Các bạn trẻ Xanh Phú Yên và thành phẩm sau một chuyến nhặt rác - Ảnh: Q.TÀI
Nửa năm ấy, Tài làm cho đầu cầu Xanh Phú Yên sống động hẳn lên như chia sẻ của chị Nguyễn Ngọc Ánh, người sáng lập Xanh Việt Nam - tổ chức phi lợi nhuận ra đời năm 2019 chuyên hoạt động bảo vệ môi trường hiện có mặt trên cả nước.
Mình đang rất ổn ở thời khắc hiện tại, còn sức tụi mình vẫn còn đi nhặt rác.
LÊ QUÝ TÀI
Lê Quý Tài
Tài có dáng người cao, ốm, da ngăm nhưng gương mặt sáng. Gặp ở giải leo núi Đá Bia (Phú Yên), anh chàng leo khá nhanh nhưng không thi mà chỉ lo nhặt rác.
Hôm đó, Tài cùng các bạn mang xuống chân núi hơn 20kg chai nhựa và rác các loại, bán được 80.000 đồng góp quỹ mua quà cho trẻ vùng cao. Nhiều người mua ve chai biết điều này nên họ còn cho thêm.
Mỗi tháng một lần, nhóm lại lên núi Đá Bia nhặt rác. Bình thường để lên và xuống núi mất chừng bốn tiếng nhưng Tài và các bạn có hôm leo lên xuống hai vòng. Nhờ thế mà ngọn núi cao hơn 700m ấy cũng sạch hơn hẳn.
Xanh Phú Yên hiện có gần 400 thành viên, trẻ nhất sinh năm 2009, lớn nhất đã 60 tuổi, hoạt động khá tích cực, gần như có hoạt động hằng tuần. Chị Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ: "Tài tỏa ra nguồn năng lượng tích cực, không nề hà việc gì. Bạn ấy luôn chủ động nghĩ ra kế hoạch rồi làm, chỉ nhờ Xanh Việt Nam cố vấn thêm chứ không chờ phân công".
Nhưng cậu bạn hay cười ấy cũng có lúc phải đóng cửa khóc một mình thật lâu rồi quyết tâm đứng dậy. Từng tham gia một nhóm thiện nguyện và đi tối ngày nhưng anh phải rời nhóm, kiếm việc làm để "mẹ đỡ lo lắng". Thế rồi lại bén duyên với rác dù mẹ không thích con trai đi lông bông vì "người ta mang tiền về cho mẹ, còn con mình toàn mang rác về nhà".
Sao không nói mẹ lên fanpage Xanh Việt Nam để biết con trai làm gì? Tài thành thật: "Mẹ không biết chữ, chỉ biết bán cá nuôi hai đứa con nên mẹ muốn mình có việc làm ổn định cũng dễ hiểu".
Tài không được học nhiều, làm đủ thứ nghề trong đó có nghề thợ sắt. Bạn kể những điều học được đều do cuộc sống dạy cho. Nhờ đi nhiều, gặp được nhiều người mà Tài nói đã được chỉ bảo nhiều và phát triển hơn.
Tài thật thà khoe trước đây ít kinh nghiệm, có khi làm hăng quá, mới sáng dọn rác ở huyện này thì trưa đã làm ở huyện khác, nên khá đuối. Giờ thiết lập được mạng lưới tình nguyện viên nhiều nơi, ai ở khu vực nào sẽ dọn gần nơi đang sống, đỡ mất công đi lại mà hiệu quả hơn.
Bà La Thị Kim Ánh (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) vẫn thường hỗ trợ kinh phí cho nhóm vì "thấy tụi nhỏ giỏi quá, thương quá, làm nhiều mà không tiền bạc gì". Theo dõi nhiều hoạt động của các bạn, bà Ánh khen Tài chu đáo, lo từng việc nhỏ cho mọi người, đến đi tắm suối còn lo tìm nơi dựng chỗ thay đồ kín đáo cho các bạn nữ, lo hết cho mọi người mới đến mình.
Sau mỗi lần nhặt rác, Tài hay tổ chức sân chơi, quà tặng được làm từ nhựa tái chế, lá cây... để càng gắn kết các thành viên. Phạm Huyền Trang - thành viên Xanh Phú Yên - chia sẻ: "Anh Tài dễ thương, hòa đồng, làm việc chu đáo, luôn truyền năng lượng tích cực đến mọi người. Bạn nào chưa làm nhuần nhuyễn đều được anh hướng dẫn nhiệt tình".
Tài rong ruổi nhiều nơi và đang khởi nghiệp bằng việc tổ chức các chuyến du lịch, dã ngoại lên rừng, xuống suối, vi vu khám phá những nơi còn hoang sơ cho ai có nhu cầu. Nhưng trước hết là các điểm đến đẹp của Phú Yên như Mũi Điện, Bãi Tiên, Suối Mơ, Vực Hòm và không thể thiếu núi Đá Bia.
"Các chuyến du lịch phải thật xanh, không lấy đi gì ngoài những bức ảnh và cũng không để lại gì ngoài những bước chân", Tài cười khoe câu này học lỏm của ai đó để lại trên núi Đá Bia.
Đợt rồi có đoàn tổ chức thi leo núi Đá Bia xong kéo nhau xuống, bỏ lại rất nhiều rác cùng hai băng rôn lớn. Xanh Phú Yên sau đó lên gom xuống chín bao rác. Chai nhựa mang bán, Tài tận dụng lại mặt sau của hai băng rôn, dí dỏm: "May quá, ngay lúc chuẩn bị làm chiến dịch mới, chưa có tiền mua thì nhặt được băng rôn người ta để sẵn lại cho dùng".
Tái sử dụng những thứ người ta bỏ đi là một phần trong suy nghĩ của chàng trai gen Z này. Anh chàng thích làm thủ công từ nguyên liệu tự nhiên hay tái chế. Đến làng chiếu cói, Tài nghĩ ngay việc làm mũ cho các bạn đỡ nắng khi nhặt rác. "Nhặt chai nhựa chỉ bán chai thôi, giữ lại nắp, mượn máy ép làm thành huy hiệu Xanh Phú Yên tặng các bạn làm kỷ niệm" - Tài khoe.
tuoitre.vn