'Còn sống là còn trân quý tình đồng đội'

Thứ Năm, 15/07/2021

Hàng năm, ông Nguyễn Đức Nguyên trích 70-100 triệu đồng để chia sẻ khó khăn với những cựu thanh niên xung phong của Q. Tân Bình (TP.HCM), bởi ông tâm niệm "Chúng tôi mãi mãi là đồng đội".

Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Đức Nguyên (sinh năm 1955) hiện là chủ doanh nghiệp Đức Trung. Ông được Trung ương Hội cựu TNXP Việt Nam tuyên dương gương điển hình làm kinh tế giỏi - vì nghĩa tình đồng đội năm 2019.

tnxp-nghia-tinh-bia-phai-1594709585109294870625

Tuổi đôi mươi xung phong vì quê hương

Quê ông Nguyên ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ông có cha đã hi sinh khi tập kết ra Bắc để hoạt động cách mạng. Những người anh của ông cũng lên đường làm bộ đội và hi sinh. Nhà chỉ còn mỗi ông nên mẹ đã đưa ông vào Nam, và rồi ông và mẹ sinh sống, gắn bó với khu vực ngã tư Bảy Hiền của Q. Tân Bình, TP.HCM.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngoài tình nguyện phục vụ địa phương dọn dẹp phố phường, xây dựng đời sống, chàng trai tuổi đôi mươi Nguyễn Đức Nguyên đã xung phong tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP vào năm 1976. Ông được phân về đơn vị C39, Liên đội TNXP Dũng Chí, Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế mới (sau này sáp nhập vào Lực lượng TNXP TP.HCM).

Anh nhiều lần được khen là dũng sĩ đào kênh. Từ đội viên, anh phấn đấu được lên đội phó rồi đội trưởng đội 6 đơn vị tiền trạm (Năm Căn - Cà Mau). Sau đó, anh tham gia phục vụ biên giới chiến trường Tây Nam.

Những ngày cùng đồng đội làm đường, tải đạn cho bộ đội chiến đấu mãi là những dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời người cựu TNXP này. 

"Có những đồng đội tôi mới sáng còn ngồi ăn chén cơm với nhau, nhưng đến trưa đã bị địch phục kích và hi sinh. Chúng tôi không chỉ làm nhiệm vụ tải lương, gùi đạn, làm đường mà còn phải tải thương. Đau lòng nhất là phải bằng mọi cách đưa xác những chiến sĩ đã hi sinh cùng đồng đội TNXP mình đã ngã xuống trở về đất mẹ. Mình còn sống là còn trân quý tình đồng đội", ông Nguyên trầm ngâm kể lại trong niềm xúc động.

Năm 1979 về lại TP.HCM, ông Nguyên được phân công làm trợ lý chính sách thuộc phòng chính trị Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM. Đến tháng 9-1980, ông được cơ quan cử đi học tại Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc). Theo học chuyên ngành cơ khí nên khi về nước năm 1988, ông được phân công phụ trách công tác bảo trì dụng cụ trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Trưng Vương.

Chia sẻ đồng đội còn khó khăn

Năm 2000, ông Nguyên xin nghỉ việc để chờ hưu. Ông mở cơ sở sửa chữa những dụng cụ, thiết bị y tế bằng inox. Dần dần, nhu cầu của các cơ sở y tế, bệnh viện cao hơn, ông lập doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng inox (giường bệnh nhân, băng ca, tủ thuốc…) phục vụ ngành y tế.

"Ban đầu, với số vốn chưa nhiều nên cơ sở còn ít đơn hàng, nhưng nhờ uy tín chất lượng của sản phẩm, tôi mạnh dạn đầu tư nguồn vốn nhiều hơn, vì bệnh viện ở các tỉnh cũng đặt hàng. Tôi tuyển thêm nhân công là con em của những người cựu thanh niên xung phong. Có đứa sau khi làm việc cứng tay nghề đã ra riêng mở cơ sở, rồi lập gia đình ổn định. Thấy được sự ổn định của các cháu, lòng tôi rất vui" - ông Nguyên chia sẻ.

Để giảm chi phí, ông vừa làm chủ vừa là nhân công và kiêm luôn tài xế đi giao nhận hàng hóa. "Điều kiện kinh tế tôi cũng chỉ khá hơn một chút, do vậy mình phải tiết kiệm mới có đồng dư để hỗ trợ quỹ giúp cho đồng đội mình", ông nói. 

Sau những giờ đi họp mặt, thăm đồng đội đau yếu hay đến tận nhà gửi tiền trợ vốn cho những đồng đội khó khăn có phương kế làm ăn, ông về đến xưởng là lao ngay vào công việc.

"Trong Hội Cựu thanh niên xung phong của quận Tân Bình còn nhiều người cũng khó khăn, do vậy tôi giúp được ai là sẵn lòng. Cô Hồng thiếu vốn mở quầy bán nước giải khát, tôi trích quỹ cho cô vay không lấy lãi. Anh em trong hội còn giúp con, cháu của đồng đội bằng những suất học bổng để con cháu họ học hành đến nơi đến chốn, có việc làm, mới mong gia đình họ thoát nghèo bền vững được", ông Nguyên nói như tâm tình.

Ông Nguyễn Cường, chủ tịch Hội Cựu TNXP Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết: "Anh Nguyễn Đức Nguyên là đồng đội với tôi từ ngày đi thanh niên xung phong chung đơn vị. Anh ấy là người luôn gần gũi, chia sẻ với đồng đội. Chúng tôi rất quý  anh ấy vì anh sống rất giản dị, luôn tìm cách giúp đỡ những người đồng đội khó khăn, hoạn nạn. Mỗi năm anh ấy hỗ trợ khoảng 70-100 triệu đồng cho hoạt động vì nghĩa tình đồng đội của quận".

Theo: tuoitre.vn

Liên kết website