'Thịnh hiệp sĩ' thầm lặng dẫn người qua ngã ba suốt 30 năm

Thứ Ba, 20/08/2024

Ông Thịnh là thợ sửa khóa, tiệm của ông chỉ là chiếc xe đẩy, nhưng mắt luôn dõi theo sự an nguy của những cô bé, cậu bé, người lớn tuổi ở bên kia đường muốn qua bên này.

  •  
  •  
  •  
  •  

'Thịnh hiệp sĩ' thầm lặng dẫn người qua ngã ba suốt 30 năm - Ảnh 1.

Ông Thịnh luôn có mặt ở ngã ba đường để giúp trẻ nhỏ, người lớn tuổi qua đường an toàn - Ảnh: B.D.

"Có những người tui túm tay, cặp hông bế qua đường từ khi còn lẫm chẫm đi học mẫu giáo, tiểu học. Nhưng giờ họ đã là người lớn, đi làm rồi lập gia đình, sinh con cái. 

Mỗi lần qua đây lại ghé chỗ tui chọc và bảo nhờ chú Thịnh dẫn qua đường", ông Lê Văn Thịnh, chủ nhân tiệm sửa khóa Thịnh ở ngã ba Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam), người quen mặt với bao thế hệ học trò và người lớn tuổi và cả các cán bộ cảnh sát giao thông, nói.

Ông Thịnh là thợ sửa khóa, tiệm của ông chỉ là chiếc xe đẩy nhưng lại đặt ngay ngã ba đông đúc nhộn nhịp nhất của thị trấn Nam Phước. Đây là một trong những nút giao thông lớn, giao nhau với tuyến quốc lộ 1 và cũng là địa điểm giao cắt với nhiều con đường tới công sở, trường học và chợ truyền thống.

'Thịnh hiệp sĩ' thầm lặng dẫn người qua ngã ba suốt 30 năm - Ảnh 2.

Ông Thịnh kiếm sống bằng nghề sửa khóa - Ảnh: B.D.

1. Ông nói mình bắt đầu nghề sửa khóa ở ngã ba đi vào tiềm thức nhiều thế hệ người Quảng này lúc lên 20 tuổi. Quốc lộ 1 cắt qua trung tâm thị trấn Nam Phước như một nét cọ lớn trên bức tranh loang lổ cũ, mới.

Ông kể thời gian đó ngã ba nơi mình dựng tiệm sửa khóa chưa có đèn xanh, đèn đỏ nên xe cộ cứ mạnh ai nấy chạy, mặc kệ người dân lẫn học sinh ở bên kia đường phải thò ra đường rồi rụt lại khi thấy xe tải lầm lũi lao tới. Ông Thịnh ngồi sửa khóa nhưng mắt luôn dõi theo sự an nguy của những cô bé, cậu bé ở bên kia đường muốn qua bên này để kịp giờ học.

Thấy không đành lòng nhìn trẻ qua đường gặp bất trắc, ông bỏ việc túc trực ở lối ra các khu dân cư. Rồi một tay nắm bàn tay bé nhỏ của các cô cậu học trò, tay kia giơ lên và hướng mắt về hướng xe đang lao tới để xin đường.

Chúng tôi vô tình gặp lại khoảnh khắc người đàn ông thân quen này khi ông đang dìu một người lớn tuổi qua đường.

Bao giờ cũng vậy, ông Thịnh luôn cười hào sảng. Nụ cười của ông tặng cả những ai ném cái nhìn khó chịu khi ông giơ tay xin đường.

"Kệ đi mà! Người ta đi trên đường nắng nôi, vội vã nên ai cũng dễ nổi nóng lắm. Họ khó chịu là bình thường, quan trọng là mình tạo không khí vui vẻ, lạc quan. Chẳng có gì phải nặng nề với nhau", ông Thịnh cười.

Ông bảo công việc của mình cứ lặp đi lặp lại suốt 30 năm qua, từ lúc ông còn là anh chàng tuổi 20, nay đã bước qua tuổi 51 rồi nhưng vẫn tiếp tục. Đơn giản, ông thấy vui vì được giúp đỡ người khác.

2. 30 năm đã khiến ngã ba Nam Phước thay đổi rất nhiều. Thị trấn nghèo nay đã như một đô thị sầm uất, quốc lộ 1 mở rộng làn đưa xe ngược xuôi nhộn nhịp. Đoạn nút thắt giao thông chỗ tiệm khóa của ông Thịnh đã được lắp nhiều đèn tín hiệu giao thông.

Nhưng bên kia vẫn là các khu dân cư sầm uất, bên này vẫn là hai trường học lớn của thị trấn gồm một trường tiểu học và một trung học cơ sở. 

Sáng sớm, học sinh vẫn tập trung đông đúc chờ đèn xanh bật lên để qua đường, tan tầm lũ trẻ lại ùn ùn đạp xe theo nhau băng qua quốc lộ về lại bên kia.

Ông Thịnh bảo từ ngày có đèn xanh, đèn đỏ ở quốc lộ, việc đưa đón trẻ con qua đường của ông đã ít hơn. Dù vậy ông vẫn luôn có mặt đúng giờ ở đó như cách đã có mặt suốt 30 năm qua, không chỉ con trẻ mà những người lớn tuổi muốn qua đường để đến chợ.

Bên tủ đồ nghề của ông Thịnh có hai tấm bảng dẫn đường với hai nền trắng, đỏ. Ông nói cả hai bảng này đều được công an địa phương hướng dẫn cho ông làm nhằm hỗ trợ người qua đường.

'Thịnh hiệp sĩ' thầm lặng dẫn người qua ngã ba suốt 30 năm - Ảnh 3.

Hai tấm bảng để dẫn đường ông Thịnh trang bị suốt 30 năm qua - Ảnh: B.D.

Tấm màu nền đỏ để ông cầm báo hiệu cho xe dừng lại khi ông dẫn trẻ nhỏ và người già qua đường; tấm bảng nền trắng chữ in đen thì để ông dẫn đường khi có đám tang đi qua ngã ba.

Ông Thịnh vẫn nhiệt thành, vui vẻ hỗ trợ tất cả mọi người như vậy ngày qua ngày, bất chấp thời gian và tuổi tác. Cách đây khá lâu, hình ảnh của ông được lan truyền, một chương trình truyền thông đã về tận nơi xác minh và tặng ông danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông".

Cái tên "Thịnh sửa khóa" bỗng lại được gắn thêm biệt danh mới: "Thịnh hiệp sĩ".

Liên kết website