Cùng nhau nuôi em Mường Lát

Thứ Hai, 14/11/2022

Dự án 'Cùng nhau nuôi em Mường Lát' vừa được Đoàn khối ngân hàng TP.HCM cùng Huyện Đoàn Mường Lát, CLB thiện nguyện và hiến máu Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) phối hợp thực hiện.

Cùng nhau nuôi em Mường Lát - Ảnh 1.

Các em nhỏ khó khăn ở Mường Lát (Thanh Hóa) đã có bữa ăn trưa đủ dinh dưỡng từ dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” - Ảnh: HÀ THỊ CHANH

Mường Lát là một huyện biên giới, cách thành phố Thanh Hóa hơn 250km, ở những bản làng xa hầu hết là bà con dân tộc Mông, Thái, Mường...

"Có những bản làng hẻo lánh chưa có đủ điều kiện, bữa ăn còn đạm bạc, con chữ còn xa xôi, nơi các em đến trường với đôi chân trần, chiếc áo sờn vai, chiếc quần cũ kỹ" - cô giáo Phạm Thanh Huyền, một tình nguyện viên tại Thanh Hóa, chia sẻ.

Bữa cơm có thịt và giấc ngủ no tròn

Cô Huyền là giáo viên tiểu học ở một huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa nên cô hiểu cái đói, cái lạnh khiến nhiều em nhỏ chẳng đủ no, đủ ấm để đến trường. 

Ở Mường Lát có cha mẹ đưa các em theo lên nương làm rẫy, có cha mẹ cho các em đi học, hành trang là gói cơm với muối hạt, măng rừng.

Các thầy cô đã ghi lại những đoạn clip hình ảnh các em nhỏ ăn cơm trắng được ba mẹ đựng trong túi ni lông hoặc hộp cà mèn đăng tải lên trang fanpage của dự án. 

Nhiều trường hợp các em còn nhịn luôn bữa trưa nên đến giờ học buổi chiều cứ lơ mơ không tiếp thu nổi bài học. Cả những clip về những đôi chân trần của các em phải lội suối, băng rừng đến trường...

Các clip đã tạo sự chú ý của cộng đồng mạng. Và từ đây, dự án "Cùng nhau nuôi em Mường Lát" ra đời.

Dự án đã triển khai tại sáu điểm trường tại huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) với tổng cộng 334 em học sinh được thụ hưởng. 

Chị Trần Thị Hà Thanh, bí thư Đoàn khối ngân hàng TP.HCM, cho biết: "Cách làm của dự án được các tình nguyện viên thiết kế bài bản khi mỗi em đều có mã số để kết nối với các bố, mẹ, anh, chị nuôi. 

Mỗi em sẽ nhận được sự hỗ trợ từ dự án 150.000 đồng/tháng góp thêm vào số tiền Nhà nước hỗ trợ kinh phí học tập của các em để các thầy cô giáo nấu bữa trưa có đủ dinh dưỡng từ cá, thịt, trứng, canh rau".

Cô Huyền cho biết những năm học trước, Mường Lát chưa có điểm trường nào tổ chức ăn trưa, ăn bán trú cho học sinh, vì vậy dụng cụ nhà bếp và bếp ăn cũng như đồ dùng sinh hoạt nghỉ trưa của các em hầu như không có. 

Dự án cùng thầy cô đã kêu gọi nhà hảo tâm, bố, mẹ, anh, chị nuôi cùng hỗ trợ từ những vật dụng nhỏ nhất như muỗng, chén, khay đựng đồ ăn, nồi, chiếu, chăn... hay những đầu tư lớn hơn như bếp gas công nghiệp, giếng nước, giường ngủ xếp.

Thay vì để các học sinh tự ăn, tự chơi thì từ khi có dự án, các thầy cô nấu cho các em học sinh ăn trưa, sau đó sắp xếp chỗ ngủ cho các em.

Học sinh đi học đều hơn, tăng cân nhờ bữa ăn dinh dưỡng

Thời gian đầu thực hiện, các em chưa quen với nếp sinh hoạt ăn ngủ đúng giờ nên thầy cô rất vất vả. Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô vào bếp nấu cơm và dọn cơm cho các em ăn, rồi bố trí chỗ ngủ trưa...

Thầy Lang Văn Long, giáo viên điểm Lát, Trường tiểu học Tam Chung (xã Tam Chung huyện Mường Lát), cho biết ở điểm trường này đa số các em học sinh lớp 1, 2, 3 ở gần nên về nhà ăn cơm trưa. 

Còn lại hơn 70 học sinh khối lớp 4 và 5 phần lớn nhà xa từ 3-9km nên phải ở lại và được dự án hỗ trợ suất ăn trưa.

Thầy Long chia sẻ: "Học trò hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà các em ở xa nên không thể về trưa, đa số các em mang theo cơm trắng. 

Thậm chí có em còn không có gì mang theo, phải nhịn đói để học tiếp buổi chiều. Thầy cô bận thêm việc nhưng tất cả đều thấy vui vì các em học sinh đến trường đầy đủ hơn. 

Các em được ăn no nên buổi chiều học tập cũng bớt chểnh mảng hơn trước. Có em còn tăng cân, không gầy gò như trước".

Riêng gia đình thầy Long còn giúp ba học sinh ở lại nhà, cuối tuần thầy lại đưa các em về nhà vì các em ở xa, gia cảnh lại quá khó khăn. 

"Là người thầy, chỉ mong học trò đến lớp, có cái chữ mai này các em bớt khổ hơn. Do vậy, các thầy cô đều rất nhiệt tình tham gia dự án", thầy Long bộc bạch.

Cô Hà Thị Chanh, giáo viên mầm non điểm Ón, Trường mầm non Tam Chung, ở cách trường gần 20km nên mỗi sáng từ 6h cô đã chạy xe máy vào trường đón các con vào lớp. Đường đến trường mùa mưa lũ khá vất vả, trượt ngã thường xuyên nhưng cô và đồng nghiệp không nề hà...

Cô Phạm Thanh Huyền, thành viên phụ trách dự án, nói: "Các em đi học đều hơn, chăm ngoan hơn, phụ huynh yên tâm đi làm nương rẫy. 

Cân nặng của các con đã tăng lên, khỏe mạnh hơn. Hy vọng rằng những năm tới dự án sẽ lan tỏa để được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm".

Yêu thương như tình thân gia đình

Khi tham gia dự án, các em học sinh sẽ được gọi là các con và người nhận giúp bữa trưa sẽ được gọi là bố, mẹ, anh, chị nuôi. Mục đích là để tạo sự gần gũi, thân thiết như người trong gia đình, cùng yêu thương, chăm sóc và đồng hành.

Mỗi bố, mẹ, anh, chị nuôi sẽ nhận nuôi cơm ít nhất một em (150.000 đồng/tháng), có người nhận hỗ trợ gần 20 em. Không chỉ tổ chức nấu ăn trưa cho các em, dự án còn vận động nguồn lực tặng áo ấm và dụng cụ học tập để các em yên tâm đến trường.

 

KIM ANH - tuoitre.vn