'Quỹ cứu kẹt' cho người nghèo vô phương xoay xở giữa Sài Gòn

Thứ Hai, 31/05/2021

Suốt hơn 30 năm qua thấy ai có hoàn cảnh khó khăn, ông Hồ Đề (82 tuổi, P.7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) liền chia nhỏ căn nhà mình thành phòng trọ rồi cưu mang, thậm chí lấy tiền túi của mình làm thành "quỹ cứu kẹt" khi họ vô phương xoay xở.

"Hiện giờ nhà trọ hơi chật, nhưng tôi vẫn cứ chần chừ mãi chưa sửa được, vì sửa thì những người nghèo họ lại không biết đi đâu", ông Đề vừa nói vừa cười khi dẫn chúng tôi đến căn nhà trọ nơi sinh hoạt và ở của gần 30 người.

hode315201-2read-only-1590845147073604135615

Chủ trọ đam mê làm việc thiện

Căn nhà trọ nhỏ nằm trên đường Trần Kế Xương, P.7, Q.Phú Nhuận chỉ rộng tầm 140m2 vậy mà được chia làm 24 phòng trọ cho công nhân, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ người rửa chén cho đến sinh viên nghèo ở tỉnh lẻ, từ những người bệnh tật cho đến những người già yếu, cứ thấy ai khổ quá thì không lấy tiền trọ. Đến cả chiếc tủ lạnh cũng được ông xin về rồi làm quỹ chung cho bà con trong xóm trọ dùng, nhà dột chỗ nào gọi là ông leo lên sửa.

Kể chuyện hơn 30 năm về trước, giáp tết năm 1986, ông đến thăm người nhà tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Tiết trời giáp tết se lạnh, rít từng cơn vào da thịt một người phụ nữ nằm phía ngoài hành lang. Hỏi ra mới biết vì mắc phải căn bệnh ung thư vú nên bà phải xạ trị thường xuyên, mà nghèo khó không có tiền thuê trọ nên đành mượn hành lang tá túc, thấy thương ông liền cưu mang về nhà mình rồi cho ở miễn phí dần dần lên đến hàng chục người như bây giờ.

Năm 1990, thấy nhà anh Nguyễn Thuận gồm 7 người nhiều năm cư ngụ dưới gầm cầu thang chung cư Ngô Gia Tự (Q.10), ông Đề tìm đến tận nhà. Thấy anh Thuận tàn tật một tay, hai vợ chồng với 5 con nhỏ đều bán vé số, thế là ông mời họ về tá túc trong căn nhà của mình kèm theo lời hứa "không lấy tiền nhà, khi nào mua được nhà thì mới cho dọn đi". 

Không chỉ cho chỗ ở, ông Đề còn cho các con anh Thuận tiền đi học. 20 năm sau đó công việc ổn định, tích góp được ít tiền anh Thuận cũng mua được căn hộ nhỏ.

Không chỉ riêng những người có hoàn cảnh khó khăn, ông Đề còn chia phòng trọ của mình cho nhiều sinh viên tá túc, khó khăn quá thì không lấy tiền trọ, thậm chí còn dạy luôn cả tiếng Anh và vi tính miễn phí. Ông kể vui rằng khi dạy ông thường đứng ở cửa, các bạn sinh viên nếu nói được tiếng Anh ông mới cho ra vào, nhiều bạn vì thế mà nhanh tiến bộ.

Cuối năm, những sinh viên nào có kết quả từ khá trở lên, không chỉ cho ở trọ miễn phí mà ông còn thưởng thêm bằng cách dắt ra hiệu sách mua cho mỗi người một bộ sách tiếng Anh, cái máy vi tính...

"Quỹ cứu kẹt" ở xóm trọ nghèo

Thấy những người ở trọ nhà mình toàn là người nghèo, gặp sự cố gì bất ngờ xảy ra thì vô phương xoay xở, thế là ông tích góp được một quỹ gọi là "quỹ cứu kẹt". Sinh viên chưa kịp xoay tiền đóng học phí, người nhà bệnh đột ngột không có tiền về quê, hay thiếu tiền ăn đều có thể lấy từ "quỹ cứu kẹt", ông rút ra cho mượn sau đó trả lại nhưng hiếm lắm mới thấy ông lấy lại.

 

Đã hơn 3 năm nay chị Phạm Thị Tám, rửa chén cho một quán ăn ven đường với số lương 5 triệu đồng/tháng và còn gửi về nuôi 2 con nhỏ, tá túc trong căn nhà của ông Hồ Đề. Ngày dịch COVID-19 ập đến cũng là lúc túng quẫn, chị chỉ còn ông Hồ Đề là chỗ dựa duy nhất. 

"Nhiều lúc trong túi chẳng còn một đồng nào để ăn ngoài việc miễn phí phòng trọ, ông cứ dúi vào tay tôi mấy đồng để cho có cái no bụng trước", chị Tám kể.

Ông Đề nói cả cuộc đời mình ông thấy vui nhất là khi được làm chủ hôn cho 10 cặp đám cưới mà tiền lấy từ "quỹ cứu kẹt". "Đối với nhiều người nghèo mà nói tiền kết hôn không phải là con số nhỏ, nhiều người không có gia đình coi tôi như cha như mẹ rồi tôi cũng lấy quỹ cứu kẹt ra tổ chức đám cưới, khi nào có thì trả" - ông Đề kể.

"Quỹ cứu kẹt" cũng đã cứu giúp nhiều bạn sinh viên, cứ mỗi dịp Tiếp sức mùa thi, ông thường lấy số tiền từ quỹ ra để mua gạo, mì gói, mắm, muối... để sẵn trong nhà rồi nhận khoảng 10 sinh viên về cho ở và ôn thi miễn phí trong suốt thời gian thi cử.

"Có nhiều người thường bảo tôi tại sao lại hay lo chuyện bao đồng nhưng tôi không hề suy nghĩ gì nhiều, chỉ biết rằng những việc tôi làm giúp người khác cảm thấy hạnh phúc và bản thân tôi cảm thấy vui", ông Đề nói. 

Nhắc đến chuyện bao đồng, người dân trong tổ dân phố 102, P.7, Q.Phú Nhuận cho biết mấy năm trước hẻm ngập nặng nước lên đến gần 50cm, các hộ dân trong hẻm đi lại gặp nhiều khó khăn. Sau khi trình báo lên UBND phường và ông Đề đã đi vận động bà con, các nhà hảo tâm đóng góp được gần 100 triệu đồng nâng cấp hẻm, từ đó đến nay bà con trong hẻm không còn phải chịu đựng cảnh ngập nữa.

Ông Trần Công Vinh - chủ tịch Ủy ban MTTQ P.7, Q.Phú Nhuận - cho biết ông Hồ Đề là người tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của tổ dân phố, năm nào ông cũng trích ra một số tiền ủng hộ Hội khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp phụ nữ... của phường. 

Không chỉ là người tốt, ông còn là một tổ trưởng tổ dân phố mẫu mực được hầu hết mọi người hết sức tin tưởng và là người có sức ảnh hưởng đối với người dân trên địa bàn phường, hằng năm nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến học tập vẫn được ông giúp đỡ rất nhiều.

Theo: tuoitre.vn

Liên kết website