'Khù Khờ' mỗi ngày kể một câu chuyện chữa lành

Thứ Sáu, 07/04/2023

Trong không gian xanh mát ngập tràn ánh nắng, cô gái 'Khù Khờ' miệt mài ngồi trước khung thêu. Gạt bỏ mọi xô bồ, tấp nập nơi chốn thành thị, 'đứa trẻ bên trong' tìm được nơi trú ẩn bình yên.

 

Khù Khờ mỗi ngày kể một câu chuyện chữa lành - Ảnh 1.

Giữa thủ đô tấp nập, ồn ào, Nguyễn Thị Hà My - chủ tiệm đồ thủ công "Khù Khờ Diary" - lựa chọn chốn bình yên nơi căn gác trọ - Ảnh: HÀ THANH

​​​​​​​​​​​​​​

Nép mình trên căn gác trọ, "Khù Khờ Diary" của cô gái Nguyễn Thị Hà My (28 tuổi, ở Hà Nội) khiến khách hàng không khỏi bất ngờ, thích thú bước vào một không gian bình yên tràn ngập cây xanh, đồ handmade, chỉ thêu đầy sắc màu.

"Mọi người hay hỏi tôi tại sao lại là "Khù Khờ"? Tôi nghĩ dù có trưởng thành đến thế nào đi chăng nữa thì mỗi người sẽ luôn có một "đứa trẻ bên trong". 

Giữa những khó khăn, vất vả, áp lực của cuộc sống, tôi muốn bản thân được nuôi dưỡng "đứa trẻ bên trong", luôn hồn nhiên với thế giới. Và tôi mong muốn mọi người cũng như vậy" - Hà My mở đầu câu chuyện, khóe mắt của cô gái Hà Thành lấp lánh giọt nước mắt.

NGUYỄN THỊ HÀ MY

Đồ thủ công mang đến cho tôi cảm giác được chữa lành, khiến tôi cảm nhận được sự yên bình giữa thành phố tấp nập, vội vã. Tôi hy vọng, các bạn cũng sẽ cảm nhận được sự yên bình và ấm áp đó"

Từ bỏ, lựa chọn và bước đi

"Thai nghén" với đồ handmade (tạm dịch: đồ thủ công) từ năm 2018, nhưng đến năm 2020 My mới quyết định khởi nghiệp bằng cách mở một cửa hàng online. Ẩn giấu sau quyết định táo bạo đó là cả một câu chuyện khá dài.

Lần giở từng "trang nhật ký", My kể bản thân vốn học chuyên ngành sư phạm nhưng cô rẽ ngang lựa chọn ngành công nghệ thông tin, rồi lại quay về với sư phạm theo mong ước của bố mẹ. Ra trường, cô đi làm thiết kế và bị cuốn theo guồng quay của công việc.

Quãng thời gian làm việc văn phòng, tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, My cảm nhận được sự mệt mỏi hiện lên trên những gương mặt và cô cũng không nằm ngoài guồng quay đó. 

Cô nhớ lại, mỗi ngày đi làm về là ở trong trạng thái mệt mỏi, rệu rã, không thấy hạnh phúc, không muốn làm bất kỳ việc gì nữa.

Khù Khờ mỗi ngày kể một câu chuyện chữa lành - Ảnh 3.

Những sản phẩm thủ công do chính tay Hà My thiết kế - Ảnh: HÀ THANH

Năm 2020 đối diện với cú ngã đầu đời, My một mình loay hoay, chống cự với nó. Lúc ấy, cô làm bạn với thiền, với kim - chỉ thêu và cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái hơn rất nhiều. "Khi được chậm lại giúp tôi nhận ra nỗi đau của mình, không chạy trốn nữa mà học cách đối diện và vượt qua nó" - My bộc bạch.

Thời điểm đó cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát, vừa đi làm công việc văn phòng, cô còn tự tay may những chiếc túi xách, khẩu trang vải để bán kiếm thêm thu nhập.  

Những món đồ handmade xinh xắn, đầy màu sắc nhận được "cơn mưa lời khen" từ bạn bè, người thân xung quanh, tiếp thêm động lực cho cô tiếp tục hành trình với đồ handmade.

Làm song song hai công việc, ngày đi làm ở văn phòng, tối đến về nhà lại ngồi vào may vá để kịp trả đơn cho khách hàng, công việc dù vất vả nhưng bù lại giúp My tiết kiệm được một khoản tiền kha khá. 

Khù Khờ mỗi ngày kể một câu chuyện chữa lành - Ảnh 4.

Mỗi ngày, Khù Khờ Diary kể những câu chuyện chữa lành - Ảnh: HÀ THANH

"Tại sao mình không mở một cửa hàng online cho mọi người dễ dàng đặt hàng" - My tự nhủ. Vậy là cô bắt tay ngay vào ý định của mình, mục tiêu là năm 2020 mở cửa hàng online, năm 2023 sẽ mở cửa hàng offline.

Sau khi dự trù được kinh phí hoạt động trong vòng 6 tháng, cô quyết định nghỉ việc văn phòng, tập trung với dự án của mình. 

My bày tỏ, do có sự chuẩn bị trước, có kế hoạch rõ ràng nên không bị động trước khó khăn, số tiền tiết kiệm giúp cô xoay trở được khi không còn nguồn thu từ việc văn phòng, không bị lao đao trong thời điểm dịch COVID-19.

Mỗi ngày kể một câu chuyện chữa lành

Quyết định khởi nghiệp táo bạo đã giúp My tìm thấy hướng đi đúng đắn. Đầu năm 2023, My chính thức cho ra mắt tiệm bán hàng thủ công mang tên "Khù Khờ Diary" trên căn gác trọ.

Trên fanpage của "Khù Khờ Diary" mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm nhẹ nhàng, thư thái tâm hồn. Xem khách hàng như những người bạn, mỗi ngày, My lựa chọn kể một câu chuyện chữa lành tâm hồn hay chia sẻ những dòng tâm sự để vỗ về "đứa trẻ bên trong".

Khù Khờ mỗi ngày kể một câu chuyện chữa lành - Ảnh 5.

Những sản phẩm thủ công do chính tay Hà My thiết kế - Ảnh: HÀ THANH

"Đồ thủ công mang đến cho tôi cảm giác được chữa lành, khiến tôi cảm nhận được sự yên bình giữa thành phố tấp nập, vội vã. Tôi hy vọng, các bạn cũng sẽ cảm nhận được sự yên bình và ấm áp đó" - My bày tỏ.

Dần dà, những câu chuyện kể "Khù Khờ" thu hút đông đảo bạn trẻ tìm đến căn gác trọ. 

Vừa bán hàng, My mở thêm các workshop "Thêu chữa lành" để các bạn trẻ làm bạn với kim, chỉ thêu, tự tay làm được sản phẩm theo sở thích và tìm thấy cảm giác được chữa lành, vỗ về tâm hồn.

Cá nhân hóa sản phẩm thủ công

Xây dựng được tệp khách hàng thân thiết, nhận thấy nhu cầu sử dụng đồ thủ công ngày càng lớn, My đẩy mạnh xây dựng thương hiệu qua các sàn thương mại điện tử, nhờ đó số lượng khách hàng tăng lên nhanh chóng. 

Nhờ vốn kiến thức về công nghệ thông tin được trau dồi trước đó, My áp dụng vào vận hành bán sản phẩm của mình. Không chỉ bán ở sàn thương mại điện tử ở Việt Nam, cô còn mở rộng bán hàng trên kênh quốc tế, trong đó có thị trường Mỹ.

Khù Khờ mỗi ngày kể một câu chuyện chữa lành - Ảnh 6.

Từ ngày làm bạn với kim - chỉ thêu, Hà My cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái hơn rất nhiều - Ảnh: HÀ THANH

"Ở thị trường quốc tế, tôi hướng đến phong cách cá nhân hóa cho khách hàng. Ở đó, khách hàng thích những sản phẩm thủ công chỉ riêng họ có. Đơn giản chỉ là chiếc khẩu trang, chiếc túi thêu tên của khách hàng và rất hạnh phúc khi sở hữu chúng" - My kể.

"Biết ơn câu hỏi: Em có thực sự muốn làm giáo viên?"

Ngày còn ngồi ở giảng đường sư phạm, My nhớ mãi câu hỏi của một giáo viên khi chứng kiến cô sinh viên chỉ học cho có, học cho xong: "Em có thực sự muốn làm giáo viên không?".

"Đến bây giờ tôi vẫn thầm cảm ơn câu hỏi đó của cô. Tôi may mắn khi nhận ra được bản thân thích điều gì, muốn điều gì và tranh thủ thực hiện đam mê của mình khi còn trẻ. Nhưng có rất nhiều người, thậm chí đã lớn tuổi rồi vẫn loay hoay không biết mình thích, mình muốn điều gì" - My bày tỏ.

Để chứng minh được điều mình muốn là đúng đắn, My đã lựa chọn hành động. Cô kể, khi ra trường cô dùng hành động thuyết phục bố mẹ, từ phản đối thì nay bố mẹ đã "ủng hộ hai tay hai chân".

Để hỗ trợ con gái, bố là người đóng các bộ bàn ghế, giá trồng cây giúp cô thiết kế cửa hàng, còn mẹ hỗ trợ dọn dẹp và còn thủ thỉ cùng con gái: "Mẹ còn vàng đấy, khi nào cần thì lấy nhé?".

"Tôi nghĩ làm bất cứ điều gì cũng cần chứng minh bằng hành động, thể hiện qua thời gian. Đến bây giờ, chắc chắn lựa chọn của mình đã không còn "Khù Khờ" chút nào nữa phải không?" - My dí dỏm.

Liên kết website