Đám trẻ trong nhà Hoàng Cúc vây quanh nghe má Hoa dặn về lịch tiêm vắc xin sắp tới - Ảnh: VŨ THỦY
Đã có biết bao lớp trẻ mồ côi, yếu thế được nuôi dưỡng và lớn lên từ hàng chục cơ sở công lập cũng như mái ấm tư nhân tại TP.HCM. Ở đó, với tất cả tình yêu thương, mỗi nhân viên, bảo mẫu vẫn hằng ngày cố gắng bù đắp tốt nhất có thể cho những phận đời kém may mắn.
Sẽ không thể đếm hết có bao nhiêu thế hệ đã được nuôi dưỡng, trưởng thành từ các mái ấm, có việc làm ổn định, tử tế vào đời.
"Thưa mẹ Trang, con đi học mới về!". Tiếng chào của mấy đứa trẻ râm ran cả một góc sân khi xế chiều ở Làng thiếu niên Thủ Đức (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM). Nghe tiếng trẻ, chị Thạch Ngọc Trang (46 tuổi) từ trong bếp chạy ra dặn các con vào tắm rửa nhanh rồi ăn cơm.
Mùi thơm của món cá kho cà bay khắp căn nhà tên hoa Anh Đào của mẹ con chị. Đó là ngôi nhà hai lầu nhỏ xinh như một biệt thự mini với 4 phòng ngủ trên lầu cùng phòng tắm. Bao quanh là khoảnh sân nhỏ trồng đủ các loại cây, hoa. Cây sakê cạnh nhà to lớn um tùm, lúc lỉu trái.
Chị Trang là cán bộ quản lý ở đây, được đám trẻ gọi là mẹ. Hơn 30 năm qua, làng thiếu niên này nuôi trẻ theo mô hình gia đình với 24 nhà. Mỗi nhà có mẹ và dì sẽ nuôi khoảng 12 đứa con từ mẫu giáo đến lớp 6. Các trẻ gọi chị Trang là mẹ, còn một người khác thay ca với chị được gọi bằng dì.
Tranh thủ phút ngơi tay, chị Trang kể đã gắn bó với nơi này nhiều năm. 29 tuổi, chị trở thành mẹ của những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị gia đình bỏ rơi.
"Lúc đó tôi không nghĩ có mô hình gia đình như thế, còn sợ công việc này sẽ quá sức với mình. Nhưng mình thương tụi nhỏ nên dù có cực vẫn chọn gắn bó với làng từ ấy tới nay" - người phụ nữ quê Tân Uyên (Bình Dương) chia sẻ.
Ở "nhà", những đứa con sẽ được mẹ và dì lo cho ăn uống, vệ sinh, dạy học đủ độ tuổi, cả hướng dẫn làm việc nhà, chăm sóc cây. Chị Trang từng đứng ra làm sui, gả đứa con được mình chăm từ tấm bé đến khi lập gia đình.
Ở làng, trẻ từ 4 tuổi sẽ được đưa từ khu sơ sinh xuống nhà gia đình. Lên 12 tuổi, trẻ nam sẽ đưa lên lưu xá nam.
"Có những đứa trẻ đường phố đưa vào đây đã 11 - 12 tuổi, đang phát triển tâm sinh lý nên nhiều khi phải mất vài năm uốn nắn, rèn giũa không phải vì khắt khe mà chỉ muốn các con nên người" - chị Trang tâm sự.
Ấy cũng là hành trình gian nan mà chị Nguyễn Thị Thanh Hoa - cán bộ quản lý, nuôi dạy trẻ của nhà Hoàng Cúc - từng trải. Má Hoa nói chăm một, hai đứa con bình thường đã khó, huống hồ nuôi dạy những đứa trẻ đủ lứa tuổi, hoàn cảnh xuất thân, tính cách còn vất vả gấp bội. Má Trang không có con. Má Hoa độc thân nên dồn hết tình thương cho những đứa trẻ kém may mắn ấy.
Chị nhớ hồi mới vào làm ở làng thiếu niên cũng lo lắng lắm vì lúc đó khá trẻ, chưa từng chăm con nít mà giờ phải lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho những đứa bé sơ sinh. "Nếu không có tình yêu thương vô bờ bến với trẻ, làm sao chăm lo cho những đứa trẻ trong mái ấm tình thương được" - chị Hoa nói vậy.
Chưa kể còn phải đủ kiên nhẫn, bao dung những lúc trẻ lầm lỗi, chưa vâng lời, đôi khi buộc phải la mắng để trẻ vô nề nếp. Chị Hoa và một dì khác hiện quản lý 12 trẻ. Hơn chục năm làm mẹ ở đây, chị Hoa nhớ có đứa bị bỏ rơi khi mới 5 ngày tuổi, chưa kịp cắt dây rốn mà cậu bé này giờ đã vào lớp 5. Rồi chị kể tên đứa suýt bị bán may mà công an giải cứu kịp, rồi cả ba anh em ruột sống lang thang đường phố được làng tiếp nhận, đặt tên và làm giấy tờ cho đi học.
Ra đời từ năm 1978 theo quyết định của UBND TP.HCM, Nhà nuôi trẻ mầm non 1 (nay là Làng thiếu niên Thủ Đức) trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM. 46 năm qua, nơi này là một trong những điểm hẹn cưu mang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM.
Giám đốc Làng thiếu niên Thủ Đức Nguyễn Hữu Tài nói cơ sở này là mô hình công lập duy nhất trên cả nước hiện nuôi dạy trẻ mồ côi theo mô hình gia đình. Làng có 24 ngôi nhà đang nuôi dạy khoảng 203 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tiếp nhận từ cộng đồng, các bệnh viện... được quận, huyện lập hồ sơ đưa vào. Mỗi gia đình có hai người nuôi dưỡng là mẹ và dì làm việc theo ca luân phiên, mỗi ca 48 giờ để chăm sóc các con.
Trong 203 trẻ, 111 bạn đang đi học từ mẫu giáo đến đại học. "Các con lớn lên trong gia đình có anh hai, chị ba và sẽ hình thành, phát triển một cách tự nhiên nhất. Quy định chung trẻ sẽ được nuôi dưỡng, cho ăn học đến năm 16 tuổi nhưng nếu trẻ học nghề, đại học sẽ tiếp tục nuôi đến năm 22 tuổi. Năm học này làng có tới 3 sinh viên" - ông Tài chia sẻ.
Mẹ Trang và bầy con nhỏ bên hông nhà chờ các bé còn lại đi học về - Ảnh: VŨ THỦY
Tự tay chăm sóc từng đứa trẻ ở làng, chị Hoa hay chị Trang cũng như các bà mẹ khác ở đây luôn mong những đứa con khi nhỏ chịu học hành, biết nghe lời, lớn lên có thể tìm được việc ổn định và tử tế. Mẹ Trang kỳ vọng từng đứa con trưởng thành nhưng trước hết phải là người có đạo đức, sống tử tế rồi mới mong thành tài.
"Kể cả những đứa có sức học không tốt, mình cũng hướng cho con học nghề để ra đời có cái nghề làm nuôi bản thân, có vậy mình cũng yên lòng" - chị Hoa nói.