh viện suốt hai tháng liền. Có những đêm phải thức trắng cùng đồng nghiệp để truy vết các ca F1, F2 khi chẳng may có nhân viên nào đó của bệnh viện trở thành F0. Rồi đi lấy mẫu xét nghiệm, truy vết tại các điểm nóng ổ dịch.
"Anh em làm việc khá áp lực vì phải vừa đảm bảo đưa đi cách ly tập trung đúng người nhưng không để bệnh viện bị phong tỏa, tạm dừng hoạt động. Giờ kể lại để nhắc nhau giữ an toàn chứ không bao giờ mong trở lại" - Ngọc Hiển bộc bạch.
Châu Tố Uyên lần thứ tư liên tiếp nhận giải thưởng, vừa được cử đi học chuyên khoa II. Nguyễn Ngọc Hiển đã hoàn thành nửa chặng đường chuyên khoa II, hiện là phó trưởng khoa răng hàm mặt, năm thứ ba liên tiếp nhận giải. Khác chăng lần này Hiển vui hơn vì người anh song sinh - bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh (Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn) - lần đầu tiên nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch.
"Mình không nghĩ rằng mình xứng đáng hơn người khác, nhưng giải thưởng là động lực nhắc mình cần cố gắng hơn mỗi ngày, tìm đọc tài liệu, tự đào tạo để nâng cao chuyên môn của mình, hôm nay phải tốt hơn hôm qua" - Tố Uyên bày tỏ.
Tôn vinh "thiên thần áo trắng"
Từ 104 hồ sơ do các đơn vị, cơ sở y tế gửi về, hội đồng bình chọn của Thành đoàn TP.HCM đã quyết định trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 8 năm 2022 cho 80 anh chị. Giải thưởng vinh danh các cá nhân 35 tuổi trở xuống là bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế... với nhiều sáng kiến, cải tiến hiệu quả đang được ứng dụng trong công việc hằng ngày.
Bên cạnh nhiều gương mặt lần đầu nhận giải, một số anh chị đã 5 lần, 3 lần liên tiếp đạt giải thưởng này. Phần lớn gương mặt được tuyên dương năm nay đều rất tích cực tham gia phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, có người trở thành F0, được điều trị khỏi liền quay lại tiếp tục nhiệm vụ tại các bệnh viện dã chiến, điều trị bệnh nhân COVID-19.
QUỐC LINH
(tuoitre.vn)