Nhà trọ và bếp ăn miễn phí Thiện Tâm - Ảnh: TRÚC QUYÊN
Những ngày thời tiết nắng nóng như đổ lửa, trong khu nhà trọ và bếp ăn miễn phí Thiện Tâm (tại số 17-19 đường 225A, phường Tân Phú) lại rất mát mẻ, những bệnh nhân xa lạ đến từ nhiều tỉnh thành vẫn lạc quan, vui vẻ, quây quần bên mâm cơm.
"Thực phẩm, gạo, mắm, muối, bánh trái, thậm chí là những vật dụng sinh hoạt cá nhân hằng ngày như bột giặt, kem đánh răng, dầu gội đầu..., chú Hoàng đều đã mua sẵn để ngăn nắp ở đây cả rồi.
Chú cũng có sắm ba chiếc xe máy để mọi người thay nhau sử dụng, đưa các cháu lên bệnh viện vô thuốc.
Hằng tuần, chú mua xăng đổ vô đầy bình, từ những cái nhỏ nhất chú đều lo hết" - anh Nguyễn Linh (quê Gia Lai), người đảm nhiệm vai trò quản lý, coi sóc nhà trọ và bếp ăn, chia sẻ.
Nhà trọ Thiện Tâm do ông Nguyễn Đăng Hoàng (chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm - Hội Chữ thập đỏ quận Bình Thạnh) thàn hlập vào đầu tháng 4-2023. Vào thời điểm chúng tôi ghé thăm, nhà trọ có tổng cộng 40 giường với khoảng 30 bệnh nhi cùng người nhà của các bé đang lưu trú.
Những đợt "cao điểm", nhà trọ có tới 60 bệnh nhân, chưa kể người nhà.
Anh Linh kể: "Mỗi phòng có một giường trên và giường dưới. Nếu nhà có hai người nuôi một bé thì mẹ và bé ngủ ở dưới, ba ngủ ở trên.
Ví dụ, có thời điểm đông bệnh quá, có thể hai gia đình ở cùng nhau, các bố ra ngoài ngủ võng tùy tình hình. Ở đây có mấy cái giường bố nữa, cùng san sẻ và đùm bọc lẫn nhau".
Nhà trọ và bếp ăn miễn phí Rum-Mi - Ảnh: TRÚC QUYÊN
Anh Linh nghẹn ngào nói con gái anh cũng đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2.
Hơn một năm nay, kể từ khi nhà trọ Thiện Tâm đi vào hoạt động, hai vợ chồng anh vừa đảm nhận việc trước việc sau của nhà trọ và bếp ăn, vừa dốc lòng chạy chữa cho con.
"Không có tiêu chí hay điều kiện gì để được bao ăn ở tại mái nhà Thiện Tâm. Chú Hoàng dặn dò rất kỹ, mình cứ suy nghĩ. Người ta cần người ta mới hỏi, còn không cần thì người ta đã ra ngoài kia thuê nhà bên ngoài để ở rồi" - anh Linh nói.
Cách đó không xa, nhà trọ và bếp ăn miễn phí Rum-Mi (tọa lạc tại số 2 đường 225B, khu phố 3, phường Tân Phú) cũng là nơi cưu mang, chăm sóc những bệnh nhi ung thư và gia đình của các bé.
Chị Tô Thị Kim Luyến (43 tuổi), người phụ trách nhiều việc ở nhà Rum-Mi, bùi ngùi nhớ lại: "Cơ duyên tôi gắn bó với nhà Rum-Mi cũng như cái phận, lúc đó con gái tôi đang điều trị ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 1.
Hoàn cảnh gia đình tôi cũng khó khăn, điều này các chị công tác tại phòng công tác xã hội của bệnh viện cũng biết, nên đã giới thiệu tôi với một chị là nhà hảo tâm, nói là chị ấy cần một người quản lý, trông coi mái nhà chung cho các bệnh nhi ung thư tá túc để điều trị bệnh".
Hoàn cảnh đẩy đưa, bản thân chị và con gái cũng cần một mái nhà miễn phí nên chị chẳng do dự mà nhận lời ngay.
Chị Luyến kể, ban đầu nhà hảo tâm ngại việc tổ chức bếp ăn trong nhà trọ vì sợ các vấn đề an toàn, cháy nổ.
Tuy nhiên, bản thân cũng là người nuôi bệnh nhi ung thư nên chị Luyến hiểu rõ chế độ ăn uống, dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các bé trong quá trình điều trị.
Chị đã cố gắng thuyết phục nhà hảo tâm mở thêm bếp ăn miễn phí, từ đó có thể chăm lo cho các bé và gia đình từng miếng ăn giấc ngủ.
Bệnh nhi và người thân sinh hoạt tại nhà trọ và bếp ăn miễn phí Rum-Mi - Ảnh: TRÚC QUYÊN
Cơ sở vật chất và môi trường sống tại nhà Thiện Tâm hay nhà Rum-Mi khá đầy đủ cho nhu cầu lưu trú, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho các bệnh nhi.
"Lúc trước gặp mẹ Tường (tên gọi thân thương mà gia đình bệnh nhi gọi chị Luyến) vào phát cơm ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 1, hai mẹ con tôi đang vất vưởng ngoài hành lang.
Lúc đó, mẹ Tường tới hỏi thăm rồi rước về nhà ở. Ở đây mọi thứ đều được miễn phí, không tốn một đồng nào" - chị Nguyễn Kim Ngân (45 tuổi, quê tỉnh Bình Định) kể với chúng tôi.
Hoàn cảnh của chị Ngân éo le khi cả chị và con trai đều mắc bệnh ung thư. Riêng chị từ lúc phát hiện ung thư đại tràng và điều trị đến nay đã bảy năm.
Trớ trêu thay, sau đó con trai chị cũng phát hiện ung thư não. Từ đó hai mẹ con cùng điều trị ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, hết bao tiền của mà bệnh vẫn còn.
Ngồi kế bên, chị Luyến cũng thở dài, trải lòng: "Nhiều gia đình, kể cả gia đình tôi, trước đó đều là dân kinh doanh khá giả. Nhưng đùng một cái bệnh tật ập xuống. Mà bệnh ung thư thì có bao nhiêu tài sản bán đi cũng không bao giờ đủ".
"Có những đêm, có những bé mà bác sĩ trả về thì tôi nén đau lòng, cố gắng liên hệ để xin những chuyến xe 0 đồng cho các con. May mắn thay, tôi rất được các nhà hảo tâm tin tưởng, khi nào có bé phải về nhà thì tôi thay mặt vào bệnh viện để gửi ít tiền cho các bé.
Những chuyến xe như vậy nếu xa thì cũng tốn kém lắm nên mình cố gắng giúp các con những chuyến xe cuối cùng cho vẹn tròn" - chị Luyến khóc.
Anh Hoàng Linh cho biết ngày nào cũng vậy cứ 2h30 sáng, anh thức dậy chuẩn bị mọi thứ để kịp 4h thì phát 600 phần cháo cho các cô bác. Rồi lại chuẩn bị chiều phát tiếp 300 phần cơm.
Ban ngày, chị Luyến hay anh Linh được biết đến với vai trò là những người trông nom, quản lý mái nhà chung cho các bệnh nhi ung thư, nhưng khi đêm về các anh chị ấy lại chỉ là những người cha người mẹ có con là bệnh nhân ung thư.
"Thấy con gái tôi khỏe mạnh vậy chứ tôi sợ lắm. Nhìn những đứa trẻ ra đi rồi sực nhớ lại con mình mới giật mình. Ban đêm người ta ngủ chứ tôi tranh thủ để ôm con. Tôi cứ ôm rồi hôn nó miết" - chị Luyến từ mái nhà Rum-Mi đưa tay lau nước mắt.