Kể từ năm 2016, trung tá Lương Thị Trà Vinh (41 tuổi) đã có quá trình tìm hiểu và tham gia các khóa đào tạo, tập huấn hoạt động gìn giữ hòa bình do Liên Hiệp Quốc, cảnh sát một số quốc gia, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Bộ Công an tổ chức.
Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần
Sau 6 năm nỗ lực trui rèn, trung tá Vinh vừa vinh dự trở thành nữ sĩ quan đầu tiên trong lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đạt yêu cầu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Dịp tháng 9 này, chị cùng đồng đội sẽ lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS).
Ở Việt Nam, chị Vinh thường xuyên dõi theo và cập nhật diễn biến về tình hình an ninh chính trị, xã hội tại địa bàn mình sẽ đi làm nhiệm vụ. Chị bày tỏ đó là thói quen tốt để bản thân chuẩn bị mọi thứ kỹ lưỡng, "sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ ngay khi Tổ quốc cần" và sẵn sàng làm việc ngay khi đặt chân đến phái bộ.
"Đó là niềm vinh dự to lớn và trách nhiệm lớn lao, đi kèm với đó là nhiều thử thách và khó khăn. Tuy nhiên, tất cả cán bộ chiến sĩ đều đã sẵn sàng thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Là nữ chiến sĩ công an được lãnh đạo đặt niềm tin, tôi thấy trách nhiệm của bản thân và cần cố gắng nỗ lực hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" - chị chia sẻ.
Chỉnh trang lại chiếc mũ nồi xanh trên đầu - biểu tượng của hòa bình, chị Vinh không giấu được niềm tự hào được khoác lên mình bộ trang phục gìn giữ hòa bình của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
Ngay từ khi còn nhỏ đã mang trong mình ước mơ trở thành chiến sĩ công an, 18 tuổi chị thi đỗ vào Học viện An ninh nhân dân và không ngừng nỗ lực học tập.
Sau này khi đã gắn bó với ngành, chị luôn tìm hiểu về các vấn đề nhân đạo, vì hòa bình và an ninh, vì phụ nữ và trẻ em cũng như các vấn đề về bạo lực và xâm hại tình dục, các tội phạm liên quan đến tình dục xảy ra trong môi trường xung đột...
Có vốn ngoại ngữ tốt, chị Vinh còn đáp ứng được các tiêu chuẩn khác như kỹ thuật lái xe, kỹ thuật bắn súng, đặc biệt chị nhắc đến các kỹ năng mềm để phục vụ công tác ở môi trường phái bộ như kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng sinh tồn trong môi trường khó khăn và xung đột, kỹ năng sử dụng bản đồ, bộ đàm và các thiết bị liên lạc vệ tinh, các kỹ năng sơ cứu thương và nhận biết về bom mìn.
Hiện nay chị cùng đồng đội đang tham gia khóa tiền triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, được các giảng viên là những người đã từng có kinh nghiệm trang bị các kiến thức chung về gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và phân tích sâu vào từng tình huống thực tế để áp dụng tốt các kỹ năng xử lý tình huống.
Nhiều năm làm việc về các vấn đề nhân đạo ở Bộ Công an, tạo môi trường thuận lợi để các hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam và với kinh nghiệm 10 năm về quản lý, trung tá Vinh đã được Liên Hiệp Quốc gợi ý vị trí quản lý hành chính tại Phái bộ Nam Sudan.
Cơ hội cho các con trưởng thành
Để chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, không chỉ tự trau dồi bản lĩnh và trui rèn kỹ năng cho bản thân, trong suốt 6 năm qua, trung tá Vinh còn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các con.
Chị dạy các con biết sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, dạy con biết tự lập từ nhỏ để khi bố mẹ đi công tác thì chính các con có thể tự xoay xở những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống.
Trước ngày lên đường, người mẹ xúc động nhắc đến hai con đang tuổi lớn. Năm nay đứa con trai đầu của chị sắp sửa thi vào cấp III là năm bản lề cần có mẹ ở cạnh bên động viên, quá trình phát triển tâm lý của con cũng cần có sự sát sao của bố mẹ.
Chưa bao giờ chị phải xa nhà lâu đến thế, chị nhớ lần lâu nhất là chuyến công tác suốt 4 tháng, nhưng đây là lần đầu tiên chị nhận nhiệm vụ công tác ở một đất nước xa xôi và thời gian kéo dài.
Những ngày qua, nghe tin mẹ sắp sửa lên đường, Đạt (con trai lớn của chị, 14 tuổi, tên thường gọi ở nhà là Sâu) và bé Ánh Mai (13 tuổi, Susu) đã tự phân chia công việc nhà với nhau. Như em Susu thích nấu ăn, còn anh Sâu sẽ chịu trách nhiệm rửa bát.
Anh Sâu cũng đảm nhận giặt, phơi và gấp quần áo, còn em Susu nhận việc quét và lau dọn nhà cửa. Riêng chồng chị sẽ đảm nhận vai trò "quản đốc" có nhiệm vụ đốc thúc các con làm việc nhà và hỗ trợ các con chuyện học hành. Ở nhà cũng có bố mẹ, gia đình hai bên hỗ trợ giúp chị an tâm lên đường nhận nhiệm vụ.
"Trong gia đình cũng đã có sự phân công công việc trước đó nhưng chưa rõ ràng, khi mẹ đi thì mọi việc sẽ phải rõ ràng hơn. Dù có những khó khăn vì không có mẹ ở bên nhưng mẹ tin đây là cơ hội để các con có thể tự lập, trưởng thành hơn.
Mẹ cũng cảm thấy yên tâm, an lòng hơn khi mọi thứ được sắp xếp một cách tốt nhất. Mẹ mong hai con có thể thấy được tấm gương từ mẹ, để đặt mục tiêu và nỗ lực đạt được mục tiêu của các con" - người mẹ gửi gắm mong ước cho các con.
Là nữ sĩ quan công an đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cũng là cơ hội để trung tá Vinh học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn trong môi trường làm việc đa quốc gia.
Chị khẳng định bản thân sẽ cố gắng hết sức mình, tiếp nối truyền thống, kế thừa những thành quả của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam để phát huy bản lĩnh, trí tuệ, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đáp ứng yêu cầu của Liên Hiệp Quốc.
HÀ THANH
(tuoitre.vn)