Nguyễn Văn Quảng (Hoài Đức, Hà Nội) giới thiệu về bức tranh Hồ Chí Minh mà anh đã tự tay làm, được trưng bày tại triển lãm Những mảnh vụn - Ảnh: BẢO ĐAN
Được tổ chức bởi Bảo tàng Hà Nội và Hợp tác xã Vụn Art, Những mảnh vụn là một triển lãm hết sức đặc biệt khi trưng bày những sản phẩm tranh được ghép từ các vụn vải lụa do những người thợ khuyết tật làm nên.
Đến xem triển lãm, nhiều người không chỉ bất ngờ khi những tác phẩm nghệ thuật được làm từ vụn vải lụa, mà còn xúc động trước câu chuyện vươn lên của những người làm ra nó.
Điều đặc biệt từ những sản phẩm của triển lãm lần này là các bức tranh được tạo nên hoàn toàn từ nguyên liệu thừa của những mảnh lụa.
Để có một bức tranh hoàn chỉnh, đầu tiên những người thợ tại Vụn Art sẽ phác thảo trên bìa cứng để định hình. Sau đó, các chi tiết được cắt rời và ráp với các mảnh vải vụn đã được làm sạch sẽ và là phẳng. Được biết, để vải lụa được cứng cáp và bền màu, những bức tranh này còn được tráng hoặc phết một lớp keo sữa mỏng trước lúc được mang hong khô.
"Tùy vào độ khó dễ của sản phẩm, người thợ lành nghề của Vụn Art có thể mất đến 2-3 ngày, nhưng có khi cũng chỉ 2-3 tiếng để hoàn thành" - anh Cường chia sẻ.
Không chỉ làm nên những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, việc tận dụng vải vụn để ghép tranh còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế rác thải thời trang và tránh lãng phí tài nguyên xã hội.
Những mảnh vụn tưởng chừng như vô dụng lại được bước sang một cuộc đời mới, rực rỡ, sống động và đẹp đẽ như chính cái cách mà những người làm ra nó đang vươn lên mỗi ngày.
40 bức tranh trưng bày được chuyển thể từ nhiều thể loại: tranh dân gian Việt Nam (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống...), tranh đồng quê, tranh danh lam thắng cảnh, chân dung danh nhân và tranh của các họa sĩ nổi tiếng - Ảnh: BẢO ĐAN
Có mặt tại triển lãm, những nghệ nhân của Vụn Art không giấu được niềm phấn khởi khi thấy các sản phẩm của mình được đón nhận nhiều như vậy.
Ngồi loay hoay cắt chỉ, phác thảo tranh, chị Đặng Luyến thi thoảng lại quay sang cười với những người bạn cùng bàn khi có người giơ ngón tay "nút like" trước tác phẩm chị đang làm.
Không chỉ có những bức tranh mà triển lãm còn trưng bày nhiều sản phẩm thủ công ứng dụng khác cũng được làm từ những mảnh vụn - Ảnh: BẢO ĐAN
Phải giơ ngón tay để khen ngợi là bởi chị Luyến là người câm điếc. Thế giới của chị không có âm thanh, cuộc sống có ý nghĩa với chị từ đôi mắt biết cười để nhìn những niềm vui.
Cũng như chị Luyến, anh Nguyễn Văn Quảng (Hoài Đức, Hà Nội) kể câu chuyện của mình qua chuyển động của đôi bàn tay. Bị câm điếc bẩm sinh, anh Quảng được bố gửi đi học làm tranh ghép vải từ năm 2018.
Bức tranh Hồ Chí Minh được trưng bày tại triển lãm, anh Quảng cho biết mình chỉ mất 3 tiếng để hoàn thành tác phẩm.
Anh muốn làm bức tranh về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, bởi từ nhỏ anh đã ham đọc những câu chuyện kể về Bác, nhất là chuyện về việc Bác tự học, tự rèn luyện đã trở thành động lực để anh vươn lên.
Chị Luyến luôn tươi cười trong thế giới im lặng nhưng sặc sỡ màu sắc của mình - Ảnh: BẢO ĐAN
Những thành viên của Vụn Art thường xem chính mình là những mảnh vụn. Nhưng họ không phải là những mảnh vụn bỏ đi. Họ tìm thấy một cuộc đời khác khi biết kết dính lại cùng nhau, mà chất keo chính là tình yêu thương và sự thấu hiểu giữa những mảnh đời yếu thế.
Anh Lê Việt Cường - người sáng lập Hợp tác xã Vụn Art - chia sẻ: "Bản thân tôi cũng là người khuyết tật, bị bại liệt từ nhỏ. Bởi vậy, tôi thấu hiểu sự khó khăn của người khuyết tật trong việc có thể sống tự lập, tự tin bằng chính khả năng và sức lao động của bản thân".
Triển lãm "Những mảnh vụn" kéo dài đến tháng 10-2023 tại Bảo tàng Hà Nội - Ảnh: BẢO ĐAN
Triển lãm Những mảnh vụn kéo dài đến tháng 10-2023 tại Bảo tàng Hà Nội.
Trong thời gian này, bảo tàng sẽ tổ chức workshop trải nghiệm làm tranh, làm quà lưu niệm bằng vải lụa vào dịp cuối tuần.