Người thầy 12 năm 'mềm hóa' môn lý luận chính trị

Chủ Nhật, 21/02/2021

Bằng cách “mềm hóa” các môn lý luận chính trị về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng gần gũi với cuộc sống, gắn với đời thường, các tiết học của thầy giáo trẻ Trần Bách Hiếu luôn thu hút sinh viên.

TS Trần Bách Hiếu (35 tuổi, phó trưởng bộ môn chính trị học, khoa khoa học chính trị Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội) là một trong 75 giáo viên nhận giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" lần thứ nhất của Trung ương Đoàn. Suốt 12 năm qua, thầy giáo trẻ luôn gây bất ngờ cho sinh viên với những bài giảng chính trị lý thú.

hieu-15806938446671448512072

Khô khan chỉ khi người dạy khô khan

Thầy giáo trẻ "bật mí" mỗi tiết dạy luôn được "mềm hóa", biến tri thức chính trị, lý luận tưởng chừng khô khan trở nên gần gũi với cuộc sống, đúng với tinh thần của người trẻ. Anh ít sa đà vào những câu chuyện "kinh điển", nặng nề.

"12 năm, quãng thời gian chưa đủ để quyết định mọi việc nhưng tôi có suy nghĩ, kinh nghiệm trong việc giảng dạy. Cũng bởi, đối tượng học tập, sinh viên của tôi cũng theo từng lứa tuổi khác nhau như 8X, 9X hay thế hệ 2K. Khi truyền đạt đến các bạn, lượng thông tin cần được cập nhật thường xuyên, phương pháp thay đổi với từng đối tượng" - TS Hiếu chia sẻ.

Trong từng bài giảng chính trị, không chỉ điều chỉnh theo lứa tuổi mà điều chỉnh theo từng đối tượng, ví dụ không thể dạy một bài giảng cho sinh viên nhân văn, tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật. Thầy Hiếu luôn lấy ví dụ theo từng ngành học, từ các bài giảng lý luận chính trị vận dụng đến các lĩnh vực, nghề nghiệp sau này của từng đối tượng sinh viên.

Thầy giáo trẻ cho rằng nếu giảng dạy tốt và giảng dạy hay, sinh động các môn học có kiến thức lý luận chính trị và chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng sẽ giúp người học rất nhiều trong thế giới quan, trong việc nhìn nhận, giải quyết vấn đề cũng như áp dụng trong công việc sau này, xây dựng hoài bão, lý tưởng cho bản thân.

Dạy chính trị theo... "trend"

Nhớ lại thế hệ 8X, 9X đời đầu, thầy Trần Bách Hiếu cho rằng khó nhất là thế hệ trẻ ngày nay chỉ đọc qua thế giới mạng, bị ảnh hưởng bởi các câu chuyện của đời sống, của Internet hay biến đổi thông tin.

"Người thầy phải luôn ý thức để làm sao tri thức không được lạc hậu, luôn cập nhật mới trước lượng thông tin khổng lồ. Tôi nghĩ cá nhân sẽ rất chán nếu nói đi nói lại một câu chuyện, cho nên với mỗi lớp học luôn có "măng-set" phù hợp với đối tượng. Tôi luôn lồng ghép câu chuyện thời sự, thực tiễn, thậm chí là theo... "trend" người trẻ để lồng ghép vào tri thức của các môn học chính trị" - TS Trần Bách Hiếu nói.

Anh chia sẻ thêm: "Không mang cách dạy trước đó với thế hệ 2K, không mang cách dạy của 10 năm trước cho thế hệ ngày nay". Do đó phải có sự điều chỉnh trong mỗi tiết học, làm thế nào vẫn truyền đạt được thông tin, tri thức môn học lý luận chính trị đến với sinh viên một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh biến hóa sinh động các bài giảng, điều cần thiết nhất là tạo được sự tương tác với người dạy và sinh viên, tạo không khí cởi mở đến với lớp học. Thầy Hiếu chia sẻ niềm vui lớn nhất là nhìn thấy sinh viên háo hức, đợi chờ đến tiết dạy của mình. Ngược lại anh cũng đợi chờ đến tiết học để được gặp gỡ, truyền đạt kiến thức chính trị cho sinh viên, kiến thức mà trước đó ai cũng nghĩ là khô khan thì nay thích thú, sôi động, hiệu quả hơn trong các giờ học.

Phải hiểu thanh niên, sinh viên

Nhắc lại câu nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI: "Tránh nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị", TS Trần Bách Hiếu cho rằng đây là câu chuyện xuất hiện ở nhiều nơi, mới đây là câu chuyện trên mạng xã hội với một bộ phận thanh niên, sinh viên thờ ơ, không có lý tưởng, mục tiêu sống rõ ràng, chưa nhận thức được vai trò của cá nhân với tập thể hay trách nhiệm trong học tập, công việc.

Theo TS Hiếu, quan trọng là các cấp bộ Đoàn, đảng viên trẻ phải gương mẫu, có nhiều hoạt động thiết thực, gần gũi, hiểu thanh niên, sinh viên và có hình thức giáo dục với các đối tượng khác nhau.

Liên kết website