Vợ chồng trẻ Huỳnh Thanh Dũng - Thạch Thị Út là một trong ba cặp đôi được tặng “căn phòng mơ ước” - hỗ trợ tiền thuê phòng trong một năm - Ảnh: NGÂN HÀ
Họ là một trong 100 đôi vừa được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức lễ cưới tập thể dịp Quốc khánh 2-9. Và tuần qua, hai bạn vừa được tặng "căn phòng mơ ước".
Đó là căn phòng trọ nhỏ chừng 15m2 cho đôi vợ chồng trẻ xa quê lên thành phố lập nghiệp với đồ đạc đơn sơ, bức ảnh cưới hai vợ chồng cười rạng rỡ treo trên tường. Các bạn sẽ không phải trả tiền phòng một năm, khoảng chưa đến 20 triệu đồng nhưng cả hai đều mừng rỡ.
Hai bạn quen nhau lúc cùng làm công nhân dưới quê, cũng tính làm đám cưới rồi mà dịch đến, tiền để dành đám cưới cũng xài hết qua mấy đợt dịch không đi làm. Cha mẹ hai bên thương, làm mâm cỗ mời họ hàng đến chứng kiến hai đứa thành vợ chồng.
"Vừa hết dịch tụi mình lên thành phố đi làm lại, rồi chủ trọ giới thiệu đăng ký lễ cưới tập thể, cũng nghĩ đám cưới tập thể đơn giản thôi chớ đâu biết làm to vậy", Dũng hài hước.
Cuộc sống thành phố chỉ mới bắt đầu, còn nhiều chật vật. Dũng đang học việc làm phụ bếp nên lương chưa tới 6 triệu đồng/tháng. Út sức khỏe không tốt nên chỉ làm giúp việc cho một gia đình gần nơi ở trọ.
Mới lên, hai vợ chồng làm được nhiêu đâu nhưng còn phải gửi về quê cho mẹ đã lớn tuổi nên phải nợ tiền phòng.
"Được cho tiền phòng một năm đỡ lo hơn nhiều. Hai đứa bàn nhau cùng ráng, một thời gian nữa tôi có nghề có lương ổn hơn, hai vợ chồng đỡ vất vả hơn", Dũng chia sẻ.
Với vợ chồng anh chị Hoàng Văn Nẳng (33 tuổi) - Vũ Thị Tình (29 tuổi), "căn phòng mơ ước" là tổ ấm của hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ. Chị Tình bán xe nước ép vỉa hè, anh Tình là công nhân nhưng không may gặp tai nạn từ hồi trước dịch mà đến giờ vẫn chưa đủ sức khỏe đi làm lại.
4h30 chiều, đứa con lớn 10 tuổi đi học về trông hai em nhỏ, vợ chồng anh bắt đầu lụi cụi đẩy xe nước đi bán.
Anh ở Đồng Nai, còn chị ở miền Bắc, đồng lương công nhân ít ỏi nên không có điều kiện cưới hỏi gì, hôm rồi khi tham gia đám cưới tập thể, anh bảo mừng lắm vì cũng có cái đám cưới để kỷ niệm.
Nuôi ba đứa con bằng xe nước ép, cuộc sống của cả nhà vô cùng chật vật. Suốt đợt dịch, họ phải xin nợ tiền thuê phòng và trả dần đến tận bây giờ.
Chị Tình kể còn nợ chừng hơn 2 triệu đồng tiền phòng nữa. Mấy đứa nhỏ vừa mới nhập học nên chi tiêu nhiều, may mà được nhận "căn phòng mơ ước" nên không phải lo khoản tiền nhà cho cả năm sắp tới.
"Mong sức khỏe của anh Nẳng hồi phục và sớm đi làm lại ở nhà máy mới mong gồng gánh nuôi nổi ba đứa con thơ" - người vợ trẻ ước mơ từ "căn phòng mơ ước".
NGÂN HÀ - tuoitre.vn