Nguyễn Duy Anh (thứ hai, từ trái qua) hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành trí tuệ nhân tạo tại Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) - Ảnh: NVCC
Anh chàng sinh năm 1997 ấy từng được biết đến với đam mê và thế mạnh về toán học cùng nhiều giải thưởng cấp thành phố, quốc gia trước khi vào ngành toán ứng dụng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Anh bạn gen Z đang là nghiên cứu sinh ngành trí tuệ nhân tạo này còn là người sáng lập và giữ vai trò chủ tịch Mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam tại Singapore (VINS). Cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ bắt đầu với hai từ nỗ lực, Nguyễn Duy Anh chia sẻ:
- Nỗ lực là đương nhiên, song với tôi, thành quả hiện có còn nhờ sự động viên từ gia đình, thầy cô và bạn bè, nhất là những lúc tôi khó khăn.
Tôi luôn tin vào chính mình. Hồi học THCS, có người nói tôi làm gì đủ khả năng đậu vào trường chuyên. Chính câu nói ấy là động lực giúp tôi học hành nghiêm túc hơn và đậu lớp chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM).
Có nhiều lần tôi thức quá 24 tiếng, nhất là nếu rơi vào những ngày chuẩn bị trình bày nghiên cứu với thầy hướng dẫn, thực sự cũng khá căng thẳng.
Tôi từng chuẩn bị cho cuộc họp từ sáng hôm trước đến tận 9h sáng hôm sau rồi vào họp luôn với thầy. Tôi tâm niệm đừng bao giờ bỏ cuộc.
* Động lực nào giúp bạn nỗ lực không ngừng nghỉ?
- Có một bạn hồi đại học hỏi sao không đi đâu đó mở quán ăn sống bình yên qua ngày. Lúc đó tôi thấy cũng hay, nhưng liệu lựa chọn này có thực sự phù hợp với mình không. Nhưng tôi nhận ra mình không muốn sống một cuộc đời mà biết trước hôm sau sẽ làm gì.
Cũng có thể tôi còn trẻ, còn nhiều năng lượng nhưng tôi là người luôn muốn vươn lên. Tôi muốn đạt được những cột mốc mới, có những thử thách mới, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Tôi vốn có tính cạnh tranh, rất ghét mình bị thua ai đó và luôn cố gắng đạt được những mục tiêu khác nhau trên hành trình phát triển bản thân.
* Vì sao bạn chọn trí tuệ nhân tạo để theo đuổi bậc tiến sĩ?
- Tôi tin tưởng tiềm năng công nghệ về trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành một trong những công cụ giúp Việt Nam phấn đấu "đi sau về trước" như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nói trong các quan điểm chủ đạo về chuyển đổi số.
Tôi cũng tin vào năng lực của sinh viên Việt Nam, đặc biệt là trong nhóm ngành STEM hay liên quan đến khoa học, công nghệ.
Rất nhiều du học sinh Việt Nam đứng top đầu trong các lĩnh vực này tại nhiều nước. Điều ấy chứng tỏ người Việt Nam không hề thua kém trên bản đồ thế giới.
Với cá nhân mình, tôi muốn trở về sau khi học xong. Những người trẻ chúng tôi có thể cùng nhau góp sức xây dựng, phát triển đất nước.
* Ra nước ngoài học, điều gì khiến bạn trăn trở nhất?
- Tôi từng khá nhiều lần thấy thất vọng khi gặp những người Việt Nam không tự hào về gốc gác của mình, đặc biệt khi ở môi trường nước ngoài. Có người từng nói với tôi rằng chỉ muốn đi luôn và không trở về nước nữa, cũng không thấy mình phải có trách nhiệm gì với đất nước.
Góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng có thay đổi gì cũng chỉ là bên ngoài bởi sâu thẳm bên trong mỗi người vẫn mang dòng máu Việt Nam. Thế nên thay vì tìm mọi cách để chối bỏ tại sao ta không nỗ lực tăng cường nội tại để người khác nhìn vào sẽ tôn trọng và nể phục người Việt, muốn làm một người Việt Nam?
* Bạn sáng lập Mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam tại Singapore (VINS) cũng vì lẽ đó?
- Từ chương trình Đối thoại lãnh đạo trẻ Việt Nam - Singapore năm 2023, chúng tôi nhận ra những bạn trẻ Việt Nam ở Singapore khi mới ra trường còn khá mông lung, chưa có định hướng về sự nghiệp rõ ràng. Trong khi những người đã đi làm lại có một mạng lưới riêng. Có một khoảng cách nhất định và thiếu sự kết nối giữa hai nhóm này.
Tôi cùng Mai Tuấn Minh (cựu chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Trường ĐH Công nghệ Nanyang) và ba cộng sự khác đồng sáng lập VINS với mong muốn tạo ra cộng đồng kết nối tri thức trẻ, giúp các bạn trẻ hiểu bản thân hơn, xây dựng kỹ năng và lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực của mình.
Trong tương lai có thể mở rộng cộng đồng, kết nối trong nước để hỗ trợ những bạn mong muốn quay về quê hương sau khi hoàn thành việc học hoặc sau thời gian làm việc tại Singapore.
Một trong những điều cần để "nhảy" thẳng từ đại học lên nghiên cứu sinh phải là đạt điểm GPA cao trong quá trình học tập, nhất là những môn liên quan ngành dự định theo học. Ngoại ngữ là yêu cầu đương nhiên.
Duy Anh cho biết có một số hội nhóm nói rằng điểm GPA không quan trọng khi nộp hồ sơ xin học bổng tiến sĩ nhưng không hẳn vậy mà điều này là một trong những điểm mấu chốt. Bằng kinh nghiệm, bạn nói phải đầu tư nội dung thư động lực, cần trình bày cho hội đồng thấy sự chuẩn bị chỉn chu về định hướng của bản thân khi đăng ký ngành học.
Có kinh nghiệm nghiên cứu trước khi xin học bổng là điểm cộng nhưng đâu phải ai cũng đạt được tiêu chí này. Tuy nhiên đừng tự ti vì kinh nghiệm nghiên cứu không phải là tất cả. Nhà trường mong tìm kiếm ứng viên là những người cho thấy khao khát theo đuổi con đường nghiên cứu sinh, có lượng kiến thức nhất định về ngành sẽ học.
"Bạn phải kiên trì, nghiêm túc học tập. Mà điều này cần được các thầy cô chứng nhận thông qua thư giới thiệu. Nên ai chưa có kinh nghiệm nghiên cứu trước đó đừng thiếu tự tin mà gác lại ước mơ của mình" - Duy Anh chia sẻ.