Đôi vợ chồng bảo vệ sinh thái vườn cò Gia Lạc

Thứ Tư, 06/01/2021

 Nổi tiếng khi sở hữu cả vườn cò rộng 2ha ở khu vực gần đê thuộc xã Gia Lạc (Gia Viễn), vợ chồng anh chị Hà Văn Lâm và Nguyễn Thị Luyện ở thôn Mai Sơn 1, xã Gia Lạc đã gần 10 năm qua không những dành phần đất làm kinh tế cho đàn cò trú ngụ mà luôn ý thức bảo vệ môi trường sinh thái nơi đàn cò sinh sống; tuyên truyền nhân dân trong xã cũng như du khách nâng cao ý thức bảo vệ đàn cò. Từ việc làm của anh chị đã tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp cho vùng quê nơi đây.

T9

Vợ chồng anh Lâm, chị Luyện chăm sóc vườn cây nơi đàn cò trú ngụ.

 Mỗi buổi chiều đến với khu vực đê Gia Lạc, một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp hiện lên khi khu vực nơi đây ngợp trời bởi cánh cò trắng bay lả, bay la liệng lên, liệng xuống bắt cá, tôm dưới sông, rồi đậu trắng trên cành cây niễng. Không gian 2ha vùng đất bồi ven sông Hoàng Long phủ kín màu trắng cò đậu. Tìm hiểu về nguyên do có cả “vườn cò” ấy, chị Nguyễn Thị Luyện ở thôn Mai Sơn 1, xã Gia Lạc - chủ nhân của khu đất cò đậu cho biết: Năm 2006, gia đình tôi đã thầu khu đất là thùng đào, thùng đấu cạnh đê Gia Lạc với diện tích 100.000 m2. Sau nhà nước thu hồi khoảng gần 40.000 m2 để múc sông, hiện gia đình còn 60-70.000 m2 sử dụng. Khu vực đấu thầu khi đó chỉ là vùng đất trũng, cây cối chủ yếu là cây sậy, cây niễng, rất khó canh tác. 

Với quyết tâm cải tạo khu đất thầu mang lại giá trị cao, gia đình tôi đã quy hoạch thành 3 vùng sản xuất: 1 vùng cấy 20 mẫu lúa, 1 vùng khai thác thủy sản và dành 2 ha đất để trồng cây. Phần diện tích đất trồng cây, ban đầu gia đình rào giậu bằng cây sậy, cây niễng, sau gia đình trồng thêm cây tre, thiều biêu và đỏ. Sau khi quây khu khu vườn trồng cây, những năm sau đã thấy một số loài cò, nương, sâm cầm về trú ngụ, chiếm số lượng nhiều nhất là cò. Khi cò về sinh sống, gia đình tôi đã trồng thêm cây cho cò trú ngụ. Đến năm 2015 cò đã có vài nghìn con. Đến nay, số lượng cò đã nhân lên gấp nhiều lần. Sau khi cò về nhiều, gia đình tôi đã dành cả phần đất 2ha cho cò trú ngụ, không khai thác kinh tế ở phần diện tích này.

Điều đáng ghi nhận ở tinh thần nhân văn của gia đình anh Lâm, chị Luyện chính là ý thức cao trong bảo vệ sinh thái tự nhiên, không khai thác cò để bán mà luôn chăm sóc, bảo vệ cò. Khoảng 2 năm trước, rất nhiều kẻ trộm thường xuyên rình rập săn bắt trộm cò, gia đình anh Lâm, chị Luyện đã không quản khó khăn ngày đêm bảo vệ đàn cò. Đặc biệt, những ngày mưa bão, anh chị đã đội mưa, gió ra vườn cò kiểm tra, hiện trạng tổ cò, nhặt từng quả trứng cò rơi xuống đất cho lên tổ, băng bó chân cho những con cò non bị gió thổi ngã gãy chân. Từ tình cảm đặc biệt của anh chị, đàn cò sinh sản, tìm về trú ngụ ngày càng nhiều trên khu vườn. Nhờ sự sát sao của anh chị trong việc bảo vệ vườn cò, đến nay tình trạng săn bắn trộm cò giảm đáng kể, cò sinh sản và phát triển ngày càng nhiều trên vùng đất lành ấy.

Gắn bó với đàn cò gần 10 năm nay, gia đình anh Lâm chăm chút đàn cò hằng ngày, hiểu được quy luật hoạt động của chúng. Sáng sớm thì bay đi kiếm ăn, còn lại ở vườn chỉ là tổ cò và những chú cò con. Vào chiều tối tất cả sẽ bay về vườn trú ngụ. Để tạo điều kiện cho cò sinh sản, vào trước mỗi mùa sinh sản của cò vào mùa Xuân và mùa Thu, gia đình anh chị đã đầu tư 2 lần mua thuốc phun khử trùng khu vườn để tránh bệnh dịch lây lan khi cò sinh sản, bảo vệ môi trường sạch sẽ nơi cò trú ngụ. Nhờ được chăm sóc chu đáo, mỗi năm cò sinh sản hàng nghìn con đều phát triển tốt.

Hiện nay, khu vườn cò của gia đình anh chị Lâm Luyện được nhiều người dân biết đến, không chỉ nhân dân trong tỉnh mà cả các tỉnh bạn thường xuyên đến tham quan. Mỗi khách tham quan, anh chị luôn tuyên truyền cho du khách việc bảo vệ đàn cò, không tiếp xúc tại khu vực cò sinh sống tránh bị xáo trộn điều kiện sống của cò. Với ý thức, trách nhiệm với thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái nơi sinh sống, gia đình anh Lâm, chị Luyện tiếp tục dành tâm sức, trách nhiệm bảo vệ nét đẹp thiên nhiên ban tặng cho gia đình, góp phần tô thắm bức tranh đa sắc màu của cuộc sống.

Nguồn: Báo ĐT Ninh Bình

 

Liên kết website