Nhiều nơi ở Đà Nẵng xuất hiện trạm sửa xe ngập nước miễn phí

Thứ Ba, 18/10/2022

"Tại đây sửa xe ngập nước miễn phí", "Ai cần sửa chữa đồ điện lạnh nhắn địa chỉ vào số điện thoại em, em đến tận nhà sửa không công", "Trưa mai con xin gửi tặng cô chú ve chai, vé số 1 tấn gạo cùng 1.000 suất mì Quảng"...

Nhiều nơi ở Đà Nẵng xuất hiện trạm sửa xe ngập nước miễn phí - Ảnh 1.

Người dân cùng phụ giúp dọn sạch bùn non ở một trường học tại quận Liên Chiểu - Ảnh: THU HIỀN

Đây là một số trong rất nhiều thông báo truyền đi trên mạng xã hội những ngày này tại TP Đà Nẵng sau trận ngập lụt lịch sử đêm 14-10.

Chia nhau từng xô nước dọn nhà, bữa cơm sau lũ

Hai ngày sau trận ngập lụt lịch sử, có lẽ người dân Đà Nẵng vẫn chưa hết bàng hoàng. Một đêm rất dài đối mặt với trận đại hồng thủy qua những hình ảnh không thể quên được. Người Đà Nẵng vốn đã quen chống chọi với bão, nhưng đây là lần đầu tiên lũ lụt ngay trong lòng thành phố, khiến ai nấy đều không kịp trở tay.

Thiệt hại về tài sản là rất lớn. Trên các con phố, ô tô xếp hàng mắc cạn. Tài sản bao năm tích cóp, nhặt nhạnh đã rời khỏi tay người ra đi theo con nước bạc. 

Nước đi qua, ở những nơi ngập nặng và lũ quét, những con hẻm nhỏ chạy ngoằn ngoèo thông nhau đã buồn nay lại buồn hơn. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, người dân nơi đây lại cặm cụi nhặt nhạnh những gì còn sót lại từ đống đổ nát.

Ở cái xóm nghèo dọc đường Mẹ Suốt, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), bùn đất vẫn còn nhão nhoẹt. Trên những vách tường cũ ẩm mốc vẫn in hằn dấu nước ngập cao quá đầu người. Có nơi nước ngấp nghé mái tôn.

Ngay đầu hẻm trước nhà có người mất vì đuối nước trong lũ dữ, bà con lối xóm đặt chiếc thùng quyên góp để lo mai táng cho người xấu số. Khi mọi thứ vẫn còn ngập ngụa bùn non, mỗi người đã góp một tay chạy ngược chạy xuôi giúp hàng xóm lo hậu sự. Xong đâu đó, họ mới quay về dọn dẹp nhà mình.

Ông Nguyễn Tấn Tài (56 tuổi), một người dân trú tại xóm Mẹ Suốt, kể: "Từ sau khi nước rút, bà con lối xóm chia nhau từng xô nước dọn dẹp nhà cửa cho những nhà neo người. Nhà ai thiệt hại nặng, nhiều đồ điện hư mà xe máy chưa sửa được thì bà con phụ chở đồ điện đi sửa giúp".

Ông Tài cho biết nước dâng nhanh vì mưa lớn cộng thêm lũ quét từ sau núi đổ về nên chẳng có nhà ai kịp trở tay. Cả tổ 38 phường Hòa Khánh Nam, số nhà không thiệt hại nặng chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn đâu đồ đạc, tài sản trôi và chìm trong bùn hết.

Đây là xóm nghèo nhất nhì thành phố. Vị trí ở vùng trũng thấp, nhà cửa chỉ là mấy ngôi nhà lụp xụp đủ che nắng che mưa, những căn phòng trọ mái tôn liêu xiêu với diện tích nhỏ hẹp vốn là nơi tá túc cả gia đình công nhân nghèo và sinh viên từ quê ra.

Bạn Huỳnh Ái Vy (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) nhớ lại hôm nước lớn ai cũng kịp vớ lấy giấy tờ tùy thân mà chạy lụt. Khi trở về nhìn máy tính, sách vở, đồ đạc, quần áo lấm trong vũng bùn, Vy đã bật khóc. Hàng xóm bốn bên qua động viên, kêu thêm mấy thanh niên trong xóm qua phụ dọn dẹp. Thứ gì còn dùng được thì kịp cứu.

"Bếp núc đồ đạc hư và trôi hết. Hai hôm nay mấy cô chú hàng xóm nấu cơm rồi gọi sinh viên quanh xóm trọ qua ăn. Nhà cửa các cô chú cũng thiệt hại nhiều nhưng vẫn lo cơm nước cho sinh viên ở trọ" - Vy nói.

Nhiều nơi ở Đà Nẵng xuất hiện trạm sửa xe ngập nước miễn phí - Ảnh 2.

Anh Thời (phải) cùng nhóm “bác sĩ xe máy” từ miền núi Quảng Nam ra sửa xe ngập nước miễn phí - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Mình không giàu có để giúp tiền bạc được, sẵn nghề thì bỏ cái công giúp bà con khi cần. Vài ba ngày công không giàu lên được, chứ nhìn bà con chịu ngập lụt khủng khiếp quá. Bà con ở đây thiệt hại cũng cảm nhận như quê mình thôi.

Anh Trần Tấn Thời (một thành viên trong nhóm sửa xe miễn phí cho người dân)

"Sửa chữa miễn phí" khắp các nẻo đường

Sau hôm lũ rút đến nay, anh Tuấn Thông vẫn trên chiếc xe cà tàng chạy hết nhà này đến nhà khác. Trên mạng xã hội, anh chỉ đăng dòng tin vỏn vẹn: "Nhà nào hư đồ điện lạnh thì nhắn địa chỉ vô số điện thoại này. Em sẽ chạy đến tận từng nhà sửa miễn phí 100% chứ đừng gọi em, vì em chạy suốt không bắt máy được".

Đúng là anh Thông làm không kịp nghỉ, vừa hỏi chuyện anh đúng hai câu là anh gạt luôn: "Thôi tui chạy tiếp kẻo bà con đợi, tội họ!". 

Anh Thông bảo nhìn bà con hư hại đồ đạc quá nhiều, ai đành lòng lấy tiền làm chi. Sẵn nghề sửa điện lạnh, anh đóng cửa hàng mấy hôm đi giúp được ai thì giúp, ưu tiên những xóm nghèo và sinh viên.

Không chỉ anh Thông, nhiều thợ sửa chữa đồ điện cũng đăng tin để lại số điện thoại và tuyệt nhiên không nhận một đồng tiền công sửa chữa.

Khắp các tuyến đường ở Đà Nẵng những ngày này cứ đi vài cây số lại gặp một điểm sửa xe miễn phí. Không chỉ người Đà Nẵng nhận sửa miễn phí, hàng chục đội "bác sĩ xe máy" cũng lặn lội từ Quảng Nam ra đóng quân bên các vỉa hè để sửa giúp hàng ngàn chiếc xe ngập nước.

Từ đội thợ sửa xe huyện miền núi Nông Sơn đi đầu ra "ứng cứu" xe máy của người dân Đà Nẵng, lần lượt hàng chục thợ sửa xe máy ở Thăng Bình, Duy Xuyên... cũng ra giăng biển sửa miễn phí cho bà con.

Anh Trần Tấn Thời (37 tuổi, một thành viên trong nhóm sửa xe Nông Sơn) vừa "thăm bệnh" cho chiếc xe lấm bùn trước mặt vừa kể đêm qua thấy anh em bạn bè ở Đà Nẵng chia sẻ hình ảnh nước ngập kinh hoàng. Hình ảnh những chiếc xe máy chìm trong nước khiến anh em không khỏi xót xa. Thế là anh cùng một số thợ khác quyết định ra giúp. Họ mang theo máy móc, đồ nghề bắt xe ra Đà Nẵng.

Anh Thời cho biết ban đầu chỉ có bảy anh em ra sửa xe giúp bà con, nhưng đến hôm qua đã gần 20 anh em từ Nông Sơn xuống giúp. Anh em trong đội xe bảo sẽ bám trụ hỗ trợ bà con cho đến khi hết xe bị ngập hỏng hóc mới về quê.

Tiếp tế hàng ngàn suất ăn, nước uống cho bà con

9c

Công an phường Hòa Khánh Nam cùng nhà hảo tâm hỗ trợ các suất ăn cho người dân khu ngập lụt nặng vào sáng 16-10 - Ảnh: TIÊN SA

Ngày 16-10, đầu các con kiệt hẻm vẫn bị cô lập trong nước, xuất hiện những nhóm thiện nguyện với hàng trăm suất cơm, cháo, bún, mì đẩy thuyền thúng vào phát tận tay.

Anh Đào Văn Vĩnh (30 tuổi, ở quận Cẩm Lệ) cùng với mấy anh chị em thiện nguyện khác đã kết nối với nhau nấu liên tục hàng ngàn suất ăn gửi đến những nơi cần khắp thành phố.

Anh Vĩnh cho biết sau khi nước rút, ai có tiền quyên tiền, không tiền thì bỏ sức cùng đi chợ, nấu các suất ăn. Mỗi ngày Vĩnh lên số lượng bao nhiêu suất rồi báo cho các tình nguyện viên đến nhận và phát trực tiếp tận tay người dân đang cần.

"Không phải cá nhân tôi, đây là sự chung tay đồng lòng của mọi người. Người Đà Nẵng khi nào gặp hoạn nạn cũng đều đùm bọc nhau như thế. Ai cũng nghĩ việc mình làm là nhỏ, chỉ mong bà con vượt qua mất mát, sớm quay lại cuộc sống bình yên" - anh Vĩnh bộc bạch.

Không chỉ nấu cơm, mua nước suối phục vụ những nhà dân bị ngập lụt và cúp điện không thể nấu ăn được, mấy hôm nay nhiều doanh nghiệp và cá nhân lần tìm về những xóm nghèo chịu thiệt hại nặng để tiếp tế nhu yếu phẩm, quyên góp tiền cho bà con khắc phục thiệt hại.

Trong các khu dân cư, hình bóng các anh công an, bộ đội, thanh niên, hội phụ nữ... hăng hái phụ giúp dọn dẹp nhà cửa, bùn lầy, chung tay làm sạch đẹp đường sá, kênh mương, trường học... Không khí sau lũ lụt rộn ràng tiếng động viên nhau vượt qua khó khăn, từng bước khắc phục hậu quả mưa lũ.

 

ĐOÀN NHẠN

(tuoitre.vn)

Liên kết website