Lý Mẩy Hạnh kể cho du khách về hoa văn, họa tiết trên trang phục người Dao - Ảnh: HÀ QUÂN
Gần đến điểm check-in rừng trúc Tả Phìn (bản Tả Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai), một luồng gió mát lạnh ùa đến, "thổi bay" mệt mỏi của du khách khi phải vượt qua con đường mòn chông chênh một bên núi đá, một bên là vực sâu. Tiếng chim rừng hót vui, tiếng lá cây xào xạc xen lẫn tiếng trầm trồ của các bạn trẻ...
Nhìn khuôn mặt tươi vui của Lý Mẩy Hạnh (22 tuổi) khi kể các câu chuyện về rừng trúc, văn hóa người Dao trên Tả Phìn, ít ai biết Hạnh từng là hướng dẫn viên kiêm phiên dịch viên cho các chủ buôn hoa quả dưới TP Lào Cai. Chỉ cần dịch số lượng hàng, đổi nhân dân tệ sang Việt Nam đồng, chốt nội dung hợp đồng... Mẩy Hạnh cũng kiếm được kha khá.
Các thế hệ người Dao trồng và nuôi lớn rừng trúc hàng trăm năm qua, nếu phát triển du lịch thì tiềm năng rất lớn chứ không phải manh mún, tự phát như bây giờ".
LÝ MẨY HẠNH
Thủ thỉ để bà con tin mình
"Mỗi tiếng mình làm phiên dịch tiếng Trung ở dưới TP Lào Cai được trả 500.000 đồng, ngày làm 3-4 tiếng. Công việc chủ yếu là phiên dịch cho các chủ buôn bán hoa quả số lượng hàng, giá tiền, hợp đồng... Đến năm 2019, mình phải về nhà lấy chồng. Được gần nửa năm, kinh tế khó khăn cộng với cuộc sống gò bó ở nhà nên dù có em bé mình vẫn đi Lai Châu, Lào Cai làm phiên dịch, ngày cũng được 600.000 đồng", Mẩy Hạnh tâm sự.
Nửa năm ở nhà cũng là thời gian Mẩy Hạnh suy nghĩ nếu bà con cứ làm lúa, cứ bán mấy món hàng thổ cẩm, lá thuốc thì kinh tế không phát triển được. Đi nhiều nơi, gặp nhiều người, Hạnh nghĩ làm du lịch sẽ giúp người dân trong bản bớt khổ, không phải "thuận theo ông trời", không sợ mất mùa nương nữa.
Tuy vậy, khi nêu kế hoạch, mọi người còn cười: "Mẩy Hạnh nghĩ xa quá, bà con bán lá thảo dược, bán thổ cẩm thì kiếm được nhiều tiền rồi, làm hướng dẫn viên du lịch làm gì nữa".
"Làm giàu bằng du lịch bền vững nghe rất hay nhưng không phải ai cũng hiểu được cách cùng nhau phát triển là như thế nào. Khi tham gia các lớp tập huấn thì cảm thấy không phải cái gì mình bán được giá cao là tốt. Phát triển du lịch, nhưng phải bảo tồn cái bản sắc, văn hóa của chúng mình, như vậy mới lâu dài", Lý Mẩy Hạnh bộc bạch.
Hồi tưởng về năm 2018, Mẩy Hạnh kể mỗi khi thấy đoàn xe khách đi qua, khoảng 20-30 người Dao lại ào tới, người bán thổ cẩm, người bán cây thuốc. Có hôm, bà con không bán được gì còn mắng chửi khách.
"Mình phải thủ thỉ, tâm sự với từng người, nay gặp đầu bản, mai ở lễ mừng nhà mới để rủ mọi người làm du lịch cùng. Lúc không phải dẫn khách, mình hướng dẫn các bạn trẻ tìm hiểu văn hóa chữ Nho, hoa văn họa tiết trên trang phục người Dao để thuyết trình cho khách. Sắp tới, mình sẽ mở lớp đào tạo miễn phí thuyết trình về nền văn hóa, hoa văn người Dao", Mẩy Hạnh nói.
Lan tỏa người Dao
Theo bà Lý Tả Mẩy, giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn, sau khi có hợp tác xã (năm 2019), bà con có tiếng nói chung, hoạt động chung nên không còn cạnh tranh về giá cả, dịch vụ. Thay vì mọi người tăng giá tắm thuốc lá người Dao, dìm giá homestay thì nay đều có quy định chung, nhà mỗi người một vẻ nhưng có sàn chung.
"Sau khi tham gia làm du lịch, tính cộng đồng được nâng lên, bà con thay đổi nhận thức về vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ để đón nhiều du khách hơn", bà Lý Tả Mẩy cho hay.
Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc sơn thủy hữu tình, Tả Phìn còn được mệnh danh là vương quốc thảo dược. Ở đây các cô, cậu bé 7-8 tuổi đã được lên nương cùng ông, bà, cha, mẹ hái thảo dược. Những bài thuốc lá quý giá này đã được người dân ở đây đưa vào mô hình phát triển du lịch.
"Có những bài thảo dược để làm nước tắm, chữa bệnh, thư giãn, phục hồi sức khỏe rất tốt như kèng pi điẳng. Đây là thứ thuốc quý nên chúng mình muốn chia sẻ đến khách trong nước và nước ngoài", Lý Mẩy Hạnh bộc bạch.
Sờ tay vào thân trúc to bằng nắm tay, Mẩy Hạnh kể: "Chúng em vẫn đang để rừng trúc hoang sơ, thô sơ để khách có trải nghiệm hít thở không khí trong này trong lành hơn ở thành phố, thành thị, những nơi ngột ngạt hơn. Giới trẻ đến với rừng trúc này thì hầu như ai cũng có sự ngạc nhiên, ai cũng "wow" tại sao rừng trúc này nó lại dễ thở, đẹp như thế này. Mọi người đều có lời khen, phản hồi riêng cho mình".
Nhờ giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, những ngôi nhà cổ của ông cha nên lượng du khách đến bản Tả Phìn và rừng trúc người Dao rất nhiều, nhất là sau khi du lịch quốc tế mở cửa. Thu nhập của bà con cũng ổn định, đoàn đông thì được trả 600.000 - 700.000 đồng, đoàn ít cũng được 400.000 - 500.000 đồng. Có người cất được nhà mới, sắm được chiếc tivi mới...
"Mình vừa làm thư ký, vừa hướng dẫn viên nên mới đầu vất vả. Các bạn khác trong bản có nét duyên, kỹ năng nhưng chưa tự tin, không thích dẫn khách Việt vì khách Việt kỹ tính, yêu cầu nhiều. Có lần, đoàn khách đang đi rừng trúc thì trời mưa. Nhiều người nói, đổ lỗi cho mình vì không xem thời tiết. Lúc đó, mình chủ động nhận lỗi.
Những khó khăn như thế cũng qua rồi. Giờ chỉ mong có thêm nhiều khách đến đây để bà con có thu nhập ổn định. Nhiều bạn trẻ chăm chỉ học nốt cấp II để đi theo du lịch vì mọi người đều hiểu nếu làm du lịch thì vừa có thu nhập, vừa gìn giữ được văn hóa người Dao", Mẩy Hạnh vui mừng nói.
Được thành lập năm 2019, Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn đã gặp không ít khó khăn khi dịch COVID-19 ập đến, du lịch tại Sa Pa rơi vào thời kỳ "ngủ đông" khi không có khách nội địa lẫn quốc tế. Nhưng đó cũng là cơ hội để hợp tác xã hoàn thiện các dịch vụ du lịch của mình, cho sự trở lại mạnh mẽ trong mùa du lịch năm nay.
Bằng những "cái tâm" của các thành viên nòng cốt, thu nhập của bà con dần ổn định. Hiện hợp tác xã có 38 thành viên tham gia, chủ yếu là các chị em phụ nữ, được chia thành 5 nhóm hoạt động bao gồm: homestay, nhóm hướng dẫn viên bản địa, nhóm trải nghiệm thuốc tắm người Dao, nhóm làng nghề truyền thống và trekking leo núi. Mỗi hộ đều có một thành viên trên 18 tuổi làm nòng cốt. Có hộ có 2-3 thành viên là các bạn trẻ tham gia.
HÀ QUÂN
(tuoitre.vn)