Chú Ngô Tấn Quân (9 Giang) tặng sách cho các bạn trẻ tại buổi giao lưu - Ảnh: K.ANH
Không còn nói được vì mắc bệnh đường thanh quản, tác giả Ngô Tấn Quân lạc quan đến với buổi giao lưu trong màu áo xanh thanh niên.
Bao câu chuyện của ngày đi kháng chiến, sự mưu trí dũng cảm dưới làn mưa bom bão đạn... chợt ùa về trong câu chuyện của những người đồng chí cùng bước qua thời thanh xuân với anh 9 Giang như mới hôm qua.
Chúng tôi như được sống lại những ký ức hào hùng, cảm giác sục sôi nhiệt huyết từ thanh xuân của những cán bộ Đoàn năm ấy. Tôi tin trong mỗi bạn không chỉ là sự tri ân mà đã được truyền lửa để tiếp bước và trưởng thành.
Anh ĐẶNG HIẾU (bí thư Quận đoàn 11)
Truyền lửa...
Thay cho giọng nói, những dòng chữ anh 9 Giang viết hiện trên màn hình. Người dẫn chuyện nhận vai trò "thay lời muốn nói" cho những dòng anh 9 Giang đã viết: "Ai cũng có ký ức tuổi thơ. Ký ức tuổi thơ của tôi đã khiến tôi đến với cách mạng, với Đoàn".
Anh bảo rằng Đoàn đã cho anh cơ hội chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp: giải phóng dân tộc - giành lại độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Những năm tháng là đoàn viên, rồi cán bộ Đoàn trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đoàn cho anh nghị lực sống, chiến đấu và chiến thắng, cả trong lao tù những năm chiến tranh và từ năm 2012 đến nay chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo quái ác.
Anh viết: "Đoàn đã dạy tôi phải tiếp tục chiến đấu với quyết tâm cao độ khi không còn nói được, phải thở bằng ống mở khí quản, ăn bằng ống mở ổ bụng nhưng vẫn còn viết được nên vẫn cố gắng ghi lại những câu chuyện về ký ức một thời trai trẻ".
Và Thanh xuân của tôi chính là tập hợp hồi ký về những năm tháng đẹp đẽ của tuổi trẻ không tiếc máu xương, lao vào cuộc chiến cứu nước và sau giải phóng cùng dựng xây thành phố.
Không khí buổi giới thiệu sách thật sự khác biệt bởi tác giả không nói lời nào mà chính những người đồng chí, đồng đội, người thủ trưởng năm xưa nói thay cho anh. Câu chuyện hai anh em cùng chiến đấu, hoạt động trong nội thành, tham gia những trận đánh hết sức gan lì, rồi cả hai cùng bị bắt vào tù đã được anh Ngô Tùng Chinh (Út Giang) - em ruột anh 9 Giang - kể lại.
Khi bị bắt, anh trai 9 Giang còn phải lấy tên Ngô Tùng Chinh của em để tiếp tục hoạt động. Mãi cho đến ngày giải phóng mới "trả lại tên cho em". "Ảnh nhỏ con như tôi nhưng rất gan góc và tôi rất yên tâm khi cùng anh tham gia những trận đánh địch trong nội thành lúc bấy giờ", ông Út Giang kể lại.
Chú Cao Đức Trường trìu mến nói về người đồng chí "đàn em" của mình: "Không chỉ bền gan trong các trận chiến mà khi vào tù vẫn lạc quan, tham gia văn nghệ, hát ca vọng cổ". Ngay trong buổi giao lưu, hai anh em 9 Giang, Út Giang đàn để cho cựu cán bộ Đoàn ca vọng cổ do chính anh 9 Giang đặt lời viết về Bác Hồ kính yêu.
... Tiếp lửa và nhận trách nhiệm
Người ta nhận ra tràn ngập không khí lạc quan suốt buổi giao lưu. Anh Lê Văn Quýt (Tư Tiến) chia sẻ: "Câu chuyện của anh em Út Giang, 9 Giang cho chúng ta thấy chỉ có tình cảm thương yêu đồng chí, lòng căm thù giặc mới là động lực để chúng ta chiến thắng đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, giúp chúng ta vượt qua tất cả. Tôi học được tinh thần lạc quan của anh 9 Giang và sự gần gũi chân tình mà anh dành cho mọi người".
Một số bạn trẻ tham dự buổi giao lưu cho biết họ như được truyền lửa, tiếp thêm động lực trong công tác Đoàn và cả trong học tập, công việc. Bạn Tất Cẩm Khang - dân quân tự vệ - cho hay: "Nghe kể về thời kháng chiến rất gan dạ dù chỉ 13, 14 tuổi khiến bản thân mình tự thấy còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần gìn giữ an ninh trật tự, đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người".
Là cán bộ Đoàn, bạn Nguyễn Lâm Trân nói: biết rằng mỗi thế hệ đều có vai trò, nhiệm vụ khác nhau nhưng dù thời điểm lịch sử nào vẫn luôn cần tinh thần xung phong vào những việc khó, góp phần làm đẹp cho đời.
"Thanh xuân của các cô chú được viết lên cùng những trang sử hào hùng. Thanh xuân của mình và các bạn trẻ hôm nay sẽ phải tiếp bước truyền thống ấy, góp phần dựng xây thành phố giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình" - Lâm Trân bộc bạch.
KIM ANH
(tuoitre.vn)