TS.BSCKII Nguyễn Văn Đẩu và bé N.T.L. (14 tháng) tại buổi bé được phụ huynh đưa đến bệnh viện thăm khám sau khi mổ lần thứ nhất cách đây 9 tháng - Ảnh: T.T.D.
Trả lại giọng nói và nụ cười cho 10.000 trẻ bị sứt môi chẻ vòm của Bệnh viện Nhi đồng 1 là một trong 10 công trình y học thuộc y tế cộng đồng vinh dự nhận được giải "Thành tựu y khoa Việt Nam 2022" vừa qua.
'Ác mộng' sứt môi chẻ vòm
Trong dòng người đưa con đi khám tại khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vào sáng 21 và 24-2, không ít phụ huynh đưa trẻ bị dị tật sứt môi chẻ vòm đến khám. Dù hành trình này phải kéo dài đến khi con trưởng thành, nhưng ai cũng quyết tâm bằng mọi giá phải lấy lại nụ cười và giọng nói cho con.
Trên bảng kế hoạch mổ cho trẻ bị sứt môi chẻ vòm vào tuần gần nhất của khoa đã kín danh sách trẻ chờ. 10h30 ngày 21-2, bên trong phòng mổ, các bác sĩ tập trung cao độ phẫu thuật cho một bé gái 6 tháng tuổi bị dị tật sứt môi chẻ vòm.
14 tháng tuổi, bé N.T.L. (ngụ tỉnh Bến Tre) nhanh nhạy, hoạt bát nhưng vùng môi và mũi vẫn còn khuyết điểm sau lần phẫu thuật đầu tiên lúc 5 tháng tuổi. Bé được phát hiện bị sứt môi chẻ vòm khi còn trong bụng mẹ.
Chị T.T.N.G. (32 tuổi, mẹ bé L.) chia sẻ khi nhận thông tin này, chị rất sốc, buồn rầu trong suốt thời gian dài nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ con.
Vào ngày thứ 3 sau sinh, bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để thăm khám và đánh giá. Đến lúc 5 tháng tuổi, bé đã trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên và hiện đang chờ phẫu thuật lần 2.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu khám cho một bệnh nhi bị sứt môi chẻ vòm ở mức độ nặng và đã trải qua một lần phẫu thuật - Ảnh: T.T.D.
Không có được tâm lý vững vàng như chị G., chị Trương Thị Út (ngụ TP.HCM) và gia đình đã lên kế hoạch chấm dứt thai kỳ vào tháng thứ 6 vì kết quả siêu âm cho thấy em bé bị sứt môi chẻ vòm.
Tại nơi chị đến phá thai, một nhân viên y tế đã khuyên nhủ chị. "Nữ nhân viên y tế đó nói không nên bỏ con, phải đi tìm TS.BSCKII Nguyễn Văn Đẩu - trưởng khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Nghe bác sĩ Đẩu tư vấn, nói đủ sức mang lại nụ cười, giọng nói, tương lai của con, tôi an tâm sinh con, rồi chữa trị", chị Út chia sẻ.
Với TS.BSCKII Nguyễn Văn Đẩu, 10.000 trẻ sứt môi chẻ vòm được điều trị toàn diện trong vòng 10 năm tại bệnh viện là 10.000 câu chuyện đáng thương. Và phía sau nụ cười, giọng nói đã được trọn vẹn ấy là sự nỗ lực của toàn bệnh viện và niềm tin không bỏ cuộc của gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - trưởng khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - đã có 35 năm tuổi nghề. Ông đã mang lại nụ cười và giọng nói cho rất nhiều trẻ bị sứt môi chẻ vòm - Ảnh: T.T.D.
35 năm gắn bó với việc "sửa chữa" cho trẻ không may bị sứt môi chẻ vòm, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu nhớ lại ông từng biết nhiều cặp vợ chồng ra quyết định hủy thai vì trẻ bị sứt môi chẻ vòm. Có trẻ đã bị chấm dứt sự sống khi còn trong bụng mẹ.
"Biết bao mơ ước được vẽ ra của các cặp vợ chồng khi có con. Nhưng khi siêu âm phát hiện trẻ bị sứt môi chẻ vòm thì họ thất vọng tràn trề, đau đớn, chới với rồi áp lực ngày càng đè nặng lên gia đình họ. Rất nhiều đứa bé bị hủy khi còn đang trong bụng mẹ.
Với những bé được chào đời thì bố mẹ lại gặp rất nhiều trắc trở, gian khó trong quá trình nuôi con. Nhiều cặp vợ chồng đã chia tay ngay khi đứa con chào đời, vì khi thấy dung mạo của con không giống ai. Với những cặp vợ chồng nuôi con đến khi trưởng thành lành lặn, tôi phải phong họ là anh hùng", bác sĩ Đẩu tâm sự.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 tập trung cao độ phẫu thuật cho trẻ 6 tháng tuổi bị sứt môi chẻ vòm - Ảnh: XUÂN MAI
Trẻ bị sứt môi chẻ vòm không những ảnh hưởng đến chính bé và gia đình, mà theo bác sĩ Đẩu, chúng còn ảnh hưởng đến ngành y tế và cả xã hội. Hiện mỗi năm cả nước có khoảng 3.000 trẻ bị sứt môi chẻ vòm, riêng Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị 1.000 trẻ (cao nhất so với các cơ sở y tế khác trên toàn quốc).
Dù số lượng trẻ đến thực hiện khí cụ N.A.M. (khí cụ tạo dạng mũi - xương ổ răng), đến lượt mổ hay đang theo dõi, tập ngữ âm trị liệu… rất đông và diễn ra liên tục, nhưng với nhân viên y tế bệnh viện, điều này là hạnh phúc trong hành trình sửa "lỗi" của tạo hóa, đem lại diện mạo và chức năng cho trẻ như một đứa trẻ bình thường.
"Nhìn ánh mắt cha mẹ các cháu, từ tuyệt vọng khi gặp bác sĩ lần đầu tiên, cho đến ánh mắt rạng rỡ khi thấy con mình đã có hình hài như những đứa trẻ khác, đó là hạnh phúc của chúng tôi. Với 10.000 hạnh phúc của bé và gia đình thì chúng tôi cũng đón nhận 10.000 hạnh phúc ấy", bác sĩ Đẩu tâm sự.
Ông cũng cho biết chiến lược phát triển bệnh viện trong thời gian tới là sẽ thành lập trung tâm điều trị dị tật bẩm sinh cho trẻ mang tầm vóc khu vực Đông Nam Á, trong đó có cho trẻ bị sứt môi chẻ vòm.
Từ năm 2009 về trước, việc điều trị cho trẻ dị tật khe hở môi vòm chủ yếu tập trung vào việc phẫu thuật đóng khe hở ở môi và vòm và được cho là đầy đủ yêu cầu.
Tuy nhiên, thực tế theo dõi sau nhiều năm cho thấy những bệnh nhân được điều trị theo cách trước đây, cơ thể họ vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết như khuôn mặt kém thẩm mỹ, giọng nói còn ngọng nghịu, tổng trạng ốm yếu, tự ti, mặc cảm cao, khả năng hòa nhập vào xã hội thấp…
Nhận thấy khuyết điểm của phương pháp cũ, từ năm 2009, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chủ động triển khai quy trình điều trị mới có tên gọi là quy trình điều trị toàn diện cho trẻ sứt môi chẻ vòm (từ lúc mẹ mang thai đến khi trẻ sinh ra, trưởng thành).