Ở Sóc Trăng, vợ chồng bà Nguyễn Trí Hiền và ông Nguyễn Văn Phước (64 tuổi) đã dệt nên câu chuyện nồng ấm tình người khi cưu mang 26 đứa trẻ từ lúc còn đỏ hỏn và xem như máu mủ ruột thịt của mình...
Lo bọn trẻ từng bữa ăn, giấc ngủ
Ngôi nhà đầy ắp tiếng trẻ nằm yên bình trong lòng thành phố Sóc Trăng. 5h30 sáng, vợ chồng bà Hiền cùng con gái tên Thảo đã thức dậy chuẩn bị nấu hủ tiếu điểm tâm cho 15 đứa trẻ. 6h, bọn trẻ lần lượt thức dậy khiến ngôi nhà bỗng tràn ngập tiếng nói cười. Mỗi đứa tự gấp chăn mền, vệ sinh cá nhân, rồi ngồi vào bàn ăn. Trông đứa nào cũng khỏe khoắn, đầu hớt vá, chỏm tóc dài nhìn rất dễ thương.
7h, bọn trẻ vào phòng học. Bà Hiền và Thảo hết cầm tay bé này viết chữ, đến dạy bé khác làm toán. "Dì ôn cho những bé lớp 1 đến lớp 3, mỗi ngày ôn ba buổi, mỗi buổi ôn tầm một tiếng rưỡi cho bé nắm vững kiến thức năm cũ để sang niên học mới học tốt hơn. Riêng hai đứa lớn học cấp III thì tự ôn" - bà Hiền nói.
Học xong, bọn trẻ tỏa ra nô đùa, đọc sách, xem tivi. Bà Hiền cùng Thảo lại lui cui xuống bếp, cắt đậu hủ, đậu que, cải ngọt làm món xào và món canh bữa trưa cho đám trẻ. Thảo bảo lúc nào cũng phải nấu từ 2-3 món cho bữa ăn, trong đó phải có món canh để trẻ nhỏ dễ ăn.
Bà Hiền còn nấu nước hột é, rau câu hoa đậu biếc làm món giải khát cho bọn trẻ. Bà nói: "Nước giải khát cũng phải xoay mỗi ngày cho trẻ uống đủ chất, khi thì nước sâm nấu bí đao, khi trà chanh với tắc...".
11h, tất cả dùng cơm trưa, mỗi trẻ một khay. Riêng hai bé 4 tuổi, Thảo chịu khó đút từng muỗng. Ăn xong, Thảo cùng mấy đứa lớn rửa chén, rồi cô mới dùng cơm. 12h, bọn trẻ vào phòng ngủ, bà Hiền cũng đi theo nghỉ ngơi để canh giấc bọn trẻ. 15h, các bé lần lượt thức dậy, tắm rửa. Sau đó, các em ngồi vào bàn, lấy sách vở ra học với bà Hiền và Thảo. Dạy xong, mẹ con bà Hiền chuẩn bị bữa cơm chiều, còn các bé túa ra sân chạy nhảy chơi đủ trò, đá banh, chạy xe đạp, trốn tìm...
Tối, bọn trẻ quây quần ấm cúng nghe bà Hiền kể những câu chuyện về lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, sự thuận hòa anh em. Bé Như, 8 tuổi, ôm chầm lấy bà hôn chụt chụt, nói: "Con thương nội nhất trên đời. Con ráng học để sau này đi làm có tiền nuôi ông bà nội và cô Thảo, với lại con sẽ cho tiền mấy anh em trong gia đình mình nữa, á nội". Nghe vậy, mắt bà Hiền rưng rưng.
Bà thổ lộ: "Nghỉ hè, bọn trẻ ở nhà suốt cả ngày nên chăm cực lắm, đến tối hai mẹ con đều đuối. Nhưng được cái tụi nhỏ hiếu thảo, biết nghe lời, nhờ đó mà bao mệt nhọc cũng tan biến".
Xem trẻ như con cháu ruột thịt
Ngược dòng thời gian, vợ chồng bà Hiền cưu mang trẻ thơ theo di nguyện của người cha quá cố là hòa thượng Thích Tịnh Hạnh. Lúc còn sống, hòa thượng Thích Tịnh Hạnh thương xót những đứa trẻ mới chào đời đã bị chính cha mẹ ruột của mình từ bỏ, nên ông muốn con cháu của mình bảo bọc các trẻ kém may mắn này. Khi lớn lên, trẻ nào tìm về với cha mẹ ruột hay tự lập thì cũng có nghề nghiệp để sống tử tế.
Vợ chồng bà Hiền trải qua những năm tháng cơ hàn, mãi đến năm 47 tuổi mới tạm ổn định. Ba người con theo đường tu học, riêng người con thứ tư là Thảo ở nhà đỡ đần cha mẹ. Khi đó, ông bà liền thực hiện di nguyện của người cha quá cố.
Ban đầu, ông bà nhận nuôi con của những gia đình khốn cùng. Rồi những cô gái lầm lỡ tình trường đã bỏ con thơ ngay trước cửa nhà ông bà, chỉ ghi sơ mấy chữ về ngày tháng năm sinh đứa trẻ.
Để nuôi bọn trẻ, đồng lương công chức không đủ, ông Phước phải làm thêm nghề thú y ngoài giờ. Phần bà Hiền tằn tiện tối đa, tự mình may quần áo cho bọn trẻ. Bà tâm sự nhiều lúc mệt muốn đứt hơi, bởi đâu chỉ lo ngày ba bữa ăn mà còn phải lo từ học phí đến quần áo, hết thứ này đến thứ kia, vèo vèo đến mức hoa cả mắt. Chẳng hạn cặp da trên hai chục cái, rồi xe đạp mua chục chiếc. Nhưng cực nhất vẫn là chăm sóc trẻ sơ sinh, để bé bú đủ lượng sữa, cả ba người, mỗi người cầm bình sữa xoay đút hết đứa này đến đứa khác.
Vất vả nhất là những lúc trẻ bệnh. Có lần cả bảy đứa nhỏ bị sốt cao do viêm họng phải nhập viện. Thảo cùng những đứa lớn túc trực suốt ở bệnh viện. Phần ông bà ở nhà chăm sóc những trẻ còn lại và chạy tới chạy lui tiếp viện, nhưng rồi người chăm bệnh cũng đuối sức, ngã bệnh nên cả nhà nhập viện vô cùng một phòng để tiện lo cho nhau.
Nhiều khi quá đuối nên bà thuê người phụ tiếp nhưng làm chỉ vài ngày, người giúp việc đã xin nghỉ vì quá cực. Bà thổ lộ: "Mình xem bọn trẻ như con cháu ruột, bởi chúng chịu quá nhiều thiệt thòi, từ nhỏ đã thiếu thốn tình cảm cha mẹ, ông bà. Mình phải thương chúng thật lòng, chứ đừng nghĩ mình ban ơn đem về nuôi. Nghĩ vậy, mình khó lòng chăm sóc, dạy dỗ bọn trẻ được".
Không chỉ dạy trẻ lễ nghĩa, yêu thương, bảo bọc nhau mà bà còn dạy trẻ tính tự lập, thức dậy phải xếp mùng mền, lớn lên chút phải tiếp rửa chén, nấu cơm, trồng rau. Và quan trọng nhất vẫn là chuyện học hành, bởi vợ chồng bà quan niệm sau này trẻ phải tự lập, có nghề nghiệp tử tế nuôi bản thân, chứ ông bà không thể sống hoài với chúng được.
Ngược lại, bọn trẻ cũng rất yêu thương, kính trọng ông bà nội. Những chuyện buồn vui trong lớp học, các em đều kể cho ông bà nghe. Những lúc ông Phước có công việc vắng nhà vài ngày, có đứa khóc đòi ông nội về, hoặc khi bà bị bệnh, bọn trẻ lo lắng đứng quanh giường bà...
Cứ vậy, nhiều năm qua, dưới sự cưu mang dạy dỗ của vợ chồng bà, những đứa trẻ dần khôn lớn. Trong số 26 trẻ, có hai trẻ về sống với người thân. Bà cho tiền đi học nghề uốn tóc và lái xe. 15 trẻ đang học từ mầm non đến cấp III, được bà nuôi dưỡng tại nhà. Các trẻ còn lại cũng đang học cấp III, được bà gửi tá túc ở chùa để tiện việc học.
Và từ lâu rồi, vợ chồng bà Hiền giống như bao ông bà nội khác: "Giờ niềm vui của vợ chồng dì chính là thấy các cháu khỏe mạnh, chăm học, hòa thuận. Vợ chồng dì sẽ nuôi dưỡng trẻ đến khi không còn hơi sức, lúc đó các con dì sẽ thay thế cưu mang".
Theo: tuoitre.vn