Thành đoàn TP.HCM vận động chăm lo vật chất và hỗ trợ tinh thần cho những bạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: C.K.
Không chỉ kết nối các nguồn lực chăm sóc vật chất, học bổng cho các em đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), mà song song đó là những hoạt động hỗ trợ, nâng đỡ tinh thần cho các em.
"Trong ba bạn học sinh lớp 6 mà nhóm mình đồng hành, có một bé bị mất mẹ do dịch bệnh COVID-19, nên em ấy có những biểu hiện sốc tâm lý ngay từ những ngày đầu mình tiếp cận. Em ấy nói nếu mẹ em không mất thì em đâu cần phải gặp các chị.
Dù ban đầu các em rất khó mở lòng để chia sẻ nhưng sau khoảng ba tháng, các em đã cởi mở hơn, chia sẻ được nhiều điều mà các em đang phải trải qua, những suy nghĩ từ buồn chán hay vui vẻ" - bạn Nguyễn Tâm Nhi, sinh viên năm thứ tư Trường đại học Luật TP.HCM, cho biết.
3 tháng để thổ lộ những điều giấu kín
Cơn bão COVID-19 đã mang mẹ của H. ra đi mãi mãi khi em mới vào lớp 6. Năm đầu cấp vừa bỡ ngỡ cho việc học lại mất đi người mẹ thân yêu khiến em không muốn đến trường, thu mình lại, không muốn chia sẻ nỗi buồn với bất kỳ ai. Biết đến chương trình "Gia sư áo xanh" của Thành đoàn TP.HCM, ba của H. đã đăng ký để tìm kiếm sự hỗ trợ cho cô con gái của mình vượt qua cú sốc mà ngay chính anh cũng khó có thể chịu đựng nổi.
Và từ tháng 11-2021, H. đã được chị Tâm Nhi kết nối cùng tham gia nhóm gồm ba cô bạn đều là học sinh lớp 6 và ba chị tình nguyện viên. Nhóm gồm sáu chị em bắt đầu những ngày làm quen và "một kèm một" để các bạn nhỏ dễ dàng cởi mở khi nói về những tổn thương, mất mát mà mình gặp phải. Phải mất ba tháng để Tâm Nhi trở thành người quen tin tưởng, H. mới thổ lộ những điều cô bé chất chứa trong lòng.
"Chúng mình cùng các em nói chuyện không chỉ là việc học mà điều quan tâm hơn cả đó chính là vết thương tinh thần. Chúng mình đã gợi mở để các em nói về ước mơ, từ đó cùng nhau cam kết từng việc một", Tâm Nhi cho hay. Cứ như thế, các bạn nhỏ mở lòng cùng các tình nguyện viên, từng chút một...
Bạn Diệp Minh Đăng, sinh viên năm nhất ngành marketing, đang hỗ trợ cho một nam sinh 14 tuổi có ba mất vì dịch bệnh COVID-19. Với vai trò người dẫn dắt, Minh Đăng cho biết: "Mình lắng nghe những tâm tư, thắc mắc tuổi dậy thì cùng với những trăn trở khó nói, rồi em dần chia sẻ những mất mát lớn của việc người thân ra đi trong một hoàn cảnh không thể nào ngờ. Mình luôn nhắc cậu bé đừng để nỗi buồn gặm nhấm mà tìm cách thoát ra bằng nhiều cách. Dần dần cậu bé ổn định và bước tiếp trong chặng đường trước mắt".
Không để các em lẻ loi với nỗi buồn
Đoàn Thị Tố Nhiên, sinh viên năm hai Trường đại học Sư phạm TP.HCM, đồng hành cùng bạn học trò lớp 7 ở huyện Củ Chi. Kinh tế gia đình khó khăn sau dịch bệnh cùng với việc học trực tuyến khiến cô học trò nhỏ không còn muốn đến trường, vào lớp ngại giao tiếp nên đôi lúc khó khăn khi ứng xử, trong suy nghĩ có tiêu cực hơn tích cực.
Nhờ những lần bày tỏ với chị Nhiên, cô bé đã dần dần cởi mở hơn. "Mình đã phân tích với bé để em hiểu và phần nào chấp nhận hoàn cảnh hiện tại, nỗ lực thực hiện ước mơ trở thành cô giáo trong tương lai. Mình đã luôn nhắc bé dù có thể trên đường đi sẽ gặp nhiều trắc trở nhưng nếu mình biết vượt qua bằng mọi cách thì chúng ta cũng sẽ đến đích" - Nhiên nói.
Tất cả tình nguyện viên tham gia chương trình đã được tập huấn kỹ năng nắm bắt tâm lý và xử lý các tình huống, chính vì thế khi đồng hành với các bạn nhỏ cũng phần nào tiếp cận nhanh hơn. Các bạn đã trở thành người anh, người chị để các em nhờ tư vấn trong học tập và gỡ rối những vướng mắc về tâm lý.
"Trước mắt dự án mình tham gia đến tháng 9 năm nay kết thúc, nhưng dù chương trình có tiếp tục hay không thì mình cũng sẽ đồng hành cùng cô bé hiện nay mình đang hỗ trợ. Chị em đã quen và thân thiết, biết đâu em ấy vẫn cần hỗ trợ nhiều mặt trong tương lai" - Nhiên chia sẻ.
Từ khi chương trình "Gia sư áo xanh" được phát động và triển khai (tháng 9-2021), ban tổ chức tập huấn trực tuyến cho gần 700 gia sư tình nguyện đã được chọn để hoàn thành các yêu cầu đặt ra nhằm đáp ứng việc giảng dạy, đồng thời nắm bắt tâm lý các em để hỗ trợ tư vấn kịp thời.
Chương trình khám sàng lọc về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần đã được Thành đoàn TP.HCM phối hợp các đơn vị thực hiện nhằm hỗ trợ khoảng 2.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trong đó có nhiều em mồ côi do mất cha, mẹ, người thân trực tiếp nuôi dưỡng do COVID-19.
Hiện nay chương trình vẫn tiếp tục thực hiện.
KIM ANH
(tuoitre.vn)