Tuổi cao, bà Chính vẫn tự mưu sinh và giúp con nuôi cháu nhỏ ăn học
Người dân sống ven kênh Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã thân quen bà cụ gầy gò ngoài 80 tuổi ngày ngày cặm cụi đi bán vé số nuôi cháu ăn học. Nhưng ít ai biết bà phải khó nhọc kiếm miếng ăn từng ngày đã lặng lẽ hiến đất mở đường cho người đi.
Khi chúng tôi đến thăm, bà Chính đang dọn mâm cơm ăn cùng cháu nội 11 tuổi dưới mái nhà tôn mới cất lại. Đó cũng là nhờ nhiều tấm lòng hảo tâm hỗ trợ sau khi căn nhà lá xập xệ của bà đã tháo dỡ lần thứ hai để nhường mặt tiền mở đường.
Bà Chính có sáu người con, nay đều đã có gia đình và chỉ làm đủ ăn đủ mặc qua ngày. Thương anh con trai út hồi nhỏ "chết hụt", sức khỏe kém, đi làm hồ ở Long An bữa đực bữa cái, nên bà tiếp tục nuôi nấng giúp đứa cháu nhỏ.
Đã ngoài 80, bà gầy gò nhưng vẫn nhanh nhẹn. Đi bán vé số, mỗi ngày bà rảo bước hơn 10km quanh các xã là chuyện thường. Quê Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, ngày trẻ bà lấy chồng về xứ Chắc Cà Đao, huyện Châu Thành, An Giang.
Ông cõng gạch, đào đất thuê và có với nhau sáu đứa con. Rồi một lần đào đất, ông bị trật xương sống và phải chịu vết thương hành hạ suốt hơn một năm dù người vợ tìm đủ cách chữa trị cho chồng. Ông mất khi vợ mới 37 tuổi.
Thế rồi, mình người vợ đơn thân bồng bế sáu đứa con thơ vào vùng đất kinh tế mới huyện Thoại Sơn. Mẹ góa con côi, may được người dân trong xóm tốt bụng cưu mang, cho che tạm căn lều dưới mé sông. Năm đó con lớn nhất mới 13 tuổi, đứa út 3 tuổi, vậy mà một thân bươn chải dãi nắng dầm mưa để nuôi trọn đàn con thơ sớm mồ côi cha...
Lâu rồi, bà Chính mới trải lòng nhiều như thế và niềm tin cuộc sống này vẫn tròn đầy dẫu cơ cực đến nhường nào.
Một thân một mình nuôi con cũng khổ lắm chứ, nhưng tôi chưa từng nghĩ sẽ có chồng khác. May phước, khi đến vùng đất này cũng hổng quá khó miếng ăn, mùa lúa thì tôi với mấy đứa lớn đi cắt lúa mướn, đi mót lúa chét. Tới mùa nước nổi, tôi giăng lưới cá linh, hồi đó cá nhiều lắm, bán chỉ 2.000 đồng/kg cũng sống được.
Ròng rã suốt ba năm trời ở đậu, cuối cùng bà cũng dành dụm mua được miếng đất ruộng 60m², chiều ngang 4m, dài 15m. Hàng xóm giúp mẹ góa con côi cất căn nhà cột tre, lợp lá đơn sơ mà ấm cúng.
Đến khi chính quyền xã Mỹ Phú Đông vận động dân hiến đất làm đường, bà chẳng đòi hỏi gì mà vui vẻ đồng ý lùi ngay căn nhà vô 2m, tức cho liền 8m2 mặt tiền "để con cháu trong xóm có đường đi học".
Bà cụ nghèo hiến đất mở đường cho bà con đi lại tiện lợi - Ảnh: Đ.TUYẾT
Năm 2010, việc đóng đồng hồ điện sinh hoạt mất 6 triệu đồng. Bà đi vay mượn, làm đâu đó xong xuôi rồi đóng cửa nhà đi Bình Dương bán vé số.
"Ở Bình Dương, tôi có đứa con gái thứ năm và cháu ngoại, tôi ra thủ thỉ với tụi nó cho vui. Một phần vì muốn kiếm tiền trả hết nợ.
Được cái ngoài đó đông người, bán vé số mau có ăn, lại được ông chủ đại lý tốt bụng, lãnh vé bán trước cho trả tiền sau khỏe lắm. Vậy đó mà chỉ trong hai năm tôi trả dứt nợ mới an tâm trở về quê nhà", bà Chính vui vẻ kể.
Trở lại quê, cái nghiệp bán vé số vẫn đeo mang bà để ngày ngày vẫn cầm 200 tờ vé số đi bán khắp xóm dưới, chợ trên kiếm tiền lo cho cháu nội đi học. Đứa cháu nội 11 tuổi, con của anh con trai út cũng là đứa cháu duy nhất trong gần 20 cháu chắt đang ở bên bà nội. Bà vui vẻ nói rồi căn nhà nhỏ bé này cũng sẽ để lại cho con cháu...
Năm 2021, UBND xã tiếp tục mở rộng đường nông thôn bê tông nhựa, bà lại nhiệt tình hiến tặng thêm 3m sâu đất mặt tiền với tổng diện tích 12m². Số đất không hề nhỏ với bà bán vé số, và gia tài là nền nhà dài 15m của bà giờ chỉ còn 10m cụt lủn.
Tôi nghĩ giản đơn nhờ những lòng tốt nên mẹ góa con côi chúng tôi mới có nơi an cư, lạc nghiệp, nên giờ mình tặng lại thôi.
Bà Chính tiếp tục nhắc đến tấm lòng tốt của những người xa lạ từng giúp gia đình mình. Phải kể lại năm đứa con trai út mắc bệnh đau ban đỏ, ở trong đồng trong bưng lại không có tiền nên bà không từng nghĩ đi bệnh viện, chỉ phó mặc cho số trời. Nhà nghèo, cái giường cũng không có, phải trải rơm dưới đất cho con nằm.
Con phát bệnh nặng, khắp người trổ ban tím ngắt, tiêu chảy không kiểm soát được. Bà chỉ có thể liên tục thay rơm mới cho con nằm và cắn răng nhìn con sốt đau vật vã.
Thời may, có ghe hàng từ Châu Đốc tới, họ bán thiếu cho một chai thuốc chữa bệnh cho con. Cậu uống vô dần khỏe lại, qua khỏi kiếp nạn. Rồi sau đó bà mới kiếm tiền trả cho người ta.
"Nói nào ngay, mình được chính quyền địa phương và bà con quan tâm thì rất mừng, giờ đây sau khi tặng 20m² đất làm đường, căn nhà chỉ còn khoảng 40m² nhưng ấm cúng.
Được như vậy cũng là nhờ bà con góp công, góp của, người cho mớ cây, người tặng tấm tôn... Xoay xở tới lui vẫn phải nợ lại 40 triệu đồng. Bà chủ vựa tốt bụng, cho tôi thư thả góp từ từ, 1 triệu đồng/tháng", bà Chính nói thêm.
Tuy cuộc sống chưa thật sự dứt khó khăn, nhưng bà cảm thấy an vui trong tình thương mến của láng giềng. Con cháu bà giờ đây cũng đã gần 30 người, mỗi dịp họp mặt khiến căn nhà nhỏ rộn ràng tiếng cười nói. Niềm vui thanh thản của cụ bà tốt bụng tuổi xế chiều...
Ông Đào Thanh Sang - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mỹ Phú Đông - cho biết bà Nguyễn Thị Chính rất được hàng xóm thương quý. Bà tuổi đã cao nhưng sống lạc quan và nghị lực vươn lên chứ không trông chờ ai.
"Chúng tôi thường ưu tiên tặng bà túi gạo, thùng mì, hàng thiết yếu giúp phần nào giảm bớt gánh nặng. Bà là một trong số ít những vị cao niên trong xã được nhận bằng khen của UBND huyện Thoại Sơn vì sự cống hiến cho lợi ích chung của cộng đồng", ông Sang nói.