Đại diện bốn đơn vị (từ trái sang): Liên đoàn Lao động TP.HCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, Bảo hiểm xã hội TP.HCM ký quy chế phối hợp công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động - Ảnh: VŨ THỦY
Đây là sáng kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM. Hoạt động phối hợp giữa bốn đơn vị bao gồm hướng dẫn, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tuyên truyền chính sách.
Đặc biệt, phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Bộ luật Lao động và các luật: Việc làm, An toàn vệ sinh lao động, Bảo hiểm xã hội, Công đoàn, Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời tăng cường giám sát hỗ trợ cho công nhân là người lao động mất việc, nghỉ việc đảm bảo quyền lợi của họ.
Định kỳ hằng quý, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cung cấp cho các bên danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội từ ba tháng trở lên. Từ đó lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành đột xuất đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có tình hình nợ kéo dài.
Bên cạnh đó, thông tin kịp thời và phối hợp giải quyết các trường hợp doanh nghiệp giảm nhiều lao động do thiếu đơn hàng, các vụ tranh chấp lao động tập thể; giải quyết việc chốt sổ bảo hiểm xã hội, giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn; doanh nghiệp giải thể, phá sản còn nợ tiền bảo hiểm xã hội.
Ông Phạm Minh Tuấn - phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - nói qua tiếp cận doanh nghiệp có tình trạng "doanh nghiệp phải làm việc với hết đoàn này đến đoàn khác". Do đó, cần phối hợp thanh tra liên ngành để giảm phiền hà cho doanh nghiệp, nhất là khi họ trong giai đoạn khó khăn.
Ông Lò Quân Hiệp - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho rằng việc thực hiện quy chế phối hợp thanh tra liên ngành sẽ hạn chế tình trạng nhiều đoàn đến doanh nghiệp. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo đảm người lao động được hưởng các chế độ về thất nghiệp, thai sản kịp thời.
Thông tin về tình hình lao động, việc làm, giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thinh cho biết hiện TP.HCM có khoảng 4,69 triệu lao động.
Bảy tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận gần 92.000 người nghỉ việc tại các doanh nghiệp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
29 doanh nghiệp có số lượng cắt giảm trên 500 người, tổng số lao động cắt giảm gần 38.500 người, trong số lao động mất việc hoặc bị sa thải có đến gần 31.000 người không có chuyên môn kỹ thuật.
Thời gian qua Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc sở đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức 59 phiên giao dịch trực tuyến với khoảng 68.700 lượt người được tư vấn, có 43.200 lượt đã nhận việc.
tuoitre.vn